Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích: Huấn Thị Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Lễ Phục Sinh | Văn Kiện | Phụng vụ

Văn Kiện
Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích: Huấn Thị Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Lễ Phục Sinh
Năm 1988
Phụng vụ
ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA PHỤC SINH
THÔNG TƯ CỦA BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH VỀ VIỆC CHUẨN BỊ VÀ CỬ HÀNH ĐẠI LỄ PHỤC SINH
Nhập đề
1. Đức Thánh Cha Piô XII đã xem xét và lập lại Lễ Trọng Mừng Chúa Phục Sinh vào năm 1951. Đến năm 1955, Ngài cũng đã đưa những quy tắc cử hành Tuần Thánh vào Nghi Lễ Rôma.[1]
Công đồng Vatican II, cách riêng những Qui tắc về cử hành Phụng vụ thánh, kêu gọi quan tâm đến mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô và chỉ ra rằng đây là căn nguyên mang lại hiệu quả của tất cả các bí tích và các á bí tích.[2]
2. Ngày Chúa nhật luôn là dấu chỉ phục sinh. Do đó, ngày Chúa nhật là một cử hành khởi đầu và là đích điểm của một tuần lễ. Chóp đỉnh của toàn bộ năm phụng vụ chính là biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô,[3] được cử hành trong Tam Nhật Vượt Qua. Việc cử hành này được chuẩn bị bằng một thời kỳ 40 ngày Mùa Chay và được nối dài thêm bằng 50 ngày tiếp theo.
3. Ở nhiều nơi trong thế giới Kitô giáo, những tín hữu của Chúa Kitô cùng với các mục tử của họ ý thức rằng việc cử hành nghi lễ này rất quan trọng và họ tham dự vào nghi lễ này với một tinh thần rất hân hoan.
Tuy nhiên, ở một số vùng vốn đã nhiệt thành khởi sự việc khôi phục cử hành Đêm Canh Thức Phục Sinh, thì giờ đây, cùng với thời gian, tinh thần ấy đang có dấu hiệu đi xuống. Ý thức về Đêm Canh Thức hầu như bị lãng quên ở một số nơi, nên đã dẫn đến việc cử hành Đêm Canh Thức như là một Lễ Chiều hôm trước lễ chính ngày, diễn ra cùng một cách thức và cùng thời điểm như là cử hành Thánh Lễ chiều Thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật.
Điều này cũng diễn ra đối với các cử hành vào Tam Nhật Thánh. Cử hành không đúng giờ! Việc này được lý giải là các cử hành được tổ chức sao cho thuận tiện thời giờ và sự tham dự của tín hữu hơn là các cử hành thuộc về phụng vụ.
Không còn nghi ngờ nữa, một trong những lý do chính của vấn đề này là việc đào tạo cho hàng giáo sĩ và giáo dân không đầy đủ, trong việc nhận thức mầu nhiệm Vượt Qua là trung tâm của Năm Phụng vụ và của đời sống Kitô hữu.[4]
4. Ngày nay nhiều nơi có kỳ nghỉ trùng vào Tuần Thánh. Và có những quan điểm nào đó vẫn giữ vững lập trường đưa ra những ngày nghỉ của xã hội trùng hợp và gây khó khăn cho Kitô hữu tham gia vào các cử hành Tuần Thánh.
5. Quan tâm về những điểm này, Bộ Phụng Tự nghĩ rằng đây là thời điểm hợp lý để làm sống lại những yếu tố nền tảng, những qui chuẩn về đạo lý và mục vụ trong Tuần Thánh, đã được ban hành. Tất cả những hướng dẫn cụ thể được trình bày trong tập sách Qui tắc về cử hành phụng vụ Mùa Chay, Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua và Mùa Phục Sinh vẫn tiếp tục có giá trị; nếu không thì sẽ được trình bày trong tài liệu này.
Mục đích của tài liệu này là làm sao cử hành mầu nhiệm trọng đại của Đấng Cứu Thế theo cách thế tốt nhất có thể, để tín hữu có thể tham dự và mang lại nhiều ích lợi nhất cho đời sống thiêng liêng.[5]
I. MÙA CHAY
6. Mùa Chay hằng năm là thời điểm thích hợp để trèo lên “Núi Thánh của Mùa Phục Sinh”.
Mùa Chay nhắm vào hai đối tượng: cả những dự tòng và tín hữu được chuẩn bị để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Với nghi thức tuyển chọn, điều tra và được dạy giáo lý, những dự tòng được chuẩn bị để nhận lãnh các bí tích khai tâm Kitô giáo; trong khi đó, các tín hữu lưu tâm hơn nữa việc lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, sám hối để đổi mới chính mình nhờ hồng ân bí tích thánh tẩy đã lãnh nhận.[6]
A. Liên quan đến Nghi thức Khai tâm Kitô giáo
7. Toàn bộ nghi thức khai tâm Kitô giáo biểu lộ dấu chỉ lễ vượt qua cách rõ ràng, vì ở trong đó sự thông hiệp cách bí tích của sự chết và sống lại của Đức Kitô đóng vai trò tiên quyết. Vì thế, Mùa Chay mang dấu chỉ đầy đủ của việc thanh luyện và khai sáng, cách đặc biệt thông qua việc xét mình, hoà giải và sống bác ái; quả nhiên, Đêm Canh Thức Phục Sinh được coi là thời gian xứng hợp để cử hành các bí tích khai tâm.[7]
8. Những cộng đoàn không có bất kỳ dự tòng nào thì cũng đừng quên cầu nguyện cho những dự tòng sẽ nhận lãnh các bí tích khai tâm vào Đêm Canh Thức Phục Sinh sắp đến. Các chủ chăn cần tạo được ý thức cho tín hữu về thời điểm quan trọng này và mang lại ý nghĩa cho đời sống tâm linh của họ. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bằng việc tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, và cũng được mời gọi làm mới đức tin ấy trong Đêm Canh Thức Phục Sinh – “sự viên mãn của việc sống Mùa Chay nghiêm túc”.[8]
9. Trong Mùa Chay, đối với những người lớn đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy lúc còn trẻ thơ, nhưng không được lớn lên trong đức tin, nên không sinh hoạt cùng cộng đoàn và vì thế cũng không được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa, thì việc dạy giáo lý và chăm sóc mục vụ cho họ cần quan tâm cách chính đáng. Trong suốt Mùa Chay, các cử hành sám hối cần tổ chức để chuẩn bị cho tín hữu lãnh nhận bí tích Hoà Giải.[9]
10. Mùa Chay cũng là thời gian thích hợp cho việc cử hành các nghi thức thống hối, hướng dẫn xét mình, dành cho các thiếu nhi đến tuổi học giáo lý nhưng chưa lãnh bí tích Thánh Tẩy và cũng dành cho các thiếu nhi đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, trước khi chấp nhận cho lãnh bí tích Hoà Giải.[10]
Giám mục nên quan tâm cổ võ thời gian dự tòng của cả người lớn và trẻ em, để tuỳ hoàn cảnh, có thể đến chủ sự các nghi thức đã định với sự tham dự tích cực của cộng đoàn địa phương.[11]
B.Những cử hành trong Mùa Chay
11. Các Chúa Nhật Mùa Chay chiếm vị trí ưu tiên trên tất cả Lễ Kính và các Lễ Trọng. Tính long trọng của Ngày Chúa Nhật được chuẩn bị bằng ngày Thứ Bảy trước đó.[12] Những ngày thường trong Mùa Chay được ưu tiên hơn là các lễ nhớ buộc.[13]
12. Giáo lý về mầu nhiệm Vượt Qua và các bí tích cần chiếm một vị trí đặc biệt trong các bài giảng ngày Chúa nhật. Các bản văn Kinh Thánh cần được giảng giải cách chu đáo, nhất là bài Tin Mừng vì nó làm sáng tỏ nhiều khía cạnh khác nhau của bí tích Thánh Tẩy, của các bí tích và của Thiên Chúa đầy lòng thương xót.
13. Các vị mục tử, với nỗ lực hết mình, thường xuyên diễn giải Lời Chúa trong các bài giảng lễ hằng ngày, trong các cử hành phụng vụ suy tôn Lời Chúa, trong các cử hành thống hối,[14] trong các buổi hội họp, trong những lần thăm mục vụ các gia đình, hay trong những dịp vui của các gia đình. Tín hữu cố gắng tham dự các thánh lễ thường ngày; và ở nơi nào không có thánh lễ thì các tín hữu được khuyến khích đọc Lời Chúa chung với gia đình hoặc riêng tư.
14. “Mùa Chay nên kiêng cữ một điều gì đó để tỏ lòng thống hối”.[15] “Theo giáo lý, điều chính yếu khắc sâu vào tâm hồn tín hữu không chỉ là hậu quả của tội mang chiều kích xã hội mà còn là khía cạnh nhân đức sám hối, trong đó gồm cả việc chê ghét tội vì xúc phạm đến Thiên Chúa”.[16]
Việc luyện tập nhân đức và thực hành một việc làm thống hối được coi là cần thiết cho việc chuẩn bị đón mừng Chúa Phục Sinh. Sự hoán cải từ nơi sâu thẳm của tâm hồn làm nảy sinh các thực hành thống hối, cho cá nhân tín hữu cũng như cho cả cộng đoàn; vì thế, trong khi thích ứng với thời cuộc, cũng cần làm chứng cho tinh thần sám hối theo tin mừng và chú ý đến lợi ích của tha nhân.
Vai trò của Giáo hội trong những thực hành thống hối không nhằm chối bỏ trách nhiệm mà còn khuyến khích cầu nguyện cho các tội nhân. Ý định này phải luôn ở trong lời cầu nguyện của tín hữu.[17]
15. “Các tín hữu được khuyến khích tham dự phụng vụ Mùa Chay và các cử hành sám hối theo cách ý thức và hiệu quả hơn nữa. Họ được nhắc nhở rằng, dựa vào qui định của luật và truyền thống Giáo hội, mà lãnh nhận bí tích Giải Tội trong Mùa Chay nhằm thanh luyện con tim; nhờ đó, họ có thể tham dự các mầu nhiệm Vượt Qua. Trong suốt Mùa Chay, rất phù hợp để cử hành bí tích Giải Tội theo nghi thức sám hối chung, xưng tội riêng và xá giải riêng, như qui định trong sách Nghi Lễ Rôma”.[18]
Các vị mục tử nên hy sinh cho việc ngồi toà Giải tội và dành đủ giờ cho các tín hữu đến với bí tích này.
17. “Tất cả những phương thế: chay tịnh, cầu nguyện, bác ái trong Mùa Chay nên thực hiện cách tự nhiên sao cho chúng trở thành chứng tá đời sống của Giáo hội địa phương và thúc đẩy Giáo hội ở đó phát triển. Truyền thống Rôma về những “chặng dừng chân” (stational churches) có thể được đề nghị như là mô hình để qui tụ các tín hữu về một nơi. Theo cách này thì các tín hữu tập họp thành một cộng đoàn đông đúc, cách riêng dưới sự lãnh đạo của Giám mục Giáo phận, hay ở nơi phần mộ của các thánh, hay ở các nhà thờ chính của thành phố hoặc các vương cung thánh đường, hay ở một vài địa điểm hành hương có ý nghĩa đặc biệt đối với Giáo phận”.[19]
18. “Trong Mùa Chay, không được chưng hoa trên bàn thờ, và chỉ sử dụng các nhạc cụ để đệm hát mà thôi”.[20] Đây là điều cần tuân giữ như là dấu chỉ của việc sám hối trong Mùa Chay.
19. Cũng vậy, bắt đầu Mùa Chay cho đến Đêm Canh Thức Phục Sinh, tiếng “Alleluia” được bỏ trong tất cả các cử hành, ngay cả trong Lễ Kính và Lễ Trọng.[21]
20. Thánh ca được dùng trong các cử hành phụng vụ, đặc biệt trong Thánh Lễ; và nó cũng được dùng trong các hình thức đạo đức sao cho hài hoà với tinh thần Mùa Chay và các bản văn phụng vụ.
21. Các hình thức đạo đức phù hợp với Mùa Chay thì được cổ võ thực hiện, như là “Ngắm chặng đàng Thánh giá”. Những hình thức này thúc đẩy tín hữu chuẩn bị tâm hồn cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.
C.Nét đặc thù của những ngày Mùa Chay
21. “Vào Thứ Tư trước Chúa nhật I Mùa Chay, tín hữu được xức tro để bước vào thời kỳ qui định cho việc thanh luyện tâm hồn. Dấu hiệu sám hối này là một truyền thống thánh kinh, và được duy trì trong số các tập tục của Giáo hội cho đến ngày nay. Dấu hiệu này biểu tỏ con người là tội nhân, tìm cách để biểu lộ cảm thức tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa bằng một dấu chỉ khả giác nhằm diễn tả thái độ hoán cải nội tâm, với niềm xác tín rằng Thiên Chúa sẽ đoái thương. Dấu hiệu này cũng ghi dấu sự khởi đầu hành trình hoán cải. Hành trình này được tiến triển nhờ vào các cử hành của bí tích Hoà Giải trong những ngày trước Lễ Phục Sinh”.[22]
Việc làm phép và xức tro có thể thực hiện hoặc là trong thánh lễ hoặc là ngoài thánh lễ. Trong trường hợp sau (ngoài thánh lễ), thì phần sức tro là một phần của Phụng vụ Lời Chúa và kết thúc với lời nguyện tín hữu.[23]
22. Thứ Tư Lễ Tro được coi là ngày sám hối của toàn thể Giáo hội, cùng với việc ăn chay và kiêng thịt.[24]
23. Chúa nhật I Mùa Chay ghi dấu sự khởi đầu việc tuân giữ Mùa Chay hằng năm.[25] Trong thánh lễ của Chúa nhật này, nên cử hành thêm những nghi thức đặc biệt nói lên tầm quan trọng của ngày lễ (ví dụ: khởi đầu thánh lễ bằng Kinh Cầu các Thánh).[26] Trong thánh lễ Chúa nhật này, Giám mục nên cử hành nghi thức tuyển chọn dự tòng ở Nhà Thờ Chính Toà hay ở nhà thờ nào thấy thuận tiện.[27]
24. Trình thuật Tin Mừng về người phụ nữ Samari, về người mù từ lúc mới sinh, và về La-da-rô sống lại được chọn đọc vào các Chúa nhật III, IV, V Mùa Chay năm phụng vụ A. Với ý nghĩa đặc biệt liên quan đến tiến trình khai tâm Kitô giáo, thì các trình thuật này cũng được chọn đọc vào năm phụng vụ B và C, cách riêng ở những nơi có các dự tòng.[28]
25. Vào Chúa Nhật IV Mùa Chay, Laetare (Chúa nhật hân hoan), và trong các lễ kính và lễ trọng, các nhạc cụ được chơi và bàn thờ được chưng hoa. Có thể mặc phẩm phục màu hồng trong Chúa nhật này.[29]
26. Có thể giữ thói quen che phủ các thánh giá và ảnh tượng trong nhà thờ, tuỳ theo quyết định của Hội Đồng Giám mục. Các thánh giá được che phủ cho đến khi kết thúc các cử hành tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Các ảnh tượng thì vẫn được che phủ cho đến khi bắt đầu Đêm Canh Thức Phục Sinh.[30]
II.TUẦN THÁNH
27. Trong Tuần Thánh, Giáo hội cử hành những mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Kitô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng của Người ở nơi trần thế, bắt đầu với việc Người tiến vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mêsia.
Mùa Chay kết thúc ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly. Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu với thánh lễ ban chiều tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, được tiếp nối với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa và sang qua Thứ Bảy Tuần Thánh, rồi kết thúc bằng giờ Kinh Chiều Chúa Nhật Phục Sinh; trung tâm của Tam Nhật là Đêm Canh Thức Vượt Qua.
“Những ngày trong Tuần Thánh, từ Thứ Hai đến Thứ Năm, được ưu tiên hơn mọi cử hành nào khác, tức là chỉ cử hành thánh lễ theo ngày”.[31] Trong các ngày này, không cử hành các bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức.
A.Chúa Nhật Thương Khó (Chúa Nhật Lễ Lá)
28. Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa nhật Lễ Lá. Sự kiện này nối kết lời tiên báo về cuộc khải hoàn vinh thắng của Vua Giêsu Kitô và cuộc thương khó của Người. Sự liên kết hai khía cạnh này trong mầu nhiệm Vượt Qua nên được trình bày và giải thích trong khi cử hành nghi lễ và giảng dạy giáo lý.[32]
29. Việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem phải được cử hành cách long trọng; các tín hữu nên bắt chước các trẻ em Do Thái khi tiến đến gặp Chúa Giêsu, vừa hát “Hosanna – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” vừa làm cử chỉ tung hô kèm theo.[33]
Cuộc rước kiệu có thể diễn ra chỉ một lần trước thánh lễ nào mà có số đông tín hữu tham dự nhất, ngay cả thánh lễ chiều Thứ Bảy hoặc là chiều Chúa Nhật. Cộng đoàn cũng có thể tập trung ở một nhà thờ nhánh, hoặc ở một nhà nguyện, hoặc một nơi nào thích hợp để rước kiệu lá về nhà thờ muốn cử hành Thánh Lễ.
Trong cuộc rước kiệu lá, các tín hữu cầm lá trong tay. Linh mục chủ tế và các thừa tác viên cũng cầm lá đi trước mọi người.[34]
Lá cầm đi kiệu phải được làm phép. Rồi sau đó, lá phải được mang về lưu giữ ở gia đình nhằm nhắc nhớ về sự chiến thắng của Chúa Kitô.
Các vị mục tử lo liệu làm sao để cuộc rước kiệu lá tôn vinh Chúa Kitô Vua mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng của tín hữu.
30. Để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem, Sách Lễ Rôma còn đưa ra hai hình thức khác dành cho những nơi không thể cử hành một cuộc rước kiệu. Hình thức thứ hai được áp dụng cho những nơi nào không thể rước kiệu ngoài nhà thờ được, thì cử hành nghi thức nhập lễ trọng thể. Hình thức thứ ba là cử hành nghi thức nhập lễ đơn giản cho tất cả mọi thánh lễ của Chúa nhật này mà không cử hành nghi thức nhập lễ trọng thể được.[35]
31. Nơi nào không cử hành thánh lễ được, thì chiều Thứ Bảy hoặc ngày Chúa nhật, vào lúc thuận tiện, nên cử hành Phụng vụ Lời Chúa về việc Đấng Cứu Thế vào thành Giê-ru-sa-lem và cuộc Thương Khó của Người.[36]
32. Trong cuộc rước kiệu, ca đoàn và tín hữu nên hát những bài thánh ca được đề nghị trong Sách Lễ Rôma, đặc biệt là Thánh vịnh 23 và 46, cũng như các bài thánh ca thích hợp nhằm tôn vinh Chúa Kitô là Vua.
33. Bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt trong thánh lễ. Bài Thương Khó nên được hát hay đọc theo cách thức truyền thống, tức là gồm ba người đóng ba vai: Chúa Kitô, người kể và dân chúng. Phó tế hoặc linh mục đọc Bài Thương Khó. Người đọc sách cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng phần những lời của Chúa Kitô thì dành cho linh mục.
Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu thánh giá trên sách. Nếu phó tế công bố Bài Thương Khó thì phải đến xin chủ tế ban phép lành như trong các thánh lễ khác.[37] Vì ích lợi cho đời sống đạo của người tín hữu, cần đọc Bài Thương Khó trọn vẹn và các bài đọc trước đó không được bỏ.
34. Kết thúc Bài Thương Khó, bài giảng (vắn gọn) cho cộng đoàn tham dự.
B.Thánh Lễ Làm Phép Dầu
35. Thánh lễ Làm Phép Dầu do Đức Giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế, để bày tỏ sự hiệp thông của các linh mục với Giám mục của mình trong cùng một chức tư tế và sứ vụ duy nhất của Đức Kitô[38]; trong thánh lễ này, Đức Giám mục làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và thánh hiến Dầu Thánh. Các linh mục ở nhiều nơi khác nhau trong giáo phận, nên đến đồng tế với Giám mục trong thánh lễ này. Ở đây, các linh mục sẽ được nhắc lại việc họ được thánh hiến bằng Dầu Thánh để trở thành những chứng nhân và những cộng tác viên của ngài trong công tác mục vụ hằng ngày. Các linh mục là những phụ tá và những cố vấn của ngài.
Các tín hữu nên tham dự thánh lễ Làm Phép Dầu và rước Mình Thánh Chúa.
Theo truyền thống, thánh lễ Làm Phép Dầu được cử hành vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, nếu giáo sĩ và giáo dân khó có thể quy tụ bên Đức Giám mục vào ngày đó, thì có thể chuyển sang cử hành vào một ngày khác, song luôn gần với Tam Nhật Vượt Qua.[39] Dầu Thánh và Dầu Dự Tòng sẽ được dùng vào cử hành các bí tích khai tâm vào Đêm Canh Thức Vượt Qua.
36. Chỉ có một lễ Làm Phép Dầu được cử hành để nói lên ý nghĩa của nó trong đời sống của toàn giáo phận; và nên cử hành tại Nhà Thờ Chánh Toà, hoặc vì lý do mục vụ, có thể cử hành ở một nhà thờ nào đó[40] mang ý nghĩa đặc biệt.
Các loại Dầu mới làm phép và thánh hiến có thể được tổ chức rước trước Thánh Lễ Tiệc Ly, hoặc vào thời điểm thích hợp nhằm dạy cho tín hữu về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh trong đời sống Kitô hữu.
C.Cử hành Sám hối trong Mùa Chay
37. Mùa Chay là thời điểm thích đáng để cử hành các sám hối cá nhân, cũng như toàn thể cộng đoàn tín hữu, nhằm chuẩn bị cho họ tham dự các mầu nhiệm Vượt Qua cách tích cực và sốt sắng.[41]
Tuy nhiên, các cử hành sám hối nên được tổ chức trước Tam Nhật Vượt Qua và không được tổ chức vào buổi chiều ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly.
III.TỔNG QUÁT VỀ TAM NHẬT VƯỢT QUA
38. Hằng năm, Giáo hội cử hành các mầu nhiệm cao cả nhất của công cuộc cứu thế, bắt đầu bằng thánh lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào giờ Kinh Chiều Chúa Nhật Phục Sinh. Thời gian này được gọi là “Tam nhật của Khổ nạn – Chết – và Sống Lại”[42]; và cũng được gọi là “Tam Nhật Vượt Qua”, bởi vì trong suốt thời gian này cử hành mầu nhiệm vượt qua: cuộc vượt qua của Chúa Giêsu Kitô ra khỏi thế gian này về với Cha của Ngài. Với việc cử hành mầu nhiệm này qua các dấu chỉ phụng vụ và các bí tích, Giáo hội được kết hiệp với Chúa Kitô, Hôn Phu của mình, trong sự thông hiệp sâu xa.
39. Theo truyền thống lâu đời, Giáo hội ăn chay “vì Chàng Rể bị đem đi rồi”[43]; nên Chay Vượt Qua rất ý nghĩa và thánh thiêng vào hai ngày đầu của Tam Nhật. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay và kiêng thịt; việc này cũng được cổ võ tuân giữ cho Thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn được nâng cao và mở rộng mà đạt tới niềm vui của Chúa Phục Sinh.[44]
40. Giáo hội khuyến khích việc cử hành chung Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng vào Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh. Rất là ý nghĩa khi Giám mục cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ ở nhà thờ chính toà có sự tham dự của giáo sĩ và giáo dân.[45]
Các Giờ Kinh này, trước đây gọi là Giờ Kinh Đêm (Tenebrae), được cử hành ở một nơi đặc biệt với lòng thành kính của tín hữu vì các giờ kinh này suy niệm về cuộc thương khó, cái chết và việc an táng Chúa trong mồ, trong khi chờ đợi công bố niềm vui Phục Sinh.
41. Để cử hành Tam Nhật Vượt Qua cách long trọng và đầy đủ, cần liệu làm sao cho đủ số thừa tác viên và cho họ biết bổn phận của họ trong các nghi thức. Các mục tử phải ý thức việc cần diễn giải ý nghĩa từng phần của các nghi thức cho tín hữu, để họ có thể tham dự cách tích cực hơn và mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng hơn.
42. Các bài thánh ca cho cộng đoàn, và cũng cho các thừa tác viên và chính linh mục chủ tế, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cử hành Tuần Thánh, và cách riêng trong Tam Nhật Thánh; bởi vì chúng tăng thêm phần long trọng cho những ngày đặc biệt này, đồng thời, cũng vì các bản văn phụng vụ được hát sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Hội Đồng Giám mục phải cung cấp các bản văn đã được phổ nhạc cho những phần này, trừ phi đã có sẵn rồi. Những bản văn ấy là:
a) Những lời cầu nguyện chung của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; lời kêu gọi của phó tế và lời tung hô của tín hữu;
b) Những bài thánh ca để kính thờ thánh giá;
c) Những lời tung hô khi kiệu nến Phục Sinh, công bố Tin mừng Phục Sinh, lời đáp “Alleluia”, kinh cầu các Thánh, lời tung hô sau khi làm phép nước.
Vì muốn tạo sự thuận lợi cho các tín hữu tham dự, nên cần được quan tâm phổ nhạc các bản văn. Nếu các bản văn dùng trong phụng vụ chưa được phổ nhạc, tạm thời có thể chọn những bản văn tương tự đã được phổ nhạc. Tuy nhiên, điều thích hợp hơn là quan tâm thu thập các bản văn có phổ nhạc cho những nghi thức:
a) Những bài thánh ca cho việc làm phép lá và kiệu lá, và cho ca nhập lễ của ngày hôm đó;
b) Những bài thánh ca cho việc rước dầu thánh;
c) Những bài thánh ca cho dâng lễ vật trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong thánh lễ Tiệc Ly, và những bài ca tôn thờ Thánh Thể khi kiệu Thánh Thể sang bàn thờ phụ đã dọn sẵn;
d) Những Thánh vịnh đáp ca trong Đêm Canh Thức Phục Sinh, và các bài thánh ca khi rảy nước thánh trên dân chúng.
Tiếng nhạc cần cho Bài Thương Khó, công bố Tin mừng Phục sinh và làm phép nước thanh tẩy. Cách rõ ràng là các giai điệu âm nhạc cần đơn giản, tự nhiên để dễ sử dụng cho mọi người.
Đối với các nhà thờ rộng lớn, các sáng kiến được cho phép để làm phong phú hơn di sản thánh nhạc của Giáo hội, kết hợp giữa nét cổ kính và hiện đại, sao cho không ngăn trở sự tham dự sống động của các tín hữu.
43. Các cộng đoàn tu trì ít người, cả giáo sĩ và tu sĩ, và những nhóm giáo dân khác nên tham dự các cử hành Tam Nhật Thánh ở các nhà thờ chính gần đó.[46]
Tương tự như thế, ở những nơi mà số người tham dự và các thừa tác viên quá ít đến nỗi Tam Nhật Thánh không thể cử hành cách long trọng được, thì họ nên tham dự với các cộng đoàn lớn hơn.
Cũng vậy, một linh mục phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ, thì thật là thích hợp để mọi người quy tụ lại ở một nhà thờ chính để cử hành Tam Nhật Thánh ở đó.
Vì lợi ích của tín hữu, ở những nơi mà linh mục phụ trách hai hoặc nhiều giáo xứ, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành cách xứng đáng, long trọng thì việc cử hành Tam Nhật Thánh có thể được lặp lại ở những giáo xứ khác nhau, nhưng phải phù hợp với những qui định đã ban hành.[47]
Vì vậy, các sinh viên ở chủng viện “ước mong sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô cách tròn đầy, và như thế có khả năng truyền dạy những ai mà họ được trao phó chăm sóc mục vụ”[48]. Các ứng sinh linh mục cần được đào tạo cách kỹ lưỡng và toàn diện về phụng vụ. Thật là quan trọng trong suốt những năm đào tạo ở chủng viện, các ứng sinh phải có kinh nghiệm đầy đủ về những cử hành của Đại Lễ Phục Sinh, cách riêng những ai giúp lễ cho những cử hành do Giám mục chủ tế.[49]
IV.CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LY
44. Với thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, “Giáo hội bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua và tưởng nhớ Bữa tối sau cùng của Chúa Giêsu, mà trong đó Ngài bị phản bội, Ngài tỏ lộ tình yêu cho những ai thuộc về Ngài, Ngài dâng hiến thịt và máu mình lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu rồi trao cho các Tông đồ, để các ông chia sẻ với nhau, và rồi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các ông và những người kế vị các ông trong chức linh mục cử hành hy lễ này đến muôn đời”.[50]
45. Phải chú ý tưởng niệm các mầu nhiệm trong thánh lễ này: thiết lập Bí tích Thánh Thể, truyền chức tư tế, và lệnh truyền của Chúa Giêsu về tình yêu thương huynh đệ; do đó, bài giảng nên diễn giải các điểm này.
46. Thánh lễ Tiệc Ly được cử hành vào ban chiều, lúc thuận tiện để toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ. Tất cả linh mục được phép đồng tế trong thánh lễ này, cho dẫu các linh mục đã đồng tế vào thánh lễ Làm Phép Dầu ban sáng, hoặc đã cử hành thánh lễ khác vì lợi ích giáo dân.[51]
47. Nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép cử hành thánh lễ thứ hai trong các nhà thờ và các nhà nguyện vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ vào ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không thể tham dự thánh lễ nào khác vào ban chiều. Tuy nhiên, phải xem xét cẩn thận để việc cử hành không chỉ vì lợi ích cá nhân hay của một nhóm nhỏ nào đó, mà làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính vào ban chiều.
Theo truyền thống lâu đời của Giáo hội, hôm nay cấm cử hành mọi thánh lễ không có giáo dân tham dự.[52]
48. Nhà Tạm để trống hoàn toàn trước khi cử hành thánh lễ.[53] Trong thánh lễ chiều nay, bánh thánh sẽ được truyền phép để cho tín hữu rước lễ hôm nay và ngày mai.[54]
49. Mình Thánh Chúa lưu giữ ở bàn thờ phụ, được chuẩn bị và trang hoàng xứng đáng, sao cho thuận lợi với việc cầu nguyện và suy niệm. Trong những ngày này, cấm mọi sự thích ứng chừng mực về phụng vụ, để tránh xa hoặc thủ tiêu mọi lạm dụng.[55]
Nếu nhà tạm ở trong một nhà nguyện tách riêng khỏi phần chính của nhà thờ, thì chuẩn bị một nơi xứng hợp để đặt Thánh Thể và tôn thờ ở trong nhà thờ.
50. Trong khi hát Kinh Vinh Danh, thì rung và kéo chuông, hoặc làm theo tục lệ địa phương. Sau đó không kéo hay rung chuông nữa (giữ thinh lặng) cho đến khi hát Kinh Vinh Danh trong Canh Thức Vượt Qua, trừ phi Hội Đồng Giám mục hoặc Đấng Bản quyền địa phương đã qui định cách khác.[56] Cũng trong khoảng thời gian này, đàn và các nhạc cụ khác chỉ dùng để hỗ trợ tiếng hát.[57]
51. Theo truyền thống, nghi thức rửa chân cho những người đàn ông đã được tuyển chọn được tổ chức trong ngày này, để nói lên ý nghĩa tinh thần phục vụ và bác ái của Chúa Kitô, Đấng đã đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”.[58] Truyền thống này cần được duy trì và diễn giải ý nghĩa cách xứng hợp.
52. Những phẩm vật dành cho người nghèo, nhất là các phẩm vật đã được thu góp trong Mùa Chay như là hoa trái của việc sám hối, có thể được tiến dâng trong phần dâng lễ vật, trong khi mọi người hát “Đâu có tình yêu thương thì ở đó có chân lý” (Ubi caritas est vera).[59]
53. Các thầy Phó tế, hoặc các thầy giúp lễ, hoặc các thừa tác viên ngoại thường mang Mình Thánh Chúa đến thẳng bàn thờ; và cùng lúc này, rất thích hợp để mang Mình Thánh Chúa đến cho các bệnh nhân và người già yếu ở nhà, nhưng họ đang hướng lòng về các cử hành tại giáo xứ. Như thế, họ được hiệp nhất gần gũi hơn với cộng đoàn qua các nghi thức.
54. Sau lời nguyện hiệp lễ, việc kiệu Mình Thánh Chúa được tiến hành: người cầm thánh giá đi đầu, tiếp đến là linh mục mang Mình Thánh Chúa, cùng với giúp lễ cầm đèn cháy sáng và bình hương, kiệu dọc nhà thờ đến bàn thờ phụ đã được trang hoàng xứng đáng; trong khi đó, hát thánh thi “Nào Ca hát” (Pange lingua) hoặc một vài bài thánh ca nào khác kính Mình Thánh Chúa.[60] Nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa không được tổ chức trong các nhà thờ không cử hành nghi lễ phụng vụ tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa vào chiều Thứ Sáu.[61]
55. Mình Thánh Chúa phải lưu giữ trong nhà tạm đóng kín hay hộp đựng Mình Thánh. Không được đặt hay trưng bày Mình Thánh Chúa trong mặt nhật, với bất kỳ lý do nào.
Bàn thờ phụ đặt nhà tạm hay hộp đựng Mình Thánh không được làm theo kiểu nhà mồ, vì nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa không nhằm biểu thị nơi tác xáng Chúa, nhưng chỉ nhằm lưu giữ để cho rước lễ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
56. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly, các tín hữu được khuyến khích dành thời giờ thích hợp trong buổi tối hay đêm đến chầu Thánh Thể long trọng như đã được sắp xếp cho từng giới hay đoàn thể. Để việc tôn thờ Thánh Thể được kéo dài, nếu thích hợp thì đọc một vài phần trong Tin mừng theo Thánh Gioan từ chương 13 đến chương 17.
Tuy nhiên, từ nửa đêm trở đi, không tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa, vì đã bắt đầu vào ngày tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa.[62]
57. Sau thánh lễ hôm nay, lột khăn bàn thờ. Các thánh giá trong nhà thờ phải phủ khăn tím hay khăn đỏ, trừ phi chúng đã được phủ khăn vào Thứ Bảy trước Chúa Nhật V Mùa Chay. Tắt hết các đèn trước tượng ảnh các Thánh.
V.THỨ SÁU TUẦN THÁNH
58. Vào ngày này, khi “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua chịu hiến tế”[63], thì Giáo hội chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa và Hôn Phu của mình, tôn thờ thánh giá, tưởng niệm mình đã xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô đang an giấc trên thánh giá, và cầu xin cho cả thế giới được ơn cứu độ.
59. Theo truyền thống xa xưa, hôm nay Giáo hội không cử hành thánh lễ: Mình Thánh Chúa chỉ được trao cho tín hữu trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà thôi; tuy nhiên, vào bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có thể mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức được.[64]
60. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày của sám hối, ăn chay và kiêng thịt, phải tuân giữ trên toàn Giáo hội.[65]
61. Hôm nay, Giáo hội không cử hành bí tích nào cả, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân.[66] Nếu tổ chức nghi thức an táng thì không hát, không đàn, không chuông, không chiêng trống.
62. Nếu có thể, hôm nay nên cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân tại các nhà thờ. (x. số 40).
63. Vào khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa. Nếu lý do mục vụ đòi hỏi, thì có thể cử hành vào giờ thuận tiện để qui tụ giáo dân dễ dàng hơn, ví dụ, sau 12 giờ trưa hay vào ban tối song đừng trễ hơn 9 giờ đêm.[67]
64. Thứ tự cử hành cuộc Thương Khó của Chúa: Phụng vụ Lời Chúa, Kính thờ Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa, có nguồn gốc từ truyền thống xa xưa của Giáo hội. Do đó, mọi người phải trung thành và sốt sắng tuân giữ; không ai được thay đổi theo sáng kiến của mình.
65. Linh mục và các thừa tác viên tiến ra bàn thờ trong bầu khí thinh lặng của tất cả cộng đoàn tham dự. Nếu có lời dẫn đầu nghi thức, thì linh mục và các thừa tác viên phải đợi chấm dứt lời dẫn mới tiến ra bàn thờ.
Linh mục và các thừa tác viên cung kính bái chào bàn thờ và linh mục phủ phục xuống đất. Cử chỉ phủ phục này chỉ dành riêng cho nghi thức của ngày này, phải tuân giữ nghiêm túc vì nó biểu lộ vừa là sự nhục nhã của “con người trần tục”[68], vừa là sự sầu khổ và đau buồn của Giáo hội.
Khi linh mục và các thừa tác viên tiến vào, giáo dân đứng lên; và rồi khi linh mục phủ phục thì mọi người quỳ xuống và cầu nguyện trong thinh lặng.
66. Phải đọc tất cả các bài đọc đầy đủ. Thánh vịnh đáp ca và tung hô Tin Mừng phải hát như thường lệ. Bài Thương Khó theo Thánh Gioan có thể hát hoặc đọc theo cách thức như đã thực hiện vào Chúa Nhật Lễ Lá (x. số 33). Kết thúc bài Thương Khó nên có bài giảng, sau bài giảng thì mời mọi người suy niệm giây lát trong thinh lặng.[69]
67. Lời cầu nguyện cho mọi người tiếp theo phần phụng vụ Lời Chúa và được cử hành theo cách thức cổ truyền. Các lời nguyện được sắp xếp theo lĩnh vực nhằm biểu thị cách rõ ràng cuộc Thương Khó của Chúa Kitô có giá trị cứu độ cho toàn thế giới. Trong trường hợp cộng đoàn có nhu cầu đặc biệt quan trọng, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép hoặc ấn định những lời nguyện đặc biệt.[70]
Trong số các lời nguyện ghi trong sách lễ Rôma, linh mục được phép chọn những lời nguyện nào thích hợp hơn với hoàn cảnh địa phương, nhưng phải giữ thứ tự đã được quy định để cầu nguyện cho mọi người.[71]
68. Về việc kính thờ Thánh giá: Thánh giá dùng cho việc suy tôn phải có kích cỡ và mỹ thuật thích hợp, và làm sao Thánh giá này toát lên vẻ uy hùng của mầu nhiệm ơn cứu độ. Cả lời kêu mời khi mở khăn che Thánh giá và lời đáp của dân chúng phải hát; và phải dành một khoảng thời gian thinh lặng để tôn thờ Thánh giá và cầu nguyện sau mỗi lần kêu mời, trong khi chủ tế vẫn đứng và nâng cao thánh giá.
69. Thánh giá được trưng bày để cho từng tín hữu tôn kính, vì việc kính thờ Thánh giá của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức này. Nếu vì tín hữu tham dự quá đông thì linh mục cầm thánh giá lên và kêu mời mọi người cùng thờ lạy.[72]
Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức. Trong khi tôn kính Thánh giá, thì hát thánh ca “Dân Ta hỡi” và các thánh thi để tưởng nhớ về lịch sử cứu độ.