
Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa | Ga 18,1-19,42 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN THÁNH - TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
SUY NIỆM
Khi lắng nghe lời hát: “Thập giá Đức Kitô - niềm vinh dự của chúng ta”, không ít người thắc mắc: Tại sao thập giá - vốn là một công cụ hành hình tàn khốc - lại trở thành niềm vinh dự của các Kitô hữu? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh Người Tôi Tớ Giavê trong sách ngôn sứ Isaia. Ngài được Thiên Chúa tuyển chọn và sủng ái: “Người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” (Is 52,13).
Thế nhưng, cuộc đời của Người Tôi Tớ ấy lại không huy hoàng như người ta tưởng. Ngài bị khinh khi, ruồng rẫy, bị coi như kẻ chẳng ra gì: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn… Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật” (Is 53,2-3). Sự nhục nhã của Người Tôi Tớ ấy có lẽ còn đau đớn hơn cả những roi đòn, vì bị chính những người mình yêu thương khước từ. Có kẻ còn ác ý cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống, vì theo quan niệm của họ, chẳng ai vô tội mà lại chịu khổ đến thế!
Nhưng sự thật thì sao?”Chính Người đã mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu đau khổ của chúng ta… Người bị đâm vì tội lỗi chúng ta, bị nghiền nát vì những lỗi lầm của chúng ta; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5). Lời ngôn sứ Isaia không chỉ tiên báo về một người tôi trung nào đó, nhưng đã được ứng nghiệm trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô.
Mặc dù là Đấng vô tội, Đức Giêsu đã phải chịu mọi cực hình cả thể xác lẫn tinh thần. Ngài bị đánh đập không nương tay, bị chế giễu, phỉ nhổ, nhục mạ. Người ta còn thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi, để chúng tôi thấy mà tin nào!”. Nhưng Người đã không xuống. Không phải vì Người không thể, mà vì Người chọn ở lại đó - trên thập giá - để hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại.
Điều gì đã giúp Đức Giêsu can đảm đón nhận thập giá? Câu trả lời duy nhất là: Tình yêu. Chính vì tình yêu, Đức Giêsu đã biến cây thập giá - vốn là công cụ nhục hình do con người dựng nên để hành hạ nhau - trở thành phương tiện cứu độ nhân loại: - Người đã vác lấy thập giá để chia sẻ nỗi khổ đau của con người; - Người đã chịu treo trên thập giá để chuộc lại lỗi lầm của chúng ta; - Người đã chết trên thập giá để nối lại nhịp cầu giữa trời và đất.
Từ đây, cây thánh giá không còn là dấu chỉ của sự ô nhục, mà là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu.
Khi Giáo hội tôn vinh thập giá, không có nghĩa là tôn vinh đau khổ hay cái chết. Giáo hội không ca tụng sự nhẫn nhục vô nghĩa hay những bất công xã hội. Nhưng Giáo hội tôn vinh Đấng đã chịu treo trên thập giá, bởi vì thập giá là minh chứng sống động cho lời Chúa dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn, tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Thập Giá Đức Kitô vẫn luôn là một lời mời gọi đầy yêu thương dành cho tất cả chúng ta. Khi đối diện với những thử thách trên đường đời, chúng ta được mời gọi đón nhận thập giá trong sự tín thác, để thập giá trở thành phương tiện dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Đồng thời, thập giá cũng nhắc nhở chúng ta biết cảm thông hơn với nỗi đau khổ của tha nhân, biết chung chia gánh nặng với anh chị em mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn biết nhìn lên thánh giá Chúa không phải với tâm thế sợ hãi hay trốn tránh, nhưng với một lòng yêu mến và biết ơn. Xin giúp con dám bước theo Người, dám chấp nhận thập giá đời mình với niềm tin rằng, thập giá không phải là dấu chấm hết, nhưng là khởi đầu của sự sống mới trong ân sủng Chúa. Xin cũng giúp con cùng đóng đinh với Người, cùng chết với Người, để được sống lại với Người trong vinh quang. Amen.