
Ta có thể mất Đức tin mà không phạm tội chăng?

08/04/2016
1.9K
Đức tin là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa mà con người phải gìn giữ và làm cho tăng triển bằng cách tự do ưng nhận...
TA CÓ THỂ MẤT ĐỨC TIN MÀ KHÔNG PHẠM TỘI CHĂNG ?

+ ĐÁP:
Đức tin là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa mà con người phải gìn giữ và làm cho tăng triển bằng cách tự do ưng nhận.
Sự tăng trưởng của đức tin thì thật là vô hạn; từ một mức tối thiểu phải có tiến đến tinh thần đức tin và cuối cùng là một đức tin anh hùng. Đó là những chặng chính của sự tăng trưởng. Các phương thế đặc biệt để bảo toàn và phát huy ơn đức tin này là lòng khiêm nhường, sự cầu nguyện cùng việc lãnh nhận các bí tích.
Tiếc thay, đức tin cũng có thể bị lu mờ và phai nhạt. Như nó có thể là cây đuốc cháy bùng trước gió thì nó lại cũng có thể sút giảm đến độ chỉ còn là một “tim đèn ngún khói” mà Tin Mừng từng nói đến. Nếu chắc chắn ta có thể đạt đến, với sự trợ lực của Thiên Chúa, một đức tin anh hùng sống động và mạnh mẻ của viên đại đội trưởng người Caphácnaum một đức tin có thể chuyển núi dời non thì ta cũng có thể đi đến bóp nghẹt nó, và cuối cùng là đánh mất hoàn toàn.
Theo giáo huấn của Công đồng Vaticanô I, một người Công giáo không thể nào vứt bỏ một điều gì trong đức tin của mình và trở thành người vô thần chính hiệu mà không phạm tội trọng. Chính Thánh Kinh cũng từng coi sự mất đức tin như là một tội nặng nhất (x. 1Tm 1,19-20; Dt 6,4tt; 2Pr 2,20).
Nhưng, nếu một người Công giáo chỉ xa lìa Giáo hội thôi chứ không đánh mất đức tin thì có phạm tội không ?
Trả lời cho vấn nạn này, các thần học gia bảo rằng: cách chung thì sự ly khai này luôn đi đôi với một tội nặng. Thực vậy, ý muốn của Thiên Chúa là hết mọi người, với sự trợ lực của ân sủng Người, tìm ra được không phải chỉ là sự cứu rỗi mà còn là “con đường chân thật”(1Tm 2, 4); và “Người không hề bỏ rơi một ai trừ phi chính kẻ đó lìa bỏ Người trước”. Như thế, nếu có kẻ nào đánh mất đức tin mà không phạm tội thì khẳng định vừa rồi không còn đúng nữa. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là tội ấy nằm ngay trong chính hành động lìa bỏ Giáo hội hay đánh mất đức tin; nó có thể xảy ra trước đó, do những bất cẩn nghiêm trọng hay các lầm lỗi khác, khiến cho người tín hữu Công giáo không còn hưởng sự trợ giúp thân tình mà Thiên Chúa là Cha hằng ban cho các nghĩa tử Người.
Mọi điều vừa nói trên có giá trị cách chung. Cho nên, có một số thần học gia nghĩ rằng trong vài trường hợp đặc biệt có thể có kẻ rời bỏ Giáo hội Công giáo để nhập vào một tôn giáo khác mà không phạm tội trọng, cả trong chính hành động ly khai ấy cũng như trong nguyên do của nó. Sau đây là những lời phát biểu của Đức Cha CARLO COLOMBO về vấn đề này: “để việc lìa bỏ Giáo hội là một tội nặng thì trước đó cần phải đã có ý thức rằng việc thuộc về Giáo hội là một bó buộc nặng; có người không thấy đó là một bó buộc nặng (vì không được dạy dỗ đủ) và vì thế, họ không thể nào phạm tội nặng nếu lìa bỏ Giáo hội. Thế thì thử hỏi ta có thể khẳng quyết mọi người Công giáo đều đã nhận biết và ý thức chắc chắn rằng việc thuộc về Giáo hội Công giáo là một bó buộc nặng không? Chắc chắn ân sủng luôn hoạt độngđể làm cho họ gắn bó với Giáo hội. Nhưng, có gì bảo đảm rằng sự trợ lực ấy của ân sủng còn đi đến chỗ làm cho mọi người Công giáo đều ý thức việc họ phải thuộc về Giáo hội Công giáo là một bó buộc nặng không? Thường thì ân sủng không hề qua mặt các đường lối, cách thế tự nhiên. Vậy thì, ta có bị bó buộc phải luôn nghĩ rằng khi một người công giáo lìa bỏ Giáo hội thì chắc chắn đã phạm tội nặng, hoặc trước đó hoặc sau đó không? Dường như là không.”
Nguyên tác: số mục(6) quyển II A. Beni
TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT