
MỐI TƯƠNG QUAN MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA - Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Tuần XIX Mùa Thường Niên - Năm B | Ga 6,41-51 | Lm Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an: (Ga 6,41-51)
Khi ấy, người Do-thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?’” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
SUY NIỆM
MỐI TƯƠNG QUAN MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA
“Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao?” (Ga 6:42)
---//---
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong buổi đọc kinh Truyền tin tại quảng trường Thánh Phêrô tháng 7 năm 2021 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Việc những người đồng hương Nazareth của Chúa Giêsu từ chối nhìn nhận Người là vị Ngôn sứ, là vì họ không chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa”. Có thể nói rằng, họ không chấp nhận một Thiên Chúa mang dáng vẻ bình thường: sự vô biên của Thiên Chúa lại được bày tỏ nơi xác thịt nhỏ bé của con người; Con Thiên Chúa lại là con của bác thợ mộc; quyền năng của Thiên Chúa lại ẩn mình trong lời nói giản dị của một con người… Tất cả những điều này trở thành cớ vấp phạm cho họ, làm cho họ không nhận ra Thiên Chúa đang ở bên cạnh họ. Có thể nói rằng, tương quan giữa họ và Thiên Chúa chưa đủ mật thiết để có thể nhận ra người.
Tuy nhiên, có một nghịch lý rất rõ ràng mà Thánh Gioan Thánh Giá đã chia sẻ rằng: “Chúng ta càng đi sâu vào sự mật thiết, thì sẽ bắt đầu hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu”. Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng như thế. Vì thế, tác giả Rolheiser đã nói rằng: “Ban đầu, khi sự mật thiết của chúng ta không quá sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình hiểu mọi sự và chúng ta có những cảm nhận và ý niệm chắc chắn về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta càng đi sâu, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy cảm nhận và ý niệm của mình sai lầm và trống rỗng, vì sự mật thiết của chúng ta đang mở chúng ta ra với mầu nhiệm trọn vẹn hơn của Thiên Chúa. Nghịch lý thay, điều này có vẻ như Thiên Chúa biến mất và không tồn tại”.
Trong ý tưởng này, ta có thể dùng hình ảnh ánh sáng để suy nghĩ thêm.
Nếu chúng ta càng đến gần hoặc nhìn thẳng vào mặt trời với đôi mắt trần, thì chúng ta sẽ thấy gì? Chẳng thấy gì cả? Một ánh sáng quá mức khiến chúng ta bị mù, và đôi mắt của chúng ta sẽ tối sầm lại, bóng tối bắt đầu bao trùm lấy ta. Và đó là lý do vì sao chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn Thiên Chúa, và là lý do vì sao càng đi vào thân mật với Thiên Chúa, càng đi vào sâu trong Ánh Sáng, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất và khó hình dung hơn. Chúng ta đang bị mù, không phải vì Thiên Chúa không hiện diện, mà vì Ngài là ánh sáng quá mức với đôi mắt trần của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta chỉ lấy đôi mắt trần, máu thịt trần gian để nhận biết Ngài thì không thể.
Suy tư này cho chúng ta nhìn vào cách mà người Do Thái xầm xì về Chúa Giêsu. Họ dùng đôi mắt trần, máu thịt trần gian để nhận biết Thiên Chúa là ai. Với cái nhìn đó, họ cho rằng Thiên Chúa phải là thế này, phải là thế kia, phải là cái gì đó mà họ có thể định nghĩa được, phải nằm trong sự định nghĩa của họ, thì đó mới là Thiên Chúa. Thật ra mối tương quan giữa họ và Thiên Chúa chưa đủ sâu sắc nên họ mới nghĩ rằng họ hiểu mọi sự về Thiên Chúa và họ đóng khung Thiên Chúa trong suy nghĩ của họ. Thế nhưng, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: Ngài ở trong mọi hoàn cảnh, mọi giai cấp giàu nghèo, trong đau khổ, trong sự giản dị, trong sự nghèo khó, trong sự quê mùa…. Thiên Chúa ở trong người hàng xóm của tôi, trong người bạn của tôi, trong cả những người thù ghét tôi… Đó là sự hiện diện vô biên của Thiên Chúa, mà chỉ những người có mối tương quan đủ mật thiết với Ngài mới nhận ra sự hiện diện của Ngài.
Vậy, nhìn lại quãng đời đã qua của mình, chúng ta nhìn nhận như thế nào về Thiên Chúa? Chúng ta đã thực sự nhận ra Thiên Chúa ở bên cạnh mình không?
Đối với người nghèo khó chúng ta đối xử với họ như thế nào? Đối với người giàu có chúng ta thân thiết với họ như thế nào? Với hai thành phần này, chúng ta thích lui tới với ai? Với những người ít học và những người học nhiều, chúng ta có cảm tình với ai hơn? Với những người quyền thế và người yếu thế, chúng ta công bằng với người nào?
Với những câu hỏi này, cho chúng ta phần nào nhận ra được mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa đang ở mức độ nào. Nếu chúng ta có một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng mình không thể định nghĩa được Thiên Chúa, và như thế, chúng ta cũng sẽ không nên định nghĩa người giàu người nghèo, người quyền thế người yếu thế… Tờ năm trăm ngàn ở trong phong bì xấu hay phong bì đẹp thì vẫn có giá trị như nhau. Người Kitô hữu ở trong căn nhà đẹp hay căn nhà xấu thì bản chất không phải ở căn nhà, nhưng nằm ở đời sống của mỗi người.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con ngày càng nên mật thiết với Chúa bằng việc sống chan hoà với tất cả mọi người. xin Chúa giúp cho chúng con biết khiêm tốn để đón nhận anh chị em của mình. Amen.
Cao Nhất Huy