Header

“THẬP GIÁ – NGÔI VỊ CỦA TÌNH YÊU” - Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần Thánh | Lm Cao Nhất Huy

avatarby Quốc Khánh
17/04/2025
236
Tường thuật Thương Khó theo Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe không dừng ở bi kịch, nhưng đưa ta đến một điều kỳ diệu: Thập Giá không phải là kết thúc, mà là khởi đầu. Không phải là thất bại, mà là chiến thắng. Không phải là nhục nhã, mà là tôn vinh...

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Quí vị và các bạn thân mến,

Trong Lễ nghi hôm nay Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa hiến tế trên Thập Giá vì nhân loại, qua việc đọc Lời Chúa và tôn vinh Thánh Giá. Đồng thời Giáo Hội cũng tưởng nhớ nguồn gốc của mình phát sinh từ cạnh sườn Chúa Kitô chết trên Thập Giá. Tin cậy vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, Giáo Hội cầu bầu cho phần rỗi của nhân loại. Nếu có thể được thì nên cử hành lễ nghi này vào lúc 3 giờ chiều, nếu không thì cử hành vào giờ thuận tiện sau đó.

Lễ nghi hôm nay gồm các phần sau đây:

1. Đọc Lời Chúa

2. Lời nguyện chung trọng thể

3. Suy tôn Thánh Giá

4. Rước lễ với Mình Thánh đã được truyền ngày thứ năm hôm trước.

Ý nghĩa và liên hệ của 4 phần nghi thức này được diễn tả như sau:

Với phần Lời Chúa, nhất là qua bài thương khó, Giáo Hội tưởng niệm biến cố cao điểm của công cuộc cứu rỗi con người do Chúa Kitô thực hiện. Qua việc đọc Lời nguyện chung trọng thể, Giáo Hội cầu bầu cho các hạng người khác nhau trong Giáo Hội và cho các nhu cầu khác nhau của nhân loại, như thế Giáo Hội muốn áp dụng ơn cứu rỗi đã được thể hiện trên Thập Giá cho tất cả mọi người. Sau đó với Lễ nghi tôn thờ Thánh Giá, Giáo Hội biểu lộ lòng tôn kính đối với Đấng đã thực hiện ơn cứu rỗi của nhân loại và kêu mời tất cả quy phục Thánh Giá Chúa Kitô như là giá chuộc nhân loại. Sau cùng, với Việc lễ rước lễ, Giáo Hội làm cho tín hữu tham dự trọn vẹn vào hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô.

Ngày hôm nay, Giáo Hội giữ thinh lặng tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Lễ nghi rất đơn giản, ngay từ đầu linh mục đã thinh lặng tiến vào nhà thờ, phủ phục cầu nguyện. Bàn thờ cũng không đèn nến cho đến lúc tôn thờ Thánh Giá.

Ngoài nghi thức Phụng vụ tưởng niệm cuộc thương khó này, Giáo Hội buộc tín hữu ăn chay và kiêng thịt; đồng thời khuyến khích họ đi đàng thánh giá và đọc cũng như suy niệm các bài thương khó của Chúa Giêsu trong sách Phúc Âm.

Hôm nay, xin mời quý vị và các bạn cùng nhau suy niệm lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30)

“THẬP GIÁ – NGÔI VỊ CỦA TÌNH YÊU”

Hôm nay, không có Thánh lễ. Không có truyền phép. Không có vinh quang. Không nhạc nhòa. Hôm nay chỉ có Thập Giá. Chúng ta bước vào Thứ Sáu Tuần Thánh – ngày mà cả vũ trụ lặng đi. Không phải vì Thiên Chúa vắng mặt, mà vì Thiên Chúa đã tự nộp mình cho tội lỗi của nhân loại.

Tường thuật Thương Khó theo Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe không dừng ở bi kịch, nhưng đưa ta đến một điều kỳ diệu: Thập Giá không phải là kết thúc, mà là khởi đầu. Không phải là thất bại, mà là chiến thắng. Không phải là nhục nhã, mà là tôn vinh.

Chúa Giêsu đã không bị bắt buộc phải chết. Người tự hiến. Người chủ động tiến vào cuộc khổ nạn. Người tự đặt mình vào tay những kẻ ghét bỏ mình, và vẫn yêu thương đến cùng.

Đức Bênêđictô XVI đã nói một cách mạnh mẽ rằng: “Thập giá không còn là khí cụ của tử hình, mà trở thành ngai tòa vinh quang, nơi Con Thiên Chúa tỏ lộ dung mạo của tình yêu đến tận cùng” (Đức Giêsu thành Nazareth, chương Thương Khó).

Vì thế, khi chúng ta quỳ xuống thờ lạy Thánh Giá hôm nay, chúng ta không cúi đầu trước một biểu tượng đau khổ, mà là cúi đầu trước tình yêu cứu độ. Một tình yêu không đòi hỏi, không mặc cả, không tính toán, mà tự hiến trọn vẹn cho nhân loại.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 618 viết: “Thập giá là của Chúa Kitô, nhưng cũng là của mỗi người chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta vác lấy thập giá mình và theo Chúa. Như vậy, chúng ta được dự phần vào ơn cứu chuộc”.

Chúng ta có thể hỏi: tại sao Thiên Chúa toàn năng lại chọn con đường Thập Giá? Không có cách nào dễ hơn sao? Không có phép lạ nào ngoạn mục hơn sao?

Quí vị và các bạn thân mến, bởi vì chỉ trên Thập Giá, Chúa mới nói được với từng người chúng ta bằng ngôn ngữ mạnh hơn mọi lời: “Con đáng giá bằng chính mạng sống của Ta”.

Nếu hôm nay bạn thấy đời mình u tối, đau khổ, thất vọng – xin hãy nhìn lên Thập Giá. Ở đó, bạn sẽ thấy một Đấng không chỉ hiểu nỗi đau, mà đã đi vào chính nó. Bạn không cô đơn trong khổ đau. Chúa Giêsu đã làm cho khổ đau có ý nghĩa.

Và chính vì thế, Thập Giá trở thành ánh sáng. Không phải ánh sáng chói lòa, mà là ánh sáng dịu dàng của một tình yêu không lùi bước. Chính lúc Chúa kêu lên “Mọi sự đã hoàn tất”, thì cũng là lúc công trình cứu độ hoàn tất, và cửa trời mở ra.

Hôm nay, chúng ta không chỉ chiêm ngắm Thập Giá từ xa. Hôm nay, từng người được mời gọi tiến đến, hôn kínhchạm vàoquỳ thờ lạy. Không phải vì thập giá là gỗ, mà vì trên thập giá ấy, đã có Đấng yêu ta đến tận cùng.

Xin cho mỗi lần chúng ta nhìn lên Thập Giá, là một lần ta lặng người đi, rồi tự hỏi:
Con đã yêu Chúa đến mức nào? Con đã tha thứ như Chúa đã tha? Con có đủ can đảm để sống yêu thương trong thầm lặng và kiên nhẫn không?

Thập Giá không cần lời giải thích. Thập Giá chỉ cần một cái nhìn tin tưởng, một trái tim mở ra, và một cuộc đời sẵn sàng cúi xuống như Thầy Chí Thánh đã cúi xuống rửa chân cho ta.

Lạy Chúa Giêsu, trên Thập Giá, Chúa đã nói lời yêu cuối cùng, và mở ra cánh cửa sự sống cho con. Xin cho con đừng sợ thập giá đời mình, nhưng biết đón nhận nó trong niềm tin và tình yêu. Xin đừng để con quay lưng với tình yêu của Chúa,nhưng cho con biết cúi đầu thờ lạy, và bước theo Chúa đến cùng. Amen.

Cao Nhất Huy

CHIA SẺ BÀI VIẾT