Header

BUÔNG BỎ LÒNG KIÊU HÃNH - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay | Lc 18,9-14 | Lm Gioan Lê Quang Tuyến

avatarby Quốc Khánh
28/03/2025
333
Câu chuyện Tin mừng hôm nay có dành cho chúng ta không? Chúng ta có mang gánh nặng của sự tự cho mình là đúng không? Tất cả chúng ta đều như vậy ít nhất ở một mức độ nào đó. Thật khó để chân thành đạt đến mức độ khiêm nhường mà người thu thuế này có. Chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy biện minh cho tội lỗi của chính mình và kết quả là trở nên phòng thủ và tự phụ...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY

Bài Ðọc I: Hs 6,1b-6

"Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ".

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. "Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất".

Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab

Ðáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6, 6).

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.

2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b

Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

Phúc Âm: Lc 18,9-14

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi". Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội". Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi" (Lc 18,10 - 11).

BUÔNG BỎ LÒNG KIÊU HÃNH

Lòng kiêu hãnh và sự tự cho mình là đúng là rất xấu. Tin mừng hôm nay trình bày cho thấy sự đối lập giữa người Biệt phái về lòng kiêu hãnh cho mình là đúng với sự khiêm nhường của người thu thuế. Người Biệt phái trông có vẻ công chính bên ngoài và thậm chí còn đủ tự hào để nói về việc ông tốt như thế nào trong lời cầu nguyện với Chúa. Ông tự hào về mình và cho rằng mình không giống như những người khác. Người Biệt phái quả là ngường tội nghiệp. Ông không biết rằng ông hoàn toàn mù quáng trước sự thật.

Tuy nhiên, người thu thuế thì trung thực, khiêm nhường và chân thành. Ông kêu lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giêsu đã quả quyết: người thu thuế, với lời cầu nguyện khiêm nhường này, đã trở về nhà trong sự công chính nhưng người Biệt phái thì không.

Khi chúng ta chứng kiến sự chân thành và khiêm nhường của người khác, chúng ta rất cảm kích về người ấy. Đó là điều đáng trân quí và đầy cảm hứng. Thật khó để chỉ trích bất kỳ ai bày tỏ tội lỗi của họ và cầu xin sự tha thứ. Sự khiêm nhường như thế này có thể chinh phục ngay cả những cõi lòng chai đá nhất.

Câu chuyện Tin mừng hôm nay có dành cho chúng ta không? Chúng ta có mang gánh nặng của sự tự cho mình là đúng không? Tất cả chúng ta đều như vậy ít nhất ở một mức độ nào đó. Thật khó để chân thành đạt đến mức độ khiêm nhường mà người thu thuế này có. Chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy biện minh cho tội lỗi của chính mình và kết quả là trở nên phòng thủ và tự phụ. Nhưng tất cả những điều này đều là kiêu ngạo. Kiêu ngạo sẽ biến mất khi chúng ta làm tốt hai điều.

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu lòng thương xót của Chúa. Hiểu được lòng thương xót của Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc nhìn vào bản thân và gạt bỏ sự tự cho mình là đúng và sự tự biện minh. Lòng thương xót còn giải thoát chúng ta khỏi thái độ phòng thủ và cho phép chúng ta nhìn nhận bản thân dưới góc nhìn của sự thật. Tại sao? Bởi vì khi chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng nhận ra rằng ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng không thể ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Qủa thực, “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nói cách khác, tội nhân càng ý thực mình tội lỗi, tội nhân đó càng xứng đáng với lòng thương xót của Chúa! Vì vậy, hiểu được lòng thương xót của Chúa thực sự giúp chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình.

Thừa nhận tội lỗi của mình là bước quan trọng thứ hai mà chúng ta phải thực hiện nếu muốn lòng kiêu hãnh của mình biến mất. Chúng ta phải biết rằng thừa nhận tội lỗi của mình là điều bình thường. Chúng ta không cần phải đứng ở góc phố và kể cho mọi người nghe về chi tiết tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta phải thừa nhận điều đó với chính mình và với Chúa, đặc biệt là trong tòa giải tội. Đôi khi, chúng ta cần phải thừa nhận tội lỗi của mình với người khác để có thể cầu xin sự tha thứ và lòng thương xót của họ. Sự khiêm nhường chân thành này rất hấp dẫn và dễ dàng chiếm được trái tim của người khác. Sự khiêm nhường chân thành này còn truyền cảm hứng và tạo ra những hoa trái tốt lành của sự bình an và niềm vui trong tâm hồn chúng ta.

Vì vậy, đừng ngại noi gương người thu thuế này. Hãy thử thực hiện lời cầu nguyện của anh ấy ngày hôm nay và lặp đi lặp lại. Hãy để nó trở thành lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta sẽ thấy những hoa trái tốt đẹp của lời cầu nguyện này trong cuộc sống chúng ta!

Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ gian ác. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.

CHIA SẺ BÀI VIẾT