CẦU NGUYỆN: NHỊP THỞ CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên | Mc 1,29-39 | Lm Cao Nhất Huy
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ TƯ TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô: (Mc 1,29-39)
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!” 38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
SUY NIỆM
CẦU NGUYỆN: NHỊP THỞ CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
“Cầu nguyện là nhu cầu sống còn”
---//---
Cầu nguyện không chỉ là một hành động tôn giáo, mà là “nhịp thở” của đời sống thiêng liêng. Như quả tim con người, nhịp thở đều cho thấy người đó khoẻ mạnh, nhịp thở ngắt quãng cho thấy người đó đang yếu bệnh. Sách GLHTCG số 2744 cho biết rằng: “Cầu nguyện là nhu cầu sống còn”: Nơi đây, con người gặp gỡ Thiên Chúa, kín múc sức mạnh và sự bình an. Đời sống của Chúa Giêsu chính là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta về việc cầu nguyện. Qua sự kiện Chúa Giêsu rời khỏi đám đông để cầu nguyện trong nơi hoang vắng, chúng ta học được ý nghĩa sâu sắc của cầu nguyện.
Nơi Chúa Giêsu, chúng ta thấy một điểm rất khác biệt, đó là Ngài luôn “nói chuyện” với Cha. Chúa Giêsu vâng lệnh Chúa Cha xuống trần gian, nhưng Ngài không cô đơn một mình, mà luôn ở trong sự hiện diện của Chúa Cha: Giữa những lúc ồn ào của đám đông vây quanh, trước khi bắt đầu sứ vụ hay trước khi chọn Nhóm Mười Hai Chúa Giêsu đều nhận được sự hiện diện của Chúa Cha. Sự hiện diện đó bắt nguồn từ sự chuyên tâm cầu nguyện thưa chuyện cùng Chúa Cha. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện” với Chúa Cha. Chính việc siêng năng cầu nguyện và sự hiện diện của Chúa Cha là hai điều quan trọng giúp cho Chúa Giêsu có được sức mạnh và sự bình an trước sứ vụ của Ngài.
Đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu là một bài học sống động cho chúng ta. Qua cầu nguyện chúng ta đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, nguồn mạch của sức mạnh và sự bình an trước mọi nghịch cảnh cuộc đời. Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện đó hay không, hoặc chúng ta có để cho Thiên Chúa hiện diện bên cạnh mình hay không? Chỉ trong cầu nguyện chúng ta mới khám phá ra sự hiện diện này, từ đó tìm được sức mạnh và bình an giữa những lo âu và thử thách: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Tuy nhiên, tại sao có người cầu nguyện nhiều, đi lễ đọc kinh nhiều nhưng vẫn không cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh? Sách GLHTCG 2728 cho chúng ta biết: “sự lơ đãng, khô khan và nản lòng là những thử thách lớn nhất trong cầu nguyện”. Nhiều người cảm thấy cầu nguyện mãi mà vẫn thấy cô đơn, không có sự đồng hành của Chúa là vì họ không vượt qua được những trở ngại này để thực sự gặp được Chúa. Thói quen và hình thức là những trở ngại đưa đến tình trạng này.
Nhiều khi mình cầu nguyện chỉ đơn giản là thói quen, đến giờ phải làm, nên tâm hồn không thực sự hiện diện trong giờ cầu nguyện. Có những lúc chúng ta cầu nguyện nhưng tâm hồn còn đang tính toán, lo lắng về một điều nào đó, nên dù Chúa có hiện diện bên cạnh chúng ta cũng không nhận thấy Ngài. Hoặc đôi khi chúng ta cầu nguyện chỉ là để cho “yên tâm” với lương là người Kitô hữu; hoặc cầu nguyện cho nhanh để còn giải quyết việc khác… Tất cả những điều này cho thấy tâm hồn của chúng ta không thực sự hiện diện với Chúa. Thế nên, đây không phải là Chúa không hiện diện cùng với chúng ta, mà là chúng ta không có hiện diện ở với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện, ngõ hầu chúng con biết chuyên tâm hơn trong đời sống cầu nguyện của mình. Nhờ đó, chúng con sẽ kín múc được sức mạnh và sự bình an nơi cuộc gặp gỡ với Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy