
Suy Niệm Lời Chúa | Khánh Nhật Truyền Giáo - Năm B | Mt 28,16-20 | Lm Alfonsô

SUY NIỆM LỜI CHÚA
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO - NĂM B
Bài Ðọc I: Is 60,1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
1Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. 4Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. 5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. 6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa. Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18,2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích thơ thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Timôthê.
Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Act 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”. Ðó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia (Mt 28,19-20): Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. Alleluia.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 28,16-20)
Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm
Hôm nay, Giáo hội long trọng cử hành Khánh nhật Truyền Giáo, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho việc loan báo Tin mừng.
Với Sắc lệnh Truyền giáo ‘Ad Gentes’ - Đến với muôn dân. này, Công đồng Vaticanô II đưa dẫn nhiều trích đoạn Kinh Thánh để cho chúng ta thấy Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian hầu thực hiện sứ mạng cứu thế ( Col 1,13; Cv 10,38; 2C 8,9...). Vì vậy khi nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể nghiệm ra rằng hơn hai ngàn năm trước, Người nhập thể và rao giảng không phải để sáng lập một tôn giáo hay để quảng bá một học thuyết chính trị, nhưng đến với sứ mạng duy nhất là công bố cho chúng ta Tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người.
Tại Galilêa, nơi khởi đầu sứ vụ hoạt động công khai mà Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ, giờ đây Người lại hẹn với các ông nơi mang đậm dấu ấn này. Chúa Giêsu Phục Sinh bước tới loan báo cho các ông một niềm vui: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Chính Chúa Cha đã ban cho Người chẳng những các nước thế gian, mà còn toàn quyền trên trời dưới đất vì Người đã vâng phục Chúa Cha, chịu khổ nạn và phục sinh, chiến thắng tội lỗi và sự chết để cứu chuộc nhân loại. Và rồi, Người truyền cho các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Trong ba năm miệt mài đó đây rao giảng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ trước hết đến với các chiên lạc nhà Israel (x. Mt 10,5-7). Nhưng giờ đây, Người chính thức sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại để hết mọi người nhờ lòng tin vào Đấng Phục Sinh mà được cứu độ. Thiên Chúa không ngừng thực hiện lời hứa “ở cùng con người”. Ngày xưa Đức Chúa đã hứa ở với Môisen khi sai ông đi cứu dân Israel khỏi tay Pharaol của Ai Cập như sau: “Ta sẽ ở với người” (Xh 3,12). Khi sai Con Một Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể, Người được gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Và Đấng Phục Sinh khi sai các môn đệ ra đi, Người cũng không quên lời hứa, để tiếp tục “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” để giúp môn đệ chu toàn nhiệm vụ được Người trao phó.
Chủ đề mà Đức Thánh cha Phanxicô chọn cho Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay vào 20/10/2024 “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” được lấy từ dụ ngôn Tin Mừng về bữa tiệc cưới (x. Mt 22,1-14). Sau khi các vị khách từ chối lời mời của nhà vua, nhân vật chính trong câu truyện, ông truyền cho các gia nhân: “Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Trong lệnh nhà vua truyền cho các đầy tớ của ông, chúng ta thấy có hai từ diễn tả trọng tâm của việc truyền giáo: các động từ “đi ra” và “mời”. Truyền giáo là đi ra để mời người khác đến dự tiệc của Chúa.
Như các đầy tớ đã được sai đi mang lời mời của vua đến các vị khách (x. câu 3-4). Cũng vậy, truyền giáo là hăng hái ra đi đến với mọi người nam cũng như nữ, để mời gọi họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Noi gương Chúa Giêsu Kitô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, Người không mỏi mệt khi ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Israel, và Người còn muốn đi xa hơn nữa để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (x. Ga 10,16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ, “Hãy đi!”, có ý cho thấy Người cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (x. Lc 10,3; Mc 16,15). Hội Thánh trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, ra đi rồi lại mải miết ra đi, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.
Đức Thánh cha Phanxicô cho biết trong Diễn từ cho các Thành viên tham dự Hội Nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống, ngày 18/2/2023: “Cái bi kịch trong Hội thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, để chúng ta mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo”. Nhiều khi chúng ta ngại ra đi, lười ra đi, viện cớ hết công kia việc nọ bận bịu để rồi chẳng những “giam hãm không cho Chúa ra” mà nhiều khi còn tỏ ra đoan đến độ bỏ lơ Chúa ở một xó xỉn nào đó bên lề cuộc sống mình. Chúng ta quên mất Truyền giáo là bản chất của Kitô hữu, bản chất của Giáo hôi. Khi chúng ta không còn ý thức việc truyền giáo thì chúng ta cũng không đang sống đạo mà chỉ là một người có tên Kitô hữu.
Có lần, một số các vị truyền giáo đang làm việc ở Ấn Độ đến gặp ông Mahatma Gandhi, người được mệnh danh là “Vị Cha Già dân tộc Ấn Độ”, để hỏi ông bí quyết làm sao có thể truyền giáo cho người dân Hindu ở đây. Ông Gandhi mời gọi các vị truyền giáo hãy suy nghiệm bí quyết từ cánh hoa hồng: “Người ta thích hoa hồng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn vì mùi hương quyến rũ từ bên trong tỏa ra.” Ông kết luận, muốn truyền giáo thành công, phải học bí quyết ấy, tức là rao giảng không phải bằng lý thuyết xuông nhưng bằng gương sáng cụ thể của cuộc sống. Điều ông ta nói tới làm chúng ta nhớ tới lời dạy bất hủ của thánh Giáo hoàng Phaolô đệ VI: “Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Dù thế giới phát triển tột bậc, con người vẫn cần niềm tin, bởi con người chỉ hiện hữu nếu còn niềm tin. Giáo hội vẫn miệt mài với sứ mạng gieo rắc niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và quan phòng; niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã chết và phục sinh để cứu chuộc nhân loại khỏi ách thống trị tội lỗi; và niềm tin vào một Thần Khí Sự Sống luôn biến đổi và canh tân vũ hoàn.
Để có thể mời mọi người đến với Chúa, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, tùy từng hoàn cảnh, từng thời đại, từng đối tượng, Giáo hội luôn ý thức lời nói thôi chưa đủ; giáo lý và thầy dạy thôi cũng cần nhưng chưa đủ. Trái lại, để niềm tin ấy được gieo rắc và triển nở, cần phải có chứng nhân, những con người cụ thể xả thân sống niềm tin của mình, nhất là khi con người ngày càng ảo tưởng sức mạnh, sẵn sàng lạm dụng tự do để chống lại Thiên Chúa và xa rời Giáo hội. Thế nhưng, thực tế cho thấy Giáo hội luôn thiếu và đói khát những chứng nhân, bởi ai cũng thích việc nhẹ nhàng, thích làm thầy dạy hơn làm chứng nhân. Bởi khi làm chứng nhân là khi phải chấp nhận từ bỏ và vác Thập giá để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng và của Chúa, một điều mà không phải ai cũng dám can đảm để sống và đánh đổi…
Trong sứ điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh cha Phanxicô đề cập tới một khía cạnh khác không kém quan trọng của sứ vụ được Thiên Chúa uỷ thác, đó là các đầy tớ chuyển lời mời của vua với sự thúc bách nhưng cũng đầy kính trọng và dịu dàng. Cùng một cách thức như thế, sứ vụ đem Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo tất yếu phải bắt chước cùng một “phong cách” của Đấng đang được rao giảng. Nhắc lại lời Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng, số 36), Đức Phanxicô nhắc nhở rằng khi rao giảng cho thế giới “vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại từ cõi chết”, các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (x. Gl 5,22).
Người môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô cần luôn chân thành quan tâm tới hết mọi con người, bất kể tình trạng xã hội hay thậm chí luân lý của người anh chị em mình thế nào. Dụ ngôn bữa tiệc dạy chúng ra rằng, theo lệnh của nhà vua, các đầy tớ đã đi tập hợp “tất cả những ai họ gặp, bất luận tốt xấu” (Mt 22:10). Và còn hơn thế nữa, cả “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14:21). Tóm lại, những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, họ đều được trở thành những khách mời đặc biệt của vua. Vâng, không phải bằng gây áp lực, cưỡng ép hay chiêu dụ, nhưng bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng, và bằng cách này phản ánh cách hiện hữu và hành động của chính Thiên Chúa.
Quà tặng này của Đức Kitô là sự sống viên mãn được chúng ta nếm cảm trước ngay từ bây giờ trong bàn tiệc Thánh Thể, mà Hội Thánh cử hành theo lệnh Chúa truyền để tưởng nhớ đến Người. Lời mời đến dự bữa tiệc Cánh Chung mà chúng ta đem đến cho mọi người trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của chúng ta được kết nối tự bản chất với lời mời gọi dự bàn tiệc Thánh Thể, ở đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Người và Mình Máu Người. Như Đức cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã dạy: “Mọi cuộc cử hành Thánh Thể đều hoàn tất một cách bí tích việc quy tụ Dân Thiên Chúa ở thời cánh chung. Đối với chúng ta, tham dự bàn tiệc Thánh Thể là thực sự cảm nếm trước bữa tiệc cánh chung đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25,6-9) và được Tân Ước mô tả như là ‘tiệc cưới Chiên Con’ (Kh 19,9), sẽ được cử hành trong niềm vui của sự hiệp thông các thánh” (Sacramentum Caritatis, 31).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi con ra đi đem Tin mừng của Chúa cho anh chị em mình. Xin cho con đừng ở lỳ một chỗ để an hưởng một cuộc sống nhàn hạ, vì khi nhàn nhạ, là chúng con làm cho Hội thánh dần mất đi sức sống và cốt tủy của mình, nhưng biết khắc ghi lời Chúa: “Hãy đi rao giảng”. Xin cho con biết nhận ra niềm vui Tin Mừng là điều con phải trải nghiệm cách cụ thể, mà không có niềm vui đó nếu bản thân con trước tiên không biết xả thân và trao ban. Amen.