Header

LỜI GIẢNG DẠY UY QUYỀN: SỰ KHÁC BIỆT CỦA CHÚA GIÊSU - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên | Mc 1,21-28 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
13/01/2025
369
Suy nghĩ về bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tự hỏi mình: đời sống chúng ta có ngôn hành bất nhất không? Chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa thấu suốt hết mọi sự, vì thế, chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu giếm người này người nọ, nhưng chúng ta không thể che giấu trước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể rao giảng về Nước Trời, khi chúng ta trung thực trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người...
Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ BA TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô: (Mc 1,21-28)

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy: 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

SUY NIỆM

LỜI GIẢNG DẠY UY QUYỀN: SỰ KHÁC BIỆT CỦA CHÚA GIÊSU

“Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”

---//---

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Tin Mừng khẳng định cho chúng ta thấy một điều rất rõ ràng là: “Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Vậy lời giảng dạy của Chúa Giêsu khác với những người Kinh Sư như thế nào?

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 65 cho chúng ta biết Đức Giêsu chính là mặc khải trọn vẹn và viên mãn của tất cả mạc khải. Chính vì điều này, nên khi Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường, thì cả phương pháp lẫn nội dung giảng dạy của Ngài đều như một mạc khải mới mẻ. Ngài không dựa vào uy quyền của một chuyên viên nào để nói, nhưng Ngài dùng quyền năng và uy quyền của Thiên Chúa để giảng dạy. Trong khi đó, các Kinh sư không tự mình có uy quyền để nói, họ luôn dựa vào một khoản luật được trích dẫn mà nói. Đó là điều khác biệt lớn đến nỗi không thể san bằng được giữa Chúa Giêsu và những người Kinh Sư.

Và cũng chính sự khác biệt lớn đó cũng mang đến những kết quả cũng như hậu quả của nó. Khi những người kinh sư dựa vào luật lệ để giảng dạy, thì Kinh Thánh cho chúng ta thấy hệ quả của nó là: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23: 2-4). Điều gây nên hệ quả nặng nề của họ là họ nại vào luật của Chúa để bắt chẹt người khác, nhưng bản thân của họ thì lại không muốn giữ.

Còn đối với Chúa Giêsu, Ngài là chính luật, Ngài mang luật Thiên Chúa ra đời sống. Luật đó không chỉ hiện diện trong sách luật hay lý thuyết, nhưng luật đó được hiện thực hoá bằng chính cuộc sống của Ngài. Và, chính cuộc sống khiêm nhường, yêu thương, phục vụ đó đã trở thành một lời giảng dạy đầy uy quyền và thuyết phục.

Và chúng ta thấy, lời giảng dạy uy quyền đó trở thành một điểm sáng chói mà ai cũng cảm thấy được. Chính mà quỷ cũng nhận ra lời giảng dạy uy quyền đó, đến nỗi chúng thốt lên: “Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1: 24). Kết quả trong lời giảng dạy uy quyền đó là ma quỷ bỏ chạy còn con người khắp nơi thì biết về Danh Thiên Chúa.

Như vậy, qua cách giảng dạy của những người Kinh Sư và của Chúa Giêsu, chúng ta rút ra được một bài học quan trọng: Đừng chỉ tay năm ngón, nhưng hãy sống luật Chúa trước, chính đời sống giữ luật Chúa sẽ trở thành lời giảng dạy uy quyền và thuyết phục người khác.

Suy nghĩ về bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tự hỏi mình: đời sống chúng ta có ngôn hành bất nhất không? Chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa thấu suốt hết mọi sự, vì thế, chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu giếm người này người nọ, nhưng chúng ta không thể che giấu trước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể rao giảng về Nước Trời, khi chúng ta trung thực trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người. Đó chính là lời rao giảng hiện thực, dễ hiểu và dễ đón nhận nhất. Bởi vì nó đã trở thành lời rao giảng có uy quyền được chứng thực từ chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cố gắng tập và quyết tâm sống trung thực trước mặt Chúa và anh chị em của mình. Trong mọi việc, xin cho chúng con biết dựa vào Chúa và luật của Chúa để sống trọn vẹn giới răn mến Chúa và yêu người. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT