Header

TRỞ THÀNH CON YÊU DẤU VÀ ĐƯỢC THIÊN CHÚA HÀI LÒNG - Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa | Lc 3,15-16.21-22 | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
11/01/2025
193
Trong cuộc đời, chắc chắn chúng ta cũng đã nhiều lần chiều theo sự cám dỗ của thế gian, của dục vọng mà chứng tỏ tài năng, sức mạnh và chỗ dựa thân thế của mình hơn là muốn cậy dựa vào Thiên Chúa. Chúng ta luôn muốn chứng tỏ sức mạnh của mình qua việc khoe kiến thức, văn hoá, quyền thế của mình trước mặt người đời. Và để đạt được sức mạnh đó, chúng ta bất chấp mọi sự, thậm chí làm mất lòng Chúa, chỉ để “làm hài lòng người có quyền trên ta”.
Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca: (Lc 3,15-16.21-22)

15 Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”.

21 Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.

SUY NIỆM

TRỞ THÀNH CON YÊU DẤU VÀ ĐƯỢC THIÊN CHÚA HÀI LÒNG

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”

---/---

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Tiếng từ trời không nói “này là Con yêu dấu của ta” (Mt 17: 5) như trong Matthêu đã ghi lại, nhưng khen ngợi Chúa Giêsu rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Lc 3:22). Đây là lời Chúa Cha đã nói trực tiếp với Chúa Giêsu như tâm tình của người Cha mãn nguyện về người Con: “Cha hài lòng về Con”. Qua Bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa; Ngài cũng nói: “con là yêu dấu của Cha”. Thế nhưng, Thiên Chúa có hài lòng về chúng ta chưa; hoặc đời sống của chúng ta có được Thiên Chúa hài lòng không?

Kinh nghiệm làm “Con yêu dấu” của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha cho chúng ta thấy Ngài xứng đáng với sự hài lòng của Chúa Cha. Trong câu chuyện Chúa Giêsu chịu ma quỷ và thế gian cám dỗ cho thấy rõ điều đó. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu bằng chính tước hiệu làm “Con yêu dấu” của Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi” (Lc 4: 3); và các thủ lãnh người Do thái cũng gọi Ngài như thế khi chế giễu Người dưới chân thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23: 35); thậm chí, một tên tội nhân cũng cám dỗ Ngài bằng chính tước hiệu “Đấng Kitô” của Thiên Chúa: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23: 39).

Qua các cơn cám dỗ này, ma quỷ muốn để Ngài tự chứng tỏ thân phận là “Con yêu dấu”. Nghĩa là sự cám dỗ muốn đẩy Chúa Giêsu đến chỗ dựa vào sức mình, thân thế của mình hơn là dựa vào tương quan với Chúa Cha. Tương quan Cha – Con đó luôn là: “Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta” (Mt 11: 27). Đó là tương quan hiệp nhất. Ma quỷ đã muốn phá vỡ mối tương quan đó. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chiến thắng nó nhờ “cầu nguyện” và “khiêm nhường”; điều đó làm cho Ngài nên một với Cha, để Ngài mãi mãi là “Con yêu dấu” và được “hài lòng” trong tương quan với Cha, chứ không phải nhờ việc chứng tỏ sức mạnh của mình hay thân thế của mình.

Trong cuộc đời, chắc chắn chúng ta cũng đã nhiều lần chiều theo sự cám dỗ của thế gian, của dục vọng mà chứng tỏ tài năng, sức mạnh và chỗ dựa thân thế của mình hơn là muốn cậy dựa vào Thiên Chúa. Chúng ta luôn muốn chứng tỏ sức mạnh của mình qua việc khoe kiến thức, văn hoá, quyền thế của mình trước mặt người đời. Và để đạt được sức mạnh đó, chúng ta bất chấp mọi sự, thậm chí làm mất lòng Chúa, chỉ để “làm hài lòng người có quyền trên ta”. Thật vậy, chúng ta chăm chỉ chạy theo sự kỳ vọng của người khác, hơn là kiên trì sống theo sự kỳ vọng của Thiên Chúa. Sự kỳ vọng của con người thì nhiều vô số kể, nhưng chúng ta vẫn chăm chỉ hoàn thành để được người khác “hài lòng”; trong khi sự kỳ vọng của Thiên Chúa chỉ có một là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12), thì chúng ta lại chẳng cố gắng bao nhiêu, thậm chí là không quan tâm.

Như thế, chúng ta mới chỉ là “con yêu dấu” của Thiên Chúa thôi – vì bản chất Thiên Chúa là yêu thương con người; nhưng chúng ta chưa phải là người con được Thiên Chúa “hài lòng”. Vậy, để trở thành “con yêu dấu và được Chúa hài lòng”, chúng ta hãy sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với anh chị em của mình trong kinh nguyện và tình yêu thương.

Lạy Chúa, xin thanh luyện quả tim chúng con nên trong sạch để chúng con sống thân tình với Chúa. Xin ban cho chúng con quả tim biết rung động, để chúng con yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con; nhờ đó chúng con được Chúa trìu mến khen ngợi: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT