
Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay | Ga 7,40-53 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (7,40-53)
40 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ”. 41 Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô”. Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?”.43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?”.46 Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!”. 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!”. 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?”.52 Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả”. 53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
SUY NIỆM
Việc gặp gỡ Chúa Giêsu luôn đặt con người trước những thách đố, đặc biệt là trong việc chọn lựa để đứng về phía Người hay chống lại Người. Chúa Giêsu không chấp nhận sự trung lập: hoặc theo Người, hoặc từ chối Người; hoặc qui tụ, hoặc phân tán. Không thể có thái độ lưng chừng.
Ngay từ khi còn là một Hài nhi, Chúa Giêsu đã trở thành dấu chỉ cho sự chọn lựa này. Cụ già Simêon đã tiên báo với Đức Maria: “Con trẻ này là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc 2,34). Thánh Gioan cũng nhiều lần ghi nhận sự chia rẽ của dân chúng về Ngài (x. Ga 7,43; 10,19). Nhưng điều quan trọng nhất chính là câu hỏi Người đặt ra: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Một phẩm chất nổi bật của Chúa Giêsu chính là sự tự do tuyệt đối. Người không sợ hãi cũng chẳng quỵ lụy trước bất kỳ ai. Trong nhiều tình huống, Tin mừng cho thấy sự uy nghi và chủ động của Người. Chẳng hạn, khi dân chúng muốn xô Người xuống vực, Người đã ung dung băng qua giữa họ mà đi (x. Lc 4,28-30). Hoặc khi nói về cái chết của mình, Người khẳng định: “Không ai lấy được mạng sống của Ta, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17-18).
Vì thế, những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta đều xuất phát từ sự tự do trọn vẹn của Người - một sự tự do được thúc đẩy bởi tình yêu. Người đã tự nguyện hiến mạng sống mình vì nhân loại. Đó là dấu chỉ thuyết phục nhất về tình yêu vô biên của Người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một niềm xác tín sâu xa như thánh Phaolô: “Ngài đã yêu tôi và phó mình vì tôi” (Gl 2,20). Amen.