
CHIẾN ĐẤU VỚI CHÍNH MÌNH - Suy Niệm Thứ Hai Tuần XV Thường Niên (Mt 10,34 - 11,1) - Lm Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 10,34 - 11,1)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Khi Đức Giê-su ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
SUY NIỆM
CHIẾN ĐẤU VỚI CHÍNH MÌNH
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10:34)
---//---
Đoạn Tin Mừng trên đây cho thấy sự chân thành và thẳng thắn của Chúa Giêsu. Tại đây Ngài đưa ra đòi hỏi rất cao, rất mạnh. Ngài phán với các môn đệ đúng điều mà họ sẽ gặp phải khi đi theo Ngài. Nếu chấp nhận trở thành môn đệ của Chúa, thì các môn đệ phải đương đầu với các cuộc chiến đấu khốc liệt khác nhau. Nhưng ở đây chúng ta thấy nổi bật lên là cuộc chiến đấu với người trong nhà: “Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10: 35-36).
Cuộc chiến với người trong nhà cụ thể ở đây và rõ nhất chính là cuộc chiến với chính nội tâm và lương tâm, ý chí và lý trí của mình. Có câu nói khá nổi tiếng của Đức phật thích ca rằng: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng chính mình”. Quả thế, khi cám dỗ của ma quỷ đến chúng ta từ phía bên ngoài qua các giác quan, nhưng quyết định chiều theo giác quan vui thú của mình chính là ý chí và lý trí bên trong.
Cám dỗ là hành động của ma quỷ dụ dỗ con người theo ý định của chúng. Vì thế, Tội, theo nghĩa chặt, không phải là dụng cụ hay phát xuất từ ma quỷ. Đúng hơn, tội là hậu quả của việc con người chiều theo ý ma quỷ. Chúng ta cũng không cần đào sâu về gốc gác, nguồn gốc đưa con người đến cám dỗ là gì, nhưng khi chúng ta chiều theo ý ma quỷ thì hậu quả tất yếu sẽ là tội. Vì thế, bao lâu không có sự đồng thuận của ý chí con người, thì bấy lâu cám dỗ không phải là tội.
Vì thế, bước theo Chúa, nghĩa là bước theo con đường lành thánh của Ngài. Trong khi đó, ma quỷ tìm cách cám dỗ, làm cho chúng ta đi trật con đường đó. Và chắc chắn rằng, cám dỗ là một phần thực tại của con người. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, cám dỗ không nằm trong ý định tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra. Ngài cũng để cho chúng ta tự do chiến đấu với cám dỗ. Cụ thể là câu chuyện của Ađam và Evà. Trong cơn cám dỗ của ông bà Nguyên tổ diễn ra theo ba tiến trình: xác thịt, thế gian và ma quỷ. Xác thịt là cái ở bên trong, thế gian là cái ở bên ngoài, và ma quỷ kết hợp cả hai lại: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (St 3:5-6). Đứng trước ba tiến trình này ông bà nguyên tổ đã thất bại.
Chúng ta biết rằng, ước muốn của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và tính kiêu ngạo là những cám dỗ chính của thế gian và xác thịt. Cả ba tiến trình này đều xảy ra với ông bà nguyên tổ và cả với Chúa Giêsu. Đối với ông bà nguyên tổ thì không chống trả nổi và đã thất bại, trong khi đó Chúa Giêsu thì toàn thắng. Tại sao Chúa Giêsu thắng?
Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Satan không là nguyên nhân trực tiếp của mọi tội lỗi con người”. Đôi khi, tội của chúng ta là do chính mình gây ra. Nhiều lúc trách nhiệm của chúng ta trong tội lại nhiều hơn. Thoạt nhìn, chỉ thấy thế gian, xác thịt và ma quỷ là những cám dỗ, nhưng rồi nhìn bao quát hơn, chúng ta thấy mọi sự dẫn đến thất bại là do mình không chiến thắng được chính mình.
Thánh Ambrôsiô nói rằng: “Những nuông chiều xấu xa thầm kín của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều so với bất cứ kẻ thù nào bên ngoài”. Thánh Tôma Aquinô cũng khẳng định rằng: “Không phải mọi tội lỗi đều do ma quỷ xúi giục, nhưng một vài tội bắt nguồn từ ý chí tự do và thân xác hư hỏng của chúng ta”.
Như vậy, ở tận đáy sâu bên trong tâm hồn, rõ ràng chúng ta đang phải giao chiến với chính mình rất là gay cấn. Còn phía bên ngoai, ma quỷ cám dỗ chúng ta theo hai cách: lôi cuốn chúng ta đến với sự dữ, dẫn dụ chúng ta rời xa điều lành. Cuối cùng vẫn là quyết định của chính mình trước hai điều này. Chẳng hạn, yêu thích một món đồ công nghệ nào đó, nhưng quyết định có mua nó hay không cũng là một cuộc chiến đấu. Tất cả mọi sự đều hệ tại ở việc chúng ta thất bại hay chiến thắng trước chính mình.
Lạy Chúa, chúng con biết mình yếu đuối, xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con có thể chiến đấu và thắng được dục vọng của chính mình. Amen.
Cao Nhất Huy