Header

Có phải Bí tích rửa tội là phương thế duy nhất mang lại ơn cứu độ không?

avatarby
21/04/2016
2.3K
Giáo Hội cùng Bí tích Rửa tội, khi chết có thể được cứu rỗi và được vào thiên đàng không?...
SUY TƯ THẦN HỌC
 
CÓ PHẢI BÍ TÍCH RỬA TỘI LÀ PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT MANG LẠI ƠN CỨU ĐỘ KHÔNG ?
 
 
VẤN: Những kẻ chỉ sống đúng theo Luật tự nhiên Thiên Chúa đã khắc ghi trong lòng họ mà không hề biết đến Chúa Kitô, Giáo Hội cùng Bí tích Rửa tội, khi chết có thể được cứu rỗi và được vào thiên đàng không?
Nếu đựơc thì các trẻ em (các bào thai) qua đời khi chưa chịu phép Rửa cũng đựơc lên thiên đàng. Thế thì khi vào thiên đàng, đâu là đểm khác biệt giữa các thánh Anh Hài mà Giáo Hội mừng kính ngày 28 tháng 12 và các thai nhi sinh non chưa được chịu phép Rửa? Tôi không tin các thánh Anh Hài đã được rửa tội, trừ khi bằng máu, trước tiên bởi vì lúc đó người ta chưa biết Bí tích Rửa tội là gì, và kế đến, vì các hài nhi ấy, theo ý tôi, vì còn quá nhỏ.
 
ĐÁP: Những ý kiến trên sẽ cho phép tôi xác định rõ hơn câu trả lời của tôi về vấn đề các trẻ em chết mà chưa được Rửa tội. Trong phần cuối câu trả lời ấy tôi đã nói rằng ta không dựa vào những giả thuyết của các nhà thần học để coi thường việc Rửa tội cho trẻ em, vì như thế là liều mình đoạt mất của chúng sinh lộ duy nhất dẫn tới thiên đàng. Tôi không có ý muốn nói là Bí tích Rửa tội là phương thế duy nhất, nhưng chỉ muốn nhấn mạnh rằng các giả thuyết của những nhà thần học về sự hiện diện của một phương thế khác Bí tích Rửa tội chỉ thuần là những giả thuyết mà thôi; và bởi thế, tốt hơn ta nên theo con đường chắc ăn nhất, tức liệu cho các em được lãnh Bí tích Rửa tội sớm hết sức có thể, nhất là nếu sự sống của chúng bị đe dọa.
 
Bạn bảo rằng bạn không tin lâm bô, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận nó nếu tôi có thể minh chứng được sự hiện hữu của nó. Tôi sẽ không làm điều đó, vì đấy không phải là một vấn đề chân lý phải tin. Vấn đề này, thiết tưởng tốt ta nên minh định đâu là những chân lý phải tin, và ngược lại đâu là những điều có thể được tự do bàn cãi.

Trước hết, chân lý phải tin đầu tiên là: không ai có thể vào thiên đàng nếu không có ân sủng mà Chúa Kitô đã chuộc lấy cho chúng ta, tức nếu người ấy không ở trong Chúa Kitô như một trong các chi thể sống động của Người. Tất cả chúng ta đều nhất thiết cần phải nhờ vào ơn cứu độ của Chúa Kitô để được hòa giải với Thiên Chúa, Đấng mà tội Ađam đã phân cách chúng ta ra khỏi. Cả Đức Trinh Nữ cũng đã được Chúa Kitô cứu chuộc, dầu đối với Mẹ, điều đó được thực hiện cách đặc biệt: ngay giây phút đầu tiên tượng thai trong lòng mẹ, linh hồn Đức Maria đã tràn đầy ân sủng, và như thế, không có phút giây nào Mẹ ở trong tình trạng bất xứng đối với cửa thiên đàng. Chính vì thế, chúng ta tôn vinh Mẹ là Đấng Vô Nhiễm thai, tức Mẹ không hề mắc tội tổ tông truyền.

Một chân lý phải tin khác đã được Công đồng Triđentô định tính là: sau khi Chúa Kitô thiết lập Bí tích Rửa tội và Tin Mừng được loan báo, không ai có thể được cứu rỗi nếu không lãnh nhận Bí tích Rửa tội hay ít nhất là có lòng chân thành ước muốn lãnh nhận Bí tích ấy (Công đồng Triđentiô gọi là “Ước Tẩy”). Những người được rửa tội bằng ước muốn là những kẻ ngay tình không biết đến Giáo Hội và có khi cả đến Chúa Kitô, nhưng vẫn sống trong sự tôn trọng các quy luật luân lý mà họ biết được; chắc chắn họ sẽ không thể giữ điều đó nếu không được ân sủng Chúa Kitô trợ giúp, dầu họ không biết đến ân sủng ấy. Nhưng các trẻ em làm sao có được ao ước này, vốn hàm ẩn trong ý muốn làm điều thiện? Thế thì làm sao? Giáo Hội không bao giờ phủ nhận việc Thiên Chúa cũng có thể ban cách đặc biệt ân sủng và ơn cứu độ của Người cho các trẻ em không được chịu phép Rửa tội. Ta đừng nên đòi những ấn định những giới hạn cho lòng nhân từ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chuyện của ta là xét xem có thể dựa vào những dữ kiện mạc khải để đi đến kết luận rằng Thiên Chúa còn ban cho tất cả các hài nhi một phương thế cứu độ khác có thể tẩy sạch nguyên tội nơi chúng không.

Mãi đến những ngày gần đây, các thần học gia vẫn phủ nhận điều đó. Nhưng, cho rằng các hài nhi ấy phải chịu những hình phạt hỏa ngục trong cuộc sống bên kia lại là một điều không thể chấp nhận; bởi thế, người ta dần dà đi đến ý tưởng về Lâm-bô, là nơi các trẻ em ấy được hưởng một thứ hạnh phúc tự nhiên, tuy vậy vẫn xa cách với thiên đàng đích thực và sự hưởng kiến Thiên Chúa. Nhưng, đó cũng chỉ là những gợi ý của các nhà thần học chứ không thực sự là chân lý đức tin. Tuy nhiên, càng ngày con số những thần học gia nghĩ rằng các trẻ em ấy phải được hưởng một phương dược cứu độ khác với Bí tích Rửa tội càng đông thêm. Họ cho rằng chính nhờ phương dược đó mà chúng có thể kết hợp với Chúa Kitô và được lên thiên đàng.

Cho đến nay, Huấn quyền Giáo Hội vẫn còn dè dặt với những giả thuyết này, vì xét thấy không có nền tảng vững chắc mấy. Ngược lại, Giáo Hội luôn nhấn mạnh bổn phận phải rửa tội sớm cho trẻ em. Trong Đại hội thần học diễn ra tại Rôma vào tháng 9 năm 1966, Đức Hồng y Garrone, Bộ trưởng Thánh bộ Giáo dục Công giáo, đã xếp vấn đề các trẻ em chết mà không được chịu Bí tích Rửa tội vào số những vấn đề Công đồng chưa giải quyết và khoa thần học hiện đại còn phải tìm tòi, suy nghĩ.

Vậy, đây là một vấn đề còn bỏ lửng, và các thần học gia còn phải dày công suy nghĩ để sửa soạn cho một quyết định trong tương lai của Huấn quyền Giáo hội.
 

Nguyên tác : số mục (14) quyển II
Flick
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT