Header

CÂM - Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 7,31-37) | Từ ngữ Kinh Thánh

avatarby Quốc Khánh
03/09/2024
97
Câm, một bất lực, đôi khi gắn liền với việc bị quỷ ám và được Chúa Giêsu Kitô chữa lành: “… người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được” (Mt 9,32-33 x. Mt 12,22 // Lc 11,14 Mt 15,30-31 Mc 7,31-37 9,14-29)...
Linh Mục Phaolô Phạm Quốc Túy

TỪ NGỮ KINH THÁNH
CÂM
CHÚA NHẬT TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
(Mc 7,31-37)

“Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” (Mc 7,37)

Câm là không thể nói được hay không làm cho âm thanh thành lời hiểu được.

Câm về thể lý:

- Câm, một bất lực, đôi khi gắn liền với việc bị quỷ ám và được Chúa Giêsu Kitô chữa lành: “… người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được” (Mt 9,32-33 x. Mt 12,22 // Lc 11,14 Mt 15,30-31 Mc 7,31-37 9,14-29).

- Việc chữa lành là dấu chỉ thời kỳ cứu độ: “Bấy giờ họ đem đến cho Đức Giêsu một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm. Người chữa anh ta, khiến anh nói và thấy được. Tất cả dân chúng đều sửng sốt và nói: ông này chẳng phải là con vua Đavít sao?” (Mt 12,22-23 x. Is 32,4 35,6 Mt 4,23 9,33).

Thiên Chúa đối với sự câm ngọng:

- Thiên Chúa ban cho và giữ lại lời nói: “Thiên Chúa phán: Ai cho con người có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù lòa? Há chẳng phải là Ta, Đức Chúa đó sao? …” (Xh 4,11-12 x. Xh 4,10).

- Thiên Chúa có thể bắt phải câm, như trường hợp ông Zacaria: “Và này đây sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin …” (Lc 1,20). Sau khi xin tấm bảng và cho biết ý kiến “Tên cháu là Gioan” thì ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,63-64).

- Thiên Chúa có thể bắt các tiên tri phải im lặng: “Ta sẽ làm cho lưỡi dính với hàm và ngươi sẽ bị câm …” (Ed 3,26 x. Ed 24,27 33,22).

Sự câm lặng của các ngẫu tượng: “khi còn là dân ngoại, anh em bị lôi cuốn mãnh liệt vào  việc thờ cúng các ngẫu tượng câm” (1Cr 12,2 x 1V 18,26 Tv 115,5 / Tv 125,16 Is 41,26.28 46,7 Gr 10,5 Kb 2,18-19).

Các khía cạnh của sự câm lặng:

- Thiên Chúa bắt kẻ dữ phải im tiếng: “… phường tội lỗi chẳng còn dám hé môi” (G 5,16 Tv 63,11 107,42 Ed 16,63 Mc 3,4 Rm 3,19).

- Việc thiện bịt miệng kẻ dữ: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri” (1Pr 2,15).

- Sự thinh lặng trên mặt đất: “… toàn thể cõi đất, hãy thinh lặng trước nhan Người” (Kb 2,20).

- Sự thinh lặng trên thiên đàng: “Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, thì tất cả trời yên lặng chừng nửa giờ …” (Kh 8,1).

- Thiên Chúa mở miệng những người tin để ca ngợi Chúa: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 40,3).

Câm lặng tự nguyện:

- Của vua Đavít: Phần con, như kẻ điếc chẳng nghe gì, tựa người câm, không hề mở miệng, cầm bằng kẻ không nghe gì hết, chẳng một lời đối đáp ngoài môi” (Tv 38,14-15 x. Tv 39,1-3).

-   Của Chúa Giêsu Kitô: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7 x. Cv 8,32 Tv 38,13 Mt 26,62-63 // Mc 14,60-61 Mt 27,12-14 // Mc 15,5 // Ga 19,9 Lc 23,8-9).


CHIA SẺ BÀI VIẾT