![Header](/_next/image?url=https%3A%2F%2Fapi.client.giaophanphucuong.org%2Fstorage%2Fimages%2F6882ae59-5ac8-4324-9837-e1864e3ab0ab.png&w=1920&q=75)
ĐỨC TIN NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ - Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh - Năm B | Ga 20, 19-31 | Lm Cao Nhất Huy
![avatar](/webp/logo-for-web.webp)
SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH - NĂM B
LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 20, 19-31)
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
SUY NIỆM
ĐỨC TIN NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ
“Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”
---//---
Cái chết của Chúa Giêsu mang lại sự sống lại cho tất cả những ai tin vào Người (Ga 11, 51-53). Tuy nhiên, hiện thực lại không giống vậy! Cụ thể, sau khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ sợ hãi vào phòng đóng cửa lại. Câu hỏi đặt ra là: Các ông có tin rằng Thầy của mình sẽ sống lại không?
Có lần Chúa Giêsu nói với Martha: “Em chị sẽ sống lại”. Martha thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết". Chúa Giêsu nói với Martha: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (11, 23-25). Ở đây chúng ta thấy có hai sự khác biệt lớn về khái niệm của sự sống lại. Martha thì nói về sự sống lại vào ngày sau hết, còn Chúa Giêsu thì nói về sự sống lại được bắt đầu từ ngay bây giờ dành cho những ai tin vào Người. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đức tin của người môn đệ. Đức tin đó quyết định người môn đệ “đang sống hay đang chết”.
Trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, trước đó Chúa Giêsu đã hiện ra và ban bình an của Ngài cho các môn đệ khi các ông sợ hãi trốn trong phòng. Nhưng xem ra thì các ông vẫn chưa thực sự bình an. Các ông vẫn sợ hãi đóng kín cửa và trốn ở trong phòng vì sợ người Do thái (x. Ga 20,26). Điều này cho thấy, tuy rằng Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các ông để củng cố đức tin cho các ông về sự sống lại của Ngài, nhưng thực chất các ông vẫn chưa thực sự tin vào điều đó. Bằng chứng là các ông vẫn trốn ở trong phòng và đóng kín cửa. Sự đòi hỏi của Tôma đòi thọc ngón tay vào cạnh sườn của Chúa Giêsu thì ông mới tin, thật ra đó cũng là tiếng nói của tâm trạng nơi các môn đệ khác: Họ chưa thực sự tin! Thế nên, mặc dù Chúa Giêsu Phục sinh đã ban bình an cho các ông nhưng các ông vẫn chưa thực sự bình an trong tâm hồn là bởi vì các ông chưa tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chính vì thế, câu nói mà Chúa Giêsu nói với Martha: “Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 23-25) diễn tả thực sự rõ nét về tâm trạng lúc này nơi các môn đệ. Họ sống nhưng lại thiếu niềm tin vào Thầy của mình, điều đó dẫn đến việc bất bình an cho cuộc sống của họ.
Trong bài giảng dành cho Giáo triều Rôma năm 2024, Đức Hồng Y Cantalamessa đã nhắc lại quan điểm của Bultmann rằng: Sự sống lại mà Chúa Giêsu nói đến biểu thị một sự sống lại hiện sinh, một sự thức tỉnh lương tâm dựa trên đức tin. Điều này khẳng định: Không nhất thiết cứ phải đợi vào ngày sau hết mới được sống lại, nhưng ngay trong chính hiện thực cuộc sống, nếu chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa, thì dù gặp phải những khó khăn tận cùng khiến chúng ta quỵ ngã, chúng ta vẫn có thể đứng dậy để sống tiếp với niềm tin của mình. Thánh Augustinô nói rằng: “Đức tin của người Kitô hữu là sự phục sinh của Đức kitô”. Quả vậy, sự sợ hãi nơi các môn đệ khi đóng kín cửa trốn trong phòng, sẽ làm cho những kẻ chống đối Chúa tin rằng: “Ông Giêsu kia đã thực sự chết”. Chính vì điều đó, nên Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ để củng cố đức tin cho các ông, để nhờ vào đức tin mà các ông “thực sự sống” và Danh Thiên Chúa cũng được hiển thị giữa lòng thế giới (x. Ga 20,31).
Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy! Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, trước tiên làm cho chúng ta thực sự được sống; sau nữa, qua đức tin của chúng ta, Đức Kitô Phục Sinh được rao giảng khắp mọi nơi. Tất cả những điều đó được thể hiện qua đời sống hằng ngày của chúng ta.
Với một người sống bê tha, gian dối, thiếu nhân bản, thiếu đạo đức… đó chính là dấu chỉ cho thấy người đó không thực sự sống. Họ đang sống nhưng lại chết trong tâm hồn của những người xung quanh là: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, hàng xóm… Và như thế, Đức Kitô Phục Sinh làm sao có thể được rao giảng cho người xung quanh được.
Nhưng với một người với đời sống nhân bản tốt, đạo đức tốt, trong sáng, thật thà, ngoan hiền… thì đó chính là dấu chỉ cho thấy người đó đang sống rất mãnh liệt trong tâm hồn của những người xung quanh. Cha mẹ vui khi có đứa con ngoan hiền, vợ vui khi thấy chồng sống trung thuỷ, biết chăm lo cho gia đình, chồng vui khi thấy vợ đảm đang chăm lo cho con cái…. Và qua đời sống của những gương lành đó, Đức Kitô Phục Sinh tự khắc được rao giảng khắp nơi.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con đức tin để chúng con có thể sống tốt cuộc đời của mình. Xin Chúa cũng ban cho chúng con nghị lực để vượt thắng được những cám dỗ, những thử thách hầu có thể giữ vững đức tin cho chính mình và cho gia đình của mình. Amen.
Cao Nhất Huy