Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm B - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ | Ga 18,33b-37 | Phút Cầu Nguyện

avatarby Quốc Khánh
23/11/2024
827
Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”. Sở dĩ Philatô tra khảo như vậy là vì dân Do Thái đã tố cáo Chúa Giêsu về tội phản động và đã tự xưng mình là Vua dân Do Thái. Như thế, để có thể đưa Chúa Giêsu vào án tử hình, người Do Thái phải mượn lý do chính trị để truy tố...
Giờ Kinh Gia Đình

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (18,33b-37)

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”. Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”.

Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?”. Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.

Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”.

Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”.

SUY NIỆM

Sau khi bắt Chúa Giêsu, quân lính giải Người đến thượng tế Caipha, sau đó lại giải đến Philatô. Đoạn Tin mừng này nói đến việc Chúa Giêsu bị tổng trấn Philatô tra khảo về vương quyền của Người.

Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”. Sở dĩ Philatô tra khảo như vậy là vì dân Do Thái đã tố cáo Chúa Giêsu về tội phản động và đã tự xưng mình là Vua dân Do Thái. Như thế, để có thể đưa Chúa Giêsu vào án tử hình, người Do Thái phải mượn lý do chính trị để truy tố. Và Philatô đã tra khảo Chúa Giêsu, vì một đàng dân tố cáo thì ông phải xét, đàng khác ông muốn tìm đến sự thật, bởi lời tố cáo của dân chưa đủ lẽ để kết án tử Chúa Giêsu.

Thừa dịp tốt này, Chúa Giêsu đã tuyên bố công khai về vương quyền của Người: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Lời tuyên bố ấy cho thấy, vương quốc của Chúa Giêsu không thuộc về hạ giới. Nó không đặt trên sức mạnh hay bạo lực, không dựa trên quyền lực thế trần nào, bằng chứng là Người không dùng bạo lực của trần thế để giải thoát. Nhưng, vương quốc của Người là từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa.

Đồng thời cũng có nghĩa: vương quốc của Chúa Giêsu vốn tính vĩnh cữu, không tồn tại trong thế giới chóng qua này, nhưng trong thế giới cánh chung bên Thiên Chúa. Vì thế, để chiếm hữu vương quốc ấy, Chúa Giêsu cần phải từ giã thế gian hiện tại để đi vào thế giới cánh chung, phải qua khỏi thế gian này để về cùng Cha (Ga 13,1); và như thế, phải được giương cao khỏi đất. Chính nhờ việc chịu chết trên thập giá mà Chúa Giêsu chiếm hữu được vương quốc của Người.

Qua đây chúng ta thấy, Chúa Giêsu là Vua, là Chúa, nhưng Người chấp nhận thân phận bị oan trước toà án người đời để làm chứng cho đời. Chúng ta noi gương Chúa, biết chấp nhận thân phận bị oan trước sự xét đoán của người đời để có dịp làm chứng cho đời về tinh thần của Chúa.

Và để làm chứng cho vương quốc thiêng liêng, Chúa Giêsu đã không dựa vào bạo lực của trần thế, nhưng cậy dựa vào sức mạnh của chân lý, là thực tại Thần linh của Người. Noi gương Chúa Giêsu, muốn làm chứng cho Chúa, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mạnh của trần thế, nhưng cậy dựa vào sức mạnh tinh thần là ơn Chúa ban bằng sự cầu nguyện, hy sinh và các việc lành cũng như bằng sự hiện diện làm chứng tá cho Nước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời đi theo Chúa chỉ có ý nghĩa và càng có ý nghĩa hơn khi chúng con ngày càng nên giống Chúa - Vị Vua phục vụ. Vì vậy, mỗi khi tự mãn, hống hách, hay đòi hỏi… Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa để học tập lại bài học tự hạ này. Xin Chúa trợ lực cho chúng con. Amen.


CHIA SẺ BÀI VIẾT