Header

Suy Niệm Lời Chúa | Lễ Đêm Giáng Sinh | Lc 2, 1-14 | Lm Alfonsô

avatarby Lm Alfonsô
25/12/2024
577
Dân Do Thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Dân chúng giờ đây như “bước đi trong u tối”, chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang. Giữa đau khổ và thất vọng của dân chúng, tiên tri Isaia loan báo về một thời tươi sáng sẽ tới, và mời gọi đoàn dân hãy tin tưởng vào Chúa.

SUY NIỆM LỜI CHÚA
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

BÀI ÐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

Ðáp: Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người..

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc..

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành..

BÀI ÐỌC II: Tt 2, 11-14

“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện. Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 2, 10-11

Alleluia, alleluia! – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 2, 1-14

“Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm

Có một số người không thiện cảm với Đạo Chúa đã bảo rằng tôn giáo là thuốc phiện, người Kitô hữu bị gọi là con “chien” tiếng Pháp là con cún, dần dần đổi lại thành con chiên con cừu vậy mà vẫn ngu muội tin theo. Anh chị em ấy dựa vào một sự lập luận mà một số người mới nghe sơ qua có vẻ hợp lý để công kích và chế nhạo như vậy. Thoáng trầm tư một chút.

Thế nhưng, người hiểu biết và có đức tin vững mạnh đâu dễ bị chao đảo và trở nên nguội lạnh bởi những câu nói võ đoán như vậy. Không khó nhận ra những người công kích như thế có lẽ chưa từng có giờ để tìm hiểu về dòng lịch sử văn minh của nhân loại trải qua bao nhiêu đế chế, bao nhiêu thời kỳ. Và hơn thế nữa, những người đồng loại ấy có can đảm cầm lấy cuốn Kinh Thánh lên và nghiền ngẫm chứ, chắc là chưa. Riêng về phần mình, người Kitô hữu chân chính ý thức rằng đây là một tiến trình mang đậm tính thần học chứ không phải lịch sử, càng không đơn thuần là liệt kê sự kiện, hay chủ ý của bên thắng cuộc viết lịch sử, nhưng là Lịch sử của dân Thiên Chúa, một lịch sử Thánh, lịch sử của Đức Tin và Tình thương Cứu chuộc.

Một giáo sư tâm lý làm một cuộc trắc nghiệm nơi một nhóm sinh viên. Ông nói về đề tài Giáng Sinh và đưa cho mỗi người một miếng giấy, bảo hãy viết thêm một chữ diễn tả ý nghĩ đầu tiên đến trong trí họ. Khi mở lần lượt những tờ giấy của các học viên, ông đọc lên các từ mà họ ghi: cây thông, quà tặng, bữa tiệc, ngày nghỉ, thánh ca, tuần lộc, ông già Noel, tuyết, chuông ngân vang... nhưng không ai viết: sinh nhật Chúa Giêsu.

Trong các bút tích, tài liệu, tuyệt nhiên chúng ta sẽ không tìm ra dấu vết ngày sinh của Chúa Giêsu, cũng không có ai ở đó mà viết ra và có cơ quan thường trực đóng mộc một bản khai sinh với đầy đủ ngày tháng năm cho Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người!

Ngày lễ Giáng Sinh gắn liền với lễ hội của người ngoại giáo mừng sinh nhật thần mặt trời bất khả chiến bại (Natale Solis Invicti), do Hoàng đế Aurelian thiết lập vào năm 274 để tôn kính thần Mặt trời Emesa của Syria, được tổ chức vào ngày 25 tháng 12. Các Kitô hữu đã “rửa tội”, đã thánh hóa cho ngày lễ ấy của người ngoại giáo, vì Chúa Giêsu là Mặt Trời không bao giờ xế bóng. Vào thế kỷ thứ IV, ngày 25/12/353, Đức Giáo hoàng Libere chọn ngày này để kỷ niệm Chúa sinh ra đời.

Đến thế kỷ thứ VI, tu sĩ sử gia Denis le Petit tính năm Chúa Giêsu sinh ra là mốc để đánh dấu và ấn định đó là năm thứ nhứt, năm khởi đầu Kitô giáo. Trước đó là các thế kỷ trước Chúa Kitô sinh ra và sau là sau khi Chúa Kitô sinh ra. Người ta có kiểu nói khác là trước Công Nguyên và sau Công Nguyên.

Kitô hữu nhìn nhận Chúa Giêsu là “ánh sáng cho thế gian”, phù với ngày Đông chí, là thời điểm trong năm khi mặt trời nằm ở vị trí thấp nhất trên bầu trời, ngày ngắn nhất và đêm dài nhất ở bán cầu Bắc. Kể từ ngày Đông chí này, mặt trời bắt đầu dần tỏ hiện, bóng đêm ngắn dần, ngày dài thêm lên. Trong văn hóa phương Đông, người Trung Hoa có câu nói: “Đông chí lớn hơn Tết” chỉ sự quan trọng của tiết Đông chí. Theo sử sách Trung Hoa thời phong kiến, vào ngày Đông chí, mọi người sum họp và thưởng thức những món ăn truyền thống tượng trưng cho sự đoàn viên.

Nhà khoa học, vật lý và thiên văn lỗi lạc Issas Newton thế kỷ XVII cũng đã đưa ra các cách giải thích về tính đúng đắn cho ngày lễ Giáng Sinh. Newton cho rằng ngày lễ rơi vào ngày Đông chí, mà theo như lịch thời đó thì chính xác là ngày 25/12. Năm 2004, Đức Giám mục giáo phận Arras giải thích: “Việc mừng Noel nhằm vào ngày lễ lương dân Đông chí là một dấu hiệu tuyệt vời. Các tia sáng mặt trời ở điểm thấp nhất trong độ nghiêng của nó. Dần dần mặt trời lấy chỗ của đêm tối. Và ánh sáng đã chiến thắng”. Vậy điều quan trọng ở đây là mỗi dịp 25/12, các tín hữu Kitô mừng sự kiện Chúa sinh ra đời, chứ không phải mừng ngày sinh nhật.

Dân Do Thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Dân chúng giờ đây như “bước đi trong u tối”, chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang. Giữa đau khổ và thất vọng của dân chúng, tiên tri Isaia loan báo về một thời tươi sáng sẽ tới, và mời gọi đoàn dân hãy tin tưởng vào Chúa.

Lần giở lại Kinh Thánh, Tin mừng theo Thánh Luca nói rõ nhất về biến cố này. Ngài cho chúng ta biết Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử nhân loại thời La Mã đang làm bá chủ. Nhờ đó chúng ta dễ dàng dựa theo lịch sử, ngôn ngữ phổ biến là tiếng Latinh, chứ không phải là một sự gán ghép vu vơ với Anh và Pháp nổi lên và thống lĩnh vào thế kỷ thứ XVIII.

Với lệnh của hoàng đế Cesae Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Nhà chú giải Noel Quesson cho biết Caesar Augustô là hoàng đế nổi tiếng nhất của Rôma (từ năm 30 trước Chúa Giêsu Kitô Giáng Sinh đến năm 14 sau Giáng Sinh). Vào năm 27, ông đã để cho Nghị viện phong cho mình tước hiệu: “Sebastos” - Thần Auguttô. Nghịch lý thay, khi sử dụng tước hiệu để nói về một ông “vua trần gian” như trên, thánh sử Luca muốn minh chứng cách tương phản rằng, đường lối Thiên Chúa khác hẳn với sự suy tính của con người biết bao. Con Thiên Chúa sẽ hạ sinh như một trẻ thơ mỏng giòn, thuộc lớp người di cư đáng thương. Thiên Chúa giáng trần hiện diện trong một hang bò lừa, nằm “trong máng cỏ” đúng nghĩa là dụng cụ giúp cho đoàn vật ăn uống. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu trở nên yếu ớt trước kẻ mà Người yêu mến.

Có biết chăng, từ giây phút này 2025 năm trước, Thiên Chúa đã liên kết số phận đời Ngài với số phận chúng ta âm thầm như thế đó. Thiên Chúa nhập thể, Người không cần ai chứng minh, không cần ai công nhận. Thậm chí những người được nhận biết Người trước tiên không phải là những người Do Thái đạo đức hơn kẻ khác, hay ghi nhớ những lời các tiên tri loan báo. Chính những người mục tử chăn chiên chăn cừu, những người mà trong quan niệm thời đó, họ bị khinh bỉ, cho là họ sống vô luật pháp vì nghề nghiệp chăn nuôi du mục rày đây mai đó. Nhưng chính các mục tử, những người thức đêm ngoài trời chịu lạnh chịu rét để canh giữ và bảo vệ đàn chiên, lại là những người được thiên thần Chúa loan báo sứ điệp này trước tiên.

Lễ Giáng Sinh còn được người ở vùng Viễn Đông mừng vào ngày mà họ tính theo lịch Julien, tức là vào ngày 7 tháng Giêng theo lịch Gregoria mà chúng ta dùng hiện nay là ngày lễ Ba Vua. Không phải là những người tự cho là mình là am tường Kinh Thánh hơn kẻ khác, nhưng là những người bị coi là ngoại đạo, ở vùng xa xôi lại nhận biết Thiên Chúa. Họ trân trọng điều họ nhận ra, và trên tay họ cầm nào vàng, nào nhũ hương nào mộc được để mau chóng đến triều yết Hài Nhi.

Nếu như ngày nay, với tràn ngập lượng thông tin ly kỳ xa lạ và phấn khích trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội, chúng ta cũng say sưa nghe những chuyện lạ tai, giật gân theo kiểu “độc lạ Bình Dương”, liệu chúng ta còn đủ khả năng để “nhận ra” cái tầm thường Thiên Chúa đã chọn lựa để hiện diện không? Chúng ta cúi đầu đó, nhưng chưa chắc là cúi đầu để quỳ ngắm Hài Nhi Giêsu như Mẹ Maria, cha nuôi Giuse, như các mục đồng quỳ ngắm Hài Nhi, nhưng là cúi đầu vào những chiếc smartphone để lướt web, để rồi nhiều trẻ em lẫn người lớn bị nghiện Toktok hồi nào không hay.

Lễ Giáng Sinh lúc nào cũng có chiếc hang đá được chuẩn bị công phu hàng tháng trời không phải đơn giản chỉ để chụp hình, để check in khoe với cả thế giới qua một bài post lên mạng, nhưng tái hiện lại khung cảnh Giáng Sinh với hang đá thật thầm lặng mà ấm áp và đầy tính chiêm niệm. Vào đêm Giáng sinh năm 1856, khi suy ngẫm về Mầu nhiệm Nhập Thể trước hang đá về sự nghèo khó của Chúa Giêsu và việc Người tự hạ mình xuống giữa loài người, Cha Antoine Chervier, người sáng lập Hiệp hội Linh mục Prado đã nhận được ơn soi sáng khiến ngài chuyển hướng cuộc đời và thừa tác vụ của ngài để phục vụ cho người nghèo. Mỗi người chúng ta được mời gọi cảm nhận được sự đơn sơ của Chúa Giêsu, một Thiên Chúa uy nghi từ trời cao lại chấp nhận cúi xuống với con người, chấp nhận hóa mình ra như không. Chỉ có tình yêu mới có thể làm được một điều vĩ đại và không thể diễn tả được bằng lời như thế.

Trên tấm phông ở lễ đài giáo xứ Bình Sơn mừng Chúa Giáng Sinh năm 2024 và chuẩn bị bước vào năm Thánh Toàn Xá 2025, với Chủ đề: “Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2), chúng ta thấy xa xa có dáng vấp của ba vị đạo sĩ đi trên những con lạc đà một bướu từ Mardian đang tiến tới Bêlem theo ánh sao. Vị vua đi từ đàng xa còn cầm cứng dây cương, nhưng vị vua tiến gần hơn bắt đầu nới dây cương cho lạc đà, và rồi vị vua đi đầu đã xuống khỏi lạc đà để bước từng bước chân tiến tới. Là những vị vua giàu có, là những nhà chiêm tinh trên thông thiên văn dưới tường đạo lý, là những đạo sĩ Đông phương xa lạ với truyền thống Kinh Thánh Do Thái, nhưng họ đã sớm nhận ra điều kỳ diệu từ nơi trời cao, họ theo ánh sao dẫn họ đi tìm Hài Nhi. Một trẻ thơ trong hang đá đơn nghèo, xung quanh chẳng có nỗi một mái nhà chắc chắn trước giá rét, thế mà họ vẫn tới cúi mình thờ lạy. Chúng ta đang sống trong những giờ phút của cơn bão đàn tiến gần vào Miền Nam Việt Nam, cảm nhận được bầu không khí lạnh buốt, nhưng đêm nay thật là một đêm huyền diệu, để rồi chúng ta không ở nhà trùm mền nằm ngủ tránh bão, nhưng cùng đến đây, lặng lẽ theo những bài Thánh Ca, theo cử hành Phụng vụ, và với tâm tình cầu nguyện chiêm ngắm Hài Nhi.

Thế giới mà Chúa Giêsu bước vào là một thế giới khó khăn, và người ta không thể có ý tưởng về một Thiên Chúa lại chịu xuất hiện qua vẻ bề ngoài tầm thường như thế, không màng đến những đặc quyền của mình, chịu hoàn toàn thiếu thốn những gì xứng hợp với Thiên Chúa. Đúng vậy, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cho biết: “Thiên Chúa thường viết thẳng trên những đường cong của chúng ta”. Và triết gia nhà toán học Pascal đã nghiệm ra rằng “Những biến cố là những ông thầy mà Thiên Chúa tự tay trao cho chúng ta”.

Ước gì chúng ta cũng biết từ từ nới dây cương của sự hơn thua, ganh tỵ, để bước tới với anh chị em, và cùng với anh chị em bước tới nhận ơn lành và bình an từ nơi Hài Nhi Giêsu. Như vậy, Đại lễ Giáng Sinh sẽ là một Đại lễ an bình thực sự trong lòng mỗi chúng ta, Năm Thánh 2025 sẽ là một năm đầy ân đức cho chính chúng ta. Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT