Header

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay (Lc 15:1-3.11-23) Năm C - Lm. Alfonso

avatarby
26/03/2022
1.4K
Theo truyền thống Đông phương, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã khuất. Việc con cái tự ý xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống chẳng khác nào trù cho cha mẹ chết sớm, điều này chẳng thể hiện lòng hiếu để gì. Vậy mà với đề nghị của người con út: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”, người cha sẵn sàng chia gia tài cho cả hai đứa con của mình.

Suy niệm Lời Chúa
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm c
Ngày 06/3/2022

Lc 15,1-3.11-32

Bài Ðọc I: Gs 5, 9a.10-12

"Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua".

Trích sách Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai Cập khỏi các ngươi!" Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33,2-3.4-5.6-7

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c.9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. 

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Bài Ðọc II: 2Cr 5,17-21

"Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình".

Trích thư thứ II của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa. Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (15,1-3.11-32)

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giày vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. "Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là Chúa Nhật của niềm vui, linh mục mặc chiếc áo lễ Hồng để bày tỏ niềm hạnh phúc của người tín hữu vì được niếm hưởng tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho con người.

Bài đọc I trích sách Giôsuê đã cho chúng ta thấy, dân Do Thái giờ đây họ đã được vào đất hứa, đã được ăn mừng lễ Vượt Qua trong an bình, tự do và sung sướng nơi đất Canaan. Dẫu vậy, cái quá khứ buồn tủi, đớn đau và tội lỗi hằn sâu trong ký ức vì bị nô lệ bên Ai Cập khiến lòng họ không thể xóa nhòa được. Vì thế mà Chúa đã nói với ông Giôsuê cũng như với dân Do Thái hôm nay: Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai Cập khỏi các ngươi!” Nghĩa là Chúa không muốn dân Người tủi thân, nhưng hãy tiến bước theo sự hướng dẫn của Chúa. Hãy vui lên vì Thiên Chúa đã giữ lời hứa. Lịch sử đã sang trang, một kỷ nguyên mới bắt đầu đối với họ, được tiếp nối bằng kỷ nguyên của cuộc đời tự do và an cư lạc nghiệp.

Tiếp nối sứ điệp này, trong bài đọc II trích thơ gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô van nài tất cả chúng ta hãy trở về làm hòa với Chúa trong bí tích Giải tội , vì Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Tình thương và sự làm hòa của Thiên Chúa được thể hiện cao trào qua chương 15 của Tin mừng theo thánh Luca. Đây được xem là chìa khóa của toàn bộ Tin mừng Luca diễn tả một Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu cách nhưng không của người cha dành cho con cái. Người ta gọi đây là chuyện ngắn vĩ đại nhất thế giới, xoay quanh nhân vật chính là người cha nhân lành. Thánh sử Luca đã khởi đầu câu chuyện như sau: “Một người kia có hai đứa con trai”. Đây là một câu chuyện thường được thể hiện trong nhiều gia đình.

Theo truyền thống Đông phương, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã khuất. Việc con cái tự ý xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống chẳng khác nào trù cho cha mẹ chết sớm, điều này chẳng thể hiện lòng hiếu để gì. Vậy mà với đề nghị của người con út: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”, người cha sẵn sàng chia gia tài cho cả hai đứa con của mình. 

Người con út ảo tưởng sức mạnh ở nơi của cải anh được chia, thế là chẳng mấy hôm, anh ra đi để sống tự do, xây lâu đài cát theo sở thích của mình. Và rồi anh mau chóng khánh kiệt vì cuộc sống phóng đãng. Anh phải làm công ở đất khách quê người, phải “chăn heo” cho chủ, điều mà đối với một người Do Thái, đây là công việc hèn hạ vì heo là một con vật dơ nhớp đối với Do Thái giáo. Anh còn rơi xuống đến tận cảnh cùng khốn của mình, không chỉ về phương diện vật chất mà còn cả về phương diện phẩm giá: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”. Bị cái đói giày vò, người con út mới nghĩ đến việc trở về nhà cha mình.

Lý do thúc đẩy cậu lê bước trở về chẳng có gì là cao thượng cả, chẳng qua chỉ vì tình thế chẳng đặng đừng: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” Vâng, chỉ cần con người đứng dậy và quay gót trở về, Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha tội lỗi, dẫu rằng sự trở về ấy chẳng phải là một điều hoàn toàn thiện ý, nhưng đó là bước đầu của cuộc hoán cải trở về cùng Cha.

Thánh sử Luca đã tế nhị cho thấy nỗi lòng của người cha tựa cửa mong ngóng con trở về từng ngày, kể từ ngày con mình cất bước ra đi. Vì thế mà khi thấy bóng dáng của con ông còn thấp thoáng từ xa, ông đã nhận ra cậu. Bốn động từ được Luca dùng nối tiếp nhau: Trông thấy – chạnh lòng thương – chạy ra ôm cổ con – hôn lấy hôn để đứa con trai. Người cha đã vượt quá khuôn phép uy nghiêm của một người cha già Á Đông “kính nhi viễn chi”. Các cử chỉ của ông như một đứa trẻ: trông ngóng, chạy ra, ôm hôn. Giờ chúng ta có thể hiểu được phần nào câu ca dao Việt Nam “Tình cha cao vút như vầng Thái Sơn”, tình thương phụ tử đã khiến ông tha thứ cho người con đi hoang ngay cả trước khi cậu ngỏ lời xin tha thứ.

Trong khi người con soạn thảo một đoạn dài dòng những lời nó sẽ trình bày việc nó hối hận trở về và chỉ mong được đối xử như một người làm công cũng được, thì người cha đã ngăn những lời ấy phát ra từ miệng người con. Ông trả lại địa vị làm con của cậu: cho mặc áo đẹp nhất để thay thế bộ quần áo rách tả tơi của kẻ bần cùng, xỏ chiếc nhẫn vào tay để chỉ địa vị cao quý trong xã hội, cho mang đôi dép vào chân để chỉ cậu không còn là người làm thuê hay kẻ nô lệ nữa, bởi vì từ nay đứa con trở về không chỉ được phục hồi nhân phẩm của mình, nhưng cũng được tôn trọng và có địa vị như xưa. Ông còn tổ chức một bữa tiệc để cả nhà cùng chia sẻ niềm vui đoàn tụ. Lý do mà người cha đưa ra để vui mừng, đó là: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt. Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ. Vì theo một nhà chú giải Kinh thánh ví trừng phạt giống như dội một thùng nước lên que củi sắp tàn, kết quả là ngọn lửa tắt ngúm. Còn tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa sắp tắt, giúp cho ngọn lửa lại bùng lên. 

Nếu như ông đối xử tốt với đứa con út hoang đàng thế nào, thì ông cũng yêu thương đứa con còn lại như thế không kém. Đoạn văn cho biết người anh từ ngoài đồng về đến nhà trong lúc cuộc vui đang diễn ra. Nghe trong nhà có tiếng nhạc mừng, anh tìm hiểu đầu đuôi sự việc, rồi sắc mặt anh chuyển từ ngạc nhiên sang giận dữ. Chúng ta có thể tưởng tượng đôi mắt anh lúc nãy tròn xoe ngơ ngác thì giờ đang đăm đăm nhíu mày như hình viên đạn, cái miệng anh lúc nãy há hốc ngạc nhiên thì giờ đây đang bặm môi tức tối. Với đứa con bất bao dung cho lầm lỗi của người khác như người con cả, thánh sử Luca lại tiếp tục những hành động không thường thấy của một người cha Đông phương, khi ông ra năn nỉ, xin anh ta vào. Hà tất ông phải làm như thế? Lại một lần nữa, người cha đã vượt qua mọi lễ giáo, sẵn sàng hạ mình với con, ông nói với cậu bằng một cung giọng nhất mực trìu mến. Ông yêu thương hai đứa con mình như nhau và muốn giúp cậu khám phá chiều kích tình yêu này.

Không như người con út đi hoang, người con cả ở lại trong nhà cha nhưng anh chỉ ở lại trong thân xác, còn tâm hồn anh lại đang đi hoang. Có thể thấy qua việc anh đã suy nghĩ và xử sự thật không khác một người làm công, chuyên cần chăm chỉ, gọi dạ bảo vâng. Anh không thể hiểu được tình thương cha con lòng cạnh lòng, trong khi đó, anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của quyền lợi và nghĩa vụ, của mệnh lệnh và phần thưởng, vô tình và xa lạ, giới hạn trong mối tương quan chủ - tớ. Anh còn tự đào một hố sâu ngăn cách với đứa em khi dùng những lời lẽ: “Còn thằng con của cha kia”, anh cũng không ngần ngại xét đoán về người anh em mình “sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Có phải khi anh cắt đứt mối tương giao ruột rà với đứa em, thì vô tình anh cũng đang cắt đứt mối tương giao máu mủ phụ tử với cha mình không!

Chúng ta có thể tự hào rằng mình không đi hoang như người con út, tuy nhiên có lắm lúc chúng ta lại sống mối tương quan với Chúa như người con cả. Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nhìn lại đời sống mình xem có lúc nào chúng ta đối xử với Thiên Chúa như vậy không, đi lễ giữ đạo cho có, kèo nài trả giá với Chúa từng phút, đối xử với anh chị em mình như người dưng nước lã, ganh ghét tị nạnh hơn thua từng chút, sống loại trừ người xung quanh, luôn xem mình là độc tôn, vẫn không muốn đón nhận người anh chị em quanh mình để cộng tác, chia sẻ, thậm chí sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi hám càng sâu hơn nữa với ý nghĩ “chết mày chưa, cho mày chừa”.

Tấm lòng của người cha thật bao dung tốt lành. Một lần nữa, ông lại phải dở bữa tiệc để bước ra tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả “trở về”. Để đáp lại lời trách cứ của người con cả: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”, người cha trả lời: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha” như một lời nhắc khéo cho cậu hiểu điều mà ông cần là “tình cha con” chứ không phải là “nghĩa chủ tớ”. Để đáp lại lời trách cứ của cậu về một con dê con để ăn mừng với chúng bạn chỉ là niềm ước mơ, người cha trả lời: “Tất cả những gì của cha đều là của con”. Để đáp lại thái độ dứt tình đoạn nghĩa của cậu đối với người em hoang đàng: “Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”, người cha từ tốn trả lời: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Câu chuyện dụ ngôn này được đọc trong Mùa Chay Thánh không chỉ mời gọi những tội nhân mà cả những người tự cho mình công chính cũng cần đến việc ăn năn sám hối, vì điều Thiên Chúa cần ở nơi mỗi người chúng ta là tấm lòng của người con đối với Cha trên trời của mình và tình nghĩa anh em trong tình yêu của Cha. Đoạn dụ ngôn để ngỏ phần cuối để mỗi người chúng ta tự điền tiếp cho mình về phần kết câu chuyện. Huguses Cousin kết luận: “Thính giả là độc giả hãy đặt mình vào vị trí của người anh: chính tôi sẽ ưng thuận lời thỉnh cầu của người cha hay không? Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu cho thấy dù chúng ta là con út hay con cả, thì mình vẫn cần trở về. Nếu người con út cần một cuộc trở về thì người con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em mình. Hãy mau chóng ăn năn sám hối và trở về vì lòng Chúa thật bao dung.

Richard Pindell có viết một câu chuyện ngắn về một cậu bé tên là David. Cậu ta đã nghe theo chúng bạn lén về nhà ăn cắp một số tiền lớn rồi bỏ đi bụi đời. Mấy tháng sau, vì không chịu nổi hoàn cảnh đói khát khổ cực, cậu đã viết một lá thư gửi về cho mẹ. Trong thư, cậu tỏ ra hối lỗi và nhờ mẹ thuyết phục ông bố vốn rất khiêm khắc, để xin ông tha tội và cho cậu được về nhà sum họp với cha mẹ như trước. Nội dung lá thư ấy như sau: “Mẹ kính yêu, trong một vài ngày nữa con sẽ đáp chuyến xe lửa ngang qua nhà mình. Vậy nhờ mẹ xin lỗi bố cho con. Nếu bố bằng lòng tha thứ và chấp nhận cho con về nhà, thì xin mẹ yêu cầu bố hãy cột một miếng vải trắng trên cây táo hồng ở cạnh nhà mình mẹ nhé!”.

Vài ngày sau, Đavid lên xe lửa để trở về nhà. Khi xe lửa đang di chuyển đến gần nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong tâm trí cậu bé Đavid: Lúc thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, lúc lại chẳng thấy có miếng vải nào cả. Khi sắp đi ngang qua nhà, trái tim Đavid đập nhanh hơn. Cậu quay sang người ngồi cạnh và ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể giúp cháu việc này không ạ?” Được ông đồng ý, cậu nói: “Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Vậy phiền ông nhìn vào cây táo ấy và cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng nào không nhé?”. Khi xe lửa ầm ầm lướt nhanh qua nhà, Đevít nhắm mắt lại rồi run giọng hỏi: “Thưa ông, có miếng vải trắng nào treo trên cành cây táo cạnh nhà cháu không ạ?” Ông ta sửng sốt trả lời rằng: “Ô, này cậu bé, không phải chỉ một mà cành cây nào ta cũng thấy có cột vải trắng cả!” Thì ra sợ con trai không nhìn thấy giải vải trắng, ông bố của cậu bé đã treo thật nhiều vải trắng để chắc chắn cậu sẽ nhìn thấy dấu hiệu tình thương tha thứ để cậu yên tâm trở về.

Lạy Chúa, các vị thánh làm chứng về ân sủng và lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn những người tội lỗi thì làm chứng về tình thương và lòng thương xót của Ngài. Xin Chúa cho chúng con nhận ra mình cần phải và mau chóng trở về làm hòa với Chúa và anh chị em. Amen.

Suy niệm 2

Theo truyền thống phụng vụ của Giáo hội Công Giáo, Chúa Nhật IV Mùa Chay là Chúa Nhật của niềm vui, hay còn gọi là Chúa Nhật Letare. Letare là chữ đầu của bài Ca Nhập Lễ trích từ sách ngôn sứ Isaia 66,10-11: “Vui lên nào Giêrusalem hỡi…”. Niềm vui của Chúa Nhật IV Mùa Chay là đã đi được nửa chặng đường của việc giữ Mùa Chay Thánh…

Bài đọc I mời gọi hãy vui lên vì Thiên Chúa đã cho Dân Người tiến vào đất mà Thiên Chúa đã hứa. Một kỷ nguyên mới bắt đầu đối với dân Do Thái. Niềm vui ấy được tiến triển trong Tân ước. Bài đọc II cho chúng ta thấy, nhờ Chúa Kitô mà con người được hòa giải với Thiên Chúa Cha.

Thực ra, người cha người mẹ nào cũng mong muốn con cái thành người, sống đúng với Đạo Trời. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ chứ chưa nghĩ về việc con cái có thể phụng dưỡng được mình hay không. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho chúng ta hình ảnh về một gia đình người cha nhân hậu đối xử với hai đứa con trai đáng cho chúng ta liên hệ về chính mình.

Theo truyền thống văn hóa Á Châu, con cái chỉ đề cập đến việc chia gia tài khi cha mẹ đã qua đời, hoặc nếu khi cha mẹ còn sống thì chính người cha người mẹ muốn chia gia sản cho con cái mới là lẽ thường. Còn việc con cái đề nghị cha mẹ chia gia tài ngay lúc các ngài còn sống thì chẳng khác gì trù cho cha mẹ chết, và sẽ bị xem là nghịch tử. Dầu vậy, người cha trong đoạn Tin mừng vẫn rất mực thương con, sẵn sàng chấp nhận đề nghị của con, ông chia cho cả hai đứa con.

Nhận được gia tài, thay vì phụng dưỡng cha, người con út để mặc người cha già lủi thủi ở nhà. Nó trẩy đi phương xa ăn chơi trác táng. Đến khi hết tiền hết bạc, nó phải chăn heo, loại động vật mà văn hóa Do Thái xem là dơ bẩn và họ không chăn heo và cũng không ăn thịt heo bao giờ. Người con út lâm vào cảnh cùng khốn của mình, không chỉ về phương diện vật chất mà còn cả về phương diện phẩm giá: “Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho.” Hậu quả của việc phung phí gia sản đã dẫn người con đến sự cùng tận của kiếp người, sống không ra người.

Người con út dự tính trở về mái nhà của cha không phải vì thương cha mà là vì miếng ăn: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” Lúc gặp khốn cùng, con người mới nghĩ về Thiên Chúa, chạy đến với Ngài. Nhưng lắm khi những điều con người ta suy tính trong lòng chỉ là vụ lợi, việc cất bước trở về chẳng có gì là cao thượng. Dẫu vậy, Thiên Chúa chấp nhận một cuộc trở về không hoàn hảo, vì Ngài có thể vẽ đường thẳng từ những đường cong.

Lẽ thường của một người cha hẳn là rất giận đứa con, có thể không nhìn mặt, hay ít ra cũng chửi cho nó một trận. Nhưng người cha trong câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta cảm nghiệm về một Thiên Chúa nhân từ đến tột cùng. “Anh ta còn ở đằng xa, cha anh chợt trông thấy, liền động lòng thương” Từ khi đứa con ra đi khỏi nhà cha, hằng ngày người cha tựa cửa mong ngóng đứa con trở về, và còn ra cả góc phố đi đi lại lại trông đợi con và hy vọng con sẽ quay về. Vì thế, khi thấy bóng dáng của người con còn thấp thoáng từ xa, ông đã trông thấy. Đoạn Tin mừng mô tả người cha “chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để”. Đâu rồi một người cha theo văn hóa Đông Phương với định kiến “kính nhi viễn chi”, nào là phải có vẻ mặt cương quyết, khuôn phép uy nghiêm, cử chỉ từ tốn. Nhưng không, người cha chạy tới ôm con như một đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về, tiếng nói của con tim khiến ông bỏ qua mọi khuôn phép vốn có.

Người con út dự định một bài diễn văn thật dài gồm hai phần: phần thứ nhất là “con đáng tội với trời và với cha, con không đáng được gọi là con cha nữa” , và phần thứ hai là “xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” . Quả thật, tục ngữ có câu: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nhưng dầu người con cái trong gia đình có như thế nào thì đối với cha mẹ, con vẫn là con, vẫn là đứa trẻ non nớt mà mình phải bao bọc. Chính vì thế mà người cha đã cắt ngang, không cho anh nói phần thứ hai để tránh cho anh sự nhục nhã, và cũng để cho thấy lòng tha thứ vô điều kiện của ông đối với con mình. Còn tế nhị hơn nữa, ông phục hồi lại địa vị làm con của người con út: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” Việc người con trở về đáng để vui mừng: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Ông sẵn sang thứ tha để mở cánh cửa cho con mình trở thành một con người mới, có một khởi đầu lại.

Liệu người cha có thiên vị tình thương dành cho người con út không? Người con cả nghĩ như thế, nên anh căm phẩn trách cứ cha. Hẳn là chúng ta cũng đồng cảm với người anh. Nhưng cùng nghe kỹ lại xem: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè”. Những lời trách cứ này là những lời đạo mạo của người Pharisêu tự kiêu xem mình tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, coi mình tốt lành và sẵn sàng lên án tội lỗi của người khác một cách không thương tiếc. Người con cả sống với cha nhưng anh đâu coi ông là cha của mình mà như tương quan ông chủ với đầy tớ, vâng lời cha mà như là thi hành lệnh của chủ, sống với cha mà đếm từng năm tháng, và kể công trách móc cha.

Tệ hơn nữa, anh dùng từ “còn thằng con của cha kia”, vì tính ghen tỵ nhỏ nhen, anh sẵn sàng cắt đứt tình anh em với người em mình khi nó hoạn nạn, điều này cũng đồng nghĩa với việc anh cắt đứt tình cha con. Anh đang ở nhà đó, nhưng lòng anh đã ra đi, vì thế anh cũng cần phải sám hối và quay về.

Cách xử sự của người cha dành cho người con út đi hoang thế nào thì ông cũng xử sự bao dung với đứa con cả ganh tỵ như thế. Với giọng nhất mực trìu mến, người cha nói với con đầy tâm tình: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”. Đây là một lời đầy tế nhị để nhắc khéo cho cậu rằng ông cần “tình cha con” chứ không phải là “nghĩa chủ tớ”. Ông yêu thương, chẳng tiếc gì với con út, thì cũng vậy, những gì của ông cũng là của con cả.

Xét mình trong mùa Chay Thánh này, chúng ta nhận thấy dáng vấp của chúng ta trong hình ảnh của người con út. Được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa qua gia đình, xóm làng, đồng nghiệp, giáo xứ, nhưng chúng ta vẫn cố tình “đi hoang” khi chúng ta làm biếng cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, lại phạm tội trọng mất lòng Chúa. Có khi chúng ta thấy dáng vấp của chúng ta nơi người con cả kiêu ngạo, ích kỷ, xét đoán, nói xấu, ghen ghét anh chị em mình. Nhiều lúc chúng ta cũng tưởng rằng mình đang giữ đạo rất tốt, tham dự Thánh lễ Chúa nhật đều đặn, giữ Mười Điều Răn chỉ vì sợ Chúa phạt… Chúng ta cần nhìn lại thái độ sống của mình với Chúa trong tương quan cha-con hơn là nghĩ đến việc xét xử, bằng không chúng ta chỉ sống giữ luật vì sợ sệt hơn là yêu mến.

Người cha năn nỉ người con cả bước vào tham dự niềm vui đoàn tụ. Vậy chúng ta hãy tự trả lời cho câu hỏi: Người con cả có chịu bước vào nhà không? Mùa Chay là mùa hoán cải, mùa trở về. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta mạnh dạn đứng dậy và quyết tâm trở về với Chúa, làm hòa với anh chị em, nối lại sự nguội lạnh trong đời sống gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, giữa tình anh chị em với nhau. Amen.

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT