
TIN MỪNG - Chúa Nhật III Mùa Thường Niên - Năm C (Lc 1,1-4;4,14-21) | Từ ngữ Kinh Thánh

TỪ NGỮ KINH THÁNH
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM C
(Lc 1,1-4;4,14-21)
Đối với người Công giáo, Tin Mừng (Phúc Âm), chỉ bản văn kể lại cuộc đời Chúa Giêsu mà thánh lễ thường đọc một trích đoạn. Theo nghĩa thường của người Hy lạp, tin mừng có nghĩa là tin tốt, tin lành, tin vui đặc biệt tin chiến thắng.
Từ Tin mừng trong tiếng Do thái thường dùng loan báo cái chết của kẻ thù (2Sm 18,1t.9), chiến thắng (Tv 68,12), sự giải cứu Giuđa (Nk 2,1). Từ này mang giá trị tôn giáo đặc biệt trong Is 40,66 dứt cảnh lưu đày và Nước Thiên Chúa sắp đến (52,7), Thiên Chúa trở lại với Sion (40,1t.9). Tin Mừng này quả là một sức mạnh thần linh trong hành động (52,1t), được rao trên núi (40,9), liên hệ đến mọi dân (52,10 Tv 96,2).
Chúa Giêsu áp dụng cho mình đoạn Is 61,1t được xức dầu để loan Tin Mừng cho người nghèo khổ, khi Người rao giảng tại hội đường Nagiarét (lc 4,16-21), khi trả lời các sứ giả của Gioan Tẩy Giả (1t 11,4t). Tin Mừng là chính Chúa Giêsu (Mc 1,1). Vì vậy, khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên thần loan báo đó là tin mừng (Lc 2,10t). Với Người, triều đại Thiên Chúa hiện diện (Mt 12,28) và ai bỏ mình “vì tin mừng” sẽ nhận được gấp trăm ngay ở đời này (Mc 10,30). Dân vây quanh muốn giữ Người lại, nhưng Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải được loan truyền rộng rãi (Lc 4,43).
Đáp lại Tin Mừng, phải có lòng thống hối và lòng tin (Mc 1,15) người nghèo (Mt 5,3tt), kẻ bé mọn (Mt 11,28 Lc 9,48) và ngay các tội nhân (Lc 15,1t 18,9-14), dân ngoại (Mt 8,10t 15,21-28) đều là những môn đồ của Tin Mừng (Mt 9,36 14,14 Lc 7,47-50 19,1-10).