
Bài giảng Đức Thánh Cha - Lễ Vọng Phục sinh năm C

SUY NIỆM VỚI ĐỨC THÁNH CHA
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - LỄ VỌNG PHỤC SINH NĂM C
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ Vọng Phục sinh năm C (16/4/2022) - Nhìn thấy, nghe và loan báo
Nhiều tác giả đã viết về vẻ đẹp của màn đêm được chiếu sáng bởi các vì sao. Ngược lại, những đêm tối chiến tranh đã hằn lên những vệt màu chết chóc. Anh chị em thân mến, trong đêm nay, chúng ta hãy để các phụ nữ của Tin Mừng cầm tay dẫn đi, để cùng với họ khám phá ra sự trỗi dậy của ánh sáng của Thiên Chúa, chiếu rọi vào bóng đêm của thế giới. Những người phụ nữ đó, khi màn đêm tan dần và những tia sáng đầu tiên của bình minh vừa ló rạng, đã đến mộ để xức dầu cho xác Chúa Giê-su. Rồi họ nhìn thấy hai nhân vật mặc y phục sáng chói, hai người này nói với họ rằng Chúa Giêsu đã sống lại; và ngay lập tức họ chạy đi báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24,1-10). Họ nhìn thấy, nghe và loan báo: với ba hành động này, chúng ta cũng bước vào sự Phục Sinh của Chúa.
Các phụ nữ nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự Phục sinh không được viết thành một công thức để hiểu, nhưng là một dấu chỉ để chiêm niệm. Trong một nghĩa trang, bên một ngôi mộ, nơi mọi thứ lẽ ra phải ngăn nắp và tĩnh lặng, các phụ nữ đã “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ và khi bước vào, họ không tìm thấy xác của Chúa Giê-su” (câu 2-3 ). Do đó, sự Phục sinh bắt đầu bằng cách lật ngược các dự kiến của chúng ta và đi kèm với món quà của niềm hy vọng đáng ngạc nhiên. Nhưng để đón nhận nó không phải là điều dễ dàng. Đôi khi – chúng ta phải thừa nhận – sự hy vọng này không có chỗ trong trái tim của chúng ta. Giống như các phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta cũng thắc mắc và nghi ngờ, và phản ứng đầu tiên khi đối diện với dấu hiệu bất ngờ này là sợ hãi, “cúi gầm xuống đất” (xem Lc 23,4-5).
Chúng ta thường nhìn cuộc sống và thực tại với đôi mắt cúi gầm xuống đất; chúng ta chỉ nhìn chằm chằm vào ngày hôm nay phải trôi qua, chúng ta không hứng khởi về tương lai, chúng ta nhốt mình trong những nhu cầu của mình, chúng ta sống trong ngục tù của sự thờ ơ, trong khi chúng ta tiếp tục phàn nàn và nghĩ rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Và vì vậy chúng ta bất động trước ngôi mộ của sự cam chịu và chủ nghĩa định mệnh, và chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Tuy nhiên, vào đêm này, Chúa muốn ban cho chúng ta một đôi mắt khác, được thắp sáng bởi hy vọng rằng nỗi sợ hãi, đau đớn và cái chết sẽ không có lời cuối cùng trên chúng ta. Nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thực hiện bước nhảy từ hư vô thành sự sống, “và cái chết sẽ không còn có thể cướp đi sự hiện hữu của chúng ta nữa” (K. RAHNER, Phục sinh có nghĩa là gì, Brescia 2021, 28): sự sống được ôm lấy tất cả và mãi mãi bởi tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Đúng thật là biến cố này có thể làm chúng ta sợ hãi và tê liệt. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy nhìn lên, hãy gỡ bỏ bức màn cay đắng và buồn bã khỏi đôi mắt của chúng ta để mở ra đón nhận niềm hy vọng của Thiên Chúa!
Thứ hai, các phụ nữ lắng nghe. Sau khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống, hai người đàn ông mặc y phục sáng chói nói với họ: ‘Tại sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, Người đã trỗi dậy rồi” (câu 5-6). Chúng ta an tâm khi nghe và lặp lại những lời này: Người không có ở đây! Đó là mỗi khi chúng ta muốn hiểu tất cả về Thiên Chúa, để có thể lái Người theo kế hoạch của chúng ta, chúng ta thường tự lặp lại với chính mình: Người không có ở đây! Mỗi khi chúng ta chỉ tìm kiếm Người theo cảm xúc thoáng qua hoặc những khi cần thiết, rồi gạt bỏ Người sang một bên và quên Người đi trong cuộc sống hàng ngày và những lựa chọn cụ thể, chúng ta lặp lại: Người không có ở đây! Và khi chúng ta nhốt Người vào những lời nói, theo công thức và thói quen của chúng ta, nhưng chúng ta quên tìm kiếm Người trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người khóc lóc, vất vả, đau khổ và trông đợi, chúng ta lặp lại: Người không có ở đây!
Chúng ta hãy lắng nghe câu hỏi dành cho các phụ nữ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm Người Sống giữa kẻ chết?”. Chúng ta không thể có Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục ở trong cái chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; nếu trong cuộc sống, chúng ta không có can đảm để cho mình được Thiên Chúa tha thứ, thay đổi, và đoạn tuyệt với những việc của sự dữ, để quyết định theo Chúa Giêsu và tình yêu của Người; nếu chúng ta hạ giảm đức tin thành một tấm bùa hộ mệnh, biến Thiên Chúa thành một ký ức đẹp của thời quá khứ, thay vì gặp gỡ Người hôm nay như một Thiên Chúa hằng sống, Đấng muốn biến đổi chúng ta và thế giới. Một Kitô hữu tìm kiếm Thiên Chúa giữa các di tích của quá khứ và đặt Người trong ngôi mộ theo thói quen là một Kitô hữu không có sự Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng nán lại ở các ngôi mộ, nhưng hãy ra đi để tái khám phá Người, Đấng Hằng Sống! Và chúng ta cũng không ngại tìm kiếm Người trong những khuôn mặt của anh chị em, trong câu chuyện của những người hy vọng và những người mơ ước, trong nỗi đau của những người than khóc và đau khổ: Thiên Chúa ở đó!
Cuối cùng, các phụ nữ loan báo. Họ loan báo điều gì? Niềm vui của sự Phục sinh. Sự Phục sinh không xảy ra để an ủi thân tình cho những ai thương tiếc cái chết của Chúa Giê-su, nhưng để mở toang trái tim đón nhận lời loan báo đặc biệt về sự chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết. Vì thế, ánh sáng của sự Phục Sinh không muốn giữ các phụ nữ trong sự vui mừng cá nhân, không để cho họ ở thái độ thụ động, nhưng làm cho họ thành những môn đệ truyền giáo “từ ngôi mộ trở về” (xem câu 9) và mang Tin Mừng Phục Sinh cho tất cả. Như thế, sau khi đã thấy và đã nghe, các phụ nữ đã chạy đi loan báo niềm vui Phục Sinh cho các môn đệ. Họ biết rằng họ có thể bị coi là điên rồ, đến nỗi Tin Mừng kể rằng lời nói của họ bị coi là “chuyện vớ vấn” (câu 11), nhưng họ không bận tâm về danh tiếng của mình hay để bảo vệ hình ảnh của mình; họ không chiều theo tình cảm, họ không tính toán về lời nói.
Thật đẹp biết bao khi một Giáo hội biết chạy như thế trên các con đường của thế giới! Không sợ hãi, không chiến thuật và cơ hội; nhưng chỉ với mong muốn mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Chúng ta được mời gọi điều này: có kinh nghiệm với Đấng Phục sinh và chia sẻ điều đó với người khác; lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ, nơi chúng ta vẫn thường niêm phong Chúa, để loan truyền niềm vui của Người cho thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, sống lại từ trong những ngôi mộ mà chúng ta đã nhốt Người; chúng ta hãy giải thoát Người khỏi những hình thức mà chúng ta thường giam cầm Người; chúng ta hãy trỗi dậy khỏi cơn mê ngủ mà đôi khi chúng ta đặt Người vào để Người không quấy rầy và làm chúng ta khó chịu. Hãy mang Người vào cuộc sống hàng ngày: bằng những cử chỉ hòa bình trong thời điểm này, vốn bị đánh dấu bởi sự khủng khiếp của chiến tranh; bằng những việc hòa giải trong các mối quan hệ tan vỡ và lòng thương cảm đối với những người cần giúp đỡ; bằng những hành động của công lý cho những nơi bất bình đẳng và sự thật cho những nơi dối trá. Và, trên tất cả, bằng những công việc của tình yêu và tình huynh đệ.
Anh chị em thân mến, niềm hy vọng của chúng ta có tên gọi là Giêsu. Người đã bước vào ngôi mộ tội lỗi của chúng ta, đến điểm xa nhất mà chúng ta đã bị lạc mất, bước qua những rối ren của sợ hãi, gánh lấy những trĩu nặng của chúng ta và từ vực sâu tăm tối nhất của cái chết của chúng ta, Người đã biến tiếng khóc than của chúng ta thành vũ điệu. Chúng ta cùng mừng lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Người đang sống và hôm nay Người vẫn tiếp tục vượt qua, biến đổi và giải thoát. Với Người, sự ác không còn sức mạnh và sự thất bại không thể ngăn cản chúng ta bắt đầu lại, cái chết trở thành một hành trình bắt đầu của một sự sống mới. Vì với Chúa Giêsu Phục sinh, không có đêm tối nào là vô hạn; và ngay cả trong bóng đen dày đặc nhất, ngôi sao mai vẫn chiếu sáng.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ Vọng Phục sinh năm C (14/4/2019) - Thiên Chúa phá bỏ những tảng đá ngăn chặn niềm hy vọng
Hai người phụ nữ mang thuốc thơm ra mồ, nhưng họ sợ rằng chuyến đi của họ là vô ích, vì một tảng đá lớn chắn lối vào ngôi mộ đá. Chuyến đi của hai người phụ nữ đó cũng là chuyến đi của chính chúng ta; nó giống như hành trình ơn cứu độ mà chúng ta thực hiện trong đêm nay. Có những lúc, mọi thứ xuất hiện phải đối diện với một tảng đá: vẻ đẹp của tạo vật đối diện với thảm kịch của sự dữ; sự giải phóng khỏi tình trạng nô lệ đối mặt với sự bất trung của giao ước; những lời hứa của các ngôn sứ đối mặt với sự thờ ơ vô tâm của dân chúng. Việc cũng xảy ra tương tự như vậy trong lịch sử của Giáo hội và trong lịch sử của cá nhân chúng ta. Dường như những bước chân chúng ta đi chẳng bao giờ dẫn tới đích. Chúng ta có thể bị cám dỗ cho rằng niềm hy vọng bị tan vỡ là quy luật lạnh lùng của cuộc sống.
Tuy nhiên, hôm nay chúng ta nhìn thấy hành trình của mình không hão huyền; nó không vấp phải tảng đá chắn cửa mồ. Một câu hỏi đơn giản làm sững sờ người phụ nữ và thay đổi lịch sử: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24:5). Tại sao anh chị em lại cho rằng mọi sự là vô vọng, rằng không ai có thể gỡ được những tảng đá chắn cửa mồ của riêng mình? Tại sao anh chị em lại đầu hàng bằng cách buông xuôi và chịu thất bại? Lễ Phục sinh là lễ của những tảng đá cửa mồ bị tháo đi, những tảng đá được lăn sang một bên. Thiên Chúa cất đi ngay cả những tảng đá nặng nề nhất làm cho những hy vọng và mong chờ của chúng ta bị tan vỡ: sự chết, tội lỗi, sự sợ hãi, tính thế gian. Lịch sử của con người không dừng lại trước tảng đá cửa mồ, vì hôm nay nó được gặp gỡ “viên đá sống động” (x. 1 Pr 2:4), là Đức Giêsu sống lại. Chúng ta là Giáo hội được xây dựng trên Ngài, và ngay cả khi chúng ta trở nên ngã lòng và bị cám dỗ muốn xét đoán mọi việc dựa trên những thất bại của chúng ta, thì Ngài đến để làm mới lại mọi điều, để lật đổ mọi sự thất vọng của chúng ta. Đêm nay mỗi người chúng ta được kêu gọi hãy tái khám phá nơi Đức Kitô Sống lại là Đấng lăn ra khỏi tâm hồn chúng ta những tảng đá nặng nề nhất. Vì vậy trước hết chúng ta hãy tự hỏi: Tảng đá mà tôi cần phải gỡ bỏ ra là gì, nó tên là gì?
Thường thường điều ngăn chặn hy vọng của chúng ta là tảng đá của sự ngã lòng. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mọi việc đang diễn ra rất tệ hại và rằng mọi việc đang ở trong tình trạng tệ hại nhất, chúng ta thấy nản chí và tin rằng sự chết mạnh hơn sự sống. Chúng ta trở nên hoài nghi, tiêu cực và thoái chí. Đá chồng lên đá, chúng ta xây dựng trong lòng mình một tượng đài của sự bất mãn: đó là mồ chôn của hy vọng. Cuộc sống trở thành một chuỗi dài những kêu ca phàn nàn và tâm hồn trở nên bệnh hoạn. Một kiểu tâm lý đưa tang xâm chiếm cõi lòng: mọi sự kết thúc ở đó, chẳng còn hy vọng để sống lại. Nhưng ngay thời điểm đó, chúng ta lại nghe thấy câu hỏi vang lên của ngày Phục sinh: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Thiên Chúa không được tìm thấy trong sự buông xuôi. Người đã sống lại; Người không còn ở đó. Đừng tìm Người ở nơi bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy Người: Người không phải là Thiên Chúa của người chết nhưng là Thiên Chúa của người sống (x. Lc 22:32). Đừng làm mồ chôn sự hy vọng!
Có một tảng đá khác thường chắn lối cửa tâm hồn: tảng đá tội lỗi. Tội lỗi quyến rũ; nó hứa hẹn mọi điều thật dễ dàng và nhanh chóng, sự giàu có và thành công, nhưng rồi để lại sau nó chỉ là sự cô độc và cái chết. Tội lỗi tìm sự sống nơi người chết, tìm ý nghĩa sự sống giữa những điều chóng qua. Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Tại sao lại không quyết tâm từ bỏ tội đó đi, nó giống như một tảng đá chắn trước cửa tâm hồn của bạn, chắn ánh sáng của Thiên Chúa không lọt vào? Tại sao lại không chọn Chúa Giêsu, là ánh sáng thật (x. Ga 1:9), hơn là chọn sự hào nhoáng của tiền bạc, sự nghiệp, sự kiêu hãnh và thú vui? Tại sao không nói với những điều sáo rỗng của thế gian này rằng bạn không còn sống cho chúng nữa, nhưng sống cho Thiên Chúa của sự sống?
Chúng ta quay lại với những người phụ nữ chạy ra mồ Chúa Giêsu. Họ dừng lại sửng sốt trước tảng đá đã bị lăn ra khỏi mồ. Nhìn thấy các thiên thần, Tin mừng kể cho chúng ta, họ đứng đó “sợ hãi, cúi gầm xuống đất” (Lc 24:5). Họ không còn can đảm để ngước nhìn lên. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã có thái độ tương tự? Chúng ta thích lẩn quẩn trong những sai lỗi của chúng ta, thu mình trong những nỗi sợ hãi. Điều đó rất kỳ cục, nhưng tại sao chúng ta lại làm như vậy? Không hiếm khi như vậy, vì chúng ta cảm thấy kiểm soát tốt hơn khi giữ sự u sầu và khóa chặt lòng mình, vì chúng ta thấy dễ dàng duy trì sự cô đơn trong bóng tối của tâm hồn hơn là mở lòng ra với Chúa. Nhưng chỉ có Người mới nâng chúng ta đứng dậy. Một nhà thơ có lần viết: “Chúng ta chẳng bao giờ biết được chúng ta cao bao nhiêu. Cho đến khi chúng ta được kêu gọi đứng dậy” (E. DICKINSON). Chúa gọi chúng ta đứng dậy, vươn dậy với Lời của Người, để ngước nhìn lên và nhận ra rằng chúng ta được tạo dựng cho nước trời, không phải cho thế gian, cho sự vươn cao của cuộc sống không phải cho những vực sâu của sự chết: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?
Thiên Chúa yêu cầu chúng ta hãy nhìn đến sự sống theo cách nhìn của Người, vì trong mỗi chúng ta Người không ngừng nhìn thấy một điều cốt lõi của cái đẹp. Trong tội, Người nhìn thấy những đứa con được phục hồi; trong cái chết, anh chị em được tái sinh; trong sự cô độc, các tâm hồn được hồi sinh. Vậy đừng e sợ: Chúa yêu thương sự sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em e sợ nhìn đến nó và nâng niu nó trên tay. Trong ngày Phục Sinh Người cho anh chị em thấy rằng Người yêu thương sự sống biết dường nào: thậm chí đến mức sống nó một cách trọn vẹn, trải nghiệm sự đau đớn, sự chối bỏ, cái chết, luyện ngục để đứng dậy chiến thắng vinh quang và nói với anh chị em: “Con không cô đơn; hãy đặt niềm tin nơi Ta!” Chúa Giêsu là một chuyên gia biến những cái chết của chúng ta thành sự sống, sự than khóc thành điệu múa nhảy mừng (x. Tv 30:11). Cùng với Người, chúng ta cũng trải nghiệm một cuộc Vượt qua, tức là một Lễ Vượt qua – từ sự tập trung vào bản thân mình chuyển thành sự hiệp nhất, từ sự cô độc thành ủi an, từ nỗi sợ hãi thành vững tin. Chúng ta đừng giữ khuôn mặt cúi gầm xuống trong sự sợ hãi, nhưng hãy hướng đôi mắt lên Chúa Giêsu sống lại. Ánh mắt nhìn của Người sẽ đổ đầy niềm hy vọng cho chúng ta, vì ánh mắt đó nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được yêu thương và rằng dù cho chúng ta có làm mọi thứ đảo lộn lên thì tình yêu của Người vẫn không thay đổi. Đây là một sự xác quyết duy nhất không bàn cãi mà chúng ta có trong cuộc sống: tình yêu của Người không bao giờ thay đổi. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang hướng nhìn về đâu? Có phải tôi đang hướng nhìn vào những nghĩa trang, hay tôi đang đi tìm Đấng Hằng sống?
Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Những người phụ nữ nghe thấy lời của các thiên thần, và thiên thần tiếp tục nói: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” (Lc 24:6). Những người phụ nữ đó đã mất hy vọng vì họ không thể nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, nhớ lại tiếng gọi của Người ở Galilê. Đã quên kỷ niệm sống động của Chúa Giêsu, họ cứ mải mê nhìn vào ngôi mộ. Đức tin luôn cần phải quay trở lại Galilê, để tái thức tỉnh tình yêu đầu tiên với Chúa Giêsu và tiếng gọi của Người: để nhớ đến Người, để quay lại với Người bằng trọn tâm hồn trọn trí óc của chúng ta. Quay trở về với tình yêu sống động của Chúa là vô cùng quan trọng. Bằng không, đức tin của chúng ta là một đức tin “của nhà bảo tàng,” không phải là đức tin của ngày Phục sinh. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ; Ngài là một người đang sống hôm nay. Chúng ta không biết Ngài từ những sách lịch sử; chúng ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ lại cách Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta lần đầu; cách Người vượt qua bóng tối của chúng ta, sự kháng cự, những tội lỗi của chúng ta, và cách Ngài đã chạm đến tâm hồn chúng ta bằng tình yêu của Người.
Những người phụ nữ, nhớ lại lời Chúa Giêsu, rời bỏ ngôi mộ. Ngày Phục sinh dạy chúng ta rằng người tín hữu không nấn ná tại nghĩa trang, vì họ được kêu gọi hãy tiến bước để gặp gỡ Đấng Hằng sống. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang hướng nhìn về đâu? Đôi lúc, chúng ta chỉ hướng theo những vấn đề của mình, mà chúng có rất nhiều, và chỉ đến với Chúa để xin giúp đỡ. Nhưng rồi, lại chính những đòi hỏi của chúng ta hướng dẫn bước đi của mình, chứ không phải Chúa Giêsu. Chúng ta cứ miệt mài đi tìm Đấng Hằng sống giữa những người chết. Hoặc không biết bao nhiêu lần, khi chúng ta đã gặp được Chúa, thì chúng ta tiếp tục quay trở lại với người chết, đào xới lên những sự tiếc nuối, những trách móc, những nỗi đau, và những bất mãn, mà không để cho Đấng Phục sinh biến đổi chúng ta? Anh chị em thân mến: hãy đặt Đấng Hằng sống vào trung tâm điểm của đời sống chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn không để bị trôi đi theo dòng chảy, theo biển cả của các vấn đề chúng ta; ơn không chạy lòng vòng quanh những chỗ nước cạn hoặc va vào những dãy đá ngầm là sự ngã lòng và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Ngài trong mọi sự và trên mọi sự. Cùng với Ngài chúng ta sẽ lại đứng lên.
Nguồn: daminhtamhiep.net
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ Vọng Phục sinh năm C (20/3/2016) - Phêrô đứng lên chạy ra mộ
Anh chị em thân mến!
“Phêrô […] đứng lên chạy tới mồ” (Lc 24,12). Đâu là những suy nghĩ trong đầu và trong con tim của Phêrô khi Thánh Nhân chạy tới mồ? Tin Mừng nói với chúng ta rằng, nhóm Mười Một – trong đó cũng có cả Phêrô – đã không tin vào chứng tá của các phụ nữ, cũng như đã không tin vào Sứ Điệp Phục Sinh của họ. Vâng, “các Tông Đồ cho tất cả đều là chuyện lẩn thẩn” (Lc 24,11). Vì thế, có sự nghi ngờ trong con tim của Thánh Phêrô, ông bị đeo bám bởi rất nhiều những suy nghĩ tiêu cực: Buồn bã vì cái chết của vị Thầy khả ái, và thất vọng về việc ông đã chối Thầy tới ba lần trong lúc Thầy đang gặp khổ đau.
Nhưng có một chi tiết cho biết sự thay đổi của ông: “Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ” (Lc 24,12) sau khi ông đã nghe những người phụ nữ và đã không tin họ. Ông không ngồi ỳ ra đó để suy nghĩ, ông không nhốt mình lại trong phòng như những môn đệ khác. Ông không để cho mình bị bắt giữ bởi bầu khí u uẩn của những ngày vừa qua, cũng không để mình bị chế ngự bởi nỗi nghi nan; ông không để cho mình bị độc chiếm bởi sự cắn rứt lương tâm, bởi nỗi sợ hãi của ông, và bởi những chuyện ba hoa chích chòe mà chúng chẳng dẫn tới đâu. Ông kiếm tìm Chúa Giêsu chứ không kiếm tìm chính mình. Ông yêu thích con đường gặp gỡ và con đường tín thác, và vì thế ông đã đứng dậy như ông đã làm, để chạy tới mộ, và rồi trở về nhà với tâm trạng “rất đỗi ngạc nhiên” (Lc 24,22). Điều này chính là sự khởi đầu “cuộc phục sinh” của Phêrô, cuộc phục sinh nơi con tim của ông. Ông không lùi bước trước sự rầu rĩ và trước bóng tối, nhưng ông đã tạo ra không gian cho giọng nói của niềm hy vọng: Ông để cho ánh sáng của Thiên Chúa bước vào trong con tim của ông, và không trấn áp ánh sáng đó.
Ngay cả những người phụ nữ mà họ đã đi ra ngoài ngay từ lúc còn sớm tinh sương để thực thi công việc của Lòng Thương Xót cũng như để mang dầu thơm tới mộ, cũng đã có được chính kinh nghiệm ấy. Họ “sợ hãi và cúi gằm mặt xuống đất”, nhưng đã vô cùng sửng sốt khi các bà nghe được những lời của Thiên Thần: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5).
Giống như Phêrô và những người phụ nữ ngày xưa, chúng ta cũng sẽ không tìm thấy sự sống, nếu chúng ta buồn bã, không niềm hy vọng, và tự nhốt mình lại trong chính mình. Thay vào đó, chúng ta hãy mở những nấm mồ bị chôn chặt của mình ra cho Thiên Chúa, để Chúa Giêsu bước vào và ban tặng sự sống cho chúng ta; chúng ta hãy mang đến với Ngài những tảng đá của sự bất hòa, và những mối ác cảm của quá khứ, những khối đá của sự yếu đuối và của sự thất bại. Ngài muốn đến để nắm lấy tay chúng ta và kéo chúng ta ra khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng đó là tảng đá đầu tiên mà nó bị lật sang bột bên trong đêm nay: sự thiếu niềm hy vọng đang nhốt chúng ta lại trong chính chúng ta. Chúa Ki-tô giải phóng chúng ta khỏi chiếc cạm bẫy kinh khủng này, tức chiếc cạm bẫy khiến chúng ta trở thành những Ki-tô hữu không niềm hy vọng, những Ki-tô hữu sống như thể Chúa Ki-tô đã không sống lại, và như thể là những vấn đề của chúng ta mới chính là trung tâm điểm của cuộc sống.
Chúng ta nhìn thấy những vấn đề chung quanh chúng ta và trong chúng ta, và điều đó cũng sẽ trở nên rất rộng lớn. Sẽ luôn luôn có những vấn đề ấy, nhưng trong đêm nay, chúng ta phải chiếu sáng những vấn đề này bằng ánh sáng của Đấng Phục Sinh, phải “Tin Mừng hóa” những vấn đề ấy trong một ý nghĩa nào đó. Những bóng tối và những nỗi sợ hãi không được phép hướng cái nhìn của tâm hồn về chính mình, cũng như không được phép chiếm đoạt con tim, nhưng chúng ta hãy lắng nghe lời của Thiên Thần: Chúa Ki-tô “không còn ở đây nữa, nhưng Ngài đã phục sinh!” (Lc 24,6). Ngài là niềm vui lớn nhất của chúng ta, Ngài luôn luôn đứng về phía chúng ta và không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta.
Đó là nền tảng căn bản của niềm hy vọng, nó không phải chỉ là tinh thần lạc quan thuần túy, nó cũng không phải là một khuynh hướng tâm lý hay là một lời mời gọi tốt lành muốn người ta trở nên can đảm. Niềm hy vọng Ki-tô giáo là một ân ban mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đi ra khỏi chính mình và mở tâm hồn chúng ta ra cho Ngài. Niềm hy vọng này không cho phép bị tàn lụi, vì Chúa Thánh Thần được đổ vào lòng chúng ta (xc. Rm 5,5). Đấng an ủi không cho phép tất cả đều xuất hiện cách ngoạn mục, Ngài không tiêu diệt sự ác bằng cây đũa thần, nhưng tạo ra sức mạnh đích thực của sự sống. Điều này không hệ tại ở chỗ vắng bóng những vấn đề, nhưng trong niềm xác tín rằng, chúng ta luôn luôn được yêu thương bởi Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và nỗi sợ hãi cho chúng ta, và hệ tại ở chỗ đón nhận ơn tha thứ. Hôm nay chính là đại lễ thuộc về niềm hy vọng của chúng ta, đại lễ của niềm xác tín rằng: Không gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ngài (xc. Rm 8,39).
Chúa Ki-tô đang sống, và Ngài muốn được tìm kiếm ở giữa những kẻ sống. Sau khi gặp gỡ Ngài, bất cứ ai cũng đều được Ngài sai đi để chuyển giao sứ điệp phục sinh, hầu thấy được ánh sáng sự sống trong những con tim đang bị hành hạ bởi nỗi u buồn, trong những con người mà họ đang có nhiều những mỏi mệt rã rời, để khơi lên niềm hy vọng và để tái làm cho hồi sinh. Điều đó rất cần thiết đối với ngày hôm nay. Chúng ta được kêu gọi, quên đi bản thân mình với tư cách là những người phục vụ đầy vui mừng của niềm hy vọng với cuộc sống chúng ta, và công bố Đấng Phục Sinh thông qua Đức Ái; trong trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ chỉ còn là một tổ chức quốc tế với một con số lớn các thành viên và các quy luật tốt đẹp, nhưng không có khả năng trao ban niềm hy vọng mà thế giới đang khát khao.
Chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta như thế nào? Phụng Vụ đêm hôm nay trao cho chúng ta một lời khuyên rất tốt. Phụng Vụ dậy chúng ta hãy nhớ tới những kỳ công của Thiên Chúa. Thực ra, các Bài Đọc đã tường thuật lại cho chúng ta biết về niềm tín trung của Thiên Chúa cũng như về lịch sử Tình Yêu của Ngài. Lời sống động của Thiên Chúa có khả năng làm cho chúng ta được tham dự vào lịch sử Tình Yêu ấy, bằng cách là nó nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm cho niềm vui tái hồi sinh. Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa mới nghe cũng nhắc nhớ chúng ta về điều đó. Để làm cho các phụ nữ được hy vọng, các Thiên Thần đã nói: “Các bà hãy nhớ lại lời mà Chúa Giêsu đã nói với các bà” (Lc 24,6). Chúng ta đừng quên lãng Lời và những kỳ công của Ngài, nếu không như thế thì chúng ta sẽ đánh mất niềm hy vọng. Trái lại, chúng ta hãy nhớ tới Chúa, nhớ tới sự tốt lành và những lời ban sự sống của Ngài, đó là những Lời đã đụng chạm tới chúng ta. Chúng ta hãy nhớ tới những lời đó, và hãy biến chúng thành những lời của chúng ta, hầu trở nên những người canh thức vào giờ ban mai, tức những người biết nhận ra những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh.
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã phục sinh! Chúng ta hãy mở bản thân mình ra cho niềm hy vọng, và chúng ta hãy lên đường. Sự tưởng nhớ tới những công việc và những lời nói của Ngài chính là một ánh sáng tỏa chiếu mà nó lấp đầy chúng ta với niềm tín thác, và lái những bước đi của chúng ta tới sự phục sinh, đó là sự phục sinh không có tận cùng.
Nguồn: daminhtamhiep.net