Header

Hãy Nhìn Bằng Con Tim - Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa | Ga 20,19-31 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
06/04/2024
620
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Chúa Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Thời các Kitô hữu tiên khởi chỉ họp nhau lại vào ngày thứ I trong tuần, vì mỗi người đều phải lo kế sinh nhai nên không thể họp nhau mỗi ngày. Và Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Qua đó, chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh được nhận biết cách đăc biệt trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ với nhau, khi hợp thành Giáo hội. Các tín hữu thời sơ khai cử hành một cách huyền nhiệm “dấu chỉ” bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu trối lại “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - NĂM B

LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Bài Ðọc I: Cv 4,32-35

“Họ đồng tâm nhất trí”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117,2-4.16ab-18.22-24

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c.1).

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Bài đọc II: 1 Ga 5,1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Đó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20,29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 20,19-31)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin". Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Chúa Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Thời các Kitô hữu tiên khởi chỉ họp nhau lại vào ngày thứ I trong tuần, vì mỗi người đều phải lo kế sinh nhai nên không thể họp nhau mỗi ngày. Và Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Qua đó, chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh được nhận biết cách đăc biệt trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ với nhau, khi hợp thành Giáo hội. Các tín hữu thời sơ khai cử hành một cách huyền nhiệm “dấu chỉ” bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu trối lại “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Điều này cho thấy việc tham dự ngày Lễ Chúa nhật nơi một giáo xứ có tầm quan trọng cỡ nào. Không có chuyện giữ đạo tại tâm, lòng mình có Chúa đủ rồi, không cần tới nhà thờ.

Giáo hội tiên khởi của Chúa Kitô tụ họp nhưng đóng kín cửa vì đang gặp sợ hãi và bách hại. Niềm vui Kitô hữu trước hết không phải là niềm vui dễ dàng và tự phát, nhưng là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng vì cái chết của người Thầy bị đóng đinh. Từ đó trở đi, không gì có thể cướp đi khỏi họ niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Chúa Giêsu Phục sinh. Cũng giống như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Chúa Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua lời chảo chúc của vị linh mục: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa “hôn chúc bình an”: các Kitô hữu được mời gọi trao chúc bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể dễ dàng đón nhận niềm vui phục sinh này. Có những người theo chủ nghĩa hoài nghi, điều gì cũng muốn được kiểm chứng. Tôma từ chối chứng từ của cộng đoàn; ông đòi xem tận mắt, sờ tận tay: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Thế là diễn ra lần hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu xuyên qua những cánh cửa vẫn đều “đóng kín” cẩn mật. Một lần nữa, Người trao lời mang ơn cứu độ phục sinh cho các môn đệ: “Bình an cho các con”. Đoạn, Người đến bên Tôma và bảo: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma muốn một cuộc gặp gỡ cá vị với Thầy Chí Thánh, và lòng Chúa thương xót đã chiều Tôma hết mức. Chúa muốn ông hiểu rằng Đấng bị đóng đinh xưa với Đấng nay được vinh hiển cũng là một, Người thấu suốt điều mà Tôma băn khoăn, vì Người luôn là Đấng hiện diện.

Thánh sử Gioan không đề cập liệu người môn đệ kia có đưa bàn tay ra để sờ và đặt vào cạnh sườn Chúa không vì điều đó chẳng còn quan trọng một khi quá sức tưởng tượng của Tôma. Giờ đây, ông liền thay đổi hẳn thái độ, và công khai tuyên xưng niềm tin tuyệt đối: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Giờ đây Tôma đã hiểu được dầu cho giây phút ông ngã lòng yếu đuối và nghi nan, Chúa Giêsu vẫn hiện diện cạnh bên, lắng nghe và đáp lại lời con người, vì Người là Đấng giàu lòng xót thương. Qua đây, Chúa Giêsu tiếp tục trao ban một mối phúc nữa mà chúng ta là những người trực tiếp nhận lãnh mối phúc ấy: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Chỉ có “đức tin” dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!

Trong cuộc sống, rất nhiều khi mâu thuẫn xảy ra có nguyên nhân là do bản thân chúng ta vội vàng nôn nóng mà nhận định sai, hay quá mức tin tưởng vào phán đoán của mình, bảo thủ không dụng tâm cân nhắc đến lời nói của người khác mà dẫn đến hiểu lầm, sinh ra mâu thuẫn. Người Mỹ có câu châm ngôn: Never judge a book by its cover “Đừng bao giờ phán xét một cuốn sách chỉ bằng cái bìa bên ngoài”. Trên thế giới này có rất nhiều việc chúng ta nhìn tận mắt không hẳn đó là sự thật. Vậy thì sự thật rốt cuộc nằm ở đâu? Bằng mắt thịt đôi khi nó rất hạn chế, chỉ nhìn được những thứ hữu hình, thực tại. Bởi vậy, muốn thấu hiểu thế giới này, người ta không chỉ tin vào mắt thấy, tai nghe mà còn cả trái tim và trí tuệ nữa.

Tại festival ảnh Rencontres d'Arles đang diễn ra tại Pháp, nghệ sĩ người Chilê Alfredo Jarr đã trưng bày một tác phẩm có tên “Âm thanh của Im Lặng”. Tác phẩm này dựa trên bức ảnh huyền thoại của Kevin Carter, nhiếp ảnh gia đạt giải Pulitzer năm 1994. Trong nhiều năm làm việc như một phóng viên ảnh, đặc biệt với tư cách là thành viên của câu lạc bộ Bang-Bang, một hiệp hội của bốn nhiếp ảnh gia muốn ghi lại quá trình chuyển đổi của Nam Phi, ống kính của Carter đã gắn liền với những sinh hoạt của những người nghèo khó. Hình ảnh một bé trai gầy nhom, gục xuống đất vì đói, bên cạnh một con kền kền ăn xác được tái hiện.

Carter đến Sudan để điều tra về cuộc nội chiến và nạn đói. Trên đường đến làng Ayod, nhiếp ảnh gia Carter bắt gặp một đứa trẻ gầy giơ xương đang trên đường bò đến trạm cung cấp thực phẩm. Đột nhiên, một con kền kền đến đứng ở phía sau. Đột nhiên, Carter bị xúc động mạnh mẽ bởi khung cảnh của sự nghèo khổ tột cùng, anh nâng máy ảnh lên và chụp. Carter đuổi con kền kền đi và chạy một mạch hai dặm, vừa chạy vừa gạt nước mắt. Khi gặp người bạn Joao Silva, Carter bị xúc động mạnh. Biên tập viên ảnh của New York Times gọi cho Kenvin Carter báo tin anh đã giành được giải Pulitzer với bức ảnh này. Giải thưởng uy tín này khổ nổi mang lại cho Carter một cơn lốc chỉ trích khắc nghiệt. Hầu hết mọi người đều tập trung vào đạo đức nghề nghiệp của các nhiếp ảnh gia trong một tình huống như vậy. Và họ gay gắt phán xét: "Người đàn ông không từ bỏ mục tiêu của mình để giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn chỉ có thể là một động vật ăn thịt, một con kền kền trên hiện trường".

Năm 2011, Alberto Rojas, một phóng viên ảnh cho tờ El Mundo, nhật báo của Tây Ban Nha, đi công tác tại Ayod. Bị ám ảnh bởi bức hình kền kền, anh bắt đầu tìm kiếm thông tin về nó. Rojas bắt đầu bằng cách nói chuyện với người bạn của mình, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha José Luis Maria Arenzana, người cũng có mặt ở trại tị nạn Ayod vào năm 1993. Lời chứng của ông là một dấu mốc quan trọng mang tính bước ngoặt trong nghiên cứu của Rojas. Arenzana cũng chụp một bức ảnh tương tự. Trong bức ảnh của Arenzana, đứa bé không chỉ có một mình, nó chỉ cách trung tâm chăm sóc có vài mét, bên cạnh đó là cha đứa bé và các nhân viên y tế. Bức ảnh đó đã đem lại cho Rojas niềm hy vọng, rõ ràng sự xuất hiện của các tổ chức nhân đạo là một thông tin tốt cho đứa bé. Rojas đã gặp được cha của đứa trẻ trong bức ảnh của Kevin Carter. Sự xuất hiện của con kền kền, một điềm xấu so với những người phương Tây thì ở đây thấy rất bình thường, kền kền nhiều không đếm nổi. Và một tin bất ngờ khác, đứa bé thực sự đã sống sót sau nạn đói

CHIA SẺ BÀI VIẾT