Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên | Lc 9,18-22 | Phút Cầu Nguyện
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (9,18-22)
18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”. 19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
SUY NIỆM
Ông bà ta thường dạy: “Vô tri bất mộ”, không biết thì không thể yêu mến. Là Kitô hữu, chắc hẳn chúng ta sẽ không cần đắn đo khi được hỏi: “Bạn có yêu mến Chúa không?”. Câu trả lời thật dễ dàng và hiển nhiên: “Đương nhiên là có”, một câu trả lời vô thưởng vô phạt. Bởi lẽ, lòng yêu mến không phải là một con số hay vật dụng cụ thể mà người ta có thể đong đếm hay cầm nắm được. Nhưng khi được hỏi: “Thiên Chúa của bạn là ai?”, có lẽ chúng ta sẽ gặp nhiều băn khoăn hơn. Vì ngoài những tín điều mà kinh Tin kính dạy, người ta có thể biết thêm được gì về Thiên Chúa nếu chưa từng có một kinh nghiệm hay tương quan với Ngài?
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt ra một câu hỏi: “Dân chúng nói Thầy là ai?... Còn anh em bảo Thầy là ai?”. Rất nhiều câu trả lời được đưa ra. Xét trên bình diện kinh nghiệm của người trả lời, có lẽ câu trả lời nào cũng đúng và có cái lý riêng của nó. Dân chúng thì bảo Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả, Êlia hay một vị ngôn sứ là vì họ chú tâm đến những “điềm thiêng dấu lạ” của Người đã khiến người ta phải kinh ngạc. Đặc biệt ngay trước đó, một cách rất thực tế, Người còn hóa bánh ra nhiều để dân chúng được no nê. Đại diện cho các môn đệ, Phêrô cũng lên tiếng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Câu trả lời này được cho là chính xác và mẫu mực hơn. Tuy nhiên, đó có thực sự là đáp án mà Chúa Giêsu mong muốn? Có lẽ là không. Vì ngay sau đó, ngoài việc cấm các ông không được nói điều ấy với ai, Người còn tự gọi mình là “Con Người” để loan báo về cuộc thương khó và con đường thập giá mà kẻ muốn theo Người cũng phải đi qua.
Nhìn lại kinh nghiệm và lịch sử của các môn đệ, chúng ta càng thấy điều ấy rõ hơn. Trước đó, các ông đã được Chúa Giêsu ban cho những năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Các ông đã cảm thấy đầy tự hào và mơ tưởng về một tương lai với đầy bổng lộc vinh quang khi được ngồi hai bên tả-hữu trong nước của Thầy.
Bởi vậy, đám đông nhắc đến lịch sử của họ vì đã nhận ra cách Chúa đã làm việc trong quá khứ. Các môn đệ nhận ra cách Chúa đang làm việc giữa các ông trong hiện tại. Còn mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta có nhận ra Chúa đang làm việc trong mỗi biến cố, mỗi sự việc xảy ra trong đời sống cá nhân, đời sống gia đình của mình không? Người cũng đang hỏi và chờ đợi câu trả lời bằng những việc làm cụ thể trong đời sống của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn biết Chúa và xin giúp con cũng luôn biết con, để con được gặp gỡ Chúa, để con tìm thấy chính con. Amen.