Clock-Time

Đâu là cội nguồn của Thánh lễ ?

Trong Giáo Hội Công giáo, với phong trào canh tân Phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công đồng chung Vaticanô II
Trong Giáo Hội Công giáo, với phong trào canh tân Phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công đồng chung Vaticanô II, được thảo luận rộng rãi trong Công đồng, và dần dần đã được áp dụng với những đổi thay mà ta đã thấy khá quen thuộc như hiện nay, người ta càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của Lễ Tạ Ơn hay Phụng vụ Thánh Thể (Eucharistic), như là hành vi thờ lạy, cảm tạ, ngợi khen và hân hoan: tóm lại là hành vi tạ ơn tuyệt hảo. Cách gọi này đã xuất hiện từ lâu rồi và có ý nói về Thánh lễ. Thánh lễ có cội nguồn từ một nghi thức Do thái. Vào ngày vọng lễ Vượt Qua, vào lúc mà từng gia đình người  Do thái cảm tạ Thiên Chúa vì ơn mà Người đã giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi Ai cập, cũng như vì những cuộc giải cứu tâm linh khác nhau nữa mà cuộc giải phóng đầu tiên này là dấu chỉ. Diễn tiến việc cử hành này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong Thánh lễ của chúng ta hôm nay: nhắc nhở những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi dân Người, hân hoan hát ca và tạ ơn, làm phép, chia sẻ bánh và chén rượu.

Bạn không nên ngạc nhiên về điểm giống nhau kỳ lạ của Thánh lễ với nghi thức Vượt Qua của người Do thái: bởi trong chính một buổi cử hành lễ Vượt Qua mà Đức Kitô đã thiết lập nhiệm tích Thánh Thể. Thay vì chỉ đơn giản chúc tụng Thiên Chúa, cảm tạ Người đã ban cho bánh, rượu và tất cả ý nghĩa hạnh phúc mà bánh và rượu đem lại cho loài người, thì Đức Giêsu “cầm lấy bánh đọc lời chúc tụng, bẻ ra và nói: “Này là Mình Thầy chịu phó nộp vì anh em; anh enh hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy”. Cùng một thể thức ấy sau bữa ăn, Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới trong Máu Thầy; mỗi lần anh em uống, anh em hãy làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Hẳn nhiên, từ khởi đầu, bữa Tiệc Ly vốn là một nghi thức Do thái cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa, nhưng dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Đức Kitô lại làm phong phú thêm bằng một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Thật vậy, từ bữa Tiệc Ly đó trở đi, người Kitô hữu dâng lên Chúa Cha mỗi ngày và mọi nơi cũng chính của lễ hy sinh và từ hành vi tạ ơn này của Chúa Cứu Thế.