Header

Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần IX Mùa Thường Niên | Mc 12,28b-34 | Phút Cầu Nguyện

avatarby Quốc Khánh
05/06/2024
3.5K
Cuộc tranh luận về giáo lý giữa nhóm biệt phái với Chúa Giêsu trở nên quyết liệt hơn, khi họ nói xem điều răn nào trọng nhất (c.28). Họ hỏi như thế để xem Chúa thuộc về nhóm nào. Chúng ta biết là thời của Chúa Giêsu, đã có nhiều khoản luật ra đời. Có những nhóm quan trọng hóa mọi thứ luật, bất cứ luật của Chúa hay của mình đặt ra. Có nhóm chỉ tôn trọng một số luật nào đó. Vì thế, muốn thử xem Chúa quan niệm thế nào. Ngoài ra, rất có thể là họ muốn thử sự hiểu biết Kinh thánh của Chúa xem sao, Chúa có biết về lề luật không hay cũng đại khái vậy thôi...
Giờ Kinh Gia Đình
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ NĂM TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (12,28b-34)

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”. 29 Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”. 32 Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. 34 Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu!”. Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

SUY NIỆM

Cuộc tranh luận về giáo lý giữa nhóm biệt phái với Chúa Giêsu trở nên quyết liệt hơn, khi họ nói xem điều răn nào trọng nhất (c.28). Họ hỏi như thế để xem Chúa thuộc về nhóm nào. Chúng ta biết là thời của Chúa Giêsu, đã có nhiều khoản luật ra đời. Có những nhóm quan trọng hóa mọi thứ luật, bất cứ luật của Chúa hay của mình đặt ra. Có nhóm chỉ tôn trọng một số luật nào đó. Vì thế, muốn thử xem Chúa quan niệm thế nào. Ngoài ra, rất có thể là họ muốn thử sự hiểu biết Kinh thánh của Chúa xem sao, Chúa có biết về lề luật không hay cũng đại khái vậy thôi.

Chúng ta biết thời đó đã có 613 giới luật, theo truyền thống hội đường, chia ra 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Nhưng luật này trước đây đã có một số từ thời các vua, các tiên tri (Tv 15,2-5; Is 6,33,15; Mio 3,6-8; Amos 4). Nhưng luật này cứ đặt thêm mãi ra mà cuối cùng Chúa Giêsu đã gọi là gánh nặng (Mt 11,28t). Từ 10 điều răn ra tới 613 điều nữa. Và để trả lời, Chúa Giêsu đã trưng ngay chính Kinh thánh Cựu ước: “Điều răn quan trọng nhất là yêu mến Chúa, yêu người” (Đnl 6,4-9.11,13,21; Lev 19,18). Khi Chúa Giêsu nói trúng tim như thế, từ ấy họ không còn hỏi Người điều gì về giáo lý nữa.

Đúng như vậy, nếu chúng ta muốn dùng một chữ thôi để diễn tả đạo Chúa qua Kinh thánh, thì không chữ nào thích hợp hơn là chữ “yêu”. Thánh kinh chỉ cho chúng ta thấy Tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa và quyết tâm cứu rỗi con người, giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và đem con người về hưởng tình yêu vĩnh cửu đời sau. Chỉ vì tình yêu mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã lặn lội xuống trần gian tăm tối này. Và rồi cũng chỉ vì tình yêu mà chúng ta mới được Người đưa về cội nguồn tình yêu. Trước khi về trời, chúng ta phải thật sự sống trong tình yêu ấy đã. Đó là “mến Chúa và yêu người”, tình yêu ấy phải khởi nguồn từ Thiên Chúa tràn đến anh em và trở lại nguồn là Thiên Chúa.

Bất cứ tình yêu nào không đi vào chiều hướng đó là tình yêu giả hình vụ lợi không thực. Cho nên điều đáng lo nhất không gì khác hơn là không muốn, không lo thực tinh thần giới luật yêu thương, yêu Chúa, yêu người. Thiên Chúa dễ thương lắm. Ngài mặc khải tên Ngài, bản tính Ngài là tình yêu. Ngài nhận mình là người mẹ, là đầy tớ phục vụ, là chủ chiên chết đi cho bầy chiên sống... Và giờ đây, Ngài đòi hỏi tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu đối với Chúa phải là tình yêu chân thật, bất vụ lợi. Tình yêu trọn vẹn và tình yêu chung thủy.

Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã để một dấu vết của Ngài trong con tim mỗi người là tình yêu. Ngài cho con người “linh ư vạn vật” qua trí khôn, ý chí, tình cảm... là để yêu, yêu mòn mỏi những gì là chân thiện mỹ. Thiên Chúa là nguồn tạo dựng nên những thứ đó, chúng ta có yêu được không?

Để kiểm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, có tình yêu tha nhân là anh em mình. Anh em đây là tất cả mọi người không trừ ai như dụ ngôn người Samaritano nhân hậu đã định nghĩa thế nào là tình yêu anh em (Lc 10,29). Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về. Thiên Chúa đã yêu thương đến chết vì yêu. Chết để bảo vệ tình yêu. Không lẽ chúng ta đòi quẫy ra khỏi vòng tình yêu đó sao? Chúng ta sinh ra có làng trên xóm dưới, có gia đình cha mẹ bà con. Nếu những thứ đó mà chúng ta ghét bỏ, thì chưa yêu thật tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lấy một điểm tích cực của tình yêu để nói chuyện với nhau đây: yêu thương là nâng đỡ nhau.

Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu là thân phận con người, dù được siêu thoát nơi Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng vẫn là thân phận cần yêu và được yêu. Phương chi thân phận mỏng giòn của chúng ta nơi dương thế đầy yếu đuối. Chính cái yếu đuối đó đòi hỏi sự nâng đỡ của người khác. Trước hết là gia đình mình. Ai ai cũng cần sự nâng đỡ: nâng đỡ nhau khi vui lúc buồn, lúc khỏe, lúc yếu, lúc thành công khi thất bại. Trước những thành công của người khác liệu chúng ta có biết tạ ơn Thiên Chúa cùng với họ, hay chúng ta để cho lòng ghen tuông thổi phồng lên làm đổ hết niềm vui của người khác. Rồi khi người khác thất bại, chúng ta đạp họ tới bùn cho bèo hết nước. “Biết bao nhiêu tâm hồn cao thượng đã ngã quị dưới sức nặng đau phiền vì thiếu nâng đỡ. Bao nhiêu chương trình tốt đẹp cho vinh danh Chúa không hề được thực hiện chỉ vì thiếu một nụ cười khích lệ” (Faber). Yêu nhau lá lành đùm lá rách.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con luôn có vô vàn điều cần chọn lựa và thực hiện, nhưng chúng con cần xác tín rằng, điều quan trọng nhất là biết sống yêu thương: yêu Chúa và thương người. Xin Chúa giúp chúng con sống được nét độc đáo ấy để chúng con thực sự là người con Chúa. Amen.

CHIA SẺ BÀI VIẾT