Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - Năm C | Lc 6,27-38 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
22/02/2025
321
Chúng ta không nên lý giải theo mặt chữ và theo đường lối chính thống những lời ấy của ngôn ngữ Do Thái, như thể thật sự phải đưa má trái cho người đã vả má phải của mình: “Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.”

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Bài đọc I: 1Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

"Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay".

Trích sách Samuel quyển thứ I.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavíd. Ban đêm Ðavíd và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông. Abisai liền nói với Ðavíd rằng: "Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai". Nhưng Ðavíd nói với Abisai rằng: "Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?" Rồi Ðavíd lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say. Ðavíd sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: "Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu". Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c.8a)

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. 

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. 

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. 

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1Cr 15, 45-49

"Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy".

Trích thơ thứ I của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy. Ðó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! Ga 6, 64b và 69b

Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (6,27-38)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Đất nước Myanmar đang bất ổn, người dân Myanmar đang sống trong bối cảnh bạo lực lan tràn, khi các cuộc đụng độ giữa lực lượng dân quân phe đối lập và quân đội Myanmar nắm chính quyền đang diễn ra ác liệt và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Theo Vatican News cho biết, vào ngày 14/2/2025 vừa qua, cha Donald Martin, 44 tuổi, linh mục triều của Tổng giáo phận Mandalay, là linh mục Công giáo người Myanmar đầu tiên bị sát hại trong cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra tại đất nước này. Một số giáo dân phát hiện thi thể của ngài nằm sõng soài, bị chặt và biến dạng, trong khuôn viên giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức, nơi ngài đang làm cha sở. Trong thời gian chiến tranh dân sự đang diễn ra, Cha Donald Martin với đức tin và sự vâng phục, đã nhiệt thành thực thi sứ vụ mục tử, ban các bí tích trong giáo xứ và cố gắng ở bên cạnh cộng đồng đang đau khổ. Như nhiều linh mục khác, ngài cũng dấn thân vào công tác cứu trợ nhân đạo cho những người di tản khắp nơi trong vùng, mang đến cho họ sự an ủi thiêng liêng và hỗ trợ vật chất.

Sống chung trên quả địa cầu bé nhỏ này, chúng ta nhận ra rằng khi chiến tranh diễn ra, sẽ không còn có chuyện bên thắng bên thua nữa, mà cả hai bên sẽ đều thua cuộc, vì biết bao nhiêu người đổ máu, nhân loại bị tổn thương, và rộng hơn nữa và cả hành tinh xanh này sẽ mang màu sắc u ám.

Bài đọc I trích sách Samuel kể lại việc vua Saolê hay còn gọi là Saun cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ trên đường lùng bắt Đavid, đêm xuống họ tạm đóng quân dựng lều.. Người tùy tùng Abisai thấy đây là dịp may hiếm có khi đoàn quân ngủ mê mệt nên mách Đavid hãy hạ sát vua Saun chỉ bằng một mũi giáo. Nhưng rồi Ðavíd đã tha mạng cho kẻ đang truy sát mình bằng cách chỉ lấy đi cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saun và rút êm. Đavid tin rằng không được ra tay chống lại người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong. Ông trông cậy vào nơi Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, sẽ trả lẽ cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ. Sang phía bên kia, Đavid hô lớn bảo vua thức dậy cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Saun cảm phục và thừa nhận Đavíd là người sau này sẽ hoàn thành nghiệp lớn.

Hình ảnh vua Đavid tiên trưng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẵn sàng yêu đến cùng và tha thứ. Điều hoàn toàn mới mẻ của Tin Mừng nằm trong các lệnh truyền mà Chúa Giêsu ban cho những ai chấp nhận lắng nghe Người dạy: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.” Điều này cũng trở nên đặc tính của Kitô giáo, một tình yêu thương đại đồng không loại trừ một ai.

Chú giải của Noel Quesson cho biết từ “kẻ thù” mà Chúa Giêsu sử dụng là một từ rất mạnh có nguy cơ bị hiểu sai và chống chế. Người ta thoáng nghe sẽ phản ứng rằng “Tôi làm gì có kẻ thù”. Song, Chúa Giêsu đã cẩn thận đưa ra các ví dụ không hạn chế về kẻ thù: Những ai ghét tôi, những ai nói xấu nguyền rủa tôi, những ai vu khống tôi… Khi lắng nghe những lời này, trong đầu chúng ta sẽ hiện lên những cái tên và những khuôn mặt nào đây. Có thể là những người phê bình, chọc tức, những ai không đồng tình với tôi, công kích tôi, những ai mà tôi không ưng, không hài lòng về họ, những nhóm người không suy nghĩ như tôi. Đó quả là một cuộc cách mạng to lớn trên thế giới, nếu mỗi Kitô hữu bắt đầu thực hiện thật sự điều Chúa Giêsu mời gọi. Hãy đặt họ vào những lời này của Tin Mừng và hãy cầu mong điều tốt lành, để cầu nguyện thật sự cho họ.

Chúng ta không nên lý giải theo mặt chữ và theo đường lối chính thống những lời ấy của ngôn ngữ Do Thái, như thể thật sự phải đưa má trái cho người đã vả má phải của mình: “Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.” Trong thực hành, những cách hành động ấy sẽ hoàn toàn vô ích và còn lâu mới làm cho kẻ xấu có những tình cảm tốt lành hơn. Song, Chúa Giêsu đưa ra những ví dụ xem ra nghịch lý và dễ nhớ bởi vì Người cho thấy không nên làm giảm nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng. Nếu như Khổng Phu Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” làm kim chỉ nam. Việc đối xử giữa người với người ở đời cần hết sức tế nhị: “Điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác” và chúng ta cũng hay làm như thế như là “tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Với lời của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tiến thêm một bước nữa, tích cực hơn. “Kỷ sở dục dã, thi chi ư nhân” là việc đi bước trước trong khi cử xử với anh chị em mình: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy!”

Ở đời người ta có thể vì nhóm lợi ích mà có sự liên đới, nhiều khi đó không phải là một sự thiện tự thân, vì ngay cả những người tội lỗi, độc ác, áp bức, ích kỷ… có thể sống với nhau bằng sự liên đới rất vụ lợi. Nhưng nếu chúng ta cũng cư xử sòng phẳng như thế, yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu. Từ đó Chúa Giêsu dạy rằng người khác đối xử với ta không phải lúc nào cũng dễ thương, nhưng điều đó không được phép ngăn cản chúng ta yêu thương, vì yêu thương phải là bản chất của chính chúng ta là con cái Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu dạy: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ”. Fray Luis giải thích: “Phẩm chất đầu tiên của nhân đức này chính là nó làm cho con người nên giống Thiên Chúa và giống đức tính vinh quang nhất ở nơi Người, lòng từ bi nhận hậu của Ngài (Lc 6,36).

Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình, là hãy sống một cử chỉ anh hùng bằng việc tha thứ, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, phản ứng thường tình của con người, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con Chúa.

– Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.

– Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

Những lời dạy về cách đối xử với tha nhân cách chung:

– Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.

– Cư xử nhân hậu

– Đừng xét đoán và kết án.

– Hãy tha thứ.

Tình yêu thương của Kitô giáo là một tình yêu thương vô cực, đỉnh nóc kịch trần và không biên giới.

Chuyện “Nghìn Lẻ Một đêm” của đất nước Ba Tư có kể lại một phiên toà như sau: Có hai người anh em ruột bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ đem tên sát nhân đến trước quan toà và yêu cầu xử theo luật “mắt đền mắt răng thế răng”. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật định. Trước mặt quan toà, tên sát nhân nhận tội và sẵn sàng chịu hình phạt. Chỉ xin hoãn ba ngày để hắn về giải quyết vấn đề liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Giữa lúc quan toà đang do dự, thì từ trong đám đông dự phiên toà có một người giơ tay cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thay cho hắn”.

Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Đúng kỳ hạn, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang tiến ra pháp trường, dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết việc gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của mình để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này”.

Sau lời phát biểu hùng hồn của tử tội, người đàn ông bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông tuyên bố: “Phần tôi, sỡ dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này vì tôi không muốn để cho người ta nói: “Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này”.

Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong trái tim con người. Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra nói với quan toà: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: “Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này”.

Lạy Chúa, xin mượn lời thánh Phanxicô Assisi để dâng lời cầu nguyện lên Chúa: “Xin hãy dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa, để chúng con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm.” Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT