Header

HÃY CANH GIỮ TÂM HỒN MÌNH - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Hai Tuần XXIII Mùa Thường Niên | Lc 6,6-11 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
08/09/2024
741
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng như vậy! Có những chuyện chúng ta hiểu rất rõ, nhưng vì lợi ích cá nhân, đố kỵ và ghen tương đang chiếm giữ tâm hồn, nên chúng ta bất chấp tất cả làm ngược lại với luân lý và đạo đức, thậm chí là đi ngược lại với luật Chúa và luật Giáo hội...
Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ HAI TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

✠ Tin Mừng Chúa Giê- su Ki-tô theo thánh Lu-ca: (Lc 6,6-11)

6 Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

SUY NIỆM

HÃY CANH GIỮ TÂM HỒN MÌNH

“Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6:9)

---//---

Trong Cựu Ước, sau khi đưa dân ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã phán rằng: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta…. Ngươi hãy giữ ngày sa bát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi” (x. Đnl 5,1-21).

Qua đoạn Kinh thánh trên chúng ta hiểu rằng, luật sa bát là mạc khải phát xuất từ trong Lịch sử cứu độ. Và vì thế, luật sa bát có nền tảng là ơn giải phóng, ơn ban sự sống, ơn cứu sống của Thiên Chúa. Qua việc giữ ngày sa bát, dân Thiên Chúa ở lại trong tương quan giao ước tình yêu với Thiên Chúa (x. Đnl 5,12-15). Tuy nhiên, qua thời gian luật ngày sa bát vô tình đã bị con người biến thành thứ luật để bắt chẹt nhau, dò xét và lên án nhau, thậm chí dẫn đến cái chết cho Con Thiên Chúa là Đấng Ban Sự Sống. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ điều đó, những người kinh sư và Pharisêu đi ngược lại hoàn toàn với bản chất vốn có của ngày sa bát là cứu sống và trao ban sự sống. Vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng với họ một cách thẳng thắn rằng: Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6:9).

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, đây là luật được mạc khải từ trong Cựu Ước, tức là một thời gian rất lâu cho đến thời Chúa Giêsu. Điều đó có thể hiểu rằng họ hiểu được bản chất của luật sa bát là gì, là cứu sống chứ không phải huỷ diệt. Nhưng vì lợi ích cá nhân, lòng đố kỵ, ghen tương đang sôi sục trong tâm hồn, nên họ cố tình đi ngược lại với luật của Chúa. Kinh thánh cho chúng ta thấy rõ thái độ sôi sục của họ: Họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không (Lc 6:11).

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng như vậy! Có những chuyện chúng ta hiểu rất rõ, nhưng vì lợi ích cá nhân, đố kỵ và ghen tương đang chiếm giữ tâm hồn, nên chúng ta bất chấp tất cả làm ngược lại với luân lý và đạo đức, thậm chí là đi ngược lại với luật Chúa và luật Giáo hội. Những người Kinh Sư, Pharisêu và Chúa Giêsu là hai phía đối lập nhau. Tâm hồn của Chúa Giêsu là tìm cách mang sự sống và bình an đến cho tha nhân, nên Ngài luôn vâng lời và đi theo ý muốn của Thiên Chúa Cha; còn đối với những người Kinh Sư và Pharisêu, tâm hồn của họ chất chứa đầy lợi ích cho bản thân, những người xung quanh chỉ là vật cản đối với lợi ích của họ mà thôi, nên họ sẽ tìm cách loại bỏ, bất chấp luật Chúa.

Từ hai mục tiêu khác nhau nơi tâm hồn này, chúng ta xem xét lại tâm hồn của mình: Tìm lợi ích cho bản thân bằng mọi giá, bất chấp tất cả, hay mục tiêu mang đến sự bình an cho chính mình và tha nhân? Cả hai mục tiêu này sẽ cho chúng ta những hướng đi khác nhau, lựa chọn khác nhau và kết quả cũng khác nhau. Trở thành người tốt cũng chỉ trong một suy nghĩ, trở thành người xấu cũng chỉ trong một suy nghĩ mà thôi.

Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng: “hãy canh giữ tâm hồn mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người hãy để ý “về những gì đang xảy ra trong tâm hồn mình” bởi vì “tất cả chúng ta đều là tội nhân”. “Một chút nội quan, một chút cái nhìn nội tâm, sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta,” ngài nói tiếp rằng: “Đối mặt với mỗi suy nghĩ và mỗi ước muốn nảy sinh trong tâm trí và trong tâm hồn, người Kitô hữu phải xem nó đến từ phía nào: từ Chúa hay từ Địch thủ của Ngài”. Nếu nó đến từ Thiên Chúa, thì “cần phải đón nhận nó, vì đó là khởi đầu của hạnh phúc.” Nhưng “nếu nó đến từ Địch thủ,” thì cần phải từ chối nó, “ngay cả khi hạt giống của nó có vẻ nhỏ bé đối với chúng ta, nhưng một khi nó đã bén rễ, chúng ta sẽ khám phá ra trong mình những nhánh dài của tật xấu và bất hạnh”. Quả đúng là như vậy! Nhìn lại bản thân mình chúng ta sẽ thấy rằng, khởi đi từ những tật xấu nhỏ nhoi thôi, nhưng dần dần nó sẽ hình thành những tật xấu lớn, và cuối cùng trở thành tội.

Lạy Chúa, mỗi ngày sống của chúng con là một kho của các suy nghĩ xảy ra trong tâm hồn. Có thể là những suy nghĩ tốt và cũng có thể là những suy nghĩ xẫu. Tất cả những suy nghĩ này luôn hiện diện và tác động đến đời sống thánh thiện của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết xem xét và phân định tâm hồn mình, ngõ hầu có thể từ chối tất cả hành động của những suy nghĩ xấu, nhờ đó chúng con có đời sống thánh thiện hơn. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT