Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Lễ Mẹ Mân Côi - Năm B | Lc 1,26-38 | Lm Alfonsô

avatarby Quốc Khánh
06/10/2024
412
Lời kinh Kính Mừng có nguồn gốc từ lời Kinh Thánh mà hôm nay chúng ta nghe trình thuật theo thánh sử Luca, đó là lời chào của vị Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, một vị thể hiện uy lực của Thiên Chúa, được sai đến với một cô thôn nữ ở tận làng quê Nazaréth trong biến cố Truyền Tin. Trước mặt cô thôn nữ Maria, có ai ngờ vị thiên sứ lại không gọi tên mà dùng một danh xưng hết sức cung kính để chào làm cô bối rối: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ” (Lc 1,28).

SUY NIỆM LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI - NĂM B

Bài đọc 1: St 3,9-15.20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”. Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: 1Sm 2,1.4-5.6-7.8

Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c.1a).

1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. 

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. 

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. 

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Bài đọc II: Cv 1,12-14

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày Sabáth. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu. Đó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia (Lc 1,28): Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. Alleluia.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1,26-38)

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nazaréth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavíd, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavíd tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ. Đó là lời Chúa.

Suy niệm

Khi giáo xứ tổ chức đi đọc kinh Mân Côi luân phiên gia đình giáo hữu, một em bé chạy ra khoe với cha sở sau giờ kinh:

- “Con đố cha chứ món quà nào mà người ta được tặng nhiều nhứt?” Cha mỉm cười trả lời như là đón được ý của em bé: “Gấu bông”

- “Không phải, cho cha nói lại”. “Vậy thì búp bê.”

- “Cũng không đúng, cho cha nói lần thứ ba”. Lúc này cha không vội trả lời ngay mà suy nghĩ với tuổi của em bé này thì cái gì thích nhứt đây… Và cha trả lời là hình Chúa và Đức Mẹ”.

- “Chưa đúng luôn, đó là xâu chuỗi!” Lúc này em giơ lên cánh tay em đang đeo sợi chuỗi Mân Côi”.

Một đứa bé ở độ tuổi mầm non, chưa biết đọc biết viết thế mà đã có một thói quen đọc Kinh Kính Mừng phải khen là một em bé với nhân đức tốt. Nhân đức là thói quen tốt được lặp đi lặp lại thường xuyên.

Lời kinh Kính Mừng có nguồn gốc từ lời Kinh Thánh mà hôm nay chúng ta nghe trình thuật theo thánh sử Luca, đó là lời chào của vị Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, một vị thể hiện uy lực của Thiên Chúa, được sai đến với một cô thôn nữ ở tận làng quê Nazaréth trong biến cố Truyền Tin. Trước mặt cô thôn nữ Maria, có ai ngờ vị thiên sứ lại không gọi tên mà dùng một danh xưng hết sức cung kính để chào làm cô bối rối: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ” (Lc 1,28). Phần kế tiếp trong kinh Kính Mừng là lời ca mừng của bà Elizabeth khi Đức Mẹ thăm viếng: “Em được chúc phúc” (nghĩa là có phước lạ), hơn mọi người phụ nữ, “và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (nghĩa là cũng có phước lạ)” (Lc 1,42).

Phần thứ hai trong Kinh Kính Mừng là lời cầu xin với Đức Mẹ mà chúng ta tuyên xưng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Chúng ta thành tâm khiêm tốn tự nhận mình là “kẻ có tội”. Ngay cả khi thành thai trong lòng mẹ, chúng ta đã mang tội Nguyên tổ. Tội Nguyên tổ là tội Adong và Evà vì bất tuân Thiên Chúa, muốn bằng Thiên Chúa mà xuôi theo lời cám dỗ của ma quỷ để rồi hậu quả là gì? Nếu như xưa Chúa dựng nên Evà và đem tới cho Adong thì ông thể hiện niềm vui sướng kêu lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23) thì giờ đây khi sa ngã, con người lại đổ lỗi cho nhau, Adong thì thưa: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn” (St 3,12), còn Evà cũng chẳng khá hơn: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn” (St 3,13). Họ không dám nhận trách nhiệm mà đùn đẩy cho nhau. Nhưng Đức Chúa là Đấng yêu thương, Ngài không nỡ để con người trầm luân mãi mãi, đã thương đã hứa ban ơn cứu chuộc: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”. (St 3,15)

Thánh Phaolô đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao la vĩ đại, cao lớn hơn tội lỗi con người nên ngài đã gọi bằng từ “tội hồng phúc”, để chúng ta càng nhận ra Thiên Chúa từ nhân và muốn cứu chữa con người. Với “tội hồng phúc” ấy, chúng ta mới hiểu thế nào là “chờ đợi là hạnh phúc” vì tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi thụ tạo đầy yêu thương của Ngài. Ngài đã sai các tiên tri theo dòng lịch sử để loan báo ơn cứu chuộc. Và rồi, Ngài đã chọn một cung lòng xứng đáng cho Ngôi Lời là Con Một Ngài ngự xuống trần gian. Như vậy, lời chào của sứ thần dành cho Đức Maria là một tiếng chuông báo hiệu giờ hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện bằng cách “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”. Đức Mẹ Maria đã đón nhận lời sứ thần và đã tin rằng “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được!” Chính điều này không phải Mẹ đã tin một lần nhưng tin trong suốt cuộc đời, cả biến cố phải vượt biên sang Ai Cập để tránh sự bách hại, hay việc sống âm thầm nơi lành quê hẻo lánh trong sự nghèo khó, lúc đau khổ đứng dưới chân thập giá khi con mình chịu treo cao.

Thánh Luca còn kể lại trích sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta vừa nghe bài đọc II, khi Chúa Giêsu chịu chết, môn đệ Chúa người thì thất thểu đi về nhà, kẻ chán nản như vô định vì người chịu treo thập giá không chỉ đơn thuần là Thầy nhưng còn là người mà cả cuộc đời mình trao phó, tín thác, thậm chí bỏ cả vợ con, gia đình, nghề nghiệp để theo mà nay họ thấy lòng mình bấn loạn như dấu chấm hết, ngõ cụt cuộc đời và sự nghiệp. Nhưng may mắn thay, Đức Mẹ Maria, người được Chúa Giêsu trên thập giá trối phú lại cho Gioan, giờ đây chính Mẹ nối kết các môn đệ Chúa và mọi người tin theo Chúa bất kể người nam hay nữ. Mẹ đã giữ vững niềm tin ấy để quy tụ các môn đệ cùng quay trợ lại nơi các ông trú ngụ để cùng họ cầu nguyện, suy đi nghĩ lại những sự việc đó trong lòng, và hiệp thông nối kết với nhau thành một gia đình Hội thánh: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”. (Cv 1,14)

Mẹ Maria luôn là Đấng chỉ dạy cho con cái Người kính mến Chúa. Nếu như thế kỷ thứ XII-XIII, đời sống Giáo hội và cả xã hội có nhiều bất ổn, Thiên Chúa đã cho một chiếc kiềng ba chân để giúp cho tinh thần dân chúng được ổn định trở lại. Đó chính là sự xuất hiện một Phanxicô Assisi sống nghèo giữa một thế giới thích chạy theo vật chất. Một Thomas Aquinô giúp các tín hữu ý thức lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu thần học để biện bác và bảo vệ đức tin của Giáo hội, thì cũng xuất hiện một Đaminh giúp các tín hữu sống đời sống nhiệt thành lòng đạo trong Giáo hội. Vào năm 1206, bè rối Albigeois nổi lên và trở thành một mối đe doạ cho Giáo hội tại nước Pháp. được sai đến để cảm hoá họ. Mặc dù dầu thánh Đaminh đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn thất bại, bè rối mỗi ngày một lan rộng gây chia rẽ trong Giáo hội. Cuối cùng thánh Đaminh đã cầu xin với Đức Mẹ, và theo truyền thuyết thì chính Đức Mẹ đã hiện ra, truyền dạy thánh Đaminh phép lần hạt Mân Côi. Nhờ kinh Mân Côi mà thánh Đaminh đã cảm hoá được những người theo bè rối, hàn gắn những rạn nứt, dẫn đưa họ trở về cùng Giáo hội. Thánh nhân cũng là người đầu tiên kết những bông hoa hồng làm thành tràng hạt dâng kính Đức Mẹ.

Kinh Mân Côi theo định nghĩa của các từ điển thần học Công Giáo, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh. Tiếng Việt đọc trại ra là Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary. Gọi là Mân Côi” có nghĩa là “Bông hồng” do bởi theo ngôn ngữ của loài hoa thì hoa hồng được gọi là nữ hoàng của các sắc hoa. Và thuở xưa, dân chúng hay kết vòng hoa thành triều thiêng dâng tặng một vị họ ngưỡng mộ, trân quý nhất. Các tín hữu dâng những đóa hoa thiêng của lời kinh Kính mừng còn được gọi là lời kinh hoa hồng dâng lên Đức Mẹ. Ngoài ra, Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quý lạ. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là “Kinh Ngọc”, được các tín hữu trân trọng thành kính kết thành “chuỗi ngọc Mân Côi” là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Lời kinh Mân Côi dầu là 10 kinh, hay xâu chuỗi Mân Côi 50 kinh mà các tín hữu Công Giáo một khi thành tâm cầu nguyện, dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Maria để tỏ lòng ca ngợi và tán dương thì sẽ nhận được giá trị to lớn từ lời cầu nguyện bằng tràng chuỗi ấy. Chẳng hạn cầu cho thế giới thoát khỏi dịch bệnh, quốc gia thoát khỏi xung đột chiến tranh loạn ly, dân tộc thoát khỏi khinh thị, vùng đất thoát khỏi thảm họa, xóm làng thoát khỏi nghi kỵ, các thành viên trong gia đình thoát khỏi bất hòa, anh chị em thoát khỏi ganh tỵ, bằng hữu thoát khỏi hơn thua, con cái thoát khỏi bất trị, tôn giáo thoát khỏi bách hại, người nghèo thoát khỏi bất công, người yếu thế thoát khỏi chèn ép tư bề…Với sự chân thành của con tim, chúng ta tin chắc Mẹ cảm thương và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, như Mẹ đã đồng hành với các vị rường cột của Giáo hội.

Hiệu quả của lời Kinh Mân Côi mà các tín hữu nhận thấy rõ ràng đó là biến cố tại vịnh Lépante. Đạo quân Hồi giáo với những thuyền chiến vô vàn và hiện đại, như vũ bão phát xuất từ Thổ nhĩ kỳ xâm lược Âu Châu. Đức Giáo hoàng Piô thứ V đã kêu gọi thành lập đạo binh Thánh Giá nhưng không thể ngăn chặn đà tiến của Hồi giáo. Ngài kêu gọi mọi tín hữu ở hậu phương hợp nhau tin tưởng lần hạt Mân côi để xin Đức Mẹ giúp ngăn cuộc xâm lược. Ngày 7/10/1571, trong trận chiến tại vịnh Lepante, bỗng dưng một cơn gió thổi ngược đẩy xô tàu chiến của Hồi giáo với vũ khí hùng hậu thêm sức cho đạo binh Thánh giá đã ngăn được sự tấn công. Để ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này, Đức Giáo hoàng Pio V đã truyền thiết lập lễ Mân Côi hằng năm để tạ ơn Chúa và phổ biến lễ này một cách rộng rãi trong Hội Thánh toàn cầu. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã giải thích tầm quan trọng của lễ Mân Côi trong rất nhiều thông điệp Ngài ban bố. Đến nay, người Kitô hữu trên toàn thế giới đã mừng lễ này cách rất sốt sắng và tôn kính đặc biệt đối với lễ Mân Côi.

Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện rất ư là bình dân, dễ yêu mến và thực hành ở bất kể độ tuổi nào, từ những người thấp hèn tới các khoa học gia và những triết gia công giáo. Chẳng hạn phải kể đến Blaise Pascal, khoa học gia, đồng thời là triết gia người Pháp thế kỷ XVII, hay như André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp thế kỷ XVIII-XIX, người đã sáng lập ra môn điện từ học rất yêu mến đọc kinh Mân Côi. Và phải kể đến Louis Pasteur, nhà bác học người Pháp sống vào thế kỷ XIX, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vaccin trừ bệnh chó dại. Ông rất yêu mến kinh Mân Côi, và trên tay luôn cầm cỗ tràng hạt Mân Côi khi trên đường từ nhà tới sở làm. Kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng thu gọn. Đọc kinh Mân Côi là chiêm ngắm và suy niệm cuộc đời của Chúa Giêsu để chúng ta đón nhận giáo huấn của Chúa và thực thi những gì người dạy.

Xin kể về ba vị thánh thời nay, những người rất yêu mến Đức Mẹ Mân Côi.

Trước nhất là Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta mừng kính đầu tháng 10. Thánh nữ nói: “Với Kinh Mân Côi, tín hữu Công Giáo xin gì cùng Thiên Chúa, Ngài cũng nhận lời”. Trong Dòng Kín, khi Têrêsa đau yếu nặng, các chị em phải đưa xuống nhà liệt, một hôm Têrêsa kêu lên: "Ôi, tôi mến Đức Mẹ lắm. Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ giảng về Đức Mẹ dịu dàng lắm. Người ta cứ nói Đức Mẹ cao sang không thể lui tới được. Phải chi cứ giảng rằng: Đức Mẹ bình dân rất dễ bắt chước. Người là Mẹ hơn là Nữ Vương. Đã có lần tôi nghe nói: Sự sáng láng Đức Mẹ che lấp các Thánh như mặt trời mọc lên lấn át các vì sao trên trời. Chúa ôi, sao lại nói kỳ cục như thế được. Người mẹ lại nhẫn tâm lấn át sự vẻ vang của con cái mình ư, không đâu. Tôi tin thật rằng, Đức Mẹ sẽ ban thêm sự sáng láng cho những con cái được về Thiên Đàng. (Truyện Một tâm hồn, tr. 304). Về việc đọc kinh Mân côi, Têrêsa viết: "Nhiều khi con thấy mình lạnh lẽo khô khan quá, không thể tìm ra một tư tưởng tốt lành nào, những khi ấy con đọc thong thả kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, chỉ hai kinh này là con thích đọc và đầy đủ thần lực để nuôi linh hồn con hàng ngày. (Truyện Một tâm hồn, tr. 241)

Kế tiếp là cha Pio 5 Dấu. Có lẽ người Công Giáo chúng ta ai cũng nghe biết vị thánh hết sức thời danh là Cha Pio 5 dấu, dòng Capucin, miền nam nước Ý, thuộc dòng thánh Phanxico khó khăn, đã được Chúa in 5 dấu thánh vào tay chân và cạnh sườn. Cứ đến ngày thứ Sáu đầu tháng, thì các vết ở tay chân, cạnh sườn lại chảy máu. Đây là một phép lạ nhãn tiền, nhiều người được chứng kiến tận mắt tại chỗ. Cha Piô đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, hay dùng tràng hạt để lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Người ta thường thấy cha hay cầm trong tay chuỗi hạt Mân. Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng: “Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù”.

– Vũ khí đó là gì, thưa cha?

– Nó trên áo dòng của cha.

– Con đâu có thấy vũ khí nào đâu? Con chỉ thấy xâu chuỗi Mân côi.

– Đó không phải là vũ khí sao?

Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha thánh Piô đã trả lời: “Lần chuỗi Mân Côi!” Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày. “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta. Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi”. Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt”.

Người thứ ba là chân phước trẻ Carlo Acutis. Trong phòng của Carlo ở Milan có tượng Đức Mẹ Vladimir. Carlo rất thích các tượng vì Carlo nghĩ mình có thể nói chuyện với các ảnh tượng. Carlo biết Thánh Jean Damascene ở thế kỷ thứ 8 đã nói về các ảnh tượng, đây không phải là những ảnh tượng đơn giản, nhưng là những ảnh tượng sinh động, tràn đầy ân sủng thần thánh. Đây là sự nối dài của Thân Thể Chúa Kitô, là nhân tính của Chúa Kitô vinh hiển và nhân tính của sự hiệp thông giữa các thánh. CarloAcutis rất thích lần hạt Mân Côi: mỗi ngày Carlo đọc năm mầu nhiệm. Carlo chia thành từng đoạn nhỏ để đọc, trên đường đến trường, trên xe buýt, khi đi dạo hoặc buổi tối ở nhà. Trong kinh Mân Côi, Carlo kết hợp hai khía cạnh chính: cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện bằng tâm trí, suy nghĩ ơn cứu độ trong cuộc đời Chúa Giêsu. Carlo lấy điểm tham chiếu là bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu, và trong Kinh Mân Côi, Carlo nhìn cuộc đời mình qua cái nhìn của Đức Maria, Đấng nhớ lại tất cả những gì xảy ra trong đời Chúa Giêsu và suy gẫm trong lòng”. Suy gẫm về việc thiên thần truyền tin cho Đức Maria, Carlo nói: “Khi đón nhận sứ điệp của thiên thần báo cho Mẹ biết Đấng Cứu Thế ra đời, Đức Maria vâng lời, Mẹ cho chúng ta một mẫu mực lý tưởng để noi theo.” Kinh Mân Côi dạy chúng ta một số phương pháp cầu nguyện: suy niệm và đọc Kinh Kính Mừng. Sự kết hợp này làm cho việc cứu độ của Chúa Giêsu đi vào tâm trí, lời nói của chúng ta. Và chính lời cầu nguyện sẽ nâng tinh thần chúng ta hướng về Thiên Chúa, giúp chúng ta không bị phân tâm khi suy niệm Tin Mừng.

Carlo hiểu, lý tưởng là đọc kinh Mân Côi với người khác hoặc trong nhà thờ. Nhưng nếu không đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ hoặc với người khác, Carlo làm theo lời Thánh Piô Năm dấu Thánh khuyên cô Margherita Cassano, con thiêng liêng của ngài. Cô hỏi ngài: “Thưa Cha, Phúc âm dạy: “Khi có hai, ba người tụ tập nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ (Mt 18,20), như thế lời cầu nguyện chung có giá trị hơn lời cầu nguyện riêng. Bây giờ con ở một mình ở nhà, một mình trên đường, một mình ở nơi làm việc thì con phải cầu nguyện như thế nào?” Cha Thánh Piô trả lời: “Vì sao con không đọc kinh Mân Côi với thiên thần hộ mệnh của con? Con giao cho thiên thần đọc khúc đầu, con đọc khúc sau. Carlo cũng vậy, khi ở một mình, Carlo bắt chước Margherita Cassano: Carlo lần chuỗi với thiên thần hộ mệnh của mình.

Lạy Chúa là Cha, Chúa đã ban cho con người Mẹ trên trời là Đức Trinh Nữ Maria để người đồng hành với Giáo hội, và với mỗi người chúng con. Xin cho con mến yêu Chúa, suy ngẫm Lời Chúa qua tràng chuỗi Mân Côi, vì nơi ấy con học được Lời Chúa thấm đượm trong đời Đức Mẹ thế nào, xin cũng thấm được và biến đổi đời con như vậy. Nhờ lời kinh Mân Côi mà các thánh đã chỉ dạy và nêu gương cho các tín hữu, xin cho con siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày để lời Kinh Mân Côi cũng biến đổi đời con vậy. Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT