
VÔ HÌNH VÀ HỮU HÌNH - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay | Ga 5,31-47 | Lm Cao Nhất Huy

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 5,31-47)
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. 32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. 33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. 35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. 36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. 38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. 39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. 40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.
41 “Tôi không cần người đời tôn vinh. 42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. 43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. 44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?
45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. 46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. 47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”.
SUY NIỆM
VÔ HÌNH VÀ HỮU HÌNH
“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5:37)
---//---
Có bạn trẻ đặt ra câu hỏi như sau: “Tại sao con phải tin vào Thiên Chúa, trong khi con chưa từng nhìn thấy Ngài, hoặc rất khó để thấy Ngài?
Có lẽ đây là câu hỏi của không ít các bạn trẻ trong thời đại thế giới phẳng 4.0. Thời đại mà khoảng cách địa lý gần như thu nhỏ lại trong một cú Click. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì mối tương quan với Chúa lại rất xa vời. Giới trẻ chúng ta ngày nay thường thích cái gì đó thực dụng hơn, cụ thể hơn. Vì thế, họ cảm thấy khó khăn hơn khi tin vào một Thiên Chúa vô hình (mặc dù Ngài vẫn ở bên).
Nhà thơ Hồ Dzếnh đã từng thể hiện nỗi băn khoăn này trong một bài thơ:
Hỡi Thiên Chúa! Sao Người không có xác?
Để tôi sờ? Không máu uống cho no?
Sao giấc thiêng Người lặng lẽ không bờ?
Hay, bí mật! hay… Người không phải Chúa?
Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của nhiều người trong thời đại này khi đối diện với đức tin của mình. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng vô hình.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5:37). Qua câu nói này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng: Thiên Chúa Cha là Đấng vô hình, và không ai có thể nhìn thấy Ngài. Vậy thì ta có thể hiểu như thế nào về việc: Một đấng vô hình làm chứng về một đấng hữu hình là Đức Giêsu trong tư cách là con người thật? Và vì Thiên Chúa là Đấng vô hình nên lời chứng của Ngài chắc chắn cũng là lời chứng vô hình. Và vì nó là lời chứng vô hình, là cái không thấy, không sờ được, thì điều gì làm cho chúng ta tin rằng lời chứng vô hình đó là sự thật, là điều phải tin, phải sống?
Thế nhưng, trải qua hơn 2000 năm, đối diện với rất nhiều nỗi băn khoăn của nhiều người, nhiều câu hỏi được đặt ra để khám phá và tìm kiếm về Thiên Chúa, Giáo hội vẫn phát triển ngày càng lớn mạnh trong khi lời chứng đó vẫn là lời chứng vô hình, và nó chỉ là câu trả lời nảy sinh trong lòng mỗi người chúng ta, mỗi cá nhân mỗi khác.
Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào?
Trong thư thứ nhất, Thánh Gioan đã nói rằng: “Ai tin Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa ở trong mình” (1Ga 5:9-10). Câu nói này cho chúng ta hiểu rằng: Niềm xác tín của chúng ta về vị trí duy nhất của Thiên Chúa ở trong lòng chính là lời chứng vô hình mà Chúa Cha chứng thực về Chúa Giêsu. Nó cũng là lời chứng của chúng ta về một Thiên Chúa mà chúng ta tin. Niềm xác tín mà chúng ta có với Chúa ở trong lòng làm cho sự vô hình trở thành cái có thể nhìn thấy được, cảm nhận được.
Một ví dụ cụ thể về thánh Gioan Henry Newman cho chúng ta thấy lời chứng vô hình trở nên hữu hình trước thế giới nhiều băn khoăn. Newman là một người Anh giáo trở lại. Ông là người có ảnh hưởng lớn trên giới tri thức thuộc Anh giáo. Tuy nhiên, con đường trở lại của ông rất đơn giản. Newman đã chia sẻ rằng: “Ngài nhìn thấy một điều gì đó từ Giáo hội Công giáo nơi cha Đaminh mà ngài đã không tìm thấy trong truyền thống của chính mình. Ngài nói rằng, có điều gì đó đặc biệt nơi cha Đaminh, đến nỗi ngay cả khi nhìn vào cha ngài cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài chia sẻ tiếp rằng: Vẻ ngoài của cha Đaminh mang một dấu ấn rất thiêng liêng. Khi nhìn vào hình bóng của cha hiện ra trong tầm mắt, tôi cảm động sâu sắc kỳ lạ. Sự vui vẻ và niềm nở trong cung cách của cha giữa tát cả sự thánh thiện của cha tự nó đã là một bài giảng thánh thiện. Không có gì ngạc nhiên khi tôi đã trở thành người cải đạo và ăn năn của ngài”.
Qua lời chia sẻ này cho chúng ta thấy đúng là Thiên Chúa vô hình thật, nhưng ngài lại hiện diện cách hữu hình nơi một người cụ thể, Ngài hiện diện rõ ràng nơi một người đạo đức thánh thiện. Chẳng hạn qua đời sống của cha Đaminh mà Newman đã nhìn thấy một Thiên Chúa vô hình đang hiển thị rõ ràng trước mắt ông. Vì thế, giữa một thế giới thực dụng luôn đòi những thứ cụ thể, thì với hình ảnh một người đạo đức, nhân hậu, khiêm nhường, luôn biết giúp đỡ người khác người ta sẽ thấy một Chúa Giêsu mục tử đầy tình thương hiện diện trước mắt; ngược lại, với một người chưa đạo đức, hoặc ăn chơi trác táng thì người ta lại phải tìm kiếm một Thiên Chúa vô hình.
Như thế, chúng ta với tư cách là môn đệ của Chúa trong từng bậc sống của mình, chúng ta cũng có bổn phận làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới. Thiên Chúa sẽ là vô hình hay hiển thị trước mặt người đời là do chúng ta. Nếu đời sống của chúng ta tốt lành, đạo đức, dễ thương, dễ mến thì tự khắc những điều đó sẽ là lời chứng hữu hình trước mặt người đời, và Thiên Chúa sẽ hiện diện một cách rõ nét. Nhưng nếu đời sống của chúng ta không tốt, kiêu ngạo, bất lương, lừa trên gạt dưới, thì Thiên Chúa sẽ trở nên vô hình và không tồn tại trước mặt người đời. Thế nên, Thiên Chúa có hiện hữu giữa lòng thế giới hay không một phần là do các môn đệ của Ngài có muốn Ngài được hiện diện hay không.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức được rằng, vinh quang của Ngài chính là con người sống. Để qua đó, chúng con biết uốn nắn bản thân để làm vinh quang Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy