Header

Công bố sứ điệp Đức Thánh cha nhân Ngày Thế giới người nghèo lần thứ V

avatarby
15/06/2021
1.2K
Sáng hôm 14/6/2021, Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền Tin mừng, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô, nhân Ngày Thế giới người nghèo lần thứ V, sẽ được cử hành vào Chúa nhật XXXIII mùa thường niên, 14/11 tới đây, với chủ đề: “Người nghèo các ông luôn có bên cạnh mình” (Mc 14,7).
CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ V

 

 

G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha giải thích bối cảnh và ý nghĩa câu nói trên đây trong một bữa ăn tại Betania, nơi nhà của ông Simon, quen gọi là “người cùi” vài ngày trước lễ Vượt qua, khi một phụ nữ mang bình dầu thơm quí giá xức cho Chúa Giêsu. Cử chỉ này bị một số người hiện diện phản đối, vì cho rằng đó là một sự phí phạm. Theo Giuđa, kẻ phản bội, bình dầu thơm ấy trị giá khoảng 300 đồng, tương đương với lương một năm của một công nhân. Họ nghĩ là tốt hơn nên bán bình dầu ấy để giúp người nghèo.

Người nghèo loan báo Tin mừng

Trong sứ điệp dài, Đức Thánh cha nói đến thân phận người nghèo và vai trò “loan báo Tin mừng” của họ đối với chúng ta, và chúng ta được mời gọi khám phá Chúa Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực chính nghĩa của họ và trở thành bạn hữu, biết lắng nghe và cảm thông với họ. Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua họ. “Sự dấn thân của chúng ta không phải chỉ hệ tại các hoạt động và chương trình thăng tiến, trợ giúp người nghèo, nhưng trước tiên là quan tâm đối với người nghèo, coi trọng họ. Sự chú ý yêu thương này là khởi đầu một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của người nghèo và từ đó thực sự mong muốn tìm kiếm điều thiện cho họ” (Ev. gaudium, 198-199)

Đức Thánh cha viết “Tin mừng của Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta đặc biệt chú ý đến người nghèo và nhìn nhận quá nhiều hình thức xáo trộn luân lý và xã hội, tạo nên những hình thức nghèo mới”. Đức Thánh cha cảnh giác chống lại xu hướng, không những coi những người nghèo là những người phải chịu trách nhiệm về tình cảnh của họ, nhưng còn là một gánh nặng không thể chịu nổi đối với một chế độ kinh tế đặt ở trung tâm những lợi lộc của một số thành phần được đặc ân” (n.5).

Đại dịch gia tăng số người nghèo

Đức Thánh cha cũng nhắc đến những hậu quả của đại dịch, gia tăng con số người nghèo. “Một số nước đang chịu những hậu quả rất nặng nề vì đại dịch và những người dễ bị tổn thương nhất bị thiếu những nhu yếu phẩm sơ đẳng nhất... Cần tìm ra những giải pháp thích hợp nhất đề bài trừ virus trên bình diện thế giới, không nhắm lợi lộc phe phái. Đặc biệt cần mang lại những câu trả lời cụ thể cho những người đang bị thất nghiệp, nhất là những người gia trưởng, phụ nữ và người trẻ. Cám tạ Chúa, tình liên đới xã hội và quảng đại của nhiều người, hợp với những dự án sáng suốt thăng tiến con người, đang và sẽ góp phần rất quan trọng trong chiều hướng này” (n.5).

Cần lối tiếp cận mới với nạn nghèo

Đức Thánh cha kêu gọi các chính quyền và các tổ chức thế giới hãy có một lối tiếp cận khác đối với nạn nghèo đói. Đó là một thách đố cần đón nhận với một kiểu mẫu xã hội sáng suốt, có khả năng đương đầu với những hình thức nghèo mới đang tấn công thế giới và ảnh hưởng sâu đậm trong những thập niên tới đây”. Đức Thánh cha viết: “Nếu người nghèo bị gạt ra ngoài lề, như thể họ là người gây ra tình trạng của họ, thì chính ý niệm dân chủ bị khủng hoảng và mọi chính sách xã hội sẽ thất bại. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta phải thú nhận rằng đứng trước người nghèo, nhiều khi chúng ta là những người bất lực. Người ta nói về những người nghèo một cách trừu tượng, dừng lại ở các con số thống kê và đánh động bằng một vài phim thời sự. (n.7).

Gia tăng nhạy cảm đối với người nghèo

Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng “điều rất quan trọng là gia tăng sự nhạy cảm để hiểu những đòi hỏi của người nghèo, luôn ở trong tình trạng biến chuyển cũng như những điều kiện sống. Thực vậy, ngày nay tại những miền kinh tế phát triển trên thế giới, người ta ít sẵn sàng đương đầu với vấn đề nghèo đói so với trước đây. Tình trạng tương đối sung túc mà người ta quen được, khiến họ khó sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận hy sinh và thiếu thốn. Họ tỏ ra sẵn sàng làm mọi sự miễn là không bị mất đi những gì là kết quả của một sự thủ đắc dễ dàng” (n.9)

Mong các Giáo hội địa phương dấn thân hơn với người nghèo

Sau cùng, Đức Thánh cha cầu mong rằng Ngày Thế giới người nghèo, nay đã được 5 năm, có thể ngày càng đi sâu hơn vào trong các Giáo hội địa phương và cởi mở đối với một phong trào loan báo Tin mừng, ưu tiên gặp gỡ những người nghèo tại nơi họ sinh sống. Chúng ta không thể chờ đợi họ đến gõ cửa nhà chúng ta. Cần cấp thiết đi đến với họ, tại gia cư, tại các nhà thương và trung tâm trợ giúp, trên đường phố và trong những góc hẻm tối tăm nơi họ sinh sống, trong các trại tị nạn và đón tiếp. Điều quan trọng là tìm hiểu họ cảm thấy gì, điều họ đang chịu và những ước muốn của họ” (n.9).

(Rei 146-6-2021) Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu

TAGS:
CHIA SẺ BÀI VIẾT