Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh - Năm C | Mt 2,1-12 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
04/01/2025
258
Thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ. Con số ba theo truyền thống là do ba lễ vật quý giá tiến dâng lên cho Chúa Kitô. Về việc trình bày các Đạo sĩ đầu đội vương miện, cưỡi trên lưng lạc đà là hình ảnh mà tiên tri Isaia đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH - NĂM C

Bài đọc I: Is 60,1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:

Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Đáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Đáp.

Bài đọc II: Ep 3,2-3a.5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! (Mt 2, 2) – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 2,1-12)

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình. Đó là lời Chúa.

Suy niệm

Lễ Hiển Linh là một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Lễ này còn được nhiều người biết đến với tên gọi là lễ Ba Vua. Vào thế kỷ thứ III và IV, trong khi ở Tây phương, lễ Giáng Sinh được cố định vào ngày 25 tháng 12 nhằm tiết Đông chí nhằm để thay thế các cuộc lễ ngoại giáo mừng sự trở lại của Mặt trời và Ánh sáng, thì bên Đông phương, lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng, trùng hợp với ngày lễ rất cổ xưa của người ngoại giáo tôn vinh thần Mặt Trời tại Ai Cập và Ả Rập, tương tự với ngày Đông chí ở Roma. Lễ Hiển Linh trong phụng vụ Roma mang thông điệp chính là việc Chúa Kitô tỏ mình ra cho mọi dân tộc, Kitô giáo cũng như dân ngoại, biểu trưng qua hình ảnh các đạo sĩ được biết Người với tư cách là Thiên Chúa, là Con Người và là Vua.

Kinh Thánh chỉ nói các đạo sĩ từ phương Đông đến kính viếng Vua dân Do Thái. Nhưng chính xác họ là những ai? Người ta cho rằng họ là các thành viên của một trong sáu giai cấp xứ Ba Tư cổ xưa. Những người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” này vừa là tư tế, vừa là nhà chiêm tinh, có học thức cao, kiến thức về khoa học rất rộng và chuyên giải thích các giấc mộng của vùng Babylon. Trong nhiều xứ sở, họ là cố vấn của triều đình. Hơn nữa, quan niệm rất phổ thông trong thế giới cổ đại là có một sự tương quan giữa con người và vị trí của những vì sao trên bầu trời. Cho nên, với các vị đạo sĩ, việc trên trời xuất hiện một hiện tượng thiên văn bất thường là dấu hiệu của một biến cố lịch sử quan trọng như ngày chào đời của một bậc vị vọng.

Thánh sử Matthêu không nêu con số chính xác các Đạo sĩ. Con số ba theo truyền thống là do ba lễ vật quý giá tiến dâng lên cho Chúa Kitô. Về việc trình bày các Đạo sĩ đầu đội vương miện, cưỡi trên lưng lạc đà là hình ảnh mà tiên tri Isaia đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (…) Những lạc đà một bướu từ xứ Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa” (Is 60,1-6).

Những từ mà Matthêu dùng để nói về lễ Giáng sinh rất ngắn ngủi, chẳng hạn “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê”. Thánh sử ít chú ý đến diễn tiến sự kiện cho bằng cốt yếu trình bày cho độc giả ý nghĩa của việc hạ sinh. Ngài so sánh sự đối lập giữa hai danh hiệu: vua Hêrôđê so với Vua dân Do Thái.

Lịch sử cho biết vua Hêrôđê không phải dòng dõi Do Thái, mà là người gốc Iđumêa (miền Nam nước Do Thái). Được đế quốc Roma đặt làm vua Do Thái. Vốn tánh đa nghi, cả đời bị ám ảnh sợ truất ngôi nên ông luôn sống trong sự bất an vì thấy chỗ nào cũng có âm mưu. Trong khi đó, các nhà đạo sĩ ban đầu dùng luận lý và trí khôn của con người, tiến thẳng tới Giêrusalem trung tâm của thế giới Do Thái, vì cứ ngỡ rằng vua Do Thái mới ra đời dĩ nhiên là sinh ra trong cung điện Hêrôđê, nên các ông đơn sơ kể lại sự xuất hiện của ngôi sao lạ ở Đông phương khiến họ lên đường đến Giêrusalem. Họ hỏi cho ra rằng “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu để chúng tôi đến triều bái Người”. Họ đâu biết rằng những lời này càng khiến Hêrôđê thêm tức tối. Vì thế mà ngay tức khắc, Hêrôđê triệu vời tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân để tra coi nơi mà Đức Kitô sinh hạ.

Về phần các Kinh sư và luật sĩ, khi tâu nhà vua y những lời trong Kinh Thánh: “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta” thì đáng lẽ ra những người am tường Kinh Thánh này phải là những người đầu tiên nhận ra Đấng Mêsia, mau mắn đón tiếp và quy phục Người là Đấng Cứu Tinh cho họ chứ. Nhưng không, họ đã khước từ Người. Lời tiên tri với họ vẫn mãi là những con chữ, nét bút trên mặt giấy mà thôi.

Còn vị bạo vương đầy in trí ấy với tai tiếng máu lạnh, đã từng cho giết chết ba người con trai, bà mẹ vợ và thậm chí chính người vợ của mình vì lo sợ họ “dòm ngó” ngai vàng của mình. Hêrôđê ra vẻ tốt lành, phái các đạo sĩ hãy tiếp tục đi Bêlem kèm theo lời dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái Người”. Nhưng đằng sau, ông dùng thuyết âm mưu ngấm ngầm cho người lần theo dấu vết các đạo sĩ hòng tiêu diệt mầm mống khiến ông ăn không ngon ngủ không yên kể từ khi nghe biết về Hài Nhi. Ông không ngần ngại ra lệnh cho sát hại các con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại Bêlem và cả vùng phụ cận một cách không thương tiếc, với phương châm “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” Hoàng Tử Hòa Bình ngay từ trong trứng nước.

Cùng lúc đó, những nhà chiêm tinh ngoại giáo dù không được chuẩn bị tâm hồn bao nhiêu để nhận biết Đấng Cứu Thế, vậy mà họ lại đi tìm kiếm để bái thờ Người. Với niềm tin vào Đấng Cứu Tinh, họ tiếp tục lên đường. Và họ hết sức vui mừng khi ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Hành động ba vua bỏ kinh thành Giêrusalem để tiến vào nơi hang đá Bêlem heo hút nghèo hèn, và quỳ rạp xuống sụp lạy Hài Nhi non nớt và yếu ớt nằm trong máng cỏ bò lừa, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược chỉ có thể hiểu được khi đặt trong cái nhìn của đức tin.

Nhà chú giải Noel Quession cho biết rằng sự thành tâm của các đạo sĩ đã được ánh sao dẫn tới ngay hang đá Bêlem. Lễ vật các đạo sĩ dâng cho Chúa Kitô đã mạc khải cách biểu trưng về ý nghĩa của ngày lễ Hiển Linh: “Được Ngôi sao đưa đường đến tận nhà Giacóp, đến với Đấng Emmanuel, qua lễ vật dâng tiến, họ muốn bày tỏ Đấng mà họ thờ lạy là ai: với Vàng thì đó là Vua mà triều đại của Ngài không bao giờ chấm dứt; với Nhũ Hương thì đó là Thiên Chúa được nhìn nhận ở xứ Giuđê đồng thời cũng là Đấng tỏ mình cho những ai không tìm thấy Ngài”; với Mộc Dược biểu trưng cho Đấng phải chết và chịu mai táng vì nhân loại phải chết.

Với Đại lễ chúng ta mừng kính hôm nay là Lễ Họ, Lễ Cầu cho Giáo dân, trong Năm Thánh 2025, chúng ta cũng hãy là những người hành hương hy vọng kiếm tìm Thiên Chúa bằng cả khối óc lẫn con tim. Cũng như các Đạo sĩ là những người thông thái, nhờ kiến thức và sự tính toán mà họ có thể khám phá ra Ngôi Sao dẫn đưa họ đến tận hang đá. Nhưng đồng thời họ biết lắng nghe các nhà chuyên môn về Kinh Thánh, khiêm tốn để đón nhận sự sự mạc khải của Thiên Chúa. Nhờ thế mà họ mới có thể cúi xuống triều yết Hài Nhi trong máng cỏ đơn nghèo là một Minh Quân Cứu Tinh nhân loại. Cũng thế, với Thông điệp Đức tin và Lý trí (Fides et Ratio), đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ II cho chúng ta biết Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, ngõ hầu khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình.

Lạy Chúa, thử thách đối với đức tin như gió đối với lửa: gió thổi tắt lửa yếu ớt, nhưng làm phừng sáng lên ngọn lửa ấm hồng. Điều quan trọng là chúng con cần biết can đảm và bền chí như ba vị vua không bỏ cuộc khi đi tìm Chúa dẫu có những hiểm nguy rình rập. Có những lúc dường như ánh sao soi đường như vụt tắt, đó là những thử thách trong cuộc sống, không phải là Thiên Chúa bỏ rơi con người, mà là những cơ hội để con người chứng minh phẩm chất niềm tin. Đức tin không lệ thuộc vào sự xa hoa tráng lệ, sự giàu sang phú quý nhưng đức tin cần được khám phá trong sự khiêm tốn đón nhận. Để rồi với đức tin vững chắc vào Chúa, chúng con cũng biết mỗi ngày trở nên như những nhà chiêm tinh, đem Chúa đến cho anh chị em mình. Lạy Chúa, món quà của lòng thành mà con có thể dâng lên Chúa để đáp lại tình thương của Ngài là món quà của việc đem Chúa là nguồn bình an đến cho người chưa nhận biết Chúa để Người luôn là nguồn bình an. Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT