Header

BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần XIV Mùa Thường Niên | Mt 10,7-15 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
10/07/2024
1.0K
Bình an là một trong những ân huệ lớn lao nhất mà con người mong ước: Nếu không có bình an, mọi điều khác sẽ trở nên hão huyền và mong manh. Đức Giêsu luôn nói “Bình an cho các con” khi gặp các môn đệ, và Ngài cũng sai các môn đệ trao ban sự bình an cho muôn dân. Thật vậy, khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu hay nói: “Con về bình an” (Lc 7,50)...
Lm Cao Nhất Huy
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ NĂM TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu: (Mt 10,7-15)

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. 9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. 10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. 14 Nếu người ta không đón tiếp và không nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. 15 Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.

SUY NIỆM

BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU

“Anh em hãy chào chúc bình an

---/---

Bình an là một trong những ân huệ lớn lao nhất mà con người mong ước: Nếu không có bình an, mọi điều khác sẽ trở nên hão huyền và mong manh. Đức Giêsu luôn nói “Bình an cho các con” khi gặp các môn đệ, và Ngài cũng sai các môn đệ trao ban sự bình an cho muôn dân. Thật vậy, khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu hay nói: “Con về bình an” (Lc 7,50).

Tuy nhiên, thứ bình an mới mẻ này đã làm đảo lộn sự bình an của thế gian: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14: 27). Ngày nay, người ta thường nói với nhau rằng: “Muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Đó là thứ hoà bình của thế gian. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không giống như vậy. Đó là một bình an không dễ dàng có được, một thứ bình an cần được xây dựng trong khó nhọc, chứ không phải từ chiến tranh.

Bình an của Chúa Giêsu là bình an của thập giá. Nghĩa là bình an của đau khổ, nhưng không phải là đau khổ với người khác, mà là đau khổ vì chiến đấu với dục vọng của chính mình: Chúa Giêsu có thể chối bỏ chén đắng, nhưng Ngài đã không làm thế, mà chấp nhận ở lại chiến đấu với đau khổ và buồn sầu nơi vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con” (Lc 22: 42); Ngài có thể xin Chúa Cha cất đau đớn khỏi Ngài, nhưng Ngài chọn ở lại chiến đấu với đau đớn trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15: 34). Tội lỗi của con người rất nghiêm trọng vì đã giết Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đón nhận tất cả mọi tội lỗi của con người vào mình để làm của lễ đền tội cho con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”. Ngài có thể xuống khỏi thập giá trước mọi lời thách thức để con người tin, nhưng không! Ngài làm cho con người tin và sống đức tin bằng cái chết của Ngài: “Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27: 42).

Như thế, thay vì chiến đấu chống lại thế gian bằng việc đối đầu, mắt đền mắt răng đền răng, hay thoả mãn những lời thách thức, thì Ngài đón nhận tất cả những điều đó để chiến đấu với chính mình. Chúa Giêsu phá tan ghen ghét, hận thù và chia rẽ, không theo kiểu của thế gian là đối đầu với nhau để có được hoà bình, nhưng Ngài lấy đau khổ của thập giá, lấy sự im lặng của thập giá để chiến thắng và mang đến sự bình an đích thực. Theo Ron Rolheiser: “Chúa Giêsu đã nhận lấy hận thù, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại tình yêu. Ngài nhận lấy cay đắng, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại nhân từ. Ngài nhận lấy nguyền rủa, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại phúc lành… Và Ngài nhận lấy sự thù hằn, sự chia rẽ, giữ nó, biến đổi nó thành sự hiệp nhất”.

Như thế, bình an của Chúa Giêsu là một thứ bình an của “biến đổi”. Biến đổi tội lỗi, sự dữ của thế gian chứ không đối kháng, trả đòn theo kiểu thế gian. Ngài như một máy lọc nước, giữ chất độc trong mình và chỉ cho ra nước tinh khiết. Bình an của Chúa Giêsu cũng được chắt lọc từ những yếu đuối và tội lỗi của thế gian để cho ra một thứ bình an “tinh khiết” và trường tồn.

Chúng ta sống trong thời đại dễ dàng chia rẽ. Đôi khi, chúng ta chẳng thể đối diện với nhau cách thân thiện trong mọi vấn đề. Nếu đứng trước những đối nghịch, chúng ta cứ thổi bùng và đáp trả hận thù, thì sự bế tắc giữa người với người vẫn còn mãi, trừ khi chúng ta, từng người một, biến đổi sự hận thù đó và trả lại cho cuộc đời những yêu thương mà thôi. Vì thế, để có được sự bình an đích thực như Chúa Giêsu, chúng ta phải noi gương Ngài. Nghĩa là đừng gây hấn, đừng đối đầu, đừng trả thù, đừng thoả mãn sự thách thức mà làm bậy… nhưng hãy đón nhận và biến đổi chính mình trước tiên.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con, để chúng con đủ can đảm đón nhận tất cả mọi lời chỉ trích, vu khống, hận thù… bằng sự khiêm tốn và yêu thương, để qua đó chính chúng con được biến đổi và anh chị em cũng được biến đổi trong bình an của Chúa. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT