Header

ĐỨC TIN CỦA BẠN LÀ SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ - Suy Niệm Lời Chúa | Lễ Vọng Phục Sinh | Mc 16,1-8 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
30/03/2024
882
Chính Tin Mừng Phục Sinh làm cho mọi cử hành của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Bởi vì, Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17). Quả đúng như vậy! Nếu Chúa Giêsu không sống lại, thì mọi niềm tin của chúng ta trở nên vô nghĩa, những cử hành phụng vụ trở nên vô ích và mất thời gian, những chuẩn bị trong Mùa Chay như là tĩnh tâm, sám hối, xưng tội sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi vì, Chúa Kitô Phục Sinh chính là ánh sáng, là điểm neo cho chúng ta phân biệt đâu là ánh sáng và đâu là bóng tối, đâu là sự sống và đâu là sự chết...
Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
SUY NIỆM LỄ VỌNG PHỤC SINH

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 16,1-8)

Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

SUY NIỆM

ĐỨC TIN CỦA BẠN LÀ SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ

“Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa

---//---

Theo truyền thống Do thái giáo, có bốn đêm quan trọng nhất trong hoạt động của Thiên Chúa đối với lịch sử thế giới: Đêm Thiên Chúa tạo dựng trời và đất; đêm Abraham hiến người con duy nhất là Isaac cho Thiên Chúa; đêm xuất hành khi Môsê đưa dân ra khỏi Ai Cập; cuối cùng là đêm tận thế khi lịch sử thế giới chấm dứt.

Kitô giáo tiếp nối truyền thống của Do thái giáo nên trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, Hội Thánh cũng đọc lại các bài Kinh Thánh về tạo dựng, hiến tế Isaac, và về cuộc xuất hành. Duy chỉ có điều khác biệt và là điều rất quan trọng, đó là thay vì nói đến đêm tận thế, thì Hội Thánh công bố Tin Mừng Chúa Kitô phục sinh; cũng vì thế, đêm nay còn được gọi là đêm Vọng Phục Sinh. Chính Tin Mừng Phục Sinh soi chiếu một luồng sáng mới vào các bài đọc Cựu Ước, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa phong phú của mầu nhiệm Phục Sinh[1].

Chính Tin Mừng Phục Sinh làm cho mọi cử hành của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Bởi vì, Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17). Quả đúng như vậy! Nếu Chúa Giêsu không sống lại, thì mọi niềm tin của chúng ta trở nên vô nghĩa, những cử hành phụng vụ trở nên vô ích và mất thời gian, những chuẩn bị trong Mùa Chay như là tĩnh tâm, sám hối, xưng tội sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi vì, Chúa Kitô Phục Sinh chính là ánh sáng, là điểm neo cho chúng ta phân biệt đâu là ánh sáng và đâu là bóng tối, đâu là sự sống và đâu là sự chết. Thế nên, nếu như Ngài không sống lại thì có nghĩa là ánh sáng đã thất bại, và bóng tối sẽ bao phủ khắp mặt đất, đồng nghĩa với việc tội lỗi là điều hiển nhiên của thế gian này, và như thế chúng ta đâu cần sám hối nữa. Nhưng không, Đức Kitô đã sống lại, đồng nghĩa với việc ánh sáng phủ khắp mặt đất, và con người phải sám hối, phải đổi mới trở nên con người mới thì mới đón nhận được sự sống.

Vì thế, khai mạc đêm Canh Thức Phục Sinh, cộng đoàn tín hữu tụ họp nhau quanh bếp lửa và linh mục chủ sự làm phép lửa, từ ngọn lửa ấy đã thắp vào cây nến phục sinh. Ánh sáng toả ra từ cây nến Phục Sinh chính là Đức Kitô Phục Sinh đã khải hoàn, đã chiến thắng sự dữ, và bước ra từ cõi chết để sống lại vinh quang. Ngài cũng tuyên bố rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Khi cây nến Phục Sinh được thắp sáng, linh mục công bố ba lần: “Ánh sáng Chúa Kitô”, để nhắc nhớ rằng: Đức Kitô đã sống lại, Ngài đã xoá tan bóng tối của tội lỗi. Qua đó, Ngài mời gọi con người hãy sinh lại một lần nữa và chọn bước đi trong ánh sáng, chứ đừng chọn theo lối bóng tối là tội lỗi. Về điều này, Chúa Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô: Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên (Ga 3,1).

Vì thế, Phục Sinh chính là công cuộc tạo dựng mới. Trong công trình tạo dựng cũ, Thiên Chúa đã tạo dựng con người và cho họ sống trong hạnh phúc, nhưng con người lại cho rằng sống theo thánh ý Thiên Chúa chỉ làm cho mình mất tự do và hạnh phúc, nên họ đã chọn hướng đi khác và nghe theo lời ngon ngọt của con rắn, đại diện cho bóng tối và sự dữ. Khi bắt đầu hướng đi đó, con người ảo tưởng là sẽ làm chủ vũ trụ vạn vật và Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, hướng đi ấy chỉ dẫn con người đến đau khổ và sự chết và nô lệ cho ma quỷ. Phục Sinh là công trình tạo dựng mới vì Chúa Giêsu, đại diện cho nhân loại mới, là Adam mới đã dứt khoát chọn lựa con đường của Thiên Chúa, dù con đường ấy dẫn Ngài đến cuộc thương khó và tử nạn. Thế nhưng Phục Sinh minh chứng rằng đó chính là con đường sự sống. Phục Sinh thực sự là công trình tạo dựng mới. Nhưng cuối cùng vấn đề là chúng ta có muốn bước vào trong công trình tạo dựng mới này hay không? Đó là chọn lựa của chúng ta!

Mỗi năm chúng ta đều long trọng mừng đại lễ Phục Sinh. Nhưng liệu rằng, sự kiện Chúa Phục Sinh đó có làm chúng ta thay đổi không? Chúng ta có muốn được sinh ra một lần nữa không? Nếu như ông bà Nguyên Tổ cảm thấy mất tự do khi phải làm theo ý của Thiên Chúa, thì liệu rằng ngày hôm nay, chúng ta có cảm thấy khi phải tuân theo các giới luật của Chúa là một điều mất tự do không? Một vợ một chồng là ý Chúa, người nam kết hợp với người nữ trở thành một gia đình đó là ý Chúa… Thế nhưng, trong thời buổi hôm nay, có nhiều người đi ngược lại với điều đó, và họ coi rằng điều đó là cổ hủ. Hiện đại và phong cách phải là cùng giới mới chịu cơ.

Thánh Augustinô có viết: “Đức tin của người Kitô hữu là sự phục sinh của Đức Kitô”. Và thánh nhân nói thêm: “Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu đã chết, ngay cả những tên vô lại cũng tin điều đó, nhưng không phải ai cũng tin rằng Người đã sống lại, và bạn không phải là Kitô hữu nếu bạn không tin điều này”. Điều đó được biểu lộ ra bên ngoài đời sống của chúng ta. Nhìn hai đứa nam, hay hai đứa nữ đòi kết hợp với nhau, thì đấy là dấu chứng cho thấy đối với họ Chúa Kitô chết chắc rồi. Nhưng khi chúng ta sống theo luật Chúa, theo ý muốn của Chúa là người nam kết hợp với người nữ trong một gia đình một vợ một chồng, thì đó chính là đức tin của chúng ta. Chính đức tin đó là chứng cứ cho thấy Đức Kitô đã thực sự phục sinh.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vượt qua được những cám dỗ của cuộc sống hiện đại hôm nay. Xin giúp chúng con biết sám hối, thay đổi con người cũ để trở thành con người mới trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. Amen.

Cao Nhất Huy

[1] https://giaophanmytho.net/cau-chuyen-dau-tuan/canh-thuc-vuot-qua---duc-cha-phero-40905.html

CHIA SẺ BÀI VIẾT