Header

TÌNH YÊU: TRÁCH NHIỆM VÀ HY SINH - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần VII Mùa Phục Sinh | Ga 21,15-19 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
16/05/2024
1.1K
Cấp độ cao nhất của tình yêu, đó chính là tình yêu Agapê, nghĩa là một tình yêu không tính toán, so đo, một tình yêu không có điều kiện, một tình yêu nhưng không và yêu cho đến cùng. Đây chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Đó là một tình yêu tự hạ, tự hủy để đi đến tận cùng của sự từ bỏ, hy sinh cho người mình yêu như lời thánh Phaolô diễn tả như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.”
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 21,15-19)

Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

SUY NIỆM

TÌNH YÊU: TRÁCH NHIỆM VÀ HY SINH

“Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:17)

---/---

Trong thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra ba cấp độ cốt lõi nhất của tình yêu, đó là: Eros, Philiô, và Agapê.

Cấp độ cao nhất của tình yêu, đó chính là tình yêu Agapê, nghĩa là một tình yêu không tính toán, so đo, một tình yêu không có điều kiện, một tình yêu nhưng không và yêu cho đến cùng. Đây chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Đó là một tình yêu tự hạ, tự hủy để đi đến tận cùng của sự từ bỏ, hy sinh cho người mình yêu như lời thánh Phaolô diễn tả như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi Phêrô về các cấp độ của tình yêu. Chúng ta có thể tưởng tượng khung cảnh mà Chúa Giêsu hỏi Phêrô: Có thể lúc đó Chúa đã nhìn một vòng các môn đệ xung quanh và hỏi Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Có lẽ Chúa Giêsu muốn nhắc Phêrô nhớ lại cái đêm mà ông hùng hổ trước mặt Chúa và anh em mình để nói rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã (Mt 26:33). Thật ra lúc này Phêrô chưa mường tượng đến sự hy sinh phải có trong tình yêu đối với Thầy. Ông chỉ đơn giản nghĩ là ông yêu mến Thầy hơn những anh em khác và bộc phát ra mà thôi. Thế nhưng, sự yếu hèn của ông ngay sau đó đã làm mất đi tất cả những gì ông vừa hùng hổ nói lúc trước. Thế nên, khi Chúa hỏi lần thứ ba: Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có thương mến Thầy không?”, thì ông không còn dám so sánh ông với anh em mình nữa, cũng nhìn thấy sự yếu hèn trước đó của ông, nên ông đã thưa lên rằng: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy”.

Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô, Chúa đã lặp lại ba lần câu hỏi với Phêrô, điều đó có lý do của Ngài. Phêrô trước đó đã bốc đồng mình sẽ luôn đồng hành với Chúa, nhưng sau đó ông đã chối Chúa và bỏ rơi Ngài, nên bây giờ, Ngài dành cho ông ba cơ hội suy nghĩ chín chắn để khẳng định tình yêu của mình. Nhưng trong sự khẳng định này, Chúa Giêsu muốn cho Phêrô thấy và hiểu rõ bản chất đích thực của tình yêu không chỉ dừng lại ở việc nói trên môi miệng, nhưng tình yêu đó con là trách nhiệm và hy sinh nữa.

Trong ý hướng này, chúng ta sẽ thấy, ngay sau lần thứ ba Phêrô khẳng định tình yêu của mình, thì Chúa đã nói: Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Tình yêu là sự trung thuỷ, là món quà và trách nhiệm”. Vì thế, đây là bài học của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: Nếu anh yêu Thầy, anh hãy dâng đời sống của anh để chăn dắt chiên của Thầy. Như thế, chúng ta chỉ có thể chứng minh lòng yêu Chúa của mình bằng cách yêu thương tha nhân. Bởi vì, yêu thương là một đặc ân lớn nhất của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng nó cũng kèm theo một trách nhiệm lớn là: Mến Chúa và yêu người.

Tiếp đến, khi Chúa Giêsu nói tiếp với Phêrô rằng: “Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Ở đây, Chúa Giêsu lại mang đến cho Phêrô một bài học lớn về tình yêu, đó là hy sinh. Mẫu gương nhãn tiền dành cho Phêrô đó là cuộc thương khó và cái chết của Thầy Giêsu trên thập giá. Không có hy sinh, tình yêu đơn giản chỉ là một giấc mơ đẹp, chứ không phải hiện thực.

Vì thế, qua cuộc hội thoại của Chúa Giêsu và Phêrô, Chúa Giêsu đã dạy cho Phêrô, các môn đệ và cả chúng ta một bài học lớn về tình yêu, đó là: Tình yêu luôn luôn bao gồm trách nhiệm và sự hy sinh. Chúng ta chưa thật sự yêu Chúa nếu chưa sẵn sàng đón nhận trách nhiệm và vác lấy thập giá mỗi ngày.

Trong đời sống gia đình, khi yêu các bạn trẻ nói lời yêu thương với nhau thì rất dễ. Nhưng khi tiến đến đời sống hôn nhân, tình yêu đó không còn là một “giấc mơ” đẹp: một túp lều tranh hai quả tim vàng nữa, nhưng là một trách nhiệm và sự hy sinh lớn lao dành cho nhau và cho con cái. Tuy nhiên, thực tế của xã hội hôm nay cho chúng ta thấy các bạn trẻ yêu nhau thì nồng thắm, nhưng khi cưới nhau về vài tháng, vài năm là ra toà ly di rất nhanh. Mấu chốt của sự cố này là gì? Đó chính là câu tuyên bố hùng hổ của Phêrô: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã (Mt 26:33). Khi yêu nhau, các bạn trẻ chỉ dừng lại ở cảm giác trong tình yêu mà thôi, các bạn chưa hề nghĩ tới trách nhiệm và sự hy sinh sẽ phải đối diện khi cưới nhau về. Thế nên, khi sự cố xảy ra trong đời sống, các bạn đã “bỏ chạy” rất nhanh để “cứu thân” mình; các bạn không có khả năng hy sinh và có trách nhiệm với nhau. Rồi trong việc nuôi dạy con cái cũng vậy! Tình yêu các bạn dành cho nhau, nhưng cũng là trách nhiệm và sự hy sinh mà các bạn phải đối diện khi nuôi dạy con cái.

Vì thế, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô, đó cũng chính là cuộc đối thoại giữa Chúa và chúng ta, cũng là cuộc đối thoại giữa chúng ta với nhau: Con có yêu mến Thầy không? Chúng ta có yêu mến nhau không? Mỗi người chúng ta nhìn vào đời sống của mình: với Chúa, với chính mình và với tha nhân, để có riêng câu trả lời cho mình.

Lạy Chúa, yêu thương là quà tặng mà Chúa đã ban cho chúng con, cũng là sự hy sinh mà Chúa đã cứu lấy chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết trân trọng tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng con, để trong cuộc sống thực tế, chúng con biết đón nhận trách nhiệm và sự hy sinh, khi chúng con nói lời yêu thương với anh chị em của mình, đó cũng chính là tình yêu mà chúng con thưa lên cùng Chúa. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT