
SÁM HỐI: HÀNH ĐỘNG DỨT KHOÁT VÀ LIÊN LỈ - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Hai Tuần I Mùa Thường Niên | Mc 1,14-20 | Lm Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ HAI TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô: (Mc 1,14-20)
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
SUY NIỆM
SÁM HỐI: HÀNH ĐỘNG DỨT KHOÁT VÀ LIÊN LỈ
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
---//---
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng mường tượng ra một khung cảnh mà Chúa Giêsu đi dọc bờ biển, nơi đó có các người đánh cá đang làm việc vất vả để kiếm sống. Dọc theo bờ biển, Chúa Giêsu đã thấy và chọn một số người đi theo Ngài, đó là các ông: Simon, Anrê, Giacôbê, Dêbêđê và Gioan. Qua lời mời gọi của Chúa Giêsu, Tin Mừng cho chúng ta thấy một hành động dứt khoát mà những người được gọi đã làm, đó là “lập tức” bỏ nghề cũ, chốn cũ… để đi theo Chúa Giêsu.
Nếu như Chúa Giêsu đã rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, thì hành động sám hối căn bản nhất và cần nhất chính là dứt khoát từ bỏ đời sống cũ mà bước theo Ngài. Hình ảnh những người được gọi nơi bờ biển mô tả cho thấy một sự sám hối trong hành động: từ bỏ những ràng buộc trần thế để sống đời sống mới trong Chúa.
Sách GLHTCG số 1428 cho chúng ta biết rằng: “Lời kêu gọi hoán cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang lên trong đời sống người tín hữu. Cuộc hoán cải thứ nhì này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh; vì ‘mang trong lòng mình những tội nhân’ và ‘vừa thánh thiện vừa được kêu gọi thanh luyện, Hội Thánh nỗ lực không ngừng để thống hối và canh tân’”. Như thế, hành động sám hối không phải là một hành động nhất thời, mà là một hành trình liên tục trong suốt cả cuộc đời con người. Chẳng hạn như Phêrô, ông là người đã được Chúa gọi và ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa (nghĩa là sám hối), nhưng sau đó vì do nhát đảm ông đã chối Chúa ba lần, nhưng sau đó ông đã ăn năn thống hối với lỗi lầm đó (Lc 22:61-62). Còn trong khi đó, Giuđa cũng được Chúa chọn, rồi cũng phạm tội, nhưng ông lại không ăn năn thống hối tội lỗi của mình, thế nên ông đã phải chết trong tội của mình.
Là người Kitô hữu, sám hối là một phần thiết yếu trong cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn gọi chúng ta mỗi ngày. Điều quan trọng là chúng ta có đáp lại bằng một hành động dứt khoát như các môn đệ năm xưa không.
Sách GLHTCG số 1426 cho chúng ta biết: “Sự chiến đấu giữa xác thịt và tinh thần’ tiếp tục trong cuộc đời người Kitô hữu. Được tái sinh trong Bí tích Rửa Tội, con người Kitô hữu vẫn giữ lại một số yếu đuối nhất định của bản tính con người…”. Quả thế, xác thịt của con người không chỉ đơn thuần là thân xác vật lý, nhưng còn là những yếu đuối và xu hướng tội lỗi, đó chính là dục vọng. Vì thế, người Kitô hữu phải đối diện với một cuộc chiến nội tâm rất gay gắt: một bên là xu hướng tự nhiên dễ sa ngã vào những ham muốn, ích kỷ và cám dỗ tội lỗi; một bên là Ơn Chúa, thúc đẩy chúng ta sống theo Tin Mừng, làm điều thiện và nên thánh. Cuộc chiến này có lúc con người chiến thắng, có khi thì thất bại như lời Thánh Phaolô đã thốt lên khi ông đã từng thất bại: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 5:15).
Vì thế, đứng trước lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, chúng ta hãy chiến đấu không ngừng với chính mình và với những cám dỗ. Bên cạnh đó, để có thể chiến thắng được chính mình và cám dỗ, chúng ta hãy cây dựa vào Ơn Chúa; để qua những lần chúng ta thua trong cuộc chiến đấu, thì nó không phải là thất bại, mà là cơ hội để con người ngày càng hoàn thiện và nên giống Chúa Kitô hơn.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con phải đối diện với rất nhiều những cám dỗ, và cũng rất nhiều lần chúng con chiều theo cám dỗ. Xin Chúa ban thêm ân sủng, để chúng con có sức mạnh chống lại những cám dỗ đó. Chúng con tin rằng, Chúa luôn ở bên chúng con: “Ơn của Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Amen.
Cao Nhất Huy