Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành | Ga 10,27-30 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
10/05/2025
191
Hôm nay, hiệp thông với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Chúa nhật thứ IV Phục sinh, còn được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn Thiên Triệu. Nhu cầu linh mục và tu sĩ là những người dấn thân ra đi loan báo Tin mừng thật cấp bách như đồng lúa chín vàng tới mùa thu hoạch mà đang khi đó lạ thiếu thợ gặt, Giáo hội lại thiếu các Ơn gọi tu trì...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH - CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Bài Ðọc I: Cv 13,14.43-52

"Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do Thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa. Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do Thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng. Những người Do Thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c.3c)

Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. 

Bài Ðọc II: Kh 7,9.14b-17

"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".

Trích sách Khải Huyền của thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.

Và một bô lão đã nói với tôi: "Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ. Ðó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! (Ga 10,14)-Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". Alleluia.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (10,27-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một". Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Mỗi một dân tộc đều dùng những linh vật tượng trưng cho dân tộc mình. Người Pháp là hình ảnh “con gà”, người Mỹ là “đại bàng”, người Úc là “kangaroo”, người Singapore là “sư tử”, người Việt là “con Rồng cháu tiên”, người Do Thái là “con chiên”. Kitô giáo khởi đi từ Do Thái giáo nên cũng được gọi là con chiên của Chúa. Con chiên là hình ảnh tượng trưng Chúa Giêsu. Trong bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu cùng với các Tông đồ ngay dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái làm chúng ta nhớ lại hình ảnh con chiên sát tế trong cuộc Vượt Qua mà máu chiên được bôi lên cửa sẽ không bị chết tiên báo về Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa chịu hiến tế để cứu nhân loại. Thêm vào đó, các Kitô hữu cũng được gọi là đàn chiên của Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành. Con chiên còn được đề cập tới những người hiền lành, đạo đức với dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa tách chiên ra khỏi dê: chiên ở bên phải, còn dê ở bên trái. Người Công giáo rất tự hào vì mình là con chiên của Chúa, con chiên ngoan đạo.

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách để trở nên chiên của Chúa. 

Trước tiên là “Nghe”: muốn nói đến thái độ biết lắng nghe, chú tâm đến những lời Chúa răn dạy. Lắng nghe, đó là khởi sự của lòng tin, là dấu chỉ của tình yêu đích thực. 

Kế đến là “Biết”: động từ “biết” theo Kinh Thánh hàm chứa chuyển động của cả trí tuệ lẫn con tim, có một sự hỗ tương giữa người mục tử và đoàn chiên; sự hiểu biết này dẫn đến niềm tin tưởng phó thác: “Tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

Sau là “Theo”: xuyên suốt Tin Mừng, động từ “theo” định nghĩa thái độ căn bản của người môn đệ, gắn bó với con người Đức Kitô bằng một sự tự do hoàn toàn, tự nguyện dấn thân để tôn thờ một mình Người. 

Như thị kiến mà sách Khải Huyền mô tả Con Chiên là Đức Kitô như Người Mục Tử ở giữa những người được tuyển chọn, ân cần trao ban sự sống đời đời cho đoàn chiên của mình. Đoàn chiên sẽ nhận được sự bảo đảm từ nơi Chúa Giêsu: Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Con người được Chúa Giêsu thông truyền sự sống thần linh mà nhờ đó được sống vĩnh cửu, được Người bảo vệ nên không thế lực sự dữ nào cướp mất được.

Và chúng ta còn xác quyết một điều không kém phần quan trọng đó là như Chúa Giêsu luôn liên kết và nên một với Cha, thì Người cũng muốn chúng ta nên một với Chúa và với nhau. Ngay cả trên bình diện nhân loại, con người chúng ta có tính xã hội, ai ai cũng cần có cộng đoàn. Người không muốn ai theo Người phải đơn độc nhưng được sống trong cộng đoàn, trong sự liên đới với nhau, mà đàn chiên là hình ảnh của nếp sống cộng đoàn. Chúng ta không thể thuộc về Chúa Giêsu mà lại muốn mình là một con chiên lập dị, không thuộc về đoàn chiên của Người.

Trong cộng đoàn, chúng ta tìm được sự nâng đỡ, khuyến khích và tình thân. Như bài đọc thứ I thuộc về phần thứ hai sách Công Vụ Tông Đồ (từ chương 13-28) nêu bật dung mạo thánh Phaolô. Khi nhận ra cuộc hoán cải chân thành của Phaolô, thánh Banaba đã bảo lãnh ngài trước các Tông Đồ, cho Phaolô được bước vào cộng đoàn Kitô hữu. Hai vị thực hiện một sự đột phá lớn trong công việc truyền giáo, trước việc dân Israel từ khước đón nhận Tin mừng, những mục tử nhân lành như Phaolô và Banaba còn gọi là Giôxep không thối chí, mà quay ra rao giảng Tin Mừng cho thế giới lương dân ở Antiôkia miền Pixiđia, công bố ơn cứu độ phổ quát cho muôn người.

Hôm nay, hiệp thông với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Chúa nhật thứ IV Phục sinh, còn được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn Thiên Triệu. Nhu cầu linh mục và tu sĩ là những người dấn thân ra đi loan báo Tin mừng thật cấp bách như đồng lúa chín vàng tới mùa thu hoạch mà đang khi đó lạ thiếu thợ gặt, Giáo hội lại thiếu các Ơn gọi tu trì. Rất nhiều họ đạo không có linh mục, nhiều vùng truyền giáo thiếu vắng các vị thừa sai, các tu sĩ. Đức Tân Giáo hoàng Lêo thứ XIV ngài không được truyền thông biết đến nhiều, cũng chẳng nổi trội gì lắm ở tại giáo triều, nhưng được các vị Hồng y trong mật nghị đa số bầu chọn vì ngài là một nhà truyền giáo thực thụ. Chấp nhận không đặt chân vào trường đại học Harard danh giá để trở thành một tu sĩ truyền giáo ở vùng Peru Châu Mỹ Latinh, xắn tay áo như thợ gặt lành nghề rao giảng Tin mừng bằng những hành động cụ thể cho cư dân địa phương một cách miệt mài dẫu nắng hay mưa. Chúng ta cũng cầu xin cho có nhiều thanh thiếu niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.

Hôm nay cũng là tuần thứ II của tháng 5, nhiều nơi trên thế giới mừng Mother’s Day “Ngày của Mẹ”. Người cha người mẹ cũng là những người mục tử chăm sóc đàn chiên bé nhỏ là gia đình mình. Cha mẹ nào cũng mong muốn cho con cái mình được lắng nghe lời dạy bảo của cha mẹ, được biết tâm tư cha mẹ, thấu hiểu lòng cha mẹ, và sống theo những gì cha mẹ mong mỏi con cái nên người. Một phóng viên hỏi danh thủ Cristiano Ronaldo: Tại sao lớn tuổi rồi mà bạn vẫn sống với mẹ? CR7 trả lời: “Mẹ tôi đã nuôi nấng tôi, hy sinh cuộc đời vì tôi. Bà ấy ngủ đói để tôi có cái ăn vào ban đêm. Chúng tôi không có tiền. Mẹ tôi làm việc 7 ngày một tuần và buổi tối làm thêm công việc dọn dẹp để giúp tôi mua bóng tập đá, để tôi có thể nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Tất cả thành công của tôi đều dành riêng cho bà. Và chỉ cần tôi còn sống, bà sẽ luôn ở bên cạnh tôi và có mọi thứ tôi có thể cho bà. Mẹ tôi là nơi nương tựa và là món quà lớn nhất của tôi. Tôi thiết nghĩ, tiền không làm nên người giàu. Trên thực tế, có một số người nghèo đến nỗi tất cả những gì họ có chỉ là tiền. Sự giàu có thực sự được tìm thấy trong lòng biết ơn đối với những món quà và phước lành của cuộc sống.

Lạy Chúa, hôm nay là ngày cầu xin Ơn Thiên Triệu, chúng con nài xin Thiên Chúa ban cho có thêm các mục tử tốt lành “như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15). Như lời Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp Ơn gọi 2025, mọi ơn gọi đều là dấu chỉ hy vọng mà Thiên Chúa dành cho thế giới và cho con cái của Người. Ngài mời gọi các bạn trẻ lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn, trở thành những chứng nhân của hy vọng, những người tuyên bố bằng cuộc sống của họ rằng việc theo Chúa Kitô là nguồn mạch của niềm vui. Xin cho những người sống ơn gọi Dâng hiến luôn có một tình yêu đến cùng cho Thiên Chúa và cho con người cách vô vị lợi giúp các mục tử không còn gì hối tiếc vì đã hết mình cho sứ vụ. Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT