
Suy Niệm Chúa Nhật Thường Niên VIII (Lc 6:39-45) - Alfonso

Lm. Alfonso
Bài đọc I: Hc 27,5-8
“Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói”.
Trích sách Huấn Ca.
Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người. Đó là Lời Chúa.
Đáp ca: Tv 91,2-3.13-14.15-16
Đáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa!
1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Đấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.
2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.
3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!
Bài đọc II: 1Cr 15,54-58
“Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô”.
Trích thư thứ I của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: “Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng”. “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật”. Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa. Đó là Lời Chúa.
Alleluia, alleluia (Lc 19,38): Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. Alleluia.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (6,39-45)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi. “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi. “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm 1
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu chân thành khuyên dạy các môn đệ mình. Với dụ ngôn: “Người mù dắt người mù”.
Mù có thể là về thể lý. Và đương nhiên là người mù mắt cần phải nhờ người sáng mắt dắt đi mới có thể an toàn, giúp mình tránh những hố sâu, nguy hiểm, vì “Người mù dắt người mù, cả hai lăn cù xuống hố”.
Mù thứ hai là mù về tri thức. Chúng ta biết, tri thức là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Học là vấn đề không bao giờ cạn, còn sống ngày nào, phải học ngày đó. Ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chữ “học” được lặp lại bốn lần, cho thấy chúng ta cần luôn học hỏi mọi điều trong cuộc sống, dù là những điều nhỏ nhất từ cách ăn uống đi chăng nữa, hay biết thu nạp điều hay lẽ phải, từng lời nói năng phải biết trau chuốt để cư xử tế nhị văn minh, biết sắp xếp cho cuộc sống mình được dung hòa êm đẹp, bao dung và bác ái với nhau.
Mù thứ ba là mù về cách sống. Cha Ignation Hồ Thông cho biết về tác giả sách Huấn Ca là ông Ben Xira, nhà luân lý lão luyện nhất trong Israel. Tính tình ông cởi mở với thế giới và cũng rất trung thành tuân giữ các giới luật. Là người học rộng biết nhiều, lại rất tán dương các bậc tổ tiên cũng như hãnh diện về những đặc ân của dân Israel, dân của Giao Ước và Minh Triết. Ben Xira không giảng dạy tinh thần anh hùng vì đó không là nhân đức thường ngày. Nhưng bậc hiền nhân lại truyền đạt cho các môn sinh về lời khuyên phải cẩn thận trong lời nói: Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Lời nói bộc lộ bản chất của một người. Qua lời nói, chúng ta có thể biết được người ấy như thế nào. Ông dùng hình ảnh khi người ta sàng, sẽ loại được rác rến, thì nết xấu cũng xuất hiện trong lời nói của một người như vậy. Vì thế mà chúng ta cần phải trở nên gương sáng. Mỗi người chúng ta cần được đào tạo và tự đào luyện mình để dần trở nên một người gương mẫu trong lời ăn nói và cách cư xử.
Nếu như các trường học của chúng ta huấn dạy đạo đức và nét nhân bản cho các học sinh bằng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, thì ở một ngôi trường bên Campuchia nước láng giềng, nhà giáo dục đi xa hơn nữa, khi cho treo tấm bảng ghi bằng tiếng Việt rõ to: “Lương sư, hưng quốc”. Vâng, gương sáng rất cần có của một người mục tử đối với đoàn chiên, của một người tu sĩ với giáo dân, một người thầy cô đối với học trò, một người ông người bà đối với con cháu, người cha người mẹ đối với con cái, người anh người chị đối với đàn em, của một giáo lý viên đối với các em thiếu nhi, của một người trưởng thành đối với thiếu niên… Vậy trước khi làm việc hướng dẫn này, họ phải cẩn thận cho đời sống, cho thanh danh của mình, nhờ đó trở nên gương sáng cho anh chị em mình.
Và cái mù thứ tư là mù về đức tin mà Chúa Giêsu thẳng thắn khuyên dạy các môn đệ Người. Một người có đức tin, có tôn giáo thì sẽ biết mình đang sống dưới bầu trời này, Đấng chúng ta tôn thờ luôn nhìn thấu suốt từng việc lớn nhỏ chúng ta thực hiện, ngay cả những ý tưởng hay những suy tính chỉ mới manh nha. Vậy người có tín ngưỡng có tôn giáo cần dùng con con mắt đức tin, cả khi mắt thể lý khó mà hình dung, để nhận ra sự hiện diện diện của Thiên Chúa mà sống ngay lành, tránh thái độ giả hình giả bộ. Nhờ đời sống tin vào Chúa và ý thức mình sống dưới con mắt của Chúa như ông bà ta hay nói “Trời có mắt, Trời đoán xét” mà trước tiên chúng ta chịu khó xét mình thường xuyên, sửa đổi chính mình thì mới có thể trở nên người đưa lối cho anh chị em của mình đến với Chúa. Và với những ai đã là môn đệ Chúa Kitô, khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức rồi, thì còn có trách nhiệm hướng dẫn người khác cùng nên thánh, trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa dòng đời. Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội biết quan tâm hướng dẫn nhau nên thánh.
Lời giảng dạy của Chúa Giêsu rất bình dân, dễ hình dung bởi để các thế hệ đầu tiên của Kitô giáo nắm giữ và nuôi dưỡng Lời Chúa Giêsu không phải ở trong “sách vở”, nhưng ở trong “ký ức và trong lòng các tín hữu”. Chúa Giêsu dùng sự so sánh cọng rác rến chẳng đáng gì, với cái đà lo tướng là cái giữ cho mái nhà để nhằm nhắc nhở chúng ta cần xem lại nhãn quan mỗi người về tội lỗi, cái sai của người anh em so với tội lỗi và cái sai của chính mình.
Có một điểm yếu kém trong tâm lý con người, chính là chỉ thấy cái sai của người khác mà không thấy cái sai của mình, chỉ muốn cải biến người khác mà không tự mình thay đổi. Người ta ví rằng mỗi người chúng ta trong cuộc sống trần thế này mang hai cái ba lô, một cái là những khuyết điểm và tính xấu của mình đeo sau lưng, và một cái là những tính tốt và ưu điểm của mình thì đeo trước ngực. Trên hành trình trần thế, con mắt chúng ta thường chỉ nhìn thấy được cái ba lô phía trước của mình nên toàn nghĩ mình luôn tốt chứ, và dễ dàng nhìn thấy cái ba lô sau lưng của người khác hơn, đó là những cái xấu và khuyết điểm của anh chị em mình nên dễ nghĩ sai nghĩ xấu về anh chị em. Sống đời sống trong cùng một Giáo hội, lắm lúc chúng ta chỉ trích và than trách hơn là cộng tác, vun đắp cho Giáo hội, nhất là khi người này người kia trong cộng đoàn, kể cả các vị mục tử khi họ không đồng quan điểm với chúng ta về một số điểm nào đó, trong khi lại ít có dịp nhìn lại bản thân và xét mình về những khuyết điểm của mình. Và rồi dầu có thấy cái lỗi của mình thì cũng hết sức giảm nhẹ mức độ của sai lỗi nơi mình một cách hết sức có thể. Chúa Giêsu gọi đó là những cái đà to tướng che mắt của mình khiến mắt mình bị mù trong đức tin, để rồi không đón nhận được ơn Chúa để hồi tâm và hoán cải.
Cuộc sống chung quanh chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa biết bao khi chúng ta tập biết đối xử nghiêm chỉnh với chính mình trước tiên và học biết cảm thông, bao dung hơn với người khác. Vâng, nhân vô thập toàn, ai cũng có những cái tốt và những cái cần sửa đổi. Thế giới này sẽ thay đổi bắt đầu từ sự thay đổi của chính mình, để mỗi ngày chúng ta nên hoàn thiện dần, hầu nên như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Nhờ đó, chúng ta mau mắn cải thiện mình, đồng nhịp với việc cải thiện tha nhân. Như nhà thần học Hugues Cousin đã viết: “Sống đức tin là một cuộc chuẩn bị lâu dài để nên hoàn thiện” (được đào tạo chu đáo) theo câu ai cũng có thể hoán cải, thay đổi lối sống.
Lạy Chúa Giêsu, như lời Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Nếu chúng ta bỏ cứ dành thời gian tìm kiếm cái sai của người khác, chúng ta sẽ chẳng còn thời giờ yêu thương họ.” Xin cho con dành nhiều thời giờ hơn để xét mình và hoán cải lương tri. Đó là cách con đang học biết sống hiệp thông, tham gia, và thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Amen.
Suy niệm 2:
Trong cuộc sống, khi có dịp tụ lại với nhau ở nhà hay hàng quán, ngồi bên ly nước chén trà, người ta dễ kiếm câu chuyện làm quà. Và trong những cuộc chuyện vãn ấy, người ta hay khoe những điều tốt của bản thân, còn với những cái dở hoặc khuyết điểm của mình thì cố giấu cho bằng được. Thế nhưng, người ta lại thích bơi móc nhau, nhất là nói xấu người vắng mặt. Những khuynh hướng đoán xét vốn có nơi mỗi người chúng ta, lại lấy cớ là nhận định, góp ý, là hệ quả của một thái độ ganh tị, ghen tức, muốn hơn thua.
Vì thế, Bài đọc I trích sách Huấn Ca hôm nay giúp chúng ta học được những giáo huấn khôn ngoan. Khi chưa tìm hiểu kỹ càng, chúng ta sẽ dễ có những thiên kiến sai lệch về một người hay một việc nào đó. Cho nên chúng ta cần lắng nghe, đừng kết luận điều gì quá vội. Triết gia Socrate nói rằng: “Trời ban cho chúng ta có hai lỗ tai, hai con mắt, nhưng có một cái miệng và một cái lưỡi để chúng ta cần nhìn rõ hơn, nghe nhiều hơn và nói ít hơn”. Nếu chúng ta không thể nói tốt về người khác, thì tốt hơn hết, chúng ta hãy thinh lặng, hãy xin Chúa biến đổi anh chị em và biến đổi cả chúng ta nữa. Và để trước tiên chính chúng ta được biến đổi, chúng ta cần được Lời Chúa khai sáng.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ rõ một thực tế rất thông thường, con người ta dễ thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác hơn là thấy cái xà to tướng nằm ngay trong mắt mình. Chúng ta dễ nhận ra sai sót của người khác hơn là nhận ra khuyết điểm của bản thân. Đó là do chúng ta dễ dãi với bản thân nhưng lại khắt khe với người khác. Đây là căn bệnh mù quáng trong nhận thức, sẽ dẫn đến cái nhìn thiển cận.
Cho nên, nếu không lo huấn luyện lương tâm, nhận thức thì chúng ta sẽ như người mù vậy, và “Mù mà dắt mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố”, đó là chuyện tất nhiên thôi. Nhưng nếu mắt không mù mà lại bị những chướng ngại vật trong mắt làm chúng ta có cái nhìn méo mó, sai lệch thì cần “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”. Làm sao chúng ta có thể dẫn đường cho người khác, nếu chúng ta chưa thông suốt.
Chuyện nồi cơm của Khổng tử:
Thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, dân chúng phiêu bạt điêu linh. Thầy trò Khổng Tử đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi nhưng không một ai kêu than, thoái chí. Trong đám đồ đệ có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò thân tín nhất. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc nấu cơm.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi nấu cơm ở nhà bếp, Khổng Tử đang nằm đọc sách đối diện với nhà bếp, chỉ cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở nắp nồi, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy nắp lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng. Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài: “Chao ôi! Học trò ta tin tưởng nhất mà lại đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!” Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác đem rau về. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử dùng cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, trong hoàn cảnh đói khổ này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, yêu thương đùm bọc nhau. Hôm nay, bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến tổ tiên và quê hương nước Lỗ. Cho nên thầy muốn xới một chén cơm để cúng cha mẹ thầy, nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.” Rồi Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở nắp nồi ra xới, chẳng may một cơn gió tạt ngang, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Song, con lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô tình làm mất một phần ăn. Vì thế, con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và anh em. Vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa. Và nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ! Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà chưa chắc đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Chúng ta được chỉ bảo dùng Tin mừng giúp mở mắt Kitô hữu để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu không để cho Tin mừng soi dẫn, người môn đệ sẽ mãi mãi tiếp tục số kiếp mù lòa tăm tối. Nếu không có ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, chúng ta sẽ không có lòng nhân từ như Cha trên trời. Mà chính sức mạnh của lòng nhân từ mới có sức biến đổi lòng con người với nhau. Vậy chúng ta hãy tập cho mình có cái nhìn tốt về người khác, chúng ta mới suy nghĩ tốt và rồi mới nói tốt về người khác.
Lạy Chúa, với lời cầu nguyện của thánh Augustinô: "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con" cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng con. Xin cho con nhận ra lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa; và biết ý thức về sự yếu đuối của mình, nhờ đó chúng con cũng biết rộng lượng trong cách đối xử với anh chị em như vậy. Amen.