Header

Suy Niệm Lời Chúa | Lễ Đức Mẹ Mân Côi | Lc 1,26-38 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
07/10/2024
299
Trong tác phẩm “Theo vết chân Người”, linh mục Phaolô Phạm Quốc Tuý khẳng định rằng: "Chuỗi Mân Côi còn được gọi là cuốn Phúc Âm rút gọn của người bình dân". Đó là kinh nguyện của mọi tín hữu. Vì thế, ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn…. Không chỉ thế, Kinh Mân Côi còn có thể đọc được ở bất cứ đâu: Nhà thờ, nhà ở, trường học, đi xe… Đó chính là ý nghĩa và sự phổ quát của Kinh Mân Côi.

SUY NIỆM LỜI CHÚA

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 1,26-38)

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM

Trong tác phẩm “Theo vết chân Người”, linh mục Phaolô Phạm Quốc Tuý khẳng định rằng: "Chuỗi Mân Côi còn được gọi là cuốn Phúc Âm rút gọn của người bình dân". Đó là kinh nguyện của mọi tín hữu. Vì thế, ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn…. Không chỉ thế, Kinh Mân Côi còn có thể đọc được ở bất cứ đâu: Nhà thờ, nhà ở, trường học, đi xe… Đó chính là ý nghĩa và sự phổ quát của Kinh Mân Côi.

Với ý nghĩa và sự phổ quát đó, người Kitô hữu được mời gọi lần Chuỗi Mân Côi, vì đó là trường học của Mẹ Maria. Ở nơi đó, chúng ta được dẫn dắt để chiêm ngưỡng cuộc đời của Đấng Cứu Thế và cảm nghiệm chiều sâu tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Chính vì mục đích ấy mà trong ngày lễ Mẹ Mân Côi, Giáo Hội đã cho chúng ta nghe lại một trong những đoạn Tin Mừng hay nhất có liên quan đến Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta. 

Đoạn Tin mừng này cho chúng ta chiêm ngưỡng cả một đời sống của Đức Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Câu nói của Mẹ chia làm 2 vế:

- “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Mẹ cảm thấy thân phận bất xứng, hèn mọn của mình trước một vinh dự quá lớn lao là được làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

- “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đứng trước ơn ban lớn lao đó, Mẹ không muốn làm theo ý riêng của mình, không đòi hỏi, không đặt điều kiện, mà muốn phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, để cho Chúa tuỳ ý trên cuộc đời của Mẹ. Vì không còn gì lớn lao hơn, cao trọng hơn điều này nữa.

Qua đây, chúng ta rút ra một bài học: Những ai khiêm tốn và phó thác hoàn toàn trước ơn ban của Thiên Chúa, thì Ngài sẽ làm những điều kỳ diệu trên cuộc đời của họ, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Vì Kinh Mân Côi là lời kinh mang đậm chất Tin Mừng bình dân nên mọi tín hữu đều có thể đọc và đọc ở khắp nơi. Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta được mời gọi đọc với tâm tình như Đức Maria: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Vì thế:

- Khi đọc với tâm tình “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa”, thì hiệu quả của Kinh Mân Côi sẽ là: thứ nhất, chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự yếu hèn của mình; thứ hai, hiệu quả đó làm cho chúng ta được thực sự trở nên khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và anh chị em mình. Khi đọc với tâm tình “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, chúng ta không những được mời gọi phó thác nơi Thiên Chúa mà còn mang đến hiệu quả là làm cho chúng ta thực sự phó thác vào Thiên Chúa (dù trước đó, chúng ta vẫn đang cậy vào sức mình, chưa hoàn toàn tin tưởng và phó thác).

- Khi đọc với tâm tình “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, thì những điều Thiên Chúa đã làm nơi Đức Maria, cũng sẽ thực hiện nơi chúng ta, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Trong cuộc đời, với một tương lai không biết trước, có thể một lúc nào đó, chúng ta sẽ vấp ngã, mất lòng tin tưởng và cậy trông, thì ngay trong hiện tại, chúng ta hãy siêng năng đến với Mẹ bằng việc đọc Kinh Mân Côi. Đó là vũ khí chống lại những vấp ngã, những yếu đuối, nhất là những cám dỗ của ma quỷ: Trong cuốn tiểu sử “Cha Pio: The True Story” của C. Bernard Ruffin, tác giả cho biết rằng: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện thường xuyên của Cha thánh Pio và là vũ khí của ngài để chống lại quyền lực của địa ngục”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng nói: “Kinh Mân Côi là phương pháp cứu rỗi chắc chắn nhất” (Rosarium Virginis Mariæ).

Vì thế, mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay cho chúng ta một khẳng định rằng, muốn chiến thắng tội lỗi và cám dỗ, chúng ta phải lần hạt Mân Côi; và nếu chúng ta đang ở tình trạng của sự yếu đuối lòng tin và sa ngã, nếu đến với chuỗi hạt Mân Côi, sẽ có ngày bước vào chiến thắng, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Kinh Mân Côi là một vũ khí đem lại hiệu quả tích cực cho tất cả mọi người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi mang đến ơn hoán cải; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi mang đến niềm hy vọng; ai khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi mang đến sự sống mới. Bởi vì, Kinh Mân Côi là sự hiện diện của Đức Mẹ Chiến Thắng; Kinh Mân Côi cũng là “Nhập thể, Khổ nạn và Phục sinh” của Đấng Cứu Thế.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết thưa hai tiếng Xin Vâng như Mẹ, xin dạy con biết khiêm tốn và phó thác hoàn toàn vào Chúa như Mẹ, để nhờ đó, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Ngài muốn nơi cuộc đời của con hôm nay. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT