
SỰ KHÔN NGOAN THEO Ý NGAY LÀNH - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần X Mùa Thường Niên | Mt 5,33-37 | Lm Cao Nhất Huy

THỨ BẢY TUẦN X MÙA THƯỜNG NIÊN
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,33-37)
33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37 Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
SỰ KHÔN NGOAN THEO Ý NGAY LÀNH
“Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi”
---/---
Câu nói quan trọng nhất trong trang Tin Mừng hôm nay là: “‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Người nói sai sự thật, sống sai sự thật, nói gian dối, sống gian dối thì không thuộc về điều Thiện mà thuộc về điều dữ là ác quỷ. Vì thế, người môn đệ của Chúa phải là người sống với ý ngay lành. Vậy, phải sống ý ngay lành như thế nào trong xã hội phát triển hôm nay?
Chúa Giêsu đã từng nói rằng: “Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10: 16-33), Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ bài học về sự khôn ngoan và cẩn trọng trong đời tông đồ, một sự khôn ngoan không lươn lẹo để đạt mục đích mà là khéo léo trong cách cư xử. Sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải có là sự khôn ngoan của “ý ngay lành” được ví như sự đơn sơ chân thành của chim bồ câu. Như thế, môn đệ của Chúa phải là người khôn ngoan của “ý ngay lành” chứ không phải kiểu khôn ngoan luồn lách, qua mặt người đời. Nội tâm của người khôn ngoan như thế nào thì Chúa thấu hiểu hết.
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói: “Hễ có thì nói có, không thì nói là không”. Đó là sự ngay thẳng chính trực của người môn đệ phải có trong đời sống của mình. Và Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa”, bởi vì Chúa biết tất cả mọi sự. Trong cuộc hành trình với các môn đệ, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5: 18). “Một chấm, một phết” ở đây có nghĩa là Chúa thấu hiểu hết cõi lòng con người, ngay thẳng hay lật lọng của con người, dù chỉ nhen nhúm trong suy nghĩ thôi, thậm chí chưa tỏ ra bên ngoài, thì Ngài cũng “tính sổ” với chúng ta trong ngày phán xét. Thật vậy, chỉ cần “giận anh em mình” thôi thì đã đáng phải đưa ra toà – nghĩa là chỉ cần trong lòng “tức giận” là đã có tội, chứ chưa nói đến việc “nghỉ chơi”. Đến nỗi, Chúa Giêsu tuyên bố: “Bất cứ ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy” (Mt 5: 19) thì đã bị lên án.
Trong một cuộc hội thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19: 16). Chúa Giêsu chỉ trả lời anh rằng: “Hãy giữ các điều răn” (Mt 19: 17). Anh thanh niên này là một người khôn ngoan, vì anh biết Chúa là bậc Thầy nên anh đã “Chọn mặt gửi vàng” mà đến hỏi Chúa. Tuy nhiên, đó lại là sự khôn ngoan của “thế gian”, cố luồn lách để tìm an ủi cho đời sống và lương tâm của anh, chứ thật tình anh không có “ý ngay lành” trong việc tìm kiếm “sự sống đời đời”. Bằng chứng là sau khi Chúa Giêsu chỉ cho anh cách để tìm kiếm sự sống đời đời, thì anh lẳng lặng bỏ đi: “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” (Mt 19: 22).
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng vậy! Chúng ta có “ý ngay lành” để tìm kiếm sự sống đời đời không? Nếu thực tâm tìm kiếm sự sống đời đời, thì chúng ta sẽ cố gắng và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, thanh tẩy những ý tưởng xấu xa nhen nhúm trong lòng, những dục vọng đen tối thôi thúc trong tâm hồn. Bởi vì, một suy nghĩ không tốt đẹp về người khác, cũng là “một chấm, một phết” mà Chúa thấu suốt; nó cũng là “một chấm, một phết” đưa chúng ta đến chỗ làm điều xấu cho người khác.
Như vậy, điều Chúa Giêsu gọi là “một chấm, một phết” không phải là những hành động bên ngoài, nhưng là những “ý nghĩ nhỏ bé” nhen nhúm ngay từ trong lòng. Vì thế, nếu chúng ta có “ý ngay lành” để tìm kiếm sự sống đời đời, thì phải thanh luyện tâm hồn từ những ý nghĩ, lời nói và hành vi nhỏ bé trong đời sống hằng ngày. Bởi vì, từ những tư tưởng không tốt lành, những ý nghĩ không lành mạnh trong tâm hồn, sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa bên ngoài và cấu thành tội.
Vì thế, sự khôn ngoan của người môn đệ Chúa, là sự tỉnh thức từ bên trong tâm hồn, bởi “cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7: 20).
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự, xin giúp chúng con can đảm từ bỏ và thanh luyện những tư tưởng không tốt lành trong tâm hồn, để nhờ đó chúng con có thể đạt tới sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.
Cao Nhất Huy