Clock-Time

Chú Giải Kinh Thánh - Chúa Nhật XVII TNB

Trong đoạn hôm nay, ta khám phá ra một sự ám chỉ thường xuyên đến cuộc Xuất hành: việc vượt qua biển Galilê (hồ Tibêria) nhắc đến lần vượt qua Biển đỏ; bánh hóa nhiều gợi nhớ manna; những tiếng kêu ca của người Do thái (cc.41-43.52.60-61.66) nối tiếp những cuộc nổi loạn của người Hy bá chống lại Môisen trong hoang địa. Về phần ngọn núi, nó là phóng bản của núi Sinai. Sự nhấn mạnh rằng lễ vượt qua gần tới (c 4) đánh dấu vị trí của biến cố này đối với quá khứ (Lễ Vượt qua kỷ niệm Xuất hành), đối với hiện tại (lễ Vượt qua này là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Kitô, và đối với tương lai (trong dịp lễ Vượt qua Do thái này, Chúa Giêsu sửa soạn cho một lễ Vượt qua mới, cho việc thiết lập Thánh Thể tại nhà Tiệc ly và cho việc cử hành nó cách mới mẻ trong Giáo Hội bằng Thánh lễ.
CHÚ GIẢI KINH THÁNH

CHÚA NHẬT 17 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B



(Ga 6: 1-15)

Học viện Piô Giáo hoàng - Chú Giải

HÓA BÁNH RA NHIỀU (Ga 6: 1-15)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Giai thoại hóa bánh có tầm quan trọng ra sao trong truyền thống Tin mừng?

2. Khi so sánh trình thuật của Gioan với trình thuật Tin Mừng Nhất lãm (Mc 6,34-44; Mc 8,1-10; M t 14, 14-21, Mt 1 5,32-39; Lc 9,11-17), ta thấy Gioan có những nét riêng biệt nào và chúng có ý nghĩa ra sao?

3. Đâu là những chi tiết làm cho trình thuật nào có một màu sắc thánh thể?

4. Câu 15 phải chăng chỉ là một hoài niệm có tính cách lịch sử?

5. Giai thoại này trình bày các "dấu chỉ" như là một mặc khải về Chúa Giêsu theo nghĩa nào?

6. Gioan thiết lập tương quan nào giữa việc hóa bánh ra nhiều, manna và phép lạ Elisa?

7. Đâu là tương quan giữa của ăn do Chúa Giêsu cống hiến và của ăn mà người đời mong đợi?

1.Truyền thống Tin Mừng đã minh nhiên gán một tầm quan trọng lớn lao cho phép lạ này của Chúa Giêsu: đây là phép lạ duy nhất mà cả bốn Tin mừng đều lưu giữ kỷ niệm. Hơn nữa, Mátthêô và Mátcô lại trình bày nó dưới hai bản văn có hình thức văn chương khá giống nhau.

Ngoài ra, trình thuật hóa bánh ra nhiều còn chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong mỗi cuốn Tin mừng: một cách nào đó, nó làm nên một cao điểm trong việc biểu lộ quyền lực thiên sai của Chúa Giêsu, và đó cũng là lúc đức tin được định đoạt. Đặc biệt trong Tin mừng thứ bốn, chương 6 làm nêu một tổng hợp về sứ vụ Chúa Giêsu tại Galilê, làm nên một trong những mặc khải sâu xa nhất về Chúa Giêsu, cùng cho thấy một cách tiêu biểu làm sao sự lựa chọn đức tin được đặt la cho con người.

2. Mặc dù có một sự song song tổng quát với trình thuật các Tin Mừng Nhất lãm, câu chuyện hóa bánh ra nhiều nơi Tin Mừng Gioan vẫn khác trên nhiều điểm ý nghĩa, nhất là trên lối giải thích được đưa ra trong diễn từ, bắt đầu từ c.26. Giai thoại xảy ra "bên kia biển Galilê hay biển Tibêria" (c.1), rõ ràng hơn Mc và một. "Có đông dân chúng đi theo Người vì họ đã từng mục kích các phép lạ người làm trên những kẻ đau ốm" (c 2). Một nhận xét tương tự cũng đã gặp thấy nơi 2,23: "Suốt thời gian Người ở tại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua, thì có lắm kẻ tin vào danh Người vì được chính kiến các dấu lạ Người đã thực hiện". Nhưng những kẻ hiện theo Chúa Giêsu cũng chẳng có một lòng tin đích thật hơn những người ở Giêrusalem mấy: đoạn tiếp theo sẽ cho lấy rõ. Câu 2 tương ứng với bức tranh đầu tiên của Mc 6.31-33; Mt 14, 1 3- 14 và 15,30-31. Ngược lại, ý niệm dấu chỉ là đặc điểm của Ga ở đây: nó gọi phép lạ theo như hiện tượng tính bên ngoài, hiện tượng tính mà người ta cần phải vượt qua mới nắm được ý nghĩa đích thực của phép lạ. Trong thực tế, như phần tiếp câu chuyện cho thấy, dân chúng chỉ chú ý đến dấu lạ (cc.14-15.26), và ngay từ đầu, thái độ của họ được trình bày như là nhập mờ khả nghi.

"Chúa Giêsu trèo lên núi và ngồi đó với môn đồ Người" (c.3). Ngọn núi này không thuộc về địa dư nhưng như thường thấy trong Kinh thánh và nhiều nơi khác trong Tin Mừng (ví dụ xem Mc 9,2ss; Mt 5,1;15,29), nó dùng làm khung
cảnh cho một việc mặc khải. Chúa Giêsu ngồi (như nơi Mt 5,1 và 15,29) trong tư thế của một người cai trị và giảng dạy. "lễ vượt qua, đại lễ của người Do thái đã gần đến" (c.4). Đây còn là một chi tiết của riêng Gioan. Việc hóa tránh ra nhiều xảy ra trong một bối cảnh Vượt qua: y như "dấu chỉ đầu hết" (2,11) Chúa Giêsu đã thực hiện "ngày thứ ba" (2,1), dấu chỉ này loan báo lễ vượt qua đích thực, cuộc vượt qua đích thực, cuộc vượt qua của Chúa Giêsu để về cùng Cha Người (13,1). Thành thử chi tiết không phải là do một ưu tư muốn chính xác thời biểu. Ngoài ý nghĩa một sự quy chiếu ẩn tàng về cái chết của Chúa Giêsu (tức là lúc mà Chúa Giêsu sẽ đặc biệt trao hiến thân mình, Bánh đích thực phát sinh sự sống), chi tiết nói trên chắc hẳn còn ám chỉ đến cuộc Xuất hành và phép lạ manna. Ngoài ra, Gioan vốn ưa chèn những mặc khải của Chúa Giêsu trong khung cảnh các đại lễ phụng vụ Israel: Vượt qua, Lều trại, Cung hiến. Chúa Giêsu hoàn tất và đồng thời vượt quá tất cả những gì mà các đại lễ Israel loan báo và biểu hiệu. Trong Tin mừng Nhất lãm, chính các môn đồ lưu ý Chúa Giêsu là dân chúng không có gì để ăn. Ở đây, sáng kiến thuộc về Chúa Giêsu hoàn toàn: chính Người lo lắng thức ăn cho họ "mặc dầu Người đã biết điều Người sắp làm". Trái với Tin mừng Nhất lãm chỉ nói đến các môn đồ cách tổng quát, Gioan làm nổi bật vai trò của Philipphê rồi Anrê. Câu hỏi đặt ra cho Philipphê không có mục đích nào khác hơn là "để thử ông" (c.6), để trắc nghiệm sự sáng suốt của lòng tin nơi ông. Động từ Hy lạp được dùng (poirazô) nhắc lại nhiều đoạn xuất hành trong đó Thiên Chúa thử thách dân Ngài, nhất là về chuyện manna (Xh 16,4; 15,25; 20,20; Đnl 8,2). Mẩu đối thoại với Philipphê cố ý đưa ra ánh sáng sự bất lực của con người trong việc thấu hiểu và giải quyết vấn đề đang xảy đến. Nhưng "Chúa Giêsu thì đã biết mình sắp làm chi": Người tức khắc nắm vững tình hình, thánh sử còn làm nổi bật nhiều nơi khác sự làm chủ tuyệt đối này của Chúa Giêsu trên các biến cố; không hề có cái chi bất chợt được Người (x. 10,28; 11,6-15; 13,1; 18,4; 19,28).

Sở dĩ câu hỏi được đặt ra cho Philipphê chứ không phải cho một môn đồ khác, chắc hẳn chỉ vì sự việc đã xảy ra như vậy. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Philipphê và Anrê là người Betsaiđa, nghĩa là của vùng bờ hồ nơi Chúa Giêsu đang ở trong lúc ấy. Nhờ hiểu rõ địa dư, nên hơn ai hết, họ biết rằng không cách nào tìm được cái chi trong vùng lân cận để có thể nuôi chừng ấy dân chúng.

Câu 5 kín đáo ám chỉ Ds 11,13. Việc nhắc lại các giai đoạn mà Israel đã trải qua trong sa mạc thời Xuất hành như thế là có thật vì suốt chương 6 - chứ không chỉ trong đoạn văn. Chúng ta - người ta thấy có nhiều nơi gợi lại chương Ds nói trên: Ds 11, 1 (Ga 6,41-43); Ds 11,7-9 (Ga 6,31); Ds 11,13 (Ga 6,51tt).

Sự can thiệp của Anrê cũng như của Philipphê có mục đích cho thấy: xét theo loài người, tình thế thật nan giải. Gioan muốn cho ta hiểu rằng ơn cứu độ là từ Thiên Chúa phát xuất ra. Câu 9 gồm nhiều chi tiết - của riêng Gioan - gợi lại Cựu ước hạn từ "paidarion" (súc nghĩa từ của pais: đứa bé) và thành ngữ "năm chiếc bánh lúa mạch" (Tin Mừng Nhất lãm chỉ nói "năm chiếc bánh") làm ta liên tưởng tới 2V 4,42-44 là đoạn thuật lại một phép lạ hóa bánh tương tự do ngôn sứ Elisa. Ngoài ra mấy chữ "hai con cá nhỏ" (opsaria: chứ không phải "hai con cá" như các Tin mừng Nhất lãm) chắc chắn ám chỉ Ds 11,22 là bản văn cũng đưa ra ánh sáng sự yếu đuối của con người và quyền năng của Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng Nhất lãm, các môn đồ phân phát bánh và cá; ở đây thì chính Chúa Giêsu. Người ta biết rằng cách thức tập trung sự chú ý vào Chúa Giêsu như vậy là một trong những nét đặc biệt của Tin mừng thứ 4.

3. Có nhiều chi tiết làm cho trình thuật mang một màu sắc thánh thể. Ta không thể xác quyết điều này một cách chắc chắn về mỗi chi tiết, nhưng sự chồng chất của chúng khiến ta không thể nghi ngờ. Trước hết cử chỉ của Chúa Giêsu cầm bánh và phân phát (c.11) hình như là một ám chỉ đến bữa Tiệc ly. Vẫn biết Gioan không tường thuật việc lập phép.Thánh Thể, nhưng chắc chắn ông lẫn nguồn liệu của ông đều biết đến sự kiện quan trọng này. Động từ "phân phát (diadidonai) có thể đã được vay mượn từ nghi thức Thánh Thể (nghi thức tạ ơn). Cũng vậy về thành ngữ "tạ ơn" eucharistein: c.11) mà người ta cũng gặp thấy trong trình thuật thứ hai của các Tin Mừng Nhất lãm. Cuối cùng cực.12-13 chứa hai yếu tố đáng lưu ý là động từ "thu góp" (sunagoin) và danh từ "những mảnh vụn" (klasmata); cả hai đều thuộc về nghi thức tạ ơn và còn được gặp lại trong sách Didaché nữa (9,4). Cũng vậy, thành ngữ "kẻo có gì hư đi mất" (c. 12b) làm người ta nghĩ đến sự lo lắng của Giáo hội sơ khai trong việc thu thập lại những mẩu bánh Thánh thể còn dư thừa.

"Hãy thu góp những mảnh vụn còn dư lại, kẻo có gì hư đi mất" (c.12). Mệnh lệnh này của Chúa Giêsu không thấy có trong các bản văn song song; ngoài ra ở đây không những chỉ có vấn đề thu lượm (cất) (như trong Mc 6,43 và ss) mà còn là thu góp các mảnh vụn. Chắc chắn đây là một ám chỉ mới đến phép Thánh Thể, bí tích tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết "để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một" (Ga 11, 52). Trong kinh nguyện Thánh Thể của nó, sách Didaché (9,4) đã lấy chính chiếc bánh làm biểu tượng cho sự hiệp nhất này: "Như chiếc bánh bẻ ra trước tiên vương vãi trên các núi đồi, rồi thu góp lại thành một, thì ước gì Giáo Hội cũng được thu tập từ khắp nơi về trong Vương quốc của Ngài như thế". Cũng ý tưởng này được tiềm ẩn trong mục đích của việc thâu nhặt các mảnh vụn, để "không gì phải mất đi" hay "không gì phải hư đi". Bánh do Chúa tiêu hóa ra nhiều và trao ban bấy giờ xuất hiện như mối dây thường xuyên nối kết các chi thc trong cộng đoàn Kitô giáo mà không một ai có thể bị "hư đi" (Ga 17,12; 18,9; 6,39).

4. Người Do thái đã từng trông mong là vào thời thiên sai, phép lạ manna sẽ được tái diễn. Vì thế khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, dân chúng liền xem Người là "vị ngôn sứ phải đến trong thế gian" (c. 14; x.Đnl 18, 15; Ga 1,21). Họ muốn "bắt người để tôn làm vua" nhưng Chúa Giêsu lại trốn lên núi một mình" (c.15). Có thể xem đây như là một chi tiết lịch sử hoàn toàn tin được. Vì trong xứ Palestin bấy giờ niềm hy vọng thiên sai đã từng gây nên nhiều cuộc khởi nghĩa chính trị mà thường bị người Rôma đàn áp cách dã man. Chúa Giêsu muốn phòng ngừa một ngộ nhận như thế. Ngoài ra, ta còn luôn thấy Người giữ mình khỏi mọi thỏa thuận mờ ám với nhóm Nhiệt thành suốt cả Tin mừng Gioan, nhưng điều đó cũng sẽ không làm Người tránh khỏi bị kết án công khai như một Người trong bọn họ.

Tuy nhiên ta sẽ lầm lớn nếu chỉ xem c.15 như một xác định lịch sử, có ích cho việc tái dựng các sự kiện đã xảy ra. Điều Gioan muốn nhấn mạnh chính là tính cách nhất thời của lòng cuồng nhiệt nơi quần chúng. Họ không thấy trong phép lạ một "dấu chỉ" xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia đích thực, nhưng coi là dấu củng cố cho thiên kiến sai lầm mà họ đã có về Người. Chính bánh làm cho họ quan tâm chứ không phải Đấng Messia ban bánh. Do đó mà Chúa Giêsu lẩn tránh họ.

5. Chúng ta đã ghi nhận rằng trình thuật Gioan rõ ràng tập trung tất cả sự chú ý trên Chúa Giêsu. Phép lạ có mục đích mặc khải Chúa Giêsu chứ không có mục đích nuôi dân chúng. Trái lại Mátcô (6,34; xem Mt 14,24; Lc 9,11) coi "lòng trắc ẩn" của Chúa Giêsu là động lực của việc hóa bánh ra nhiều. Việc tập trung cái nhìn trên Chúa Giêsu như thế được chứng thực suốt cuốn Tin mừng thứ tư. Trong lúc các Tin mừng Nhất lãm quan tâm đến Vương quốc Thiên Chúa và lời rao giảng của Thầy, thì Gioan lại đặc biệt chú ý tới con người

Chúa Giêsu, và ngay từ những gióng đầu tiên của cuốn sách. Ông không lần nữa tường thuật cảnh Phép rửa, chỉ nói phớt, nhưng lại lợi dụng nó để trình bày Chúa Giêsu là ai (1,29-34). Nơi các Tin Mừng nhất lãm, trình thuật kêu gọi các môn đồ đầu tiên là dịp để giải thích thế nào là một môn đồ và đâu là những điều kiện phải có để theo Thầy (Mt 4, 18-22 ss); còn Gioan thì lại mau mắn cống hiến cho hay '"Chúa Giêsu là ai" cùng tất cả những gì Người có thể cống hiến cho ta được ( 1,35-51). Và khi bàn đến những điều kiện để trở nên môn đồ, ông đặt lên hàng đầu tình yêu đối với Chúa Giêsu phải tìm kiếm và ao ước Chúa Kitô). Ta còn có thể kể tiếp tục, nhưng xem ra hai ví dụ này cũng tạm đủ.

Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng như của tất cả mọi "dấu chỉ" khác do Chúa Giêsu thực hiện - phải được nghiên cứu trong chiều hướng Kitô học căn bản nói trên. Các "dấu chỉ" do Tin Mừng thứ tư ghi lại là bấy nhiêu mặc khải về "vinh quang" của Chúa Giêsu, nghĩa là về việc Người kết hiệp với Cha và về ý nghĩa con người cũng như những công việc của Người đối với sự cứu rỗi.

a. Trong viễn tượng tổng quát ấy của Tin mừng thứ tư sự tương phản giữa của ăn vật chất (bánh mà trình thuật nói đến) và của ăn thiêng liêng (mà diễn từ nói đến) phải giúp chúng ta hiểu Chúa Kitô là ai. Cũng như nhờ một phép lạ mà Người đã cho dân chúng một của ăn và chất, thì người cũng có khả năng ban cho tất cả một của ăn thiêng liêng. Nói cách khác, cách hiểu phép lạ như thế trở thành cho độc giả một bảo đảm riêng tư rằng Chúa Giêsu cũng sẽ cho họ một của ăn thiêng liêng.

b. Chúng ta đã bảo khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã thực hiện một dấu chỉ mà quần chúng mong đợi. Họ phấn khởi, nhận ra Người là vị "ngôn sứ" phải đến, và muốn bắt lấy Người để tôn làm vua, nhưng lại gán cho Người một tư cách thiên sai mập mờ. Vì "đọc" dấu chỉ theo những lược đồ của họ, nên họ không bắt được ý nghĩa đích thực của nó. Thành thử Chúa Giêsu tránh đi. Tuy nhiên vị Thiên Chúa lẩn tránh sự mong chờ của con người như thế sẽ bất ngờ hiện diện để giải thoát môn đồ khỏi cơn sợ hãi (6,16.21).

Chúa Giêsu muốn thiên hạ tìm Người với lòng thành thật (động từ "tìm kiếm" có nhiều ý nghĩa quan trọng trong chương này và cả Tin mừng thứ tư). Nhưng những người Galilê chỉ tìm kiếm chính bản thân; họ đuổi theo giấc mộng thiên sai của họ thay vì mở lòng đón nhận hồng ân Thiên Chúa; họ tìm kiếm bánh của họ chứ không tìm kiếm bánh của Ngài. Và bài học là ở chỗ đó: sự tìm kiếm chính bản thân ngăn cản ta "đọc" dấu chỉ như là mặc khải của Chúa Kitô và mở lòng đón nhận đức tin vào Người.

c. Chúa Giêsu - ở đây nói rõ hơn trong Tin mừng Nhất lãm - làm cụt hứng sự phấn khởi của đám đông bằng cách bỏ lên núi một mình. Qua việc rút lui này, Người muốn cho họ hiểu: quan niệm thiên sai của Người thuộc một đẳng trật khác, rằng Người sẽ theo đuổi một đường lối khác. Từ quan điểm này, sự lẩn trốn của Chúa Giêsu làm nên một yếu tố hệ trọng của tình thuật. Chúng ta dám nói rằng dấu chỉ mặc khải Đấng Thiên sai không phải chỉ là việc hóa bánh, mà cả toàn thể các sự kiện; phép lạ, lòng ngưỡng mộ của quần chúng và sự chạy trốn của Chúa Giêsu. Nói cách khác, dấu chỉ nằm trong việc hóa bánh ra nhiều như quần chúng hiểu và như Chúa Giêsu hiểu. Sự tương phản giữa hai cách "đọc" này mặc khải Chúa Giêsu là ai.

6. Việc phân tích văn chương cho thấy chủ đề hoá bánh ra nhiều đã thuộc về truyền thống có trước Gioan: việc hóa bánh lặp lại phép lạ manna được thực hiện do một Môisen mới trong một cuộc Xuất hành mới. Trái lại, chủ đề Thánh Thể thì đã được đưa vào sau, sau khi người ta đọc lại phép lạ. Trình thuật của Gioan hoàn toàn trung thành với truyền thống xưa vừa nói. Nhưng ông không chỉ so sánh Chúa Giêsu với Môisen: ông khẳng định rằng Chúa Giêsu là Môisen đích thực, cao trội hơn Môisen cũ, vượt xa và siêu việt hóa niềm hy vọng của dân Do thái đương thời. Lúc đi trong sa mạc, người ta đã chỉ lượm được số lượng manna cần thiết. rồi thôi (Xh 16,4.16-18). Ở đây, qua ghi chú mười hai thúng mảnh vụn còn lại, ta thấy rõ sự dư tràn, y như ở Cana, và thấy Chúa Giêsu là cùng đích của niềm mong đợi Israel. Mười hai là con số hoàn hảo: phép lạ bánh nuôi dân chúng thỏa thuê, có thể nuôi mọi thế hệ sau này.

Bài đọc sách các Vua của Chúa nhật 17 hôm nay phát xuất từ bản anh hùng ca về thầy trò Elia và Elisa, hai khuôn mặt trồi trang của trào lưu ngôn sứ tại Israel, hai "vị thánh" mà các phép lạ không ngừng được kể lại để nuôi dưỡng và nâng đỡ lòng đạo đức của các tín hữu. Mặc dầu hơi ngắn, trình thuật hóa bánh do Elisa thực hiện chứa nhiều điểm trùng hợp với phép lạ của Chúa Giêsu; những chiếc bánh lúa mạch, cậu thiếu niên, nhận xét về sự chênh lệch giữa cung và cầu, sự no nê kỳ diệu, bằng ấy chi tiết chứng tỏ sự liên tục giữa Cựu và Tân ước, từ Elisa sang Chúa Giêsu. Các ngài là những chứng nhân của cùng một chương trình Thiên Chúa. Một đấng là trạm tiếp vận, một Đấng là đích điểm sau cùng.

7. Để thay cho kết luận, chúng ta hãy nêu lên mối tương quan giữa của ăn do Chúa Giêsu đem đến (ơn cứu độ) và của ăn mà con người kiếm tìm (đối tượng niềm hy vọng của họ).

a. Để chỉ ơn cứu rỗi, Chúa Giêsu thường thích dùng hạn từ "sự sống". Chủ đề bánh đưa tới ý niệm này, và diễn từ của chương 6 sẽ bàn đến nó một cách minh nhiên hơn. Sự sống do Chúa Kitô ban cho (mà bánh biểu hiệu) là sự sống thần linh, không phải chỉ vì nó là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đặc biệt vì nó là sự thông hiệp vào sự sống của chính Thiên Chúa. Điều đó đã đủ để ta hiểu tại sao Chúa Giêsu luôn nằm ngay trung tâm trình thuật, và tại sao Người thường có sáng kiến. Sự sống thần linh này chỉ đến được từ Người; vì nó là sự thông hiệp với bản thân của Người.

b. Đàng khác, Gioan ưu tư nhắc lại sự bất lực căn bản của con người; duy mình Thiên Chúa mới có khả năng nuôi ăn no nê một đám đông như thế. Chủ đề này trở đi trở lại từ đầu đến cuối Tin mừng thứ tư. Ví dụ trong cuộc đàm thoại với Nicôđêmô, ơn cứu rỗi được mô tả như là một sự sống mới từ trên cao mà đến; muốn chiếm hữu được nó, con người phải sinh lại. Không một thành ngữ nào có thể diễn tả hơn thành ngữ tái sinh này sự bất lực của con người và tính cách nhưng không, mới mẻ của hồng ân Thiên Chúa.

c. Sau cùng, Gioan trở lại sự kiện là ơn cứu rỗi vượt quá mọi mong đợi của con người, và không những thế, nó còn phản lại những niềm mong đợi đó nữa. Chúa Giêsu không ngừng mời gọi thính giả Người phải đi xa hơn quan niệm riêng của họ. Chúng ta đã ghi nhận điều này: khi một mình trốn lên núi và như thế phá hỏng mọi ý đồ của quần chúng, Chúa Giêsu đặt chúng ta đối diện với một Thiên Chúa chỉ ban ơn cứu độ theo cách thức của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài tỏ ra quan tâm đến các nhu cầu của thế nhân. Ngài đi từ cảnh bần cùng và đói khát của họ, nhưng để đưa họ vào thực tại mà họ đã không ngờ tới.

Đức tin là như vậy: đón nhận Thiên Chúa, hy vọng vào Ngài. Thảm hại thay, con người luôn luôn bị cám dỗ tạc cho họ một Thiên Chúa theo như kích thước của họ. Nhưng Thiên Chúa lại không để mình bị giam hãm trong các yêu sách của con người. Ngài dùng sự yếu đuối và các nhu cầu của chúng ta, Ngài vượt lên sự bất lực của chúng ta và đi quá nhu cầu của chúng ta; Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta hãy ra khỏi chính mình.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT 

"Hai trăm đồng quan bánh cũng không đủ”: Số tiền quả là lớn vì một quan là tiền công của một ngày làm việc (Mt 20,2; Lc 10,35).

"Nơi ấy có nhiều cỏ": Điều này xác nhận chi tiết nói rằng sắp đến lễ Vượt qua, vì lễ Vượt qua là thời kỳ duy nhất mà, sau những trận mưa mùa đông và trước cái nắng gay gắt của mùa hạ (bắt đầu từ tháng 5), người ta mới tìm thấy một ít cỏ ở Palestin.

"Bấy giờ Người trốn đi": Như sẽ nói trong phiên tòa Rôma rằng vương quốc Người không thuộc về thế gian (18,36), Chúa Giêsu lúc này từ chối đảm nhận một vương quyền theo như quần chúng quan niệm. Đó đã là một sự đoạn
tuyệt với những quan niệm cách chung và thiên sai phàm trần

KẾT LUẬN

Đám dân đông đảo đến cùng Chúa Giêsu để có của ăn, tượng trưng cho hết những kẻ đói khát về phần thiêng liêng đang "đến với Người" qua đức tin để xin người thoa dịu cơn đói của họ. Ngoài Người ra, không ai có thể cung cấp cho đám đông ấy thứ bánh mà họ đang trông chờ.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG.

1. Trong đoạn hôm nay, ta khám phá ra một sự ám chỉ thường xuyên đến cuộc Xuất hành: việc vượt qua biển Galilê (hồ Tibêria) nhắc đến lần vượt qua Biển đỏ; bánh hóa nhiều gợi nhớ manna; những tiếng kêu ca của người Do thái (cc.41-43.52.60-61.66) nối tiếp những cuộc nổi loạn của người Hy bá chống lại Môisen trong hoang địa. Về phần ngọn núi, nó là phóng bản của núi Sinai. Sự nhấn mạnh rằng lễ vượt qua gần tới (c 4) đánh dấu vị trí của biến cố này đối với quá khứ (Lễ Vượt qua kỷ niệm Xuất hành), đối với hiện tại (lễ Vượt qua này là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Kitô, và đối với tương lai (trong dịp lễ Vượt qua Do thái này, Chúa Giêsu sửa soạn cho một lễ Vượt qua mới, cho việc thiết lập Thánh Thể tại nhà Tiệc ly và cho việc cử hành nó cách mới mẻ trong Giáo Hội bằng Thánh lễ.

2. Từ một hoàn cảnh cụ thể, Chúa Giêsu đòi hỏi các sứ đồ một sự vâng phục của đức tin. Lương tri tự nhiên khiến Người hỏi Philipphê: Ta mua được đâu bánh cho họ ăn? Rồi Người trả lời: Hãy cho họ ngồi xuống. Các sứ đồ thi hành lệnh của Thầy, và chắc hẳn họ cũng tự hỏi cái gì sắp xảy đến. Có lẽ họ nghĩ rằng: với Thầy họ thì không nên tìm hiểu. Gioan viết: "Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho những người dùng bữa". Nhưng chắc chắn Người đã nhờ các sứ đồ làm công việc phân phát ấy. Thánh Mátcô thì bảo: "Người ban tiếp cho các môn đồ để họ thết đãi người ta" (6,41). Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đồ, trước sự bất khả, đã chống lại ý Chúa Giêsu? Có thể họ đã không phải là những cộng tác viên với công việc thần linh của Người. Thành thử ta thấy sự vâng phục của đức tin dẫn tại đâu. Nó làm cho kẻ tin trở nên cộng tác viên của Thiên Chúa trong những công việc vô cùng vượt quá phương tiện loài người. Chúng ta có biết tuân hành những bổn phận mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, nhất là khi những công việc ấy vượt quá khả năng chúng ta?

3. Dù không bàn đến tính cách kỳ diệu của việc hóa bánh, người ta tuy vậy cũng phải lưu ý rằng phép lạ đã chẳng xảy ra từ số không. Chúa Giêsu đã cần đến năm chiếc bánh và hai con cá do một em bé nhường lại như là chất liệu đầu tiên xét một cách nào đó. Ngày nay cũng vậy, tất cả mọi của cải dư dật, để có thể thấu đến nhiều người, thì trước tiên đòi buộc một sự để chung các tài nguyên đôi khi lúc đầu rất ít ỏi. Cái làm no nê thỏa mãn mỗi một người trong chúng ta, không phải là số lượng sản vật tích lũy mà mỗi người chiếm hữu cho mình, nhưng là ban phát và chia sẻ các sản vật đó cho tha nhân và chính việc ban phát chia sẻ này làm tăng giá trị và hương vị cho của cải, làm lộ ra cứu cánh đích thật của chúng: nuôi dưỡng sự thông hiệp của chúng ta với tất cả mọi người. Chúng ta kinh nghiệm điều này trong nhiệm tích Thánh Thể. Sẽ không có việc hóa bánh ra nhiều về phương diện phẩm cũng như không có bữa ăn thỏa mãn còn đói của chúng ta nếu chính chúng ta không mang tới bánh riêng của mình và chia sẻ nó một cách huynh đệ. Nhưng chỉ Lời Chúa trong Kinh Thánh mới có thể biểu dương và tạo ra những chiều kích vô biên của tình huynh đệ ấy.

4. Vẫn biết Chúa Giêsu là vua, và Người sẽ khẳng định điều có trước Philatô (18,37), nhưng vương quyền của Người không thuộc về thế gian này (18,36) và Người không chịu để mình bị bắt lấy, bị tôn phong và thống trị như một quân vương

trần thế. Người đến trong thế gian để chỉ làm chứng cho sự thật và thông ban sự thật cho chúng ta, không phải để thỏa mãn lòng khát vọng của cải và quyền lực của chúng ta. Người biết rằng Người sẽ lừa gạt chúng ta khi không cho chúng ta một thức ăn hư nát (x.6,26); người thấy phải giác ngộ chúng ta khỏi ý niệm sai lạc của chúng ta về đấu chỉ mà Người vừa thực hiện. Trong lúc này, Người chỉ có thể làm được việc đó bằng cách trốn đi; là Đấng đã hóa bánh ra nhiều, Người vẫn bất lực đối với những con tim khờ khạo và những dạ dày quá no nê. Nếu chúng ta không nghe tiếng Người, thì người không muốn và không thể ngự trị trên chúng ta. Vương quyền của Người hệ tại chỗ giải phóng chúng ta nhờ sự thật (Ga 8,31-36). Nhưng, ngay cả khi tung hô Người như là vua chúng ta, thì chúng ta vẫn thường quá ao ước làm nô lệ của ăn trần thế và bắt Người phục vụ cơn đói của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta sẽ mất công năn nỉ Người, vì hãy biết rằng chúng ta sẽ không thể bắt Người làm vua chúng ta ta trái với ý Người được; Người sẽ chạy trốn chúng ta và chúng ta sẽ không bao giờ bắt Người lài được nữa, trừ phi chúng ta thực sự lắng nghe Người với tất cả tâm hồn chúng ta (6,63). Và bấy giờ Người sẽ tự biến thành Bánh bổ dưỡng nuôi chúng ta vượt qua đời này, sẽ thành Nước hằng sống, ánh sáng và Sự sống của ta.

5. Chúng ta đang sống trong một thời đại kỹ thuật mà xét trong toàn bộ chứ không xét trong chi tiết, là một thời đại do ý Thiên Chúa muốn. Vậy nếu chúng ta con thời đại chúng ta như một việc hóa bánh ra nhiều, thì chúng ta phải bảo rằng Tin Mừng hôm nay còn có nhiều điều muốn dạy chúng ta về thời đại kỹ thuật của chúng ta và về cuộc sống hoàn toàn cá nhân của chúng ta. Nếu không chúng ta cũng có thể thuộc vào số những kẻ đã góp phần một cách rất mầu nhiệm vào tội lỗi của thời đại này, cho dầu tội đó không có tên gọi trong các công thức xét mình của sách lễ chúng ta. Mỗi người đều góp phần tạo nên tinh thần của thế kỷ mình đang sống Và mỗi người đều có bổn phận sống trong thời này làm sao cho nó thành một thế kỷ mà trong đó Thiên Chúa có thể tin tưởng vào vẻ trong sáng của tâm trí chúng ta cũng như vào tình yêu của tâm hồn chúng ta đối với Ngài, và có thể ban cho chúng ta chính bánh của đời sống trần gian, ngõ hầu trong hoang địa của đời sống này, chúng ta nhận lãnh được bánh của sự sống vĩnh cửu đến thiên thu.


 
Noel Quesson - Chú Giải

Ga 6: 1-15


 

Trong suốt 5 Chúa nhật mùa hạ, chúng ta gián đoạn việc đọc Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, để đọc chương 6 nổi tiếng của Thánh Gioan. Đó là trình thuật về Bánh Hằng Sống: Bắt đầu bằng "sự hóa bánh ra nhiều " và tiếp tục bằng "bài giảng về Bánh hằng sống". Gioan cho chúng ta một suy niệm về Bí tích Thánh Thể và về đức tin do chính Đức Giêsu diễn giải.

Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia biển hồ Galilê cũng gọi là biển hồ Tibêria. Có đông đảo dân chúng theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm và chữa lành kẻ đau ốm.

Đoạn cuối của câu chuyện này (Ga 6,66) cho chúng ta thấy rõ đám đông đang ham muốn xem phép lạ, là một đám đông "không tin": Họ từ chối theo Đức Giêsu trong đức tin.

Ngày nay chúng ta cũng vẫn thích "những sự lạ" như đám đông ở Galilê. Những phép lạ của Đục Giêsu, có thể trở thành một cái bẫy, một con đường sai lạc đối với đức tin chân chính. Lạy Chúa, xin giúp chúng con theo Chúa đến cùng, ngay trong đời thường và trong những cái tầm thường, không có gì lạ lùng qua cuộc sống hằng ngày. Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được "ý nghĩa" thâm sâu những phép lạ của Chúa, vượt trên những ấn tượng trước mắt.

Lúc ấy sắp đến lễ Vượt qua là đại lễ của người Do Thái.

Ở đây ám chỉ đến công cuộc vượt qua của Chúa đã tới gần... cũng như lời chúc lành trên bánh mà lát nữa Chúa sẽ dùng ("Eucharistèsas" trong tiếng Hy Lạp) đã mang "ý nghĩa" mà Thánh Gioan muốn nói lên trong việc hóa bánh ra nhiều: Hiển nhiên Người nghĩ đến Bí tích Thánh Thể. Khi viết trình thuật này, Thánh Gioan đã cử hành Bí tích Thánh Thể, lễ Vượt qua của Kitô hữu, từ 40 hay 50 năm rồi nghĩa là từ khi Đức Giêsu đã sống Bữa tiệc Ly như một bữa ăn vượt qua.

Ngước mắt lên Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết là mình sắp làm gì rồi.

Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giêsu giới thiệu Thiên Chúa cho chúng ta biết. N~di thấy nhu cầu của nhân loại.

Phép lạ Người sẽ thực hiện là một nghĩa cử yêu thương. Việc trao ban Thánh Thể là một tác động yêu thương. Chúng ta hãy nghe câu hỏi của Người. Câu hỏi này luôn mang tính thời sự. Vâng, lạy Chúa, Chúa yêu cầu chúng con hãy nhìn xem con người đang đói khát, với những nhu cầu tự nhiên nhất. Chúa nói... "Hãy cho họ có cái ăn "... cho ăn, đơn giản thế thôi! Còn chúng ta, lại thường nghĩ tưởng đến một Thiên Chúa xa xôi trên các tầng mây. Chính Chúa đã đem chúng con trở về với cuộc sống "thường nhật" với lương thực hằng ngày". Thường yếu... Đó là chúng ta phải khiêm tốn phục vụ.

Ong Phi-líp-phê đáp: "Dạ có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút". Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: "ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy thì thấm vào đâu!".

Trước những vấn đề lớn của nhân loại. "đói khát", "hòa bình", "công lý ", chúng ta thường trả lời: "Chúng ta có thể làm gì được? Việc này quá sức chúng ta". Quả thật, một mình tôi không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Nhưng có vì thế mà tôi được miễn khỏi phải làm một việc nhỏ cần thiết để giải quyết vấn đề không? Tôi có được miễn khỏi phải tiếp tay với các nhóm, các hiệp hội đã hoạt động để giải quyết các vấn đề trên không?

Dù sao đi nữa, điều đáng chú ý là vào ngày hôm ấy, Đức Giêsu đã không muốn làm một hành vi sáng tạo "từ không mà có" (Người cũng có thể làm thế được lắm chứ!). Người đã dùng những thức ăn do loài người chế biến. Điều này nhắc chúng ta rằng: Thông thường Thiên Chúa không thay thế chúng ta. Vả lại còn một điều kiện cần thiết khác nữa cho việc hóa bánh ra nhiều là cậu bé đó chấp thuận cho những gì cậu đã có thể dành riêng cho cậu từ' khi cậu lên đường.

Qua những chi tiết đó, ngày nay Thiên Chúa của Đức Kitô cũng kêu gọi chúng ta. Con người thường kết tội Chúa, vì để hai phần ba nhân loại phải đói khát. Chúa trao trách nhiệm đó cho chúng ta bình thường Thiên Chúa không thay thế cho tạo vật. Chúng ta đang thuộc về thế giới phương Tây, nơi những siêu thị đầy ắp thức ăn. Và chúng ta tiếp tục dự trữ, thu góp rồi than phiền. Chúng ta tiếp tục đòi hỏi không cùng để thêm tiện nghi, gia tăng lợi tức, lợi nhuận. Chúng ta từ chối giảm bậc lương để bớt tài sản những người giàu và tăng tài sản cho những' người kém may mắn. Chúng ta có thể tán rộng trình thuật Tin Mừng này: "Thuở xưa có một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá, trong khi đó 5.000 người đã không có gì ăn. Cậu ta giữ cho mình năm ổ bánh đó và đi xa khỏi đám đông để ăn bánh đó một mình, một cách vụng trộm.

Điều tệ hại là chúng ta không ăn cách vụng trộm. Ngày nay, những người bị đói trên thế giới biết chúng ta không bao giờ bị đói.

Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi". Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoản năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá, Người cũng phân phát như vậy ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.

Theo sự khôn ngoan tự nhiên, ông Anrê nói: "Với hằng ấy thì thấm vào đâu?". Nhưng rõ ràng dù không chút coi thật,ông lý trí con người Chúa vẫn đòi hỏi... thái độ vượt lên của đức tin: Đó là thái độ mạo hiểm cao đẹp, mãnh liệt tin cậy đối với một người khác. Người "tín hữu" trở thành người cộng tác với Chúa, trong những hành động vượt xa phương tiện của con người.

Đức Giêsu đã "tạ ơn" (Euchanstèsas). Người đang ở trong âm vực của đức' tin, trong tương quan mật thiết với Chúa Cha. Đó là cảm tưởng của Người trong lúc đó. Diễn từ "Bánh hằng sống" tiếp theo, sẽ cho thấy Người đã nghĩ đến mầu nhiệm vô biên của bữa ăn vượt qua mà một ngày kia Người sẽ trao ban cho loài người qua mọi thời đại. Đức Giêsu không coi thường "cơn đói của thể xác" nhưng Người nghĩ đến "cơn đói Thiên Chúa" mà dưới cái nhìn của Người, còn trầm trọng hơn.

Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi".

Đây không phải là một chi tiết phụ. Sự dư thừa này đã từng xảy ra ở tiệc cưới Cana: Đức Giêsu đã hóa ra nhiều. Hóa "bánh" và "rượu" ra nhiều? Quả thật, Đức Giêsu đã nhìn xa hơn đám đông những người Galilê hay những thực khách ở tiệc cưới Cana. Bánh và rượu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Nhưng ai là người thực sự đói và khát? Người ta thu lại những miếng thừa. Tôi tưởng tượng những giỏ đầy (12 giỏ). Ai đã có thể có mặt ở đó để ăn những giỏ bánh này, và ai đã không có ở đấy?

Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian".

Con người ở mọi thời đại vẫn mong chờ một người "được Chúa sai đến", chờ một "giải pháp lạ lùng" có thể miễn trách nhiệm cho họ. Trong thâm tâm, chúng ta vẫn còn tư tưởng của những người thời sơ khai, hy vọng rằng những "công thức ma thuật" sẽ giải quyết khó khăn của chúng ta. Người ta không còn thi hành những nghi lễ hủ tục nhưng lại là nạn nhân của những khẩu hiệu, những lời hứa điên rồ những ý thức hệ mang tính ma thuật của "tiến bộ", của "ngày mai vui tươi". Chúng ta hãy đổi cơ cấu và tất cả sẽ được giải quyết Những nhà ma thuật nói như vậy Chúa thì bảo: "Hãy thay đổi lòng dạ các ngươi ". Lúc bấy giờ những sự thay đổi cơ cấu sẽ là một cái gì khác hơn là một sự thay đổi chế độ nô lệ. Nhưng, Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm Vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Cơn cám dỗ "chính trị" của những người đồng thời với Chúa không có gì là không hợp thời. Nó không phải là một hiện tượng thuộc quá khứ. Biết đến bao giờ chúng ta mới hết những cơn sốt mong đợi Đấng Mêsia giả? Bao giờ chúng mới hiểu rằng, Chúa đã luôn luôn từ chối không để cho người ta "đóng khung" Người trong những quan điểm trần thế? Không phải vì những việc trần thế không có giá trị, nhưng người ta không thể giảm thiểu con người trong chiều kích đó. Chúa vẫn không ngừng kêu lên, như triết gia Diogène, rằng: "Các người sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chỉ là những con heo được ăn no bụng". Cái đói cơ bản của con người không phải là đói lương thực. Các bạn đừng bỏ bê công việc trần thế, hay những quyết định chính trị, xã hội, kinh tế mà các bạn phải thể hiện. Nhưng xin làm ăn đừng quên rằng phẩm giá cao quý nhất của con người là khả năng kỳ diệu mở rộng lòng hướng tới siêu việt hướng đến Thiên Chúa. Chúa nói: Xin làm ơn cho Ta đóng vai của Ta, vai trò mà chỉ có Ta mới đóng được để "giúp các con", để xóa cơn đói cho các' con. Chúa khước từ kế đồ "giải phóng" chính trị mà không người đương thời với Chúa đã muốn lôi kéo Chúa vào. Bên bờ vinh quang và thành công, "Người lui vào thanh vắng một mình", Người nghĩ về vai trò khác mà Người sẽ phải làm tròn... Sáng mai cũng với đám đông này, Người sẽ cố gắng giúp cho họ hiểu "Người là ai", là Bánh ban sự sống đích thực... Nhưng ai "đói Thiên Chúa"? Chương VI của Thánh Gioan sẽ kết thúc với nỗi cô đơn bi thiết của Chúa trước nhóm Mười Hai (Ga 6,66-71).


 
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải



"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích"

BÀI TIN MỪNG: Ga 6: 1 - 15 
I. Ý CHÍNH: 

Trong Tin Mừng hôm nay, qua phép lạ làm cho bánh hoá nhiều để nuôi đám đông dân chúng ăn no nê. Chúa Giêsu muốn hướng đến của ăn thiêng liêng, của ăn đem lại sự sống đời đời, đó là Bí Tích Thánh Thể.

II. SUY NIỆM: 

1 / "Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa cũng gọi là Tibêria": 

Biển Galilêa vì thuộc miền Galilêa phía bắc Palestina cũng gọi là biển Tibêria vì năm 26 vua Hêrôđê Antipas cho xây một thành dâng kính Hoàng Đế Tibêria ở gần biển hồ này, nên người ta lấy tên thành đó để gọi biển ấy (Ga 6, 1), biển này cũng có tên là Giênêzaret (Lc 5, 1).

Chúa Giêsu muốn đi sang bên kia Biển hồ là vì Người muốn tránh khung cảnh ồn ào của đám đông dân chúng (Mt 14, 13; Lc 9, 10 - 17) để tìm chỗ yên tĩnh cho các Tông đồ.

2 / "Có đám đông dân chúng theo Người": 

Mặc dù Chúa đưa các Tông đồ đi sang bên kia Biển hồ, nhưng dân chúng cũng đoán trước được hướng đi nên kéo nhau đến trước.

Dân chúng theo Chúa vì những phép lạ Người làm đã lôi cuốn họ (Ga 2, 23; Mt 14, 13 - 14; 15, 30; Mc 6, 31 - 32).

3 / "Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ": 

"Lên núi " ở đây không xác định khía cạnh địa dư, nhưng Thánh sử Gioan lấy đó làm khung cảnh cho việc mạc khải (Mc 9, 2; Mt 5, 1; 13, 29).

Chúa Giêsu lên núi ngồi (như nơi Mt 5,1; 15, 29) trong tư thế của một người giảng dạy và có uy quyền. Ở đây diễn tả một dấu chỉ mạc khải mà Người sắp thực hiện qua phép lạ hóa bánh ra nhiều.

4 / "Lễ vượt qua là đại lễ của người Do thái đã gần": 

Lễ Vượt qua của Người Do thái là lễ kỷ niệm cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập để đi về đất hứa. Vì thế lễ Vượt qua này khác với lễ Vượt qua sau hết nói ở Ga 13, 1.

Đối với thánh sử Gioan, việc hoá bánh ra nhiều xảy ra trong bối cảnh Vượt qua này coi như là dấu chỉ cao điểm của sứ mạng ở Galilê tiếp nối dấu chỉ hầu hết (Ga 2, 11) mà Chúa Giêsu đã thực hiện (Ga 2, 1). Dấu chỉ này loan báo lễ Vượt qua đích thực tức là cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu để về cùng Chúa Cha (Ga 13, 1). Ở đây gợi lên ý nghĩa cái chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá, là lúc Chúa Giêsu đặc biệt trao hiến thân mình làm của nuôi thiêng liêng đó là bánh đích thực phát sinh sự sống đời đời.

5 / "Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông": 

Cử chỉ này diễn tả lòng cảm thương và mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với dân chúng. Đồng thời thúc đẩy Người làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để nuôi dân. Phép lạ này là dấu chỉ tình yêu tột cùng của Chúa Giêsu là sẽ hiến thân mình làm bánh ban sự sống đời đời.

6 / "Người hỏi Philipphê": 

Đến đây, thánh sử kể lại cuộc đối thoại nho nhỏ giữa Chúa Giêsu và Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" muốn diễn tả rằng:

a) Sở dĩ câu hỏi được đặt ra cho Philipphê là vì Philipphê và Anrê là người quê ở Betsaida, nghĩa là ở cùng bờ hồ nơi Chúa Giêsu đang ở trong lúc ấy. Nhờ hiểu rõ địa dư nên hơn ai hết ông biết rõ không cách nào tìm được thức ăn trong vùng lân cận để có thể nuôi chừng ấy dân chúng. Vì thế câu hỏi này hàm ý cho thấy con người tự mình không có khả năng đủ để thấu hiểu và giải quyết vấn đề đang xảy đến.

b) Câu hỏi này cũng biểu lộ rằng việc lo cho dân chúng ăn là sáng kiến của Chúa Giêsu: Chính Người lo lắng thức ăn cho họ.
"Người hỏi như vậy có ý thử ông":

Ở đây Chúa Giêsu muốn trắc nghiệm sự sáng suốt của niềm tin ở Philipphê. Trong sách Xuất hành, có kể đến những lần Thiên Chúa thử thách dân Người nhất là về truyện bánh Manna (Xh 16, 4; 15, 25; 20, 20).

"Vì chính Người biết việc Người sắp làm":

Ở đây biểu lộ ý nghĩa: Chúa Giêsu nắm vững tình hình và làm chủ trên biến cố vì "Người biết việc Người sắp làm".

7 /  “Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh...": 

200 đồng là công 200 ngày làm việc của một người thợ. Công lao khó nhọc của con người lớn như vậy mà cũng chẳng thấm vào đâu. Ở đây diễn tả sự yếu đuối bất lực của con người.

8 / "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá": 

Bánh lúa mạch là phần ăn của người nghèo. Còn cá là món ăn bình dân của dân chài lưới ven bờ hồ. Ở đây diễn tả sự tầm thường yếu đuối của con người, để làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế cuộc đối thoại làm nổi bật sự tương phản giữa sự yếu đuối bất lực của con người và quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa.

9 / "Cứ bảo người ta ngồi xuống...": 

Mệnh lệnh này cho thấy Chúa tỏ ra uy quyền vì Người làm chủ công việc cho dân chúng ăn. Theo thánh Mác-cô (6, 40) thì việc ngồi xuống từng tốp (50 - 100) không những để tiện việc phân phát bánh mà còn biểu lộ tình hiệp thông huynh đệ của bữa ăn nữa.

10 / "Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn": 

Những cử chỉ "Cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát" là những cử chỉ thuộc lễ nghi, ám chỉ đến bữa tiệc ly, bữa tiệc Chúa lập bí tích Thánh Thể.

11 / "Ai muốn bao nhiêu tùy thích": 

Ở đây nói đến khả năng đón nhận của người ăn: Đồ ăn thoả mãn đầy đủ và còn dư thừa nữa. Nhưng đón nhận được bao nhiêu là tuỳ thuộc và sự xứng đáng và khả năng của người đón nhận. Sự sống Chúa ban sinh hiệu quả tùy thuộc vào thái độ và tinh thần của con người.

12 / "Hãy thu lấy những miếng còn lại kẻo bỏ phí đó": 

* Thu lấy những miếng còn lại: Ám chỉ đến bí tích Thánh Thể, bí tích tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết "để thâu hợp con cái Thiên Chúa tản mát về lại làm một" (Ga 11, 52).

* Kẻo phí đó: Mục đích của việc thu góp lại là để khỏi hư đi diễn tả Bí Tích Thánh Thể là mối dây kết các chi thể trong cộng đoàn Kitô giáo để không một ai có thể bị hư đi (Ga 17, 12; 18, 9; 6, 39).

13 / "Họ thu lại được 12 thúng đầy bánh vụi": 

Số 12 là con số hoàn hảo, phép lạ bánh nuôi dân chúng thỏa thuê, có thể nuôi mọi thế hệ sau này.

14 / "Thật ông này là đấng tiên tri phải đến": 

Hậu quả của phép lạ là dân chúng náo nức cho rằng Người là vị tiên tri Môisen loan báo (Dnl 18, 15), Đấng phải đến trong thế gian (Tv 40, 8; 118, 26). Dân chúng nghĩ rằng Đấng Kitô chính là Người nên định tâm tôn Người lên làm vua.

15 / "Nên Người bỏ lên núi một mình": 

Chúa Giêsu lẫn vào đám đông rồi trốn lên núi một mình, sau khi đã cho các Tông đồ xuống thuyền trở về phía bên kia hồ (Mt 14, 22 - 25; Mc 6, 45 - 46).

Lý do Chúa trốn là vì:

* Trong xứ Palestina bấy giờ, niềm hy vọng Thiên sai đã từng gây nên nhiều cuộc khởi nghĩa chính trị mà thường bị người Roma đàn áp cách dã man. Chúa Giêsu muốn phòng ngừa một sự ngộ nhận như thế. Đàng khác Người thấy rằng chính bánh làm cho họ quan tâm chứ không phải Đấng Messia ban bánh. Người muốn tránh sự sai lầm của họ.

III. ÁP DỤNG: 

A / Áp dụng theo Tin Mừng: 


* Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, lo lắng của ăn phần xác cho ta để hướng chúng ta đến của ăn thiêng liêng đó là bí tích Thánh Thể cũng gọi là bí tích tình thương.

* Hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 1 - 13; Mt 14, 13 - 21; Mc 6, 31 - 44; Lc 9, 10 - 17; Mt 15, 32 - 38; Mc 8, 1 - 10) để ám chỉ phép Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập. Cả hai lần phép lạ được thực hiện sau khi dân chúng đã nghe giảng giải. Điều này chứng tỏ Lời Chúa và Thánh Thể là hai nguồn sống (Ga 6, 34 - 35; Mt 4, 4). Hai nguồn sống này Chúa vẫn ban cho ta mỗi ngày trong Thánh lễ Misa.

* Phép lạ bánh hoá nhiều nuôi sự sống phần xác để ám chỉ bí tích Thánh Thể, của nuôi sự sống phần hồn, nhắc nhủ chúng ta phải biết nhận ra ý nghĩa thiêng liêng qua các biến cố cụ thể hằng ngày mà Chúa thực hiện trong đời sống của ta, của tha nhân, và trong xã hội...

B / Áp dụng thực hành: 

1 / Nhìn vào Chúa Giêsu: 

a / Xem việc Người làm: 

Lòng thương xót tích cực: tình thương đối với dân chúng được biểu lộ bằng việc làm qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Lòng thương và tình bác ái của ta đối với tha nhân cũng phải mang tinh thần tích cực: Lời nói đi đôi với việc làm, tấm lòng phải được bộc lộ bằng hành động cụ thể.

Chúa Giêsu lên núi: Núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng núi ở đây cũng là nơi Thiên Chúa tỏ bày uy quyền của Người.

Chúng ta cũng cần lên núi bằng cách tìm nơi chốn hay bầu khí thuận tiện để gặp gỡ Thiên Chúa đồng thời biết dùng những giờ cầu nguyện và suy niệm cũng như đón nhận các phép bí tích để thêm sức mạnh thiêng liêng cho đời sống hàng ngày.

b / Nghe lời Chúa nói: 

"Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn": Chúa khởi xướng việc lo thức ăn cho dân.

Là người tông đồ, chúng ta cũng phải có sáng kiến và biết khởi xướng trong những việc bác ái và phục vụ tha nhân...

Cứ bảo người ta ngồi xuống": Chúa tỏ ra là người nắm vững tình thế và làm chủ công việc.

Khi chúng ta ra lệnh cho ai chúng ta cũng phải tỏ ra nắm vững tình thế của công việc để lệnh đó được thi hành có bảo đảm.

"Hãy thu những miếng còn lại": Bài học tiết kiệm và quý trọng ơn Chúa, không được phí phạm.

Bài học trật tự, không được lôi thôi bừa bãi sau công việc, sau bữa ăn... phải biết thu dọn gọn gàng, ngăn nắp trật tự...

2 / Nhìn vào các môn đệ: 

Vì không tin vào quyền năng của Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào sức hạn hẹp của mình nên cảm thấy bất lực trong công việc.

Vì không tin tưởng vào ơn Chúa, vào quyền năng Chúa bằng việc cầu nguyện và phó thác, mà chỉ cậy vào sức riêng mình nên chúng ta thường cảm thấy chán nản, thất vọng khi gặp những công việc khó khăn...

3 / Nhìn vào em bé có năm cái bánh và hai con cá: 

Chúa có thể làm từ không ra có, nhưng Người muốn cho con người cộng tác vào công trình của Người. Em bé đã biết cộng tác bằng năm cái bánh và hai con cá, là phần rất nhỏ của mình để Chúa sử dụng làm việc lớn là nuôi năm nghìn người.

Trong công việc của Chúa, Người muốn chúng ta cộng tác với Người tùy theo khả năng mình đang có.

4 / Nhìn vào đám dân chúng: 

Họ thích của ăn: Bánh, hơn là người cho tức là Chúa, nên họ vô ơn.

Quý trọng người cho hơn của cho: Biết ơn.

Quý trọng của cho hơn người cho: Vô ơn.

+ Thực phẩm nhân loại ăn rồi sẽ còn đòi. Lương thực bổ dưỡng nuôi sống muôn đời là Lời hằng sống và Bánh hằng sống. Ưu tư của Kitô hữu là thoả mãn cái đói của chính mình và tha nhân trong Kinh Thánh và Mình Thánh Chúa (Sống Lời Chúa).

+ Bánh ngày nay vẫn hoá ra nhiều trong mầu nhiệm Thánh Thể. Mình Chúa nuôn dưỡng mọi kẻ tin, phân phát sức mạnh hy vọng và Tình Yêu, Kitô hữu là chi thể, phải cùng với Mầu Nhiệm Thể cầm lấy bánh cuộc đời ngước mắt lên trời bẻ ra và trao cho anh em. Bánh Thánh bạn rước lấy phải hoá ra nhiều để thết đãi anh em (Sống Lời Chúa).

+ Nhiều kẻ đói bụng, nhưng kẻ đói tinh thần thì nhiều hơn. Đó là kẻ thất vọng, chán nản buông xuôi, là kẻ chưa có lý tưởng để theo, là kẻ khao khát sống công chính. Người đói bụng cần bạn cho cơm bánh. Nhưng nhiều người cần bạn cho nghị lực để tự túc lương thực, cần được biết Nước Trời để vui sống, cần được biết Chúa thứ tha để thay đổi cuộc đời (Sống Lời Chúa).

* Không thể bình thản trước thảm cảnh đói của nhân loại:

- Trong căn nhà lụp xụp người đàn bà ngấu nghiến các thứ dư thừa trong bữa ăn còn dư lại.

- Những đứa trẻ mồ côi giành nhau đồ ăn còn thừa lại trong các quán ăn.

- Một phần ba nhân loại đang thiếu ăn...

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10