Header

Hiệp Thông - Loan Báo Tin Mừng

avatarby Quốc Khánh
11/07/2024
582
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu duy nhất, trong sự hiệp thông tuyệt đối của Ba Ngôi - Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu muốn cho các Kitô hữu hợp nhất trong Hội thánh, theo mẫu hình của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Xin cho chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21)...

TĨNH TÂM VÀ THƯỜNG HUẤN

HIỆP THÔNG - LOAN BÁO TIN MỪNG

NỘI DUNG CHÍNH

1. Hiệp thông với Chúa

1.1. Cảm nhận sâu lắng tình Chúa yêu thương

1.2. Chọn Chúa hơn công việc của Chúa

1.3. “Sẽ không bao giờ có thể Phúc âm hoá được nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần”

2. Hiệp thông với nhau

2.1. Lắng nghe

2.1.1. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng ghi

2.1.2. Con người được dựng nên mang tính xã hội

2.1.3. Sống trong cộng đoàn dân Chúa

2.2. Đối thoại

2.2.1. Linh mục đối thoại với Chúa qua cầu nguyện

2.2.2. Công đồng Vaticanô II khuyên

2.2.3. Với các linh mục, Công đồng khuyên

2.2.4. Đối thoại với anh em linh mục

(i) Già-trẻ

(ii) Giàu-nghèo

(iii) Gặp khó khăn

2.2.5. Đối thoại với giáo dân

2.3. Hiệp hành để loan báo Tin mừng

3. Loan báo Tin mừng

3.1. Loan báo Tin mừng với tình yêu và niềm vui

3.2. Loan báo Tin mừng cho người nghèo.

3.3. Loan báo Tin mừng cho con người hôm nay

3.4. Loan báo Tin mừng cho lương dân

Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu duy nhất, trong sự hiệp thông tuyệt đối của Ba Ngôi - Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu muốn cho các Kitô hữu hợp nhất trong Hội thánh, theo mẫu hình của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Xin cho chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21). Hiện diện nơi trần gian, giữa lòng thế giới nhân sinh, Hội thánh không ngừng cầu nguyện cho sự hợp nhất và xây dựng hiệp thông giữa con cái Chúa trong Hội thánh và trong toàn thể nhân loại. Đức Thánh cha Phanxicô xác định: “Hiện hữu của mỗi người và mỗi cá nhân được gắn liền với hiện hữu của người khác… Đời sống là một thời gian cho những tương tác”[1]. Vì thế, “hãy nói không với cô lập, và nói vâng với gần gũi. Hãy nói không với văn hoá đối đầu, và hãy nói vâng với văn hoá gặp gỡ”[2]. Và đời sống đạo của Kitô hữu là “hiệp nhất với…. Đầu là Đức Kitô,... để tiếp tục sự chết và phục sinh giải phóng nhân loại”[3]. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng xác tín: “Sự hiệp thông với Chúa Giêsu là nguồn phát sinh sự hiệp thông giữa các tín hữu”[4]. Như thế, hiệp thông mang hai chiều kích: chiều kích dọc với Thiên Chúa và chiều kích ngang với anh chị em. Hãy đi vào mầu nhiệm hiệp thông ấy để có thể đem Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa tình yêu đến cho mọi người. 

1. Hiệp thông với Chúa

1.1. Cảm nhận sâu lắng tình Chúa yêu thương[5]. “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa” (1Cr 15,10). “Có là gì” chính là ơn gọi tông đồ, hạnh phúc được gọi chọn làm linh mục của Chúa, được phục vụ cộng đoàn dân Chúa. “Có là gì” cũng là những thành công trong sứ vụ tông đồ, trong đời mục vụ, thuộc lĩnh vực thiêng liêng hay vật chất. Tất cả những gì người linh mục có được, làm được, đều nhờ bởi ơn Chúa, chứ không do tài sức riêng mình: “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Chúa cho mọc lên” (1Cr 3,6). Còn thân con chỉ là đầy tớ vô duyên bất tài. “Có là gì” cũng là những khó khăn gian khổ thử thách và yếu đuối trong đời, nhưng Chúa đã giúp vượt qua “ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Người linh mục còn phải xác tín “con sẽ là gì”, tất cả cũng đều nhờ bởi ơn Chúa. Cuộc đời tương lai, dù có ra sao, với chức vụ quan trọng trong Hội thánh, với địa sở đông dân, giàu có hay nơi giáo xứ chốn quê nghèo nàn, tất tất cả đều do Chúa quan phòng vì yêu thương. Hãy sống trọn vẹn cho Chúa, ở lại trong tình yêu và ân sủng của Chúa, để sống đời linh mục thánh đức và nhiệt tâm loan báo Tin mừng.

Những mệt mỏi, thất bại, khổ đau trong đời linh mục, có khi, đã làm giảm thiểu nhiệt tâm tông đồ, khiến linh mục hờ hững, không hăng say loan báo Tin mừng. Lòng nhiệt tâm bắt nguồn từ nơi Chúa, vì thế, càng hiệp thông sâu xa với Chúa, người linh mục càng có ơn thiên thúc bách để vượt thắng mọi gian nan vất vả, dấn thân hy sinh cho công cuộc loan báo Tin mừng: “Nhiệt tình loan báo Tin mừng phải vọt lên từ một đời sống thực sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng lòng yêu mến Thánh Thể... Không có những dấu hiệu và sự thánh thiện như thế, lời chúng ta sẽ khó đi vào lòng dạ con người thời nay được. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu”[6]. Trên con đường đi về vĩnh cửu, không người lữ khách nào cô đơn, vì có Chúa cùng đi với họ. Do đó, mỗi sáng thức dậy, con khởi sự lại cuộc đời, hăng say và lạc quan. Dù đường đi trục trặc, con cứ đi với Chúa, như thể về làng Emmaus, con sẽ tới đích”[7].

1.2. Chọn Chúa hơn công việc của Chúa. Người ta thường đánh giá, đề cao các linh mục có thành tích, làm được việc này việc kia, xây dựng được cơ sở vật chất, nhà thờ, nhà mục vụ... Say sưa với những lời chúc tụng “xông hương” của người khác, người linh mục quên đi “chính Chúa” mới là chủ của công trình cứu độ, là tác nhân chính của những hoán cải cứu độ nơi các tâm hồn hay những thành quả bên ngoài nơi các cơ sở vật chất… Vì thế, người linh mục thường chú trọng đến những “công việc của Chúa” hơn là chính Chúa, và nhiều khi hướng đến vinh danh chính mình hơn là vinh danh Chúa qua những công việc mình làm. “Linh mục là... những ‘khí cụ’ sống động và tự do của một Đức Kitô duy nhất - Đấng hiện diện như chủ thể chính của những hành động của họ. Vậy sự chấp nhận hiện sinh này sẽ dẫn tới một nỗ lực có ý thức về phía linh mục để Đức Kitô sống và chiếu sáng qua con người và đời sống hằng ngày của linh mục; đàng khác, linh mục phải chống lại cám dỗ liên lỷ là lẫn lộn chính mình với con người Đức Kitô”[8].

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận nhắc nhở: “Đừng nhầm lẫn Chúa với việc của Chúa, vì việc của Chúa chưa phải là chính Chúa. Khi Chúa muốn, con phải hy sinh việc của Chúa mà chỉ chọn một mình Chúa thôi”[9]. Cảm nhận “Chúa là tất cả” là động lực kích hoạt mọi hoạt động tông đồ, là khởi điểm và là điểm đến của việc loan báo Tin mừng nhằm phục vụ cho ơn cứu độ của con người. Đời sống hiến dâng của người linh mục là “bước theo Chúa”, “ở lại trong Chúa”, để kết hợp mật thiết với Chúa:“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

1.3. “Sẽ không bao giờ có thể Phúc âm hoá được nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần”,  Thánh Thần là tác nhân chính của hoạt động loan báo Tin mừng... Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin mừng, chính Ngài, từ chiều sâu ý thức, làm cho người ta đón nhận và hiểu Lời cứu độ, và chính Ngài liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc[10]. Thánh Phaolô VI còn khẳng định:Có những kỹ thuật Phúc âm hoá là điều tốt, nhưng những kỹ thuật hoàn hảo nhất vẫn không làm sao thay thế được tác động âm thầm của Thần Khí. Không có Ngài thì sứ giả Tin mừng có sửa soạn hết sức tinh tế cũng chẳng làm được gì cả. Không có Ngài thì biện luận thuyết phục nhất cũng không ảnh hưởng gì được trên trí tuệ con người. Không có Ngài, những lược đồ xã hội học và tâm lý học được soạn thảo kỹ lưỡng nhất cũng chóng tỏ ra vô giá trị. Chính Chúa Kitô đã lánh riêng ra trong đêm, để cầu nguyện với Chúa Cha. Còn chúng ta, “chúng ta có noi gương Người bằng cách uống nước từ suối cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với Người không? Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ của mình: Không có Thầy các con không thể làm gì được”[11].

2. Hiệp thông với nhau

Hiệp thông sâu xa với Chúa sẽ giúp con người hiệp thông với nhau, để cùng góp phần trong công cuộc loan báo Tin mừng. Lối đường dẫn vào hiệp thông bao hàm lắng nghe và đối thoại.

2.1. Lắng nghe

Đức Thánh cha Phanxicô xác định: Thượng Hội đồng hoàn vũ lần này là cơ hội cho Giáo hội lắng nghe, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau trong Hội thánh, “lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến”[12]. Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã lắng nghe. Người hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29), và Người lắng nghe các ông trả lời. Người muốn nghe niềm xác tín của Phêrô, khi hỏi: “Anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-17)... Noi gương Thầy chí thánh Giêsu và đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh cha Phanxicô, chúng ta cũng hãy biết lắng nghe nhau. Không lắng nghe nhau, hay ít lắng nghe nhau, là một thực trạng vẫn còn tồn tại trong các cộng đoàn dân Chúa. Chủ chăn chưa quen lắng nghe tiếng chiên để hiểu biết chiên của mình, và vì thế, chiên cũng không biết về chủ chiên, còn Chúa Giêsu thì nói: “Tôi biết chiên tôi và các chiên tôi biết tôi” (Ga 10,14)[13].

2.1.1. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng ghi:“Các giám mục nên quan tâm, tiếp cận với hết mọi người, để trong lúc tuần tự thực hiện tiến trình hiệp hành, điều thánh Phaolô tông đồ khuyến cáo các cộng đoàn được thể hiện:Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy (1Tx 5,19-21). Trong tâm tình hiệp thông, việc lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của con cái Chúa, để “thấu hiểu - cảm thông - nâng đỡ”, thật cao đẹp, hầu tạo nên mối hiệp thông đích thực, khơi lên tinh thần hiệp hành, và nhiệt tâm loan báo Tin mừng. 

2.1.2. Con người được dựng nên mang tính xã hội, không ai là một hòn đảo, sống là sống với mọi người, đi vào tương quan với con người, nhất là với tha nhân. Thuộc về linh mục đoàn, người linh mục cũng hãy lắng nghe nhau, trở nên người bạn với nhau trong đời mục tử như mẫu hình Giêsu kết bạn tâm giao với các tông đồ: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy”. Tình huynh đệ linh mục là một trợ lực quan trọng không thể thiếu trong đời linh mục. Người đồng hành không thể không có trên con đường thực thi sứ vụ linh mục. Chúa Giêsu sai “từng hai người một” ra đi loan báo Tin mừng.

2.1.3. Sống trong cộng đoàn dân Chúa, được anh chị em giáo dân yêu thương kính trọng, gọi mình là “cha”, coi mình là “thầy cả”, nên linh mục nghĩ tưởng rằng, mọi sự mình đều biết, mọi lời mình nói đều hay, mọi việc mình làm đều tốt, không lắng nghe góp ý của giáo dân về mình và về công việc mục vụ. Thượng Hội đồng nhắc nhở: “Các mục tử, được Thiên Chúa cắt đặt như những người bảo vệ, giải thích và chứng nhân đích thực cho đức tin của toàn thể Hội thánh, nên không sợ lắng nghe đoàn chiên được giao phó cho mình”[14]. Hãy lắng nghe giáo dân, lắng nghe những khát vọng thiêng liêng, tâm tư nguyện vọng của họ, những ý kiến chân thành, tốt đẹp của họ, để hoàn thiện con người linh mục, để canh tân đường hướng và phương cách làm mục vụ cho thích hợp, hiệu quả hơn, tạo nên mối tình hiệp thông giữa cộng đoàn dân Chúa như lời cầu nguyện trong Thánh lễ cầu cho linh mục: “Xin cho con là linh mục và cộng đoàn giáo dân con phải chăm lo luôn một lòng một ý”[15]. Tuy nhiên, Tài liệu Thượng Hội đồng Giám mục cũng khẳng định: “Việc thỉnh ý dân Chúa không hàm ý là Hội thánh tiếp thu những trào lưu dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số, bởi lẽ, lý do của việc tham gia vào mọi tiến trình hiệp hành là niềm khao khát được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin mừng, chứ không phải là những xung đột lợi ích”[16].

Lắng nghe nhau để đi vào đối thoại tạo nên hiệp thông, “cùng nhau cất bước hành trình”, đi trên con đường hiệp hành của Hội thánh hôm nay.

2.2. Đối thoại

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một Thiên Chúa đơn độc, nhưng là Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn sống trong các mối tương quan. Mầu nhiệm nhập thể diễn tả một cuộc đối thoại không ngừng giữa Chúa Giêsu với Cha Người và với con người, không chỉ bằng lời mà bằng “Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Abraham đã thưa trình với Chúa về năm mươi người công chính trong thành để xin Chúa tha thứ. Môsê đã đàm đạo với Chúa như hai người bạn với nhau (x. Xh 33,11). Các ngôn sứ đã thưa trình với Chúa và xin Chúa tha thứ cho dân Israel. Vì thế, phải đối thoại với Chúa trước tiên, để có thể khai mở những cuộc đối thoại với anh chị em.

2.2.1. Linh mục đối thoại với Chúa qua cầu nguyện, để đi sâu vào huyền nhiệm kết hợp với Chúa, để nhận biết và thực thi ý Chúa, “này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5). Trong cầu nguyện, linh mục giãi bày tâm sự với Chúa, nói với Chúa... nhưng linh mục cũng phải dành những phút giây tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, nếu không, xem ra chúng ta chỉ nghe thấy tiếng mình, chỉ nhận biết ý mình, mà không nghe được tiếng Chúa, không biết ý Chúa. Trong Đại hội giới trẻ thế giới năm 1997, tại Paris, một bạn trẻ hỏi: Thưa Đức Thánh cha, Đức Thánh cha cầu nguyện như thế nào? Ngài trả lời: Cha cầu nguyện giống như chúng con, nhưng cha nghe Chúa nói, nhiều hơn là nói với Chúa.

2.2.2. Công đồng Vaticanô II khuyên:“Các giám mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa, phải trao đổi và đối thoại với các linh mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo dân”[17]. Nhờ cuộc đối thoại, “từ trái tim đến trái tim”, giám mục có thể thấu hiểu những người con linh mục của mình cách sâu xa, nhận thức đúng thực và khách quan về những biến cố xảy ra. Cuộc đối thoại cũng không thể thiếu dấu ấn của lòng bao dung, tình cha yêu thương tha thứ, để nâng dậy một người con, một người “anh em” trong đời sống và sứ vụ linh mục, và như thế, có chăng sẽ được một người cộng tác nhiệt tâm trong công trường cứu độ của Đức Kitô.

2.2.3. Với các linh mục, Công đồng khuyên: “Với ý thức về thánh chức sung mãn đã được trao ban cho các giám mục, hãy tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô - Vị Mục tử tối cao. Vì thế, các linh mục luôn gắn kết với giám mục của mình trong tình yêu thương và thái độ vâng phục chân thành”[18]. Khi được trao sứ vụ, linh mục hãy chân thành thưa với giám mục về những khả năng và cả những giới hạn yếu kém của mình, để giám mục phân định, xem xét, có thể trao sứ vụ ấy cho mình hay không. Lúc gặp khó khăn trong công tác mục vụ, điều hành giáo xứ, và thậm chí khi vấp ngã, linh mục tâm sự với giám mục để nhận những lời khuyên, tình bao dung tha thứ, sự nâng đỡ và các phương thế tháo gỡ những gút thắt đang trói buộc đời linh mục. Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu biết lỗi phạm cuộc đời chị do lời tâm sự của chị, nhưng Chúa Giêsu chỉ nói: “Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi”. Chúa Giêsu giúp chị nhận ra sự thật về cuộc đời chị, nhưng rồi Chúa nói: “Tôi không kết tội chị đâu. Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Người lấy đi những hòn đá làm tắc nghẽn dòng chảy cuộc đời chị, để dòng nước hằng sống trào vọt lên trong lòng chị.

2.2.4. Đối thoại với anh em linh mục. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nhấn mạnh: “Tất cả thành viên của linh mục đoàn đều được liên kết với nhau bằng những mối dây đặc biệt của đức ái tông đồ”[19] và Công đồng nói đến ba mối tương quan:

(i) Già-trẻ. Nhận biết được những khác biệt giữa các thế hệ, do nền giáo dục khác nhau, nên Công đồng khuyên: “Những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như những người em, hãy giúp họ trong... những công tác đầu tiên của thừa tác vụ,... thông cảm tâm tư của họ... khích lệ các đề xướng của họ.... Các linh mục trẻ hãy tôn trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị cao niên, hãy bàn hỏi với các ngài những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng chia sẻ công việc với các ngài”[20]. Vì thế, các linh mục lớn tuổi phải bao dung và thành tâm chỉ dẫn cho các linh mục trẻ. Các linh mục trẻ hãy khiêm tốn lĩnh hội kinh nghiệm của các bậc cha anh đi trước.

(ii) Giàu-nghèo. Giàu-nghèo là một một thực tại đương nhiên trong xã hội và trong lòng Giáo hội. Thực tại giàu-nghèo ấy cũng có đó giữa các linh mục, do hoàn cảnh gia đình, giáo xứ hay do tương quan với các ân nhân. Vì thế, công đồng nhắc nhớ “các linh mục đừng quên tỏ lòng hiếu khách, thể hiện tình nhân ái và san sẻ của cải, đặc biệt quan tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn... Các ngài cũng hãy vui vẻ gặp gỡ nhau để thư giãn tâm trí, nhớ lại lời Chúa bảo các tông đồ đang mệt mỏi: Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút (Mc 6,31)”. Thước đo của đời linh mục không phải là chiếc ôtô đắt giá hay số tài sản to lớn, nhưng là lòng yêu mến Chúa và sự hy sinh dấn thân phục vụ cho phần rỗi các linh hồn. Giuđa bán Chúa với ba mươi đồng bạc. Ước gì linh mục ngày nay không bán rẻ nhân cách linh mục của mình vì tiền bạc[21].

(iii) Gặp khó khăn. Ai ai cũng mang trong mình dòng máu tội phạm của Ađam. Thế nên, lý lịch phận người là tội nhân trước Thiên Chúa và con người. Người anh em có lúc va vấp vì yếu đuối, bản thân chúng ta cũng có những lần ngã quỵ vì thua cuộc trong trận chiến vì chính nghĩa. Thế nên, hãy cảm thông nâng đỡ nhau trong những yếu đuối của phận người. Cây nến được làm phép xem ra cũng dễ bốc cháy như cây nến không được làm phép. Công đồng nhắc nhở rất thân thương:“Đối với những vị đang gặp khó khăn, phải kịp thời giúp đỡ và nếu cần phải khuyên bảo cách tế nhị. Đối với những vị đang gặp thất bại trong lĩnh vực nào đó, hãy luôn cư xử với tình bác ái huynh đệ và thái độ thông cảm, hãy tha thiết cầu nguyện cùng Chúa thật nhiều và chứng tỏ mình vẫn luôn là anh em và bạn hữu đích thực của họ”[22].

2.2.5. Đối thoại với giáo dân. Linh mục được sai đến sống giữa cộng đoàn dân Chúa, là người thuộc về cộng đoàn Giáo hội địa phương đó. Trong tương quan “mục tử-con chiên”, linh mục phải tìm hiểu đoàn dân của Chúa, “tôi biết chiên của tôi”, và “biết từng con chiên”, để “chiên tôi nghe tiếng tôi”. Như thế, linh mục phải đi vào những cuộc đối thoại với giáo dân, với các đoàn thể và với từng người. Công đồng dạy:“Các linh mục phải chân thành nhìn nhận và phát huy phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân... Các ngài cũng hãy tôn trọng quyền tự do chính đáng mà mọi người đều được hưởng... Phải sẵn sàng lắng nghe, cứu xét các nguyện vọng của giáo dân trong tinh thần huynh đệ, đồng thời nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ”[23]. Linh mục hãy thể hiện tinh thần của Thượng Hội đồng “Hiệp thông - tham gia - sứ vụ”, mời gọi giáo dân tham gia vào công tác tông đồ, “tin tưởng trao cho giáo dân các công tác trong việc phục vụ Giáo hội, dành cho họ tự do và quyền hạn để hoạt động, hơn nữa, hãy tìm cách thích hợp để mời gọi họ tự ý đảm nhận công tác”.

2.3. Hiệp hành để loan báo Tin mừng

Hiệp thông để cùng nhau ca tụng Chúa, làm vinh danh Chúa và dồn nỗ lực vào việc loan báo Tin mừng. “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mệnh của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mệnh này. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này”[24]. Để có thể loan báo Tin mừng, Đức Thánh cha Phanxicô không muốn “một Giáo hội thu mình vào bên trong”, chỉ tập chú vào sinh hoạt nội bộ của Hội thánh và việc tổ chức cơ cấu-thể chế, nhưng là một Hội thánh“cùng nhau cất bước hành trình” như là “dân Chúa lữ hành và truyền giáo”[25]. Trong bối cảnh xã hội đầy biến động và nặng tính thế tục như hôm nay, “không thể cứ mãi an phận với thứ ‘mục vụ bảo tồn’ lâu đời,... không thể cứ khư khư bảo vệ cơ chế và duy trì não trạng cũ kỹ, mà phải can đảm thực hành “hoán cải mục vụ” (Niềm vui Tin mừng, ss. 25-27) để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ[26]. Vì thế, mọi thành phần dân Chúa và đặc biệt là các linh mục phải “cất bước hành trình”, dấn thân trong sứ mệnh loan báo Tin mừng Chúa Kitô, với một tinh thần mới, những phương thế mới, ngôn ngữ mới, để con người có thể đón nhận và tin theo.

3. Loan báo Tin mừng

3.1. Loan báo Tin mừng với tình yêu và niềm vui

“Sứ giả Tin mừng phải có lòng thương yêu anh em ngày càng lớn mãi... Còn hơn một nhà giáo dục, đó là tình thương của một người cha, một người mẹ... Một dấu chỉ của tình thương yêu là biết cho người khác chân lý và đưa vào sự hiệp nhất. Một dấu chỉ nữa là biết hy sinh trọn vẹn và dứt khoát cho việc loan báo Tin mừng”. Khi rao giảng Tin mừng cho người khác, linh mục phải dùng tình yêu thương để chia sẻ. Lời loan báo Tin mừng với tình yêu thương, chảy tràn từ con tim yêu mến, giúp họ cảm nhận được tình Chúa yêu thương, đưa họ vào khung trời huyền nhiệm của tình yêu, để yêu Chúa và sống thuộc về Chúa. Thánh Phaolô diễn tả tâm tình đó:“Chúng tôi đã quý mến anh em đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin mừng của Thiên Chúa, mà c mạng sống chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi (1Tx 2,8; x. Pl 1,8).

Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi, hãy loan báo Tin mừng với tâm thế vui mừng hân hoan:“Thế giới thời đại chúng ta, một thế giới đang tìm kiếm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin mừng, không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”[27]. Ngài cũng khẳng định:“Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”[28]. Không có niềm vui, việc loan báo Tin mừng là vô ích, nhưng “làm chứng cho Chúa Giêsu, với niềm vui, thực hiện những hành động nhân danh Người, với niềm vui, là để chứng tỏ rằng chúng ta đã nhận được một món quà quá đẹp đến nỗi không lời nào có thể diễn tả được[29].

Cuộc sống xã hội hôm nay mang nhiều dấu ấn của tình thương, nhưng xem ra vẫn còn đó những hận thù ghen ghét, bạo lực, chiến tranh. Lời rao giảng của linh mục là lời giới thiệu cho con người một “Thiên Chúa là tình yêu thương xót”, để con người nhận biết và tìm đến kín múc tình yêu từ nơi nguồn mạch yêu thương cao vời ấy, mà sống yêu thương xây tạo một “thế giới văn minh tình thương”, ăm ắp tình Chúa, chứa chan tình người.

Linh mục loan báo Tin mừng bằng tình yêu cúi xuống và ở bên để trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22) theo linh đạo truyền giáo mà thánh Phaolô đã sống:“Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22-23), giúp con người sống hài hoà bên nhau trong cảm thông tha thứ, giúp đỡ lẫn nhau, nâng nhau lên một tầm mức cao hơn, tốt đẹp hơn.

Đức Bênêđictô XVI nhận định:“Những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có tràn trề mọi loại hy vọng, thì tối hậu cũng chỉ là vô vọng, cũng không có một hy vọng cao cả nâng đỡ toàn bộ cuộc đời (x. Eph 2,12)[30]. Vì thế, linh mục hãy luôn gieo niềm hy vọng cho con người hôm nay bằng một đời sống hy vọng và thắp sáng niềm hy vọng của nhân loại bằng Tin mừng hy vọng của Đức Kitô, vì Đức Giêsu đến trần gian là để gieo niềm hy vọng cho nhân loại về một cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng mai sau trong hạnh phúc với Thiên Chúa.

3.2. Loan báo Tin mừng cho người nghèo.

Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt lưu tâm đến người nghèo, ngài đã thiết lập ngày Thế giới Người nghèo (2017), và ấn định cử hành hằng năm vào Chúa nhật thứ 33 Thường Niên. Ngài “kêu gọi hãy giơ cánh tay ra cho những người nghèo, hãy gặp gỡ họ, hãy nhìn vào đôi mắt của họ, hãy ôm lấy họ, và hãy làm cho họ cảm nhận được hơi ấm của tình thương”[31]. Thiên Chúa là Cha, hằng yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo, những người đau khổ, bị lãng quên. Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Người, vì trước mặt Người, tất cả chúng ta đều nghèo và thiếu thốn. Tất cả chúng ta đều là những người ăn xin, vì nếu không có Chúa, chúng ta sẽ chẳng là gì cả”[32]. Đi với người nghèo để phục vụ người nghèo là cách Thần Khí muốn người linh mục đi trên con đường hiệp hành:“Thần khí Chúa... sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Đức Thánh cha Phanxicô trong Sứ điệp ngày Thế giới Người nghèo 2024 đã vui mừng thốt lên:Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những người sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ những người nghèo nhất. Đó là các linh mục”[33]. Trong xã hội thế giới mọi thời, mọi nơi, đều có những hình thức nghèo: nghèo đạo đức, nghèo tri thức, nghèo nhân cách, nghèo tình thương, nghèo vật chất...

Hãy giơ tay ra với những người “nghèo đạo đức”, đang còn sống trong vũng lầy tội nhơ, để giúp họ trở nên giàu có trong ân sủng của Thiên Chúa. Hãy đến với những người “nghèo tri thức”, giúp họ thăng hoa trong đời sống tinh thần, cho trí tâm được mở mang, tầm nhìn được nới rộng. Với những ai còn thấp kém trong nhân cách, hãy giúp họ vươn tới tầm mức trưởng thành của phẩm giá con người bằng những kỹ năng sống cao đẹp, giúp họ thăng tiến. Những người đang sống trong thất vọng, không còn tìm được lẽ sống cho tương lai, “hãy giơ đôi tay mang đến niềm hy vọng” cho họ. Những người còn mang hận thù ghen ghét trong lòng, hãy đến với họ bằng tình yêu Chúa, để tình Chúa có thể hâm nóng tình người, cho con người biết xoá bỏ hận thù, để tình yêu ngời sáng giữa lòng thế giới nhân sinh. Với những ai nghèo túng trong vật chất bạc tiền hãy giúp đỡ họ với tình yêu hy sinh quảng đại: “Con hãy dùng của cải bố thí... và khi bố thí, đừng tính toán so đo” (Tb 4,7).

3.3. Loan báo Tin mừng cho con người hôm nay

Thực tại xã hội con người sống bao gồm mọi khía cạnh văn hóa, tôn giáo, chính kiến… với những bóng tối khác nhau, cái nhìn biện phân chưa giống nhau, còn trong nghi ngờ đối kháng..., cần được ánh sáng Tin mừng soi chiếu, để tinh thần Tin mừng thấm vào lòng người, in sâu vào nếp sống xã hội. Vì thế, các linh mục - thừa tác viên của Lời Chúa - phải góp phần để làm cho Tin mừng lan rộng đến mọi nơi, với mọi người. Giáo Hội nói đến công cuộc Tân Phúc âm hóa. Tân Phúc âm hoá không phải là rao giảng một Tin mừng mới, vì chỉ có một Tin mừng duy nhất là Tin mừng Chúa Giêsu Kitô, nhưng rao giảng Tin mừng với một nhiệt tình mới, phương pháp mới và lối trình bày mới. “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Một nhiệt tình mới không chỉ là thái độ hâm nóng lại ngọn lửa nhiệt tâm, nhưng còn đòi nhiều cương quyết và nỗ lực trong suy nghĩ cũng như hành động. Phương pháp mới đòi phải đi theo việc phân tích những hoàn cảnh đang chuyển biến nhanh mỗi ngày và đáp ứng phù hợp với tâm thức con người. Lối trình bày mới không chỉ bằng ngôn ngữ mới, nhưng còn là hành động khơi lên trong tâm hồn con người cảm thức tâm linh. Công đồng Vaticanô II khuyên các linh mục:“Hãy trưởng thành trong sự hiểu biết” và lời giáo huấn của các ngài phải là “linh dược thiêng liêng cho dân Chúa”[34], thế nên, “các linh mục cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về Thiên Chúa và về con người, đó là cách tự chuẩn bị để có thể đối thoại cách thích hợp hơn với những người đương thời”[35].

Ngày nay, phương tiện thông tin đại chúng trong lĩnh vực truyền thông, internet đang bùng nổ. Thế giới trở thành ngôi làng nhỏ, chỉ trong ít giây phút, nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới, đã có thể tiếp nhận những thông tin loan truyền trên các mạng xã hội. Có những trang thông tin mang dấu ấn Tin mừng, chuyển tải những điều tốt, nâng lòng người lên với Đấng thần linh, linh mục hãy sử dụng để loan báo Tin mừng. Nhưng cũng có những trang truyền thông chống nghịch lại đức tin, trái ngược với luân lý Kitô giáo, làm nghiêng chao đức tin của các tín hữu, và làm tối mờ lương tâm con người, linh mục phải phân tích, định hướng để bảo vệ sự trong sáng của đức tin được mặc khải, tính thánh thiện của luân lý Kitô giáo và đạo đức của lương tâm con người.

3.4. Loan báo Tin mừng cho lương dân

Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục xác nhận: “Các ngài (linh mục) cũng có trách nhiệm đối với tất cả những ai chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế”[36]. Thế những linh mục thường chú tâm đến việc quản trị, điều hành, bảo toàn đức tin và phát triển giáo xứ hơn là đến với anh chị em lương dân. Hãy đến với anh chị em lương dân.

Bằng việc thăm viếng gặp gỡ để lắng nghe và đối thoại. Tiếp xúc riêng là tiếp xúc với từng cá nhân, với từng gia đình, với từng nhóm, từng giới. Nhờ những tiếp xúc này, chúng ta hiểu được hiện trạng của các tâm hồn, những chuyển biến tâm lý xã hội, những hoàn cảnh cụ thể cuộc sống hầu có những giúp đỡ, hướng dẫn tích cực, hiệu quả, đánh động lòng người. Đức cha Luigi Giussani - vị sáng lập phong trào Communia et Liberatio - nói: nhờ những tiếp xúc mục vụ riêng, mầu nhiệm Hội thánh đã được cảm nghiệm như một tình yêu sống động. Người ta sẽ thấy hình ảnh một Hội thánh dễ thương, khác với hình ảnh Hội thánh cơ chế. Qua những tiếp xúc nhỏ nhặt thường ngày, các trao đổi đã diễn ra đem lại bao kết quả không ngờ… Một lời nói tế nhị, một nụ cười khích lệ, một cái bắt tay thấm đậm tình người, có thể thay đổi được một tâm hồn cứng cỏi. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận nói đến làm “tông đồ bằng tiếp xúc. Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng, lúc dọc đàng Người ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh thánh cho ta đó sao? Con không nghĩ rằng, mỗi cuộc tiếp xúc là một công tác tông đồ sao?”[37].

Linh mục cũng hãy ra đi gặp gỡ những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến tác động của Ngôi Lời trong tâm hồn mọi người trước khi Ngôi Hai nhập thể và hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần, ngoài biên cương của Giáo hội, trong các tôn giáo và các nền văn hoá. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định, trong các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo có những yếu tố “chân thiện” (LG 16), những cảm thức tôn giáo và nhân bản quý giá” (GS 92), những thực tại của “chân lý và ân sủng” (AG 9), “những hạt giống của Ngôi Lời” (AG 11; 15), những “tia sáng của Chân Lý chiếu soi hết thảy mọi người” (NA 2). Người linh mục hãy đến gặp gỡ các anh chị em tôn giáo khác, nhưng khi đối thoại “nếu thiếu sự tôn trọng các tín đồ và những truyền thống các tôn giáo khác thì sẽ rất khó rao giảng Tin mừng”[38]. Vì thế, cần phải tôn trọng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn những người lắng nghe[39] và tôn trọng anh chị em các tôn giáo khác, để lắng nghe và đối thoại trong tâm tình khiêm tốn chia sẻ, cho và nhận. Cũng không nên loan báo Tin mừng với ý hướng ép buộc. Không chiêu dụ các anh chị em tôn giáo khác. Không làm tổn thương họ, nhưng thu hút bằng tình yêu Chúa, sống những giá trị chân thực của Kitô giáo, thể hiện tình bác ái, khiêm nhu[40]. Hãy thấu hiểu niềm tin và những thực hành tôn giáo của họ. Hãy chân nhận những gì là tốt đẹp, thánh thiện, chân thật trong các truyền thống tôn giáo của họ. Hãy xây dựng tình bạn với họ, cùng nhau hợp tác làm việc để xây dựng và thăng tiến xã hội, cho Tin mừng lan toả khắp nơi trong tâm hồn mọi người.

Để kết thúc, xin cùng với Đức Thánh cha Phanxicô dâng lên Mẹ Maria - Mẹ của công cuộc Tin mừng hoá tâm tình nguyện cầu:

Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống... xin giúp chúng con cũng biết thưa “vâng” trước tiếng gọi ngày càng cấp bách, đi rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu. 

...

Xin Mẹ nguyện giúp cầu thay, cho chúng con đầy nhiệt huyết mới, bắt nguồn từ sự phục sinh của Chúa, để chúng con đem đến mọi người Tin mừng của sự sống chiến thắng tử thần. Xin cho chúng con lòng can đảm thánh thiện biết tìm ra những lối đi mới, đem quà tặng của cái đẹp không phai đến được với mọi người. 

.....

Xin Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc âm hoá, giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Tin mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới. Lạy Mẹ của Tin mừng sống động, suối an vui cho những người bé mọn của Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen. Allêluia!

LM Giuse Cao Đình Phương


[1] ĐTC PHANXICÔ, Fratelli Tutti, 2020, số 18-24.

[2] ĐTC PHANXICÔ, Fratelli Tutti, 2020, số 30.

[3] ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy vọng, số 256.

[4] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles Laici, 1988, số

[5] x. ĐGM LÊ TẤN LỢI, Hiệp nhất – Loan báo Tin Mừng, tr. 23-25.

[6] ĐTC PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, 1975, số 76.

[7] ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy vọng, số 48.

[8] ROCK KERESZTY, O.Cist., Linh mục và việc tân Phúc Âm hoá, Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B. chuyển ngữ.

[9] ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy vọng, số 90.

[10] ĐTC PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, 1975, số 75.

[11] ĐTC PHANXICÔ, Mười hai lời khuyên của đức Thánh cha cho tác viên Tin Mừng, từ tháng 01/2023.

[12] SYNOD 2021 - 2023, Hướng Tới Một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ, số 30.

[13] x. Ts. LÊ ĐÌNH HÀ, Đồng Hành - Lắng Nghe - Và Đối Thoại (Bài chia sẻ trong buổi Hiệp Hành Liên Tu Sĩ Giáo Phận Phan Thiết).

[14] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, số 14.

[15] SÁCH LỄ RÔMA, tr. 906.

[16] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, số 14.

[17] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 7, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 601. 

[18] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 7, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 602. 

[19] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 8, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 604.

[20] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 8, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 604-605.

[21] x. Lm. Fx. NGUYỄN TIẾN DƯNG, “Linh mục con người đối thoại”, trong Logos, số 4, UBGLĐT HĐGMVN, 2019, TR. 174-175.

[22] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 8, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 605-606.

[23] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 9, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 607.

[24] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám mục, số 30, tr. 35.

[25] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám mục, số 1, tr. 2.

[26] TGM Giuse NGUYỄN NĂNG, Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh, https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898.

[27] ĐTC PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 10.

[28] ĐTC PHANXICÔ, Mười hai lời khuyên về loan báo Tin mừng.

[29] ĐTC PHANXICÔ, Mười hai lời khuyên về loan báo Tin mừng.

[30] ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI, Spe Salvi, số 27.

[31] ĐTC PHANXICÔ, Sứ điệp ngày thế giới người nghèo 2017, số 3.

[32] ĐTC PHANXICÔ, Sứ điệp ngày thế giới người nghèo 2024, số 4.

[33] ĐTC PHANXICÔ, Sứ điệp ngày thế giới người nghèo 2024, số 7.

[34] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 19, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 631.

[35] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 9, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 632.

[36] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbiterorum Ordinis, số 9, bản Việt ngữ, UBGLĐT HĐGMVN, Tôn giáo, 2012, tr. 608.

[37] ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy vọng, số 323.

[38] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Đối thoại và rao giảng, số 73.

[39] x. PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi, số 75.

[40] x. TGM FELIX MACHADO, “Sống đức tin Kitô giáo trong bối cảnh đa văn hoá và liên tôn”, trong Logos, số 4, UBGLĐT HĐGMVN, tr. 166.

CHIA SẺ BÀI VIẾT