Header

Linh mục đi trước, đi giữa và đi sau đoàn chiên

avatarby Quốc Khánh
10/10/2024
339
Được mời gọi nên thánh cho chính bản thân, linh mục cũng được mời gọi giúp cho cộng đoàn giáo xứ nên thánh. Nhưng linh mục, với tư cách là người mục tử, ngài ở vị trí nào trong cộng đoàn giáo xứ, để giúp cho người giáo dân nên thánh? Phải chăng linh mục luôn ở vị trí “đứng đầu” để đi trước, hay chấp nhận lùi bước để đi giữa, đi sau?

TĨNH TÂM VÀ THƯỜNG HUẤN
LINH MỤC ĐI TRƯỚC, ĐI GIỮA VÀ ĐI SAU ĐOÀN CHIÊN

Hiện diện trong giáo xứ như người mục tử, linh mục là người rất quan trọng đối với giáo xứ. Vì vừa thực thi sứ vụ tư tế, ngôn sứ, linh mục cũng đồng thời thực thi sứ vụ điều hành, mục vụ giáo xứ, theo phạm vi và quyền hạn của mình, cùng với Đức Giám mục[2]. Được mời gọi nên thánh cho chính bản thân, linh mục cũng được mời gọi giúp cho cộng đoàn giáo xứ nên thánh. Nhưng linh mục, với tư cách là người mục tử, ngài ở vị trí nào trong cộng đoàn giáo xứ, để giúp cho người giáo dân nên thánh? Phải chăng linh mục luôn ở vị trí “đứng đầu” để đi trước, hay chấp nhận lùi bước để đi giữa, đi sau? Đức Thánh cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung với các linh mục giáo phận Rôma ngày 26/3/2014 đã chia sẻ mối bận tâm này qua ba hạn từ ngắn gọn: linh mục “đi trước”, “đi giữa”, và “đi sau”[3] đoàn chiên. Và thiết nghĩ đó cũng chính là mối bận tâm của các linh mục ngày nay, khi sống tinh thần hiệp hành của Giáo hội trong chính giáo xứ của mình.

1. Linh mục đi trước đoàn chiên

Trước hết, linh mục là người đi trước đoàn chiên. Với thánh chức cao quý, linh mục hiện diện trong giáo xứ với tư cách là người cha thiêng liêng để cử hành các bí tích, rao giảng Tin mừng và điều hành giáo xứ. Đó là vị trí mà không ai có thể thay thế, ngoại trừ Đức Giám mục. Vì thế, tự nơi thánh chức linh mục, vị trí ấy không thể được miễn chuẩn khỏi ngài, nhưng ngài phải là người tiên phong trong hành trình tiến bước của giáo xứ. Trong việc lãnh đạo cũng thế, vị trí quyết định các hoạt động giáo xứ thuộc về linh mục, mà không phải là ông Trưởng Hội đồng Mục vụ giáo xứ, hay bất kì một ai khác, cho dầu người ấy đã được ủy nhiệm cho sứ vụ đó. Vị trí tiên phong ấy mời gọi linh mục khôn ngoan, can đảm, và đương đầu với những gì xảy đến cho giáo xứ. Từ những chuyện cỏn con, hư hại tài sản vật chất, điện nước nhà thờ, nhà xứ, cho đến những mâu thuẫn, xung đột xảy ra bên trong và bên ngoài giáo xứ… tất cả đều cần đến linh mục là người giải quyết. Trọng trách ấy trước hết thuộc về linh mục.

Dĩ nhiên, linh mục có thể ủy quyền cho những người khác cùng cộng tác với mình chăm lo những việc ấy. Nhưng không phải vì thế, linh mục hoàn toàn thoái thác, để rồi chỉ tập trung cho những sứ vụ chính yếu của mình. Nhưng linh mục được mời gọi bao quát, và quan tâm đến mọi hoạt động của giáo xứ. Vì người cộng tác thì không thể thay thế, và nắm giữ luôn chiếc chìa khóa quyết định tất cả, thậm chí cả những việc hệ trọng của cộng đoàn. Trong tương quan này, thật sự cẩn trọng khi linh mục ủy nhiệm cho một ai đó chức vụ dẫn dắt một cộng đoàn, vì chẳng may họ đi sai, đi lạc, thì linh mục phải hiện diện để điều hướng cộng đoàn trên con đường phục vụ và nên thánh.

Khi đi trước đoàn chiên, linh mục sẽ thấy trước những gì xảy đến cho đoàn chiên mình. Có thể, đó là tương lai tốt đẹp phía trước, nhưng cũng có thể là thách đố, trở ngại, và cạm bẫy cho đoàn chiên mình theo sau. Bởi đó, cái nhìn đầy khôn ngoan khi đi trước mời gọi linh mục đọc dấu chỉ thời đại, để phân định, dẫn dắt đoàn chiên, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ánh sáng ấy đôi khi đã được phân định từ sự khôn ngoan của Giáo hội hoàn vũ, Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong đường hướng của Giáo phận, và nay mời gọi linh mục vâng nghe trong bối cảnh của giáo xứ mình. Thấy trước như thế, linh mục dự phóng những kế hoạch với sức năng động, sáng tạo để chăm lo và bảo vệ đoàn chiên. Một sự tiên liệu trước như thế, linh mục khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể sẽ xảy ra trong một năm hay nhiều năm tới, như: thiếu nhân sự cộng tác trong các hội đoàn, thiếu người kế nhiệm trong các vai trò then chốt; hay nhận diện những “vết thương, ung nhọt” còn tồn đọng, mà có thể lan rộng sau này và phá hủy cộng đoàn. Vì thế, linh mục cần đi trước và dự phóng cho tương lai, vì nếu chậm trễ sẽ có nguy cơ gây thiệt hại to lớn.

Thực trạng ngày hôm nay, khi linh mục đi trước đoàn chiên, cũng có nguy cơ bị phản đối và chống phá từ nhiều phía. Lẽ dĩ nhiên, người ta có thể trưng ra hàng loạt những lý do khiến người linh mục hiện tại không thể tiến lên để đi trước. Có thể, với lý do: thâm niên, tuổi tác, vùng miền, tương quan với chính quyền, họ hàng với Đức Giám mục, bề trên, với các linh mục tiền nhiệm… và rất nhiều những lý do khác khiến người linh mục đương nhiệm không thể đi trước đoàn chiên. Có thể, cũng có những luận điệu quen thuộc, đơn sơ từ phía người giáo dân như: “Tôi thân với cha tiền nhiệm này”, “Tôi thân với cha tiền nhiệm kia”… Và kết quả là, đối với họ, đã có đó những người mục tử đi trước rồi, nhưng không phải là linh mục đương nhiệm mà thôi! Có thể, linh mục không đi trước đoàn chiên cũng xuất phát từ chính tâm lý e ngại, khi chưa đủ cản đảm để đối diện với những thách đố xảy đến bên trong và bên ngoài giáo xứ. Có những thành phần nào đó mặc nhiên được quyền đi trước, vì không muốn đụng chạm đến họ… hay vì những ích lợi khác mà đành chấp nhận lùi bước! Hay cũng có những lúc sự khôn khéo được biện minh cho việc chấp nhận lùi về phía sau của người linh mục, đang khi đoàn chiên lại ao ước sự anh dũng của người mục tử đi trước!…

Thực trạng ấy mời gọi linh mục can đảm và chấp nhận những vết thương, cho dẫu vì hoàn cảnh bất khả kháng để đi trước đoàn chiên. Nhờ xác tín vào sự khôn ngoan, và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người linh mục sẽ có đủ bản lĩnh để dẫn dắt đoàn chiên. Như Môsê đã anh dũng đối diện với Pharaô năm xưa, người linh mục ngày nay cũng cần anh dũng và can đảm như thế, để đối diện với những sóng gió của giáo xứ trong thời đại mới.

2. Linh mục đi giữa đoàn chiên

Thứ hai, linh mục là người đi giữa đoàn chiên, khi cùng đồng hành với đoàn chiên trong hành trình tiến bước của giáo xứ. Như hình ảnh Chúa Giêsu phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, linh mục cũng được mời gọi để đồng hành với người giáo dân, cùng bước đi với họ trong những nỗi ưu tư, bận tâm, lo lắng của họ. Vì nếu không bước vào, không nhập cuộc, không hiểu thấu hoàn cảnh riêng biệt của từng con chiên, linh mục và giáo dân sẽ có một khoảng cách vô hình, một tâm lý sợ hãi nơi giáo dân và dần dà họ sẽ e ngại đến với mục tử của mình. Nhưng khi bước vào, linh mục xóa tan đi khoảng cách xa lạ ấy, xóa tan chủ nghĩa “giáo sĩ trị” để sống với người giáo dân, trong tư cách là người Kitô hữu. Như phương châm sống của thánh Augustinô, linh mục cũng có thể nói rằng: “Cho anh em, tôi là linh mục, nhưng với anh em, tôi chỉ là Kitô hữu”.

Ở giữa đoàn chiên, và sống như người Kitô hữu, linh mục sẽ nhận ra những gì đang xảy ra trong cộng đoàn mình. Những thuận lợi và khó khăn của người giáo dân nơi đây, khi họ phải lao động bằng những ngành nghề riêng biệt như: cạo mủ, lái xe, chủ nhà trọ, công nhân trong các công ty, xí nghiệp... Bởi đó, khởi đi từ một cuộc sống gần gũi và thực tế như thế, linh mục thấm đẫm “mùi chiên” và “biết rõ” từng con chiên một, là những con chiên mà Thiên Chúa giao phó cho ngài chăm sóc.

Ở giữa đoàn chiên như thế, đôi khi cũng có những thách đố xảy đến cho người linh mục. Đang khi phải tất bật chăm sóc cho những con chiên này, thì những con chiên khác lại réo gọi và muốn linh mục đến với họ hơn. Đang khi phải chu toàn bổn phận thiêng liêng thì linh mục cũng thường xuyên bị xâu xé bởi những việc đột xuất, ngoại lệ. Đang khi gần gũi, ăn uống với người giáo dân thì bị mang tiếng là “la cà ăn nhậu”, đánh mất sự tôn nghiêm cao quý của chức thánh!... Cũng có những người giáo dân không muốn cho linh mục của họ tiếp xúc gần gũi với người phụ nữ, vì đó như một nguy cơ lớn cám dỗ các linh mục. Từ chiều ngược lại, thách đố đi giữa và đồng hành với đoàn chiên cũng có thể đến từ các linh mục. Tâm lý e dè khi ngại tiếp xúc với người giáo dân, hay vì một lý do đặc thù nào đó, linh mục từ chối cuộc gặp gỡ tiếp xúc thân mật với họ, đang khi họ lại thiết tha chào đón linh mục: sợ bị tiếp rượu quá nhiều, sợ bị rơi vào cạm bẫy, sợ bị chụp hình đăng trên mạng xã hội, sợ bị những lời đồn thổi đến tai Đức Giám mục, hay sợ bị thương tổn khi gần gũi với những thành phần cá biệt: nghiện ma túy, giang hồ… Tất cả những khó khăn ấy có thể xảy đến khi người linh mục đồng hành và ở giữa đoàn chiên.

Tuy nhiên, dù vẫn có nhiều nguy cơ như thế, nhưng linh mục đừng khép lại chính mình, trong vùng an toàn của mình, nhưng ngài được mời gọi mở ra, và đến với con chiên. Đức Thánh cha Phanxicô đã nói lên thao thức này như sau: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình”[4]. Thao thức của Đức Thánh cha chính là lời mời gọi để các linh mục đi ra và đi giữa đoàn chiên của mình.

3. Linh mục đi sau đoàn chiên

Thứ ba, linh mục đi sau đoàn chiên. Đây là một ý tưởng mới lạ, nhưng rất phù hợp với hình ảnh của người mục tử tốt lành. Đi sau đoàn chiên không phải vì sự nhát đảm của người linh mục, vì không dám đương đầu với những thách đố phía trước. Nhưng đi sau đoàn chiên để người mục tử nhận ra những con chiên nào bị bỏ lại, bị lãng quên, những con chiên nào bị thương tổn và không thể tiến bước. Đi sau đoàn chiên cũng để linh mục nâng đỡ và tìm kiếm con chiên lạc trở về. Thường thì một con chiên đi lạc bởi vì người mục tử không nhìn thấy chúng. Nhưng, nếu có ánh nhìn từ phía sau, con chiên sẽ được dìu dắt, nâng đỡ và được dẫn đưa về đàn kịp lúc, ngay khi chúng bắt đầu có nguy cơ rẽ lối lạc đàn. Có những con chiên mệt mỏi, bước đi rất chậm, uể oải, nên rất cần người mục tử kiên nhẫn, chờ đợi chúng.

Khi đi sau đoàn chiên, người mục tử sẽ thể hiện sự khiêm tốn trước những giới hạn, thiếu sót của mình, để hạ mình phục vụ và đón nhận sự khôn ngoan từ những con chiên khác. Có những lĩnh vực chuyên môn, có những luồng gió mới của Thần khí đến từ sự khôn ngoan của người giáo dân nên rất cần người linh mục đón nhận. Đôi khi cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng: Linh mục không thể toàn năng trong mọi lĩnh vực, linh mục cần những sáng kiến khôn ngoan từ những bước chân đi trước của các con chiên.

Một hình ảnh quen thuộc nơi các giáo xứ, đó là bước chân lên đường truyền giáo của các anh chị em Legio, hay các phong trào, hội đoàn khác. Họ sẵn sàng đi trước để thăm viếng các gia đình. Từ những mối liên hệ họ hàng, bạn bè, láng giềng… họ tiếp xúc gần gũi và thân mật hơn với các hoàn cảnh ấy. Để rồi, họ trở thành những nhịp cầu đi trước, dẫn bước các linh mục đến với các con chiên lạc. Đôi khi, sự gần gũi mật thiết giữa các con chiên lại trở nên thiết thực và hữu ích hơn để người mục tử tìm kiếm con chiên lạc. Thiên Chúa hỏi Cain: “Aben, em ngươi đâu?”[5] đôi khi chưa nói đến chiều kích xét xử, nhưng ở chiều kích tương quan, thì Thiên Chúa biết rằng trong “tương quan anh em”, Cain sẽ “biết rõ” về hoàn cảnh em của mình.

Có một linh mục sắp chịu chức hỏi vị cha linh hướng của mình: “Xin cha cho con lời khuyên để con sống đời linh mục”. Và cha linh hướng trả lời: “Thỉnh thoảng con hãy ngồi vào chiếc ghế cuối nhà thờ[6]. Để làm gì? Để cảm nhận những khó khăn của những người yếu đuối. Có thể họ là những người đi trễ, mới theo đạo, người bệnh tật (không thể quỳ gối, hay mắc bệnh nào đó), hay thậm chí là những người còn mặc cảm tội lỗi, bị rối hôn phối nên không dám rước lễ và cả những người tham dự thánh lễ chỉ để chu toàn bổn phận… Nơi ấy rất nhiều những hoàn cảnh cần người mục tử hiện diện để quan tâm, chăm sóc.

Khi đi sau đoàn chiên như thế, rất cần nơi người linh mục sự khiêm tốn và nhẫn nại, chấp nhận thực trạng với những giới hạn nơi đoàn chiên mình phục vụ để dẫn dắt chúng; cảm thông cho những yếu đuối của chúng để chúng còn có thể bước đi, cho dù rất chậm, hơn là để chúng bơ vơ, rồi bỏ cuộc vì thiếu sự quan tâm của người mục tử. Khiêm tốn và nhẫn nại như thế, linh mục trở thành “điểm tựa tinh thần” cho đoàn chiên, để chúng có thể đến với linh mục ngay cả khi yếu đuối, bệnh tật và tội lỗi của chúng. Mặt khác, khi đi sau đoàn chiên sẽ nguy cơ làm cho những con chiên đi trước “thiếu tôn trọng” người mục tử của mình. Chúng sẽ cảm thấy rằng: không cần mục tử, chúng vẫn có thể tiến bước, và như thế, vai trò thiết yếu của người mục tử bị lãng quên, danh dự đôi khi bị hạ thấp! Tuy nhiên, linh mục được mời gọi sống tinh thần phục vụ khác với quyền bính trần thế. Linh mục được trao quyền để phục vụ, và tinh thần phục vụ đúng nghĩa nhất là tinh thần mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, phải làm người rốt hết”[7].

4. Linh mục phân định hoàn cảnh nơi đoàn chiên

Sự cần thiết khi linh mục đi trước, đi giữa và đi sau đoàn chiên là như thế. Tuy nhiên, thật không dễ để người mục tử phân định hoàn cảnh nào cần đi trước, đi giữa, và đi sau đoàn chiên. Lẽ dĩ nhiên, theo luận lý, linh mục không thể nào cùng một thời điểm có thể đứng ở ba vị trí khác nhau, và cũng không thể nào cố định ở mãi một vị trí, vì cả ba đều rất quan trọng và cần thiết. Nhưng với sự phân định khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, linh mục sẽ nhận ra vị trí thích hợp của mình trong từng hoàn cảnh ấy, nhưng vẫn không thiếu mất hai vị trí còn lại. Khi đó, linh mục dù đi đầu nhưng vẫn không xa cách đoàn chiên, hay bỏ rơi những con chiên theo sau; linh mục đi giữa nhưng vẫn không nhát đảm ẩn mình trong đoàn chiên, hay thờ ơ với những con chiên không theo kịp; linh mục đi sau nhưng vẫn gần gũi, tinh tế, và sẵn sàng đi lên phía trước bảo vệ đoàn chiên mỗi khi cần thiết. Dung mạo của người mục tử sống với đoàn chiên như thế, có thể nói sẽ vừa là người cha thiêng liêng, người thầy, vừa là bạn tri kỉ, và thậm chí là người hạ mình “học hỏi” nơi đoàn chiên.

Sống với ba tâm thức ấy, rất cần nơi người mục tử sự linh hoạt, và thể hiện đúng vai trò mỗi khi cần thiết. Có thể từ những góc nhìn phiến diện khác nhau, người giáo dân phóng chiếu, quy về chỉ một vị trí nơi người linh mục, bởi lẽ họ chỉ gặp gỡ với mục tử của họ trong hoàn cảnh ấy, như một số người trong nhóm Pharisêu chỉ nhìn và đóng khung Chúa Giêsu trong hoàn cảnh “đang ăn uống” với người thu thuế và tội lỗi! Nhưng với sự khiêm tốn, bản lĩnh, và đủ thời gian cần thiết, tương quan giữa người linh mục và giáo dân sẽ trở nên mật thiết, sống động. Khi ấy, linh mục trở nên người mục tử như lòng Chúa ước mong.

LM Antôn Nguyễn Thành Trung


[1] Để thuận tiện hơn trong việc dùng từ ngữ, tác giả dùng từ “linh mục” để nói đến “người mục tử”, và “cộng đoàn giáo xứ” để nói đến “đoàn chiên” và ngược lại.

[2] x. Công đồng Vaticanô II, “Sắc lệnh Thừa tác vụ và Đời sống linh mục”, số 4-6.

[3] x. Đức Thánh cha Phanxicô, “Diễn từ cho các linh mục giáo phận Rôma, ngày  06/3/2014; trích lại trong Ratio Đào tạo Linh mục 2016, số 40, footnote 64.

[4] Đức Thánh cha Phanxicô, tông huấn Niềm vui Tin mừng, số 49.

[5] St 4,9

[6] LM Phương Đình Toại MI, “Chiếc ghế cuối nhà thờ”, https://www.vanthoconggiao.net/2018/11/chiec-ghe-cuoi-nha-tho.html, ngày 16/11/2018

[7] Mc 9,35

CHIA SẺ BÀI VIẾT