Header

Có thể hiểu được sự hiện hữu của Thiên Chúa không, hay chỉ cần tin thôi?

avatarby
04/04/2016
1.4K
Có thể dùng trí năng nhân loại để nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa mà không cần sự trợ giúp của mạc khải không?...
CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG, HAY CHỈ CẦN TIN THÔI?

 

+ VẤN:

Có thể dùng trí năng nhân loại để nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa mà không cần sự trợ giúp của mạc khải không? Hay phải dùng đức tin mà lĩnh hội, vì đó là điều chính Thiên Chúa đã mạc khải? Trong lĩnh vữc ấy, đâu là hạn giới của khả năng trí thức bằng đức tin? Sự hiên hữu của Thiên Chúa và thiên tính của Đức Kitô phải được đặt trên cùng một bình diện, hay ta có thể lĩnh hội sự hiện hữu của Thiên Chúa mà không cần nhờ đến sự can thiệp của đức tin? Và nếu sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải là một chân lý đức tin, nhưng là một chân lý có thể được lý trí minh chứng, thì thử hỏi còn chỗ nào cho đức tin và “công nghiệp của đức tin” không?


+ ĐÁP:

Vấn nạn nêu trên rất quan trọng vì nó động đến yếu tố quyết định của thực tại tôn giáo, đó là: ý nghĩa đích thực của hành vi đức tin. Đức tin xuất hiện ngay khi con người mở lòng ra với vị Thiên Chúa đang ngỏ lời với họ. Nếu có người nào, sau khi suy luận cách sâu xa, hợp lý và kỹ lưỡng, đi đến kết luận rằng phải có một Hữu Thể Tối Cao chiếm hữu được hết mọi điều hoàn thiện của hữu thể và là đệ nhất nguyên nhân của tất cả những gì hiện hữu bên ngoài mình, người ấy chắc hẳn đã đạt đến được một trong những khái niệm cao nhất trên đời. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là khái niệm cấu thành hành vi đức tin tôn giáo. Ta chỉ có thể khởi sự nói đến đức tin khi mà con người vượt qua lối lý luận vừa kể để đi đến xác quyết rằng: “chính vị Thiên Chúa ấy đã muốn tự mạc khải mình ra cho chúng tôi, cho tôi, xuyên qua công trình của Người, cuộc tạo dựng của Người và chính trong thâm cung lòng tôi nữa; tôi có thể biết được Người tự hiện hữu vì chính Người đã muốn tự mạc khải mình; và Người mong rằng tôi sẽ thấy Người trong công trình của Người, để nghe Người phán bảo cùng phó mình trong tay Người.”


Ý THỨC TÔN GIÁO

Vậy, nếu ai quả quyết rằng, nếu ai dựa vào việc lý luận thích đáng mình có được niềm tin xác tín vào sự hiện hữu của một Hữu Thể Tối Cao Cá Vị, nhưng đồng thời lại nghĩ rằng vị Thiên Chúa ấy không hề bận tâm đến mình và cũng chẳng cần chờ đợi nơi mình một sự  hồi đáp, người đó không phải là một tín hữu đúng nghĩa, hay đúng hơn đó là một người vô tôn giáo. Vì tôn giáo có nghĩa là sự kết hợp, là giây liên kết với Thiên Chúa. Về phần con người, mối liên kết này trước tiên tạo nên một hành vi căn bản, đó là đức tin. Còn chính đức tin là dựa trên sự kiện là chính Thiên Chúa đã muốn có sự liên kết này và đã tự tỏ mình ra cho trí khôn, tấm lòng và ý chí của con người. 

Hành vi đức tin siêu nhiên có giá trị cứu độ chỉ xuất hiện sau đó, khi mà con người có được một niềm tin, không phải dựa trên sự kiện Thiên Chúa muốn tỏ ra cho nhân loại qua công trình của Người, nhưng là vì Thiên Chúa đã dùng ân sủng để thúc đẩy mình tự bên trong đi đến niềm tin ấy. Hành vi này không còn là một mối tương quan với một vị Thiên Chúa bị xem như kẻ xa lạ – Đấng mà người ta gọi bằng “Người” (ngôi thứ ba) – nhưng là mối tương quan với vị Thiên Chúa thật, Đấng mà người ta gọi là “Ngài” (ngôi thứ hai)..., “Ngài” ngỏ lời với chúng ta và chúng ta đáp lại lời “Ngài”. 


NIỀM TIN VÀO ĐỨC KITÔ

Trước đức tin tổng quát vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, niềm tin vào Đức Kitô phô bày đôi nét mới lạ; vì, so với việc Thiên Chúa tự bày tỏ mình trong những công trình của cuộc tạo dựng thì việc Người mạc khải chính mình nời con yêu dấu của Người là điều hoàn toàn mới lạ và hết sức bất ngờ. Đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu là một thực tại lịch sử, còn thiên tính của Ngài qủa thật là một mầu nhiệm vượt quá khả năng hiều biết của sự khôn ngoan nhân loại. Chỉ tin vào Đức Kitô, khi nào Người mạc khải qua thiên tính, qua các phép lạ và toàn thể đời sống của Người là một điều hợp lý và đi đúng với những luật lệ của lương tri nhân loại. Tuy nhiên không ai có thể có được một hành vi đức tin vào Đức Kitô như thế nếu như không được Người ban ơn cho. Vậy, một đàng đức tin hoàn toàn có tính thuần lý, đàng khác lại vượt cả những khả năng của lý trí con người. Vì tin vào Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận cao vọng của Người; tự xưng mình “là Đường là Sự Thật và là Sự Sống” cho tất cả mọi người. 


LUÂN LÝ HỌC VÀ HÀNH VI ĐỨC TIN

Tóm lại, ta có thể nói rằng, một luận chứng hợp lý và chặt chẽ về sự hiện hữu của Thiên Chúa hay một phán đoán của lý trí tuyên nhận có Thiên Chúa chưa phải là một hành vi đức tin có thể mang lại ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, dưới sự trợ giúp của ân sủng chúng ta có thê biến thành hành vi đức tin đích thực. Hành vi ấy mang những đặc điểm sau: trước tiên  đó là cái nhìn chuyên chú về sự kiện Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình; và kế đến là sự ưng thuận mà con người trao vào sự kiện đó không hề mang dấu vết của một phán đoán dửng dưng, chỉ bằng lòng với lời tuyên nhận có Thiên Chúa, nhưng hệ tại ở việc  mở rộng tâm hồn và phó thác toàn thân cho Đấng muốn tự mạc khải cho con người. Tự nó, một đức tin như thế luôn hướng đến niềm tin vào Đức Kitô, vốn là sự mạc khải trọn vẹn và tuyệt đối của Người. Thật vậy, Thiên Chúa đã tự mạc khải tất cả tình yêu của mình cho con người nơi một Đức Kitô duy nhất ấy mà thôi. Trong khi đó, đứng trước Đức Kitô, chính con người cũng phô bày bản chất đích thực của mình  tức Người cho thấy rằng mình có thật sự cởi mở tâm hồn  cùng có thái độ sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa không. 

Như thế ta có thể xác định rõ ràng đăc tính độc đáo và duy nhất của hành vi đức tin. Đó là một hành vi vừa đa phức vừa toàn diện. Nó động viên tất cả con người. Thật vậy, không chỉ có trí tuệ mà toàn thể con người phải đứng ra đảm nhận đáp trả trong hành vi đức tin. Nên trong trường hợp người tín hữu còn sống trong tội. Hành vi của họ đồng thời cũng bao hàm trên nguyên tắc một lời kết án chính tội lỗi nơi họ. 


Nguyên tác: số mục (4) quyển I              B. Haering
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT