Header

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh - THÁNH MARCÔ, Tác giả Tin mừng - Lễ kính | Mc 16,15-20 | Phút Cầu Nguyện

avatarby Quốc Khánh
24/04/2024
1.3K
Rao giảng Tin mừng cần đi “tứ phương”, nghĩa là không loại trừ một chỗ nào cả, dù đó là thành thị hay nông thôn, dù đó có ít người hay nhiều người, thậm chí Chúa Giêsu còn đến cả những nơi nguy hiểm cho tính mạng của mình. Nhưng như Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cho nên, con đường hiểm trở nhất vẫn là con đường của lòng người. Ngày nào ta chưa dám đem Tin mừng của Chúa đến với từng ngóc ngách trong đời sống thì ngày đó ta chưa được gọi là người môn đệ của Chúa.
Giờ Kinh Gia Đình

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ NĂM TUẦN IV MÙA PHỤC SINH - THÁNH MARCÔ, TÁC GIẢ TIN MỪNG - LỄ KÍNH

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (16,15-20)

15Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”.

19Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIỆM

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Một mình Chúa Giêsu cũng có thể rao giảng Tin mừng. Người quyền phép, chỉ cần một lời Chúa phán thôi còn mau lẹ hơn sức người yếu đuối có thể làm. Vậy tại sao Chúa lại cần đến sự cộng tác của con người? Điều đó cho thấy việc rao giảng Tin mừng không phải là cho Thiên Chúa mà là cho con người - cả người rao giảng lẫn người đón nhận. Chúa muốn con người không chỉ nghe Tin mừng, không chỉ rao giảng Tin mừng mà còn phải trở nên Tin mừng.

Rao giảng Tin mừng cần đi “tứ phương”, nghĩa là không loại trừ một chỗ nào cả, dù đó là thành thị hay nông thôn, dù đó có ít người hay nhiều người, thậm chí Chúa Giêsu còn đến cả những nơi nguy hiểm cho tính mạng của mình. Nhưng như Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cho nên, con đường hiểm trở nhất vẫn là con đường của lòng người. Ngày nào ta chưa dám đem Tin mừng của Chúa đến với từng ngóc ngách trong đời sống thì ngày đó ta chưa được gọi là người môn đệ của Chúa.

Rao giảng Tin mừng cần đến với “thiên hạ”, nghĩa là đến với mọi người không loại trừ một ai, dù đó là người quen hay người lạ, dù đó là người từng giúp ta hay chưa một lần quen biết, thậm chí Chúa Giêsu còn đến với những người từng thù ghét Người. Không có gì nối kết con người gần với nhau và bền chặt cho bằng đức tin. Chính sự tin tưởng vào Tin mừng và vào tình yêu thương của Thiên dành cho mỗi người mà mình càng xác tín mọi người là anh chị em của nhau hơn. Chính sự tin yêu dành cho Chúa là lý do để người ta tôn trọng phẩm giá và đỡ nâng nhau trong cuộc sống. Bởi lẽ, thánh Gioan từng nói rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết đón nhận Tin mừng của Chúa, đón nhận lời của Người vào trong tâm hồn để rồi mình cũng có thể tặng trao cho anh chị em mình. Và lời rao giảng thiết thực nhất vẫn là cung cách sống đạo hằng ngày của mỗi người, bởi lẽ, “lời nói thì lung lay gương lành thì lôi kéo”.

CHIA SẺ BÀI VIẾT