
Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C | Lc 9,28b-36 | Lm Alfonsô

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY - NĂM C
Bài đọc 1: Xh 3,1-8A.13-15
“Ðấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môisen chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môisen nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”. Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môisen! Môisen!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môisen che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai Cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai Cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”. Môisen thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môisen: “Ta là Ðấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”. Thiên Chúa lại nói với Môisen: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”. Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Xướng: Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
Xướng: Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môisen được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.
Bài đọc II: 1Cr 10,1-6.10-12
“Ðời sống dân chúng đối với Môisen trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môisen mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa. Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Ðó là lời Chúa.
Câu xướng trước Tin Mừng: 2Cr 6,2
Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13,1-9).
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”. Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến những sự đổi thay của giáo phận về việc nhiệm kỳ mới của Hội đồng giáo xứ, hay mặt hành chính của đất nước ảnh hưởng tới việc giấy tờ thủ tục, hoặc những bước đi của các tổ chức quốc gia về việc tìm kiếm hòa bình ở Đông Âu, Trung Đông hay vùng biển Đông, hay bàn cờ thế giới xoay trục về lục địa Á Châu, việc tăng thuế quan, giá vàng cao ngất ngưỡng làm ảnh hưởng cả bà bán rau, ông bán bắp nướng… Và rồi không chỉ các bà tụm ba tụm năm ở chợ búa để bình phẩm điều này, xầm xì điều kia, mà cả các ông cũng tụm năm tụm bảy ở các quán cà phê ý kiến thế này, chê bai thế nọ, đánh giá thế kia… từ chính trị, xã hội và cả tôn giáo cũng không từ. Mọi thứ đều là đề tài để có dịp cho con người ta buôn điều bán chuyện. Cho nên nơi nào đó có “sáng kiến” bày biện bàn cà phê sáng cuối tuần để nắm thông tin tình hình trong nhà ngoài phố. Chắc từ “họp chợ” không phải ghép tự từ việc bàn họp ở nơi chợ trời như vậy.
Ngày xửa ngày xưa ở đất nước Do Thái, vào thời Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ, có những sự kiện này kia được người ta bàn tán nổi như cồn. Và khi kể lại sự kiện này cho Chúa Giêsu, họ cũng muốn biết lập trường và thái độ của Người thế nào? Song, Chúa Giêsu khước từ bày tỏ lập trường về mặt chính trị, hay những bình phẩm về sự việc trần gian. Chúa Giêsu dần dẫn dắt người ta quan tâm đến mặt tâm linh, vì nó quan trọng hơn, đem lại sự sống đời đời hơn là chuyện sống nay chết mai ở cõi đời tạm này. Người lấy ví dụ để cho họ tự trả lời xem có phải mấy người xứ Galilê bị ngược đãi, bị quan Philatô giết như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Hay chuyện “mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư?” Người đời thường có suy nghĩ và gắn một cái nhãn mác thành kiến rằng những thử thách hay tai ương xảy đến cho một người là do người đó làm ác và như trời trừng phạt cho kẻ đó. Để rồi nhiều khi tự chúng ta an tâm rằng mình còn sống còn tốt chán là do chắc mình sống công chính.
Chắc hẳn chúng ta từng nhớ trận bão Yagi lịch sử tháng 9/2024 đã khiến cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sập, cuốn trôi nhiều phương tiện xe cộ và nhiều người bị trôi xa hàng cây số, trong đó có một dì phước đang chạy xe honda đi lễ. Họ chết như vậy có phải do họ tội lỗi hơn chúng ta không? Không, đau khổ không phải do Thiên Chúa gởi đến! Nhưng người đời thường hay đổi lỗi cho ông trời, nào là tại trời mưa lớn, tại lũ, tại nước chảy xiết…, và Chúa bị xem là nguyên nhân đệ nhất. Còn có những “nguyên nhân đệ nhị” mà con người ta và người thực thi pháp luật ít khi xét đến.
Chúa Giêsu mời gọi mỗi người trở về với lương tâm của mình. Và một sự kiện, biến cố xảy ra nơi này kia đối với người này người nọ, hay những thử thách, tai ương xảy ra trong cuộc sống mà qua đó như một lời cảnh báo giúp chúng ta học cách đổi mới đời sống, sống cho ngay chính, sống cho có tâm. Chúng ta để ý câu Người kết luận: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy!” Nhà chú giải Noel Quesson cho chúng ta biết Không phải cái chết sinh lý mà chúng ta nhận thấy hằng ngày xung quanh mình, mà là cái chết khác có tính nhiệm mầu do tội lỗi gây ra. Và Chúa Giêsu khẳng định có một cái chết khác, đó là sự hư mất đời đời. Mà Thiên Chúa không ngừng cho ta cơ hội canh tân đời sống mình.
Một Thiên Chúa được mạc khải cho con người là một Đấng nghiêm minh là thế. Dẫu vậy, Ngài còn là Đấng luôn động lòng trắc ẩn. Ngài chạnh lòng trước cảnh cùng khốn của dân khi nghe tiếng dân kêu than vì bị áp bức. Ngài đã sai Môisen ra đi giải phóng dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ, đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật. Một Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương được thể hiện rõ nét qua dụ ngôn cây vả. Nó được trồng trong vườn nho chủ đã ba năm nay rồi mà vẫn không cho lấy một trái nào. Chủ thấy cây vả sống hại đất của vườn nho nên đề nghị chặt đi chứ để làm gì. Nhưng người làm vườn xin gia hạn cho nó thêm năm nay nữa. Ông kỳ vọng vào cây vả bằng cách vun xới chung quanh, và bón phân cho nó, may chăng năm sau đậu trái, nếu không thì chủ hẵn chặt nó đi. Là một lương y, lối trình thuật Tin mừng của Luca về Thiên Chúa là một Đấng giàu lòng thương xót. Như người làm vườn tiếp tục hy vọng và chờ đợi nơi cây vả, để rồi tiếp tục vun xới, bón phân, Chúa Giêsu cũng cho biết Người đến không phải vì những nguội công chính, mà vì các tội nhân. Và Người yêu thương nhân loại đến cùng, như tình cha nghĩa mẹ dành trọn tình thương cho con cái mình như vậy.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ một sự việc đau lòng liên quan đến vụ việc người mẹ bị con trai tạt xăng châm lửa đốt ở Trà Vinh cuối tháng 2/2025 vừa qua. Hàng xóm lại can cũng không được. Người mẹ chạy trốn, đứa con vẫn đuổi theo đánh và còn cầm chậu bông quăng vào đầu. Bà được đưa vào bệnh viện với một thân thể cháy đen, bỏng rộp khắp thân thể. Trên giường bệnh, toàn thân bà gần như bị băng bó kín. Bà giao tiếp được nhưng nói chuyện khá khó khăn. Dầu vậy, khi được hỏi với cách hành xử của đứa con, bà có hận nó không, bà rất tỉnh táo, cho biết: "Tôi không bao giờ giận con. Có làm gì đi nữa thì nó cũng là con mình. Chắc nó đi làm vất vả thời gian dài nên bị áp lực, trầm cảm, hoặc bị "vật". Chứ nó hiền ngoan lắm, đâu có như vậy…"
Lạy Chúa, biết bao lần con đã sám hối tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống cho đẹp lòng Chúa, nhưng rồi con lại lỗi phạm và Chúa lại kiên nhẫn chờ đợi con qua bí tích Giải tội để được giao hòa với Chúa. Xin ban ơn thêm sức để Mùa Chay Thánh này là một mùa hồng ân cho con được thực tâm trở về với Chúa là cha giàu lòng xót thương. Amen.