Header

Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên - Năm C | Lc 19,28-40 | Lm Alfonsô

avatarby Alfonsô
13/07/2025
118
Cuộc hành trình lên Giêrusalem là cuộc hành trinh mà Người sẽ tự ý dâng hiến mạng sống cho nhân loại vì yêu. Mà yêu là khi người ta bắt đầu biết nghĩ đến người khác, biết sống cho người khác và biết hy sinh vì người khác. Trên hành trình rao giảng của Chúa Giêsu hướng về Nước Trời và sự sống đời đời, có người này người kia muốn tìm hiểu về đời sống ấy và đó là một vấn đề hết sức nghiêm túc. Bất chợt có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?"

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN

Bài đọc 1: Ðnl 30,10-14

"Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môisen nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi". Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c.33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. 

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

Xướng: Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

Bài Ðọc II: Cl 1,15-20

"Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".

Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất. Ðó là lời Chúa.

Alleluia, Alleluia (Lc 19,38) - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10,25-37)

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy". Đó là Lời Chúa.

Suy niệm:

Cuộc hành trình lên Giêrusalem là cuộc hành trinh mà Người sẽ tự ý dâng hiến mạng sống cho nhân loại vì yêu. Mà yêu là khi người ta bắt đầu biết nghĩ đến người khác, biết sống cho người khác và biết hy sinh vì người khác. Trên hành trình rao giảng của Chúa Giêsu hướng về Nước Trời và sự sống đời đời, có người này người kia muốn tìm hiểu về đời sống ấy và đó là một vấn đề hết sức nghiêm túc. Bất chợt có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?"

Biết người ấy là một người thông luật, Chúa Giêsu dẫn dắt cuộc trò chuyện khởi đi từ Lề Luật bằng một câu hỏi: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Và rồi, đụng trúng thế mạnh của mình, chàng thông luật trả lời vanh vách như một cậu học sinh gạo bài thuộc lòng trả lời cho thầy không một chút chần chừ. Anh bắt đầu trích dẫn lệnh truyền của sách Đệ Nhị Luật (6,4) mà mọi người Do Thái đạo đức đọc mỗi ngày hai lần trong kinh Shema: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi”. Và bồi tiếp sau đó là Luật của sách Lêvi (19,l8): “Và người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu cũng khen ông trả lời đúng lắm và bảo: "Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Người muốn những gì ông nắm bắt được nơi sách vở thì hãy đem ra áp dụng trong đời sống thực tiễn, như vậy thì mới gọi là thực thi Lề Luật.

Nhà chú giải Noel Quession nhận ra Luca là thánh sử duy nhất thuật lại cho chúng ta dụ ngôn kỳ diệu này. Giáo huấn của Chúa Giêsu không khác Luật của Cựu Ước, để được sự sống đời đời, phải yêu thương! Song Người đến để kiện toàn Lề Luật, cho nên đặc biệt hơn ở chỗ này là chính Luca, vị thánh sử của lòng nhân hậu, thương xót đã nhanh nhạy nhận ra Chúa Giêsu không còn chia cắt giới răn “thứ nhất” và giới răn “thứ hai” nhưng Người gộp lại thành một. Lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu thương người thân cận không thể tách rời nhau.

Tuy nhiên, anh thông luật kia không phải dạng vừa, đã đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi hóc búa để tự bàu chữa mình: “Nhưng ai là anh em của tôi?" Và rồi Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà Người dùng dụ ngôn.

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô là một người vừa đi hành hương về, có thể lắm. Anh ta bị cướp sạch sành sanh, lại còn bị đánh thừa sống thiếu chết. Tình cờ người thứ nhất gặp anh. “Một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua”. Rất có thể vị tư tế đang trên đường chuẩn bị lên đền thờ. Trong tâm thức và Luật Do Thái, vị tư tế nghĩ rằng bổn phận của mình là không được “sờ vào máu” để được ở trong tình trạng thanh khiết về nghi thức và để bảo đảm việc phụng vụ tại đền thờ. Luca viết tiếp về người thứ hai trông thấy sự việc: “Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua.” Có thể người này sau khi đi hành hương từ đền thờ về, anh muốn giữ cho hương thơm lòng đạo đức từ đền thờ được về tới nhà, không muốn dây dưa vào những gì dơ bẩn bên đường sẽ mất công đức. Có thể thấy, hai nhà phụng vụ của đền thờ lo lắng tuân giữ Luật và các nghi thức một cách gắt gao và cứng nhắc đến độ thiếu lòng trắc ẩn. Trong đời sống, đôi khi chúng ta viện dẫn những lý do xem ra có lý và đầy thiện ý để khỏi phải quan tâm và giúp đỡ chi cho mệt và gánh lấy phiền toái vào người. Và Chúa Giêsu kể tiếp đến người thứ ba, một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương.

Trong khi hai người trước vì tôn trọng luật về thanh tẩy đã tách rời lòng mến Thiên Chúa với lòng yêu tha nhân, thì người Samaria luôn bị khinh khi là kẻ ngoại lai, lỗi luật, nhưng người đó sống thế nào? Người này lại sống thánh ý Thiên Chúa qua miệng tiên tri Hôsê (6,6): “Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ”. Anh lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc.

Chúa Giêsu hướng chúng ta về cái mới mẻ thật sự có tính cách mạng của Tin Mừng. Đây là một tình yêu phổ quát, không ngoại trừ cả kẻ nghịch với mình. Kinh Thánh không phải là một sách bàn về đạo đức mà là nét nhân bản Kitô giáo. Như vậy mới thấy cần phân biệt tại sao không dừng lại và gật gù đồng ý thành ngữ “Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành”. Người Kitô hữu không phải chỉ được dạy ăn ngay ở lành là đủ. Nhưng qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta nhận ra lòng mến Thiên Chúa phải được thực hành bởi lòng bác ái và phục vụ tha nhân trong đời sống hằng ngày, vì “Thiên Chúa là tình yêu, và ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa!” (1 Ga 4,8).

Từ câu hỏi của người thông luật: “Vậy ai là người thân cận của tôi?” thì Chúa Giêsu đã lật ngược hoàn toàn ý niệm về người thân cận. Người thông luật đã hỏi theo nghĩa thụ động trong khi Chúa Giêsu trả lời ông theo nghĩa chủ động: “Anh tỏ ra mình là người thân cận của ai?” Trong nghĩa này, chính chúng ta phải tự nhận thấy mình là “người thân cận” để ra tay giúp đỡ cho những ai đang cần đến mình. Xã hội mà đặt câu hỏi Ai là người thân cận của tôi thì dễ sinh ra sự bất công, và phần ưu lợi thuộc về con ông cháu cha “nhứt thế, nhì thân, tam lân, tứ tệ”. Thế là có danh tiếng, thân là người bà con hàng xóm láng giềng, lân là người cùng hội cùng thuyền, và tệ là người dùng thế lực của đồng tiền để tạo nên thân hữu. H. Cousin giải thích: “Hỏi ai là người thân cận của mình, vị thông luật tự đặt mình làm trung tâm thế giới, và nhìn mọi người như những vệ tinh quay chung quanh mình. Chúa Giêsu đảo ngược vấn đề. Người thân cận là người thực thi lòng thương xót, chứ không phải người hưởng thụ lòng xót thương”.

Với người gặp hoạn nạn, không phải lúc tra vấn xem nạn nhân thuộc quốc tịch, chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo nào. Đức ái bày tỏ ra trong tình yêu thương người xung quanh là bằng chứng cụ thể tình yêu chân thành của ta đối với Chúa. Kahil Gibram có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi“. Cần phải có trái tim, nếu không sẽ trở thành giả tạo. Cũng cần phải có sự sáng suốt và nhất là sự tế nhị cao độ. Điều đẹp đẽ nhất trong cử chỉ của người Samaria là tính vô vị lợi, ông không màng tới một lời cám ơn.

Ngày nay trí tuệ nhân tạo AI phát triển, chỉ cần một câu lệnh, một lập trình, hay một tình huống giả lập, người ta có thể tạo ra một người máy hoạt động, ngôn ngữ và thậm chí có cảm xúc vui buồn theo yêu cầu của người lập trình một cách chính xác cực độ. Thế nhưng, điều mà chỉ con người mới có đó mà AI không bao giờ thay thế được là mỗi người được Chúa tạo tác một con tim với lòng trắc ẩn, để chúng ta luôn hướng về sự thiện, lòng nhân. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, muốn có một con tim đầy lòng cảm thương, chúng ta cần học hỏi nơi lòng thương xót của Chúa. Một Ngôi Cha yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban Con Một, một Ngôi Con đầy lòng yêu mến đã vâng lời Cha tiến lên Giêrusalem gánh lấy tội trần gian bằng cuộc khổ nạn. Và Một Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta trổ sinh hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, khiêm tốn, hiền hòa, tiết độ.

Chỉ khi có một con tim đầy lân ái sẽ mách bảo lý trí phải có suy nghĩ và hành động với đôi tay với tới nỗi khốn cùng của anh chị em, bước những bước chân tới để đến bên anh chị em và để yêu thương và cùng dấn thân giúp người anh chị em mình vượt qua hoạn nạn. Như Chúa Giêsu là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, Người đến trần gian để mang ơn cứu chuộc bằng chính tình yêu thương mà sẵn sàng đánh đổi bằng thập giá cứu đời. Ngài là là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết thực thi Thánh chỉ của Chúa truyền. Giới răn Chúa dạy không quá khó khăn, cũng không quá sức con người, không phải ở đâu trên trời, hay ở bên kia đại dương. Nhưng Thánh chỉ Chúa truyền ở sát bên con, nơi miệng con, trong lòng con mà con phải đem ra thực hành, đó là giới luật Yêu Thương Chúa trao. Amen

CHIA SẺ BÀI VIẾT