
Suy Niệm Chúa Nhật II - Thường Niên B - Lm Alfonsô

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN (NĂM B)
Bài đọc 1: 1Sm 3,3b-10.19
“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 39,2 và 4ab.7-8a. 8b-9.10
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.– Đáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
Bài đọc II: 1Cr 6,13c-15a,17-20
“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại. Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em. Đó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia (Mt 11,23) – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – Alleluia.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1,35-42)
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, anh ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon em mình trước hết và nói với em: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn em mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm 1
Tác phẩm đầu tay 弦外之音 (Huyền ngoại tri âm) của tác giả Trung Quốc Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ khi được Amunbooks phụ trách xuất bản tại Việt Nam năm 2020 đã đặt tựa sách "Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời" thật ra là một dị bản của hai câu thơ trích từ bài “Treo tình” đăng trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 12/3/2004 của Trần Vương Thuấn với bút danh Thục Linh, khi anh là sinh viên năm thứ III của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM như sau: "Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời". Chỉ một ánh mắt bắt gặp mà say vậy sao?
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, khi Gioan Tẩy Giả đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của mình, trông thấy Chúa Giêsu, liền giới thiệu với họ: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Thánh sử Gioan dùng hình ảnh “nếp sống thường ngày” của vị Tiền hô và các môn đệ để giúp chúng ta liên tưởng đến mỗi buổi sớm mai khi mình thức dậy khởi sự một ngày mới là một điều mới mẻ và kỳ diệu mà Chúa gởi trao.
Với Gioan Tẩy Giả, ánh nhìn khi bắt gặp Chúa Giêsu làm ông khiêm tốn tự xóa nhòa đời mình trước Đấng “Chiên Thiên Chúa” mà ông loan báo. Khơi nguồn của từ này gợi nhớ thời dân Do Thái làm nô lệ Ai Cập. Trong đêm Thiên Chúa giải phóng dân, mỗi gia đình Do Thái giết một con chiên, lấy máu bôi lên cửa nhà mình và ăn bữa tối ấy một cách vội vã để chuẩn bị ra khỏi Ai Cập. Nhờ máu chiên mà dân được cứu khỏi sự chết. Danh này vẫn được chúng ta sử dụng để kêu cầu trong mỗi Thánh lễ: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.”
Hai môn đệ khi được Gioan giới thiệu “Chiên Thiên Chúa”, liền đi theo Chúa Giêsu. Thật là “liều lĩnh” khi theo một người lạ, quả là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng vì họ tin vào thầy của mình là Gioan chỉ dẫn họ bắt đầu một con đường mới, cuộc hành trình vĩ đại bắt đầu mở ra. Cũng như Bài đọc thứ I mà chúng ta nghe, cậu bé Samuel đang ngủ trong đền thờ thì Thiên Chúa gọi cậu 3 lần, cậu chạy đến bên thầy Hêli vì chưa biết đó là tiếng Chúa. Nhưng sau khi được thầy Hêli cho biết đó là tiếng Chúa, Samuel đã mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Chúa chọn Samuel làm thủ lãnh dân Do Thái vì lời đáp ngoan ngoãn và quảng đại của cậu: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”.
Trở lại với cuộc gặp gỡ giữa hai môn đệ với Chúa Giêsu. Câu hỏi của Người rằng “các ngươi tìm gì” nhằm gợi lên cho Anrê và người đồng môn ý thức rõ về điều thực sự họ đang tìm kiếm. Đồng thời, Chúa mời gọi chúng ta khi lắng nghe Lời Chúa, biết đặt lòng mình trước mặt Ngài, xem mình đang tìm Chúa hay đi tìm một lá bùa hộ mệnh, một vận may, một ông thần tài sẵn sàng đáp ứng yêu cầu để đem lại lợi lộc cho ta, một con tỳ hưu giữ của cải cho mình.
Chúa Giêsu không trả lời cho câu hỏi “Thầy ở đâu” như một nơi chốn, một địa danh mà tham quan, nhưng Chúa mời gọi người môn đệ “Đến mà xem” là hướng tới đời sống thân mật, một tương giao thân tình với Chúa mà hôm nay Giáo hội giúp chúng ta bước vào một chuỗi dài các Chúa Nhật thường niên trình bày cho ta cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu. Marchadour nhận xét: “ở lại” trong Tin Mừng của Gioan là một thuật ngữ thần học chỉ sự hoàn tất trong đức Tin, sự gắn bó trọn vẹn vào Người.
Những ánh mắt của ngày hôm ấy tìm gặp nhau đã trở nên một định mệnh, một lịch sử cứu độ. Hoa trái của cuộc gặp gỡ ấy tạo thành một hiệu ứng “domino” khi cái nhìn của Gioan Tẩy Giả nhận ra và nói lên lời ngôn sứ về Đấng Messia, cũng như giới thiệu Chiên Thiên Chúa cho hai môn đệ mình. Rồi tới lượt Anrê và người đồng môn đến ở lại với Chúa. Sau đó, Anrê về gặp Simon em mình liền dẫn ông này đến gặp Chúa mà ông tuyên xưng là “chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và phải chăng cũng chính nhờ lời chứng của các môn đệ đầu tiên đó mà biết bao tín hữu khác, đến lượt mình cũng đã gặp gỡ được Đấng Cứu Chuộc. Như vậy, điều trước hết không phải là đi đâu và làm gì, mà trước tiên phải gặp gỡ được Chúa, nhận biết Người, làm môn đệ của Người, bước vào tương quan thân tình với Người. Sau đó tự khắc chúng ta muốn trở nên nhân chứng của Người.
Thật ấn tượng khi nghiền ngẫm đoạn Lời Chúa hôm nay đó là câu chuyện bắt đầu và kết thúc trên cái nhìn. Cái nhìn ấy không phải là cái nhìn của công nghệ AI vô hồn mà nhiều khi có người lầm tưởng, cái nhìn ấy không phải là cái nhìn một bức phù điểu giúp để nhớ về một vĩ nhân nào đó. Nhưng cái nhìn gặp gỡ ấy in dấu sâm đậm đến nỗi người ta không bao giờ quên được. Đó là những khoảnh khắc sẽ mãi mãi ghi dấu và định hướng cuộc đời con người mà nhiều chục năm sau, thánh sử Gioan vẫn nhớ rất rõ như in “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”. Cái ngày mà cuộc đời của các ông từ đây sẽ rẽ sang một khúc quanh mới. Và chính cái nhìn của Chúa Giêsu trên Phêrô thấu suốt đến tận tâm can, hướng đến tương lai, để từ đó xây dựng Giáo hội của Chúa trên Kêpha đá tảng vững chắc.
“Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh”. Xin Chúa cho chúng con biết tìm gặp Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, nơi tình thương gia đình, nơi sự giúp đỡ tương trợ nhau của đồng loại. Ước gì từ sự gặp gỡ đó, chúng con được biến đổi cuộc đời mình, và làm triển nở tình huynh đệ với nhau. Amen.
Suy niệm 2
Mỗi người là một kiệt tác vô cùng độc đáo mà Thiên Chúa dựng nên. Ngài đã kêu gọi mỗi người làm môn đệ Ngài theo những cách khác nhau. Người được Chúa gọi lập gia đình để cộng tác với Chúa tiếp tục trong công trình tạo dựng, người sống đời độc thân vui tính để loan báo Tin mừng giữa đời, người thì lo cho nước Chúa lớn mạnh trong ơn gọi dâng hiến. Mỗi người đều được Chúa ưu ái chọn gọi để chia sẻ đức tin của mình cho anh chị em.
Bài đọc I trích sách Samuel thuật lại việc cậu bé Samuel sống trong đền thờ với lời hứa của bà Anna mẹ người trước Chúa, vì bà liên lỉ xin Chúa cho bà sanh được một đứa con, bà sẵn sàng dâng đứa duy nhất của mình cho Chúa. Chúa đã đáp lời bà. Đang đêm ngủ trong đền thờ, cậu bé Samuel đã nghe tiếng gọi, mơ mơ màng màng không biết từ đâu, cậu nhanh nhẹn đáp lại bằng cách chạy đến bên thầy cả Hêli. Sau ba lần, thầy cả Hêli giúp cậu nhận ra tiếng Chúa, để rồi cậu đáp lại: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Mỗi người chúng ta được mời gọi hãy tập cho mình có một kinh nghiệm gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa. Muốn thế, chúng ta hãy theo lời dạy của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô. Ngài đã chia sẻ đức tin của mình rằng thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Vậy chúng ta hãy biết gìn giữ thân xác mình được sạch trong, thanh thoát mới có thể dễ dàng đến được với Chúa. Một kinh nghiệm có thể gặp gỡ Chúa mà bài học Gioan Tẩy Giả hôm nay trong đoạn Tin mừng, ngài sẵn sàng chia sẻ đức tin của mình, giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ, chấp nhận việc thất thoát thua thiệt, mất học trò để họ đi tìm chân lý. Sở dĩ Chúa quay lại hỏi họ: Các ông tìm gì? vì ngày nay có những người tìm kiếm theo đuổi những mục tiêu khác nhau nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, thú vui, đam mê… chứ không phải đức tin, không phải chân lý cứu độ.
Với lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ đã tin, nên đã lên đường đến với Chúa Giêsu. “Họ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm đó”, điều này khiến họ đáng được trở nên những tông đồ tiên khởi. Câu nói “Ở lại với Chúa Giêsu”, đồng nghĩa với việc mong muốn tham dự vào sự sống, vào nguồn hạnh phúc, muốn chia vui sẻ buồn với Chúa. Như lời bài hát “Em ơi ở lại” với ca từ “Em ơi em ở lại, ở lại với anh đi em ở lại…”, Chúa Giêsu cũng tha thiết mời gọi chúng ta như thế để có thể khám phá niềm vui kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu đã khiến Anrê, một tâm hồn quảng đại sẵn sàng chia sẻ đức tin của mình với người này người khác. Chính những điều Anrê và các môn đệ nhìn thấy đã thay đổi cuộc đời các ông, và cũng đã làm cho cuộc đời các ông hoàn toàn mới, đã can đảm từ bỏ tất cả để bước theo Đấng mà mình đã có kinh ghiệm về Người, thậm chí dám dùng chính mạng sống minh chứng điều mình đã rao giảng.
Ngày nay, không thiếu những người chính vì có kinh nghiệm thực sự về Chúa Giêsu đã sẵn sàng loan báo Tin mừng. Theo phúc trình thường niên được hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng công bố hôm 30/12, trong năm 2023 trên thế giới có 20 thừa sai bị sát hại, gồm 1 giám mục, 8 linh mục, 2 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 tập sinh và 7 giáo dân. Tất cả họ đã được rửa tội tham gia vào đời sống Giáo hội, đã chết vì bạo lực, chứ không chỉ vì “thù hận đức tin”. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi thành phần Dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo. Một trong những điểm đặc biệt của các nhà truyền giáo bị sát hại trong năm 2023 là những người có một cuộc sống bình thường. Nghĩa là tất cả những vị này, từ giám mục đến giáo dân đã không có những hành động nổi bật gây sự chú ý và trở thành tầm ngắm của một ai đó. Các vị bị sát hại trong khi đang trên đường đến nơi cử hành Thánh lễ, thi hành mục vụ. Những vị khác bị giết trong các cuộc tấn công bạo lực của các nhóm vũ trang, hoặc là nạn nhân của các hành động khủng bố, các vụ nổ súng.
Như ngạn ngữ có câu: “Hãy cho tôi biết anh tiếp xúc với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”. Xin Chúa Giêsu cho mỗi người chúng con thường xuyên tiếp xúc với Chúa, ở lại lâu giờ với Chúa bên Nhà Chầu trong cầu nguyện, sống trong tình thân mật với Người qua lời kinh nguyện ngắm. Nhờ đó, chúng con sẽ dần dần chúng con sẽ được biến đổi, trở nên môn đệ đích thực của Chúa. Amen.