
ĐIỂM CHẠM TRÁI TIM - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên | Lc 11,1-4 | Lm Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ TƯ TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: (Lc 11,1-4)
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”.2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến,3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’”.
SUY NIỆM
ĐIỂM CHẠM TRÁI TIM
"Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1)
---//---
Một người trong nhóm môn đệ của Chúa Giêsu đã can đảm nói lên tâm tư của mình rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Lời yêu cầu này cũng là tâm tư của mỗi chúng ta ngày nay. Lời yêu cầu này phản ánh một ý thức về sự thiếu thốn của chúng ta. Là người Kitô hữu chúng ta tưởng rằng mình biết cách cầu nguyện, nhưng thật ra chúng ta chưa thực sự biết lời cầu nguyện đúng nghĩa là như thế nào. Lời cầu nguyện đúng và hợp ý Chúa trước tiên phải là làm cho Danh Cha vinh hiển và triều đại Cha mau đến giữa thế gian này; tiếp đến mới đến các nhu cầu của con người. Nhưng đa số khi cầu nguyện chúng ta thường quy về những ước muốn cá nhân của mình trước. Vậy, chúng ta phải thực hành cầu nguyện như thế nào?
Năm 2024 được coi là Năm Cầu Nguyện, trong năm này chúng ta được mời gọi chuẩn bị hành trang cho năm 2025 bằng các lời huấn giáo của Đức Thánh Cha về Cầu Nguyện. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng: “Cầu nguyện trước tiên là một cuộc đối thoại thân mật với Đấng Sáng Tạo”. Cuộc đối thoại thân mật này là điểm chạm giữa trái tim của con người và trái tim đầy lòng thương xót của Thiên Chúa; nhờ điểm chạm này đã biến đổi đời sống của từng cá nhân con người, giúp cho cuộc sống con người được thăng tiến, phát triển và hạnh phúc. Tại sao vậy?
Bởi vì, điểm chạm giữa trái tim của con người và Đấng Tạo Dựng không chỉ là lòng xót thương theo nghĩa thế gian: “XIN và CHO”; nhưng còn là lời dạy và hướng dẫn của Thiên Chúa dành cho mỗi cá nhân. Điểm chạm trái tim đó là tình yêu của một người Cha, nhưng với quyền năng của một Thiên Chúa biết điều gì cần thiết cho con người. Vì thế, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ diện đối diện thân tình với một người cha là Thiên Chúa. Đây là thời gian người tín hữu mở lòng ra với cha của mình, qua đó nhận được sự hướng dẫn của Thiên Chúa, cuối cùng chúng ta đón nhận ý muốn của Thiên Chúa.
Cuộc sống của người Kitô hữu gắn liền với cầu nguyện, nhưng đôi khi cầu nguyện cũng là một khó khăn không nhỏ đối với người Kitô hữu. Phần vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; phần vì chúng ta muốn cầu nguyện theo ý muốn của mình chứ không muốn theo ý của Thiên Chúa. Rất nhiều lần, chúng ta không mở lòng ra với Thiên Chúa, chúng ta không muốn bộc bạch ra những yếu đuối của mình, mà hầu như chỉ xin điều này điều kia, xin hoài không được thì nản chí và không muốn cầu nguyện nữa. Chúng ta cũng không coi Thiên Chúa là một người cha, nhưng chỉ coi Ngài là một quan toà thẩm phán để chúng ta kiện cáo, năn nỉ và van xin khi cần đến; và đôi khi vì cuộc sống của mình có quá nhiều lỗi phạm, ta sẽ không cầu nguyện nữa vì cho rằng vị thẩm phán là Thiên Chúa kia sẽ không tha tội cho chúng ta. Cuối cùng chúng ta bỏ cầu nguyện chỉ vì ý nghĩ lệch lạc đó về Thiên Chúa. Và tất nhiên trong tâm tư như vậy, chúng ta cũng không muốn đón nhận sự hướng dẫn và ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình.
Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con cầu nguyện mỗi ngày. Xin giúp chúng con nhận ra tình thương của Ngài dành cho chúng con, để cho dù yếu đuối lỗi phạm, chúng con vẫn biết chạy đến nương nhờ vào lòng thương xót của Ngài. Nhờ đó cuộc sống của chúng con sẽ ngày một tốt đẹp và hướng theo ý muốn của Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy