TÔN THỜ THIÊN CHÚA HAY TÔN THỜ BẢN THÂN - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XXIII Mùa Thường Niên | Lc 6,39-42 | Lm Cao Nhất Huy
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
✠Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: (Lc 6,39-42)
39 Khi ấy, Đức Giêsu kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
SUY NIỆM
TÔN THỜ THIÊN CHÚA HAY TÔN THỜ BẢN THÂN
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”
---//---
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Sự khiêm nhường không nằm trong các nhân đức đối thần, nhưng lại là nền tảng của đời sống Kitô hữu”. Khiêm nhường là tính đối kháng lớn nhất với thói xấu nguy hiểm nơi con người, đó là tính kiêu ngạo. Khiêm nhường là hiểu được vị trí của mình trong toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nơi đó con người là thụ tạo phải thờ phượng Thiên Chúa. Đối lại với khiêm nhường, kiêu ngạo tin rằng con người đặt niềm tin vào chính mình thay vì tin phục Thiên Chúa. Qua đó, kiêu ngạo dẫn đến việc tự sùng bái bản thân mình.
Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Trong khi sự kiêu ngạo thổi phồng trái tim con người, khiến chúng ta tỏ ra nhiều hơn thực tế về mình, thì sự khiêm nhường đưa mọi thứ trở lại chiều kích đúng đắn”. Chiều kích đúng đắn đó là: chúng ta là những thụ tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, nhưng có giới hạn, có điểm mạnh và điểm yếu. Quả thế, nơi bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó nơi thực tế cuộc sống của con người. Đôi khi vì kiêu ngạo, khiến chúng ta tưởng rằng mình là người hoàn hảo, còn sự bất toàn chỉ có ở nơi những người xung quanh. Từ đó, làm cho chúng ta ảo tưởng về sự hoàn thiện của mình, dẫn đến hành động chúng ta thích đi “chữa lành” cho người khác hơn là tìm cách chữa lành cho chính mình: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”. Tất cả những ảo tưởng về sự hoàn thiện này đều xuất phát từ việc con người hiểu sai vị trí của mình trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong công trình sáng tạo này, vị trí của con người là tôn thờ Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình; trong khi đó ý hướng của Satan làm cho con người hiểu sai về vị trí của mình: Thay vì thờ phượng Thiên Chúa, thì lại ngạo nghễ trong sự thờ phượng chính mình. Hậu quả của việc thờ phượng chính mình ảnh hưởng đến cả đời sống tâm linh và đời sống xã hội: Với xã hội: “Tôi phải xứng đáng được hưởng những gì cho xứng đáng với công trạng của tôi”; với tâm linh: “Tôi phải đi chữa lành cho người này người kia”…. Và khi đó, trong giao tiếp xã hội, nhìn về phía những người xung quanh, so sánh thành quả và khả năng của mình với họ, chúng ta cho rằng họ không xứng đáng hưởng được những quyền lợi giống như mình. Và trong đời sống tâm linh, khi ảo tưởng về sự hoàn thiện của mình, chúng ta nhìn thấy người xung quanh toàn là những người tội lỗi cần phải “chữa lành”. Suy nghĩ và não trạng này xảy ra rất nhiều trong cuộc sống mà đôi khi chúng ta không nhận ra là mình đang ngạo nghễ tôn thờ chính mình. Chẳng hạn câu chuyện hai người cầu nguyện trong đền thờ: Người biệt phái có “cọng rác” ảo tưởng về sự hoàn thiện của mình về đời sống cầu nguyện, nên anh ta đã lên án và chê bai người thu thuế đằng sau. Anh ta tôn thờ chính mình và bác bỏ mọi công trình và ân sủng của Thiên Chúa nơi người thu thuế: “Tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi" (x. Lc 18:9-14).
Có lẽ, rất nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta cũng như người biệt phái này. Chúng ta dễ dàng chỉ trích và lên án người khác, nhưng khi được góp ý thì chúng ta tìm đủ mọi cách để cãi chày cãi cối cho qua chuyện. Tất cả những điều này xảy ra là vì chúng ta quá tôn thờ bản thân và tự tin nơi kiến thức, tài khéo, quyền lực của chúng ta. Điều này làm cho chúng ta khó đón nhận lời góp ý, khó sống chung, khó cộng tác với người khác….
Lạy Chúa, con xác tín rằng mình và tha nhân đều yếu đuối và bất toàn. Xin Chúa giúp chúng con biết khiêm tốn để nhìn nhận sự bất toàn đó, để chúng con biết cảm thông và đón nhận anh chị em của mình. Amen.
Cao Nhất Huy