Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C | Lc 9,28b-36 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
15/03/2025
406
Thiên Chúa qua gương mặt của Chúa Giêsu cũng chờ đợi nhiều nơi các môn đệ theo Người. Thánh sử Luca không ít lần ghi nhận việc Chúa Giêsu tìm sự cô tịch, vắng vẻ có thể gặp gỡ thân mật với Chúa Cha trong cầu nguyện. Trình thuật Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, nơi mà Người đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacôbê đi với Người, và có hai vị đại diện của Cựu Ước cũng hiện ra đàm đạo với Người...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - NĂM C

Bài đọc I: St 15, 5-12. 17-18

"Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.

Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai Cập cho đến sông Euphrát". Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26,1.7-8a.8b-9abc.13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c.1a)

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta".

Xướng: Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con. 

Xướng: Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! 

Bài Ðọc II: Pl 3,17-4,1

"Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".

Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.

Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa. Ðó là lời Chúa.

Câu xướng trước Tin Mừng: Mt 17,5

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9,28b-36)

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môisen và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Trình thuật Sáng Thế kể về việc Tổ phụ Abraham được kể là công chính vì ông đã già mà chưa có mụn con nào nối dòng. Thế mà ông vẫn đặt trọn niềm tin vào lời Thiên Chúa hứa ban cho ông về một dòng dõi: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao. Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Thiên Chúa còn đóng ấn lời cam kết long trọng bởi phép lạ cho một một khối lửa băng qua giữa những phần con vật hy lễ được chia đôi. Đây cũng là lần đầu tiên trong Cựu Ước xuất hiện động từ “tin” dành để nói đến thái độ của Tổ phụ Abraham được kể là công chính vì đã tin vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng gọi Abraham là cha của những kẻ tin vì tổ phụ đã sống một lòng một dạ son sắt với những gì Thiên Chúa chờ đợi.

Thiên Chúa qua gương mặt của Chúa Giêsu cũng chờ đợi nhiều nơi các môn đệ theo Người. Thánh sử Luca không ít lần ghi nhận việc Chúa Giêsu tìm sự cô tịch, vắng vẻ có thể gặp gỡ thân mật với Chúa Cha trong cầu nguyện. Trình thuật Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, nơi mà Người đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacôbê đi với Người, và có hai vị đại diện của Cựu Ước cũng hiện ra đàm đạo với Người.

Trong Cựu Ước, Môisen gặp Chúa ở núi Sinai, ông tượng trưng cho Lề luật. Chính ông đã được Thiên Chúa cho thấy bụi gai bốc cháy mà không bị tàn lụi. Ông được Chúa sai thực hiện một cuộc xuất hành dẫn dân ra khỏi ách nô lệ sự chết bên Ai Cập để tiến qua biển Đỏ ráo chân. Còn Êlia gặp Chúa ở núi Khorep, ông tượng trưng cho các tiên tri. Êlia được đưa về trời bằng cỗ xe và vẫn sống, báo trước sự Thăng thiên của Chúa Giêsu. Hai bậc vị vọng của Cựu Ước này nay hiện đến uy nghi đàm đạo với Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chỉ mình thánh sử Luca cho chúng ta biết đề tài cuộc đàm đạo, họ thảo luận về sự ra đi (exodos) của chính Chúa Giêsu, đó là “nói về sự chết của Chúa Giêsu sẽ thực hiện tại Giêrusalem”. Con đường mà Đấng Cứu Thế đi đó là “bước vào trong vinh quang ngang qua cái chết”.

Biến hình được coi là một trong năm cột mốc của cuộc đời Chúa Giêsu theo các Tin mừng, bên cạnh việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, chịu đóng đinh, phục sinh và thăng thiên. Chúa Giêsu mạc khải cho Phêrô, Gioan và Giacôbê thấy trước vinh quang của Người qua gương mặt sáng chói rạng ngời. Đây là khoảnh khắc mà bản tính thần linh của Chúa Giêsu thể hiện trong bản tính con người, trong thân xác của Người. Nhờ biến cố Chúa mạc khải cho con người “thấy trước” thân xác được vinh hiển của Người mà ba môn đệ thân tín sau này sẽ không nản lòng tin và bị vỡ mộng khi chứng kiến Thầy mình bị bắt nơi vườn Dầu, khi thấy gương mặt thâm bầm sưng súp bị vả, bị phỉ nhổ, bị sỉ nhục và bị đòn vọt trong cuộc khổ nạn của Người.

Chứng kiến cảnh tượng hớp hồn này, Phêrô lên tiếng nói: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. Jean-luc Vesco chú giải như sau: “Định mệnh của trò cũng như của Thầy sẽ trải qua hai giai đoạn, một giai đoạn khổ đau, một giai đoạn vinh quang. Các môn đệ khó mà hiểu được giai đoạn một. Các ông chỉ muốn ở lại trên núi, chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, các ông sợ phải đón nhận con đường khổ nạn mà Thầy sẽ phải đi, càng sợ hơn nữa khi chính mình cũng phải đặt bước chân theo sau Thầy như thế.

Hiểu thấu được tâm tư của con người, tiếng Chúa Cha từ đám mây trên trời cao phán xuống để khích lệ các tông đồ của Chúa Giêsu: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Con đường mà Chúa Giêsu đi không phải là đưa đến sự chết, mà là qua sự chết để tiến vào vinh quang. Vậy những ai muốn theo Con của Ngài đừng chọn đi trên một con đường dễ giải nhưng hãy “tự bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo. Người môn đệ Chúa phải nối kết vận mệnh của mình vào cuộc Khổ nạn là Phục Sinh của Thầy. Hai khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ không thể tách rời.

Thánh Phaolô là người đã dùng chính kinh nghiệm bước theo Chúa Kitô để khuyên nhủ các giáo đoàn mà đọc II chúng ta vừa nghe: cuộc Biến hình của Chúa Giêsu loan báo cuộc “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”, đó là đích đến của lộ trình của người môn đệ. Mùa Chay không phải chỉ là thời gian sám hối ăn năn mà còn là thời gian nhận biết và biến đổi mình để có thể đón nhận con đường Chúa mời gọi chúng ta bước theo Người. Đã có biết bao người nổi tiếng hay vô danh, đã được “biến hình”, biến đổi con người đời sống của mình, biểu lộ đức tin Kitô giáo nơi bản thân với một lòng can đảm, qua sức mạnh tình yêu, qua sự hy sinh trong đời sống thường ngày của họ.

Ngôi sao tỏa sáng được kể đến là cô Clare Crockett người Bắc Ireland. Khi còn là một thiếu nữ, cô mơ ước trở thành một diễn viên Hollywood. Cô có tất cả những phẩm chất của một ngôi sao: tài năng, sự quyến rũ, sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực truyền hình và sân khấu. Nhưng đời sống đạo của cô lại khô khan. Sau khi chịu phép Thêm Sức, cô dường như không tới nhà thờ, bỏ các bí tích, sống lêu lổng, quan hệ tình dục bừa bãi, rượu chè, hút xách và thích có mặt trong các hộp đêm. Ngày nọ, một người bạn đã thúc giục cô dự chuyến hành hương ở Tây Ban Nha trong vài ngày dù bản thân cô không hề muốn. Đến phần Suy tôn Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh, cô xếp hàng lên như mọi người, đi đến bàn thờ và hôn chiếc đinh đóng vào chân Chúa Giêsu, bỗng dưng cô khóc và thì thầm: “Ngài đã chết vì tôi. Ngài yêu thương tôi! Tại sao trước đây chẳng có ai nói với tôi điều này?” Cô được đánh động và nhận ra trước nay mình đang lãng phí cuộc đời mình. Cô bắt đầu xin tham gia như một thỉnh sinh của Dòng Nữ tu Tôi tớ Nhà Mẹ (the Servant Sisters of the Home of the Mother) và trở thành Soeur Clare Crockett truyền giáo giữa những người nghèo ở Ecuador. Cô viết trong email gởi cha Rafael Alonso, sáng lập nhà dòng như sau: “Mặc dù Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày buồn, nhưng con không sao giải thích được niềm vui và mong muốn nhiệt thành mà con có để được chịu đau khổ vì Chúa. Việc thiếu nghỉ ngơi, ăn chay, cái nóng, phải lắng nghe mọi người... Mọi thứ dường như nhỏ bé đối với con khiến cho con tràn ngập niềm vui, bởi vì điều đó giúp con gần gũi với Chúa”. Soeur Clare đã “được biến hình” và trở nên một ngôi sao tỏa sáng của Thiên Chúa khi qua đời ở tuổi 33 trong trận động đất khủng khiếp khi đang loan báo Tin mừng ở Ecuador.

Lạy Chúa, Mùa Chay không phải chỉ là một mùa sám hối ăn năn mà còn là một dịp để Chúa mời gọi con “biến hình”. Sự biến hình ấy là ơn Chúa biến đổi con và cũng mời gọi con một quyết tâm đổi mới đời sống, nhận biết giá trị của mầu nhiệm của Thập giá Chúa sẽ dẫn con đến vinh quang. Từ đó, con cũng biết kiên nhẫn trước những khó khăn thử thách và tin rằng đó là con đường Chúa dẫn con đến vinh quang. Amen

CHIA SẺ BÀI VIẾT