Clock-Time

Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật III Thường Niên B

Bài đọc Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cho ta nghe hai đoạn có văn thể khác nhau: một "toát yếu" về lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu (cc.14-15), và một trình thuật về việc kêu gọi 4 môn đồ tiên khởi (cc.16-20).
CHÚ GIẢI TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B



 

Học viện Piô Giáo hoàng - Chú Giải
 

CHÚA GIÊSU, HÀNH ĐỘNG QUA CÁC MÔN ĐỒ

(Mc 1:14-20)


CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Nên móc nối bản toát yếu lời rao giảng của Chúa Giêsu (Mc 1,14-15) với đoạn văn đi trước hay đoạn văn đi sau? Mỗi lập trường có lợi như thế nào?

2. So sánh bản văn này với Mt 4,12-17, ta thấy Mt có gì độc đáo?

3. theo Mc, Tin mừng (Tin mừng thiên Chúa, Tin mừng Chúa Giêsu Kitô) là gì (so sánh Mc 1,14-15 với Rm 1,1- 5.16-17) ? Ông lấy thành ngữ từ đâu?

4. Bản văn nói về việc kêu gọi 4 môn đồ thật ra là một hay là hai trình thuật? Nó là một sáng tác độc đáo, mới mẻ hay đã có mẫu trong Cựu ước?

5. Đâu là những nét trong bản văn và trong toàn thể Tin mừng giúp ta quả quyết trình thuật có một cơ sơ lịch sử. Mặc dầu chứa nhiều điểm khó tin như các ngư phủ đã đột ngột bỏ nghề nghiệp mình để theo một kẻ xa lạ?

6. Bản văn này cho ta thấy Mc quan niệm một Kitô hữu phải như thế nào?

7. Tại sao Mc đã đặt trình thuật vào đầu đời công khai của Chúa Giêsu dù không đúng thực tế ?.

Bài đọc Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cho ta nghe hai đoạn có văn thể khác nhau: một "toát yếu" về lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu (cc.14-15), và một trình thuật về việc kêu gọi 4 môn đồ tiên khởi (cc.16-20). Mt lấy lại cách xếp đặt của Mc (Mt 4,12-22) và có tu bổ đôi chút, nhưng Lc thì bỏ hẳn thứ tư này. Việc liên kết hai đoạn văn, mà chắc hẳn do Mc, có rất nhiều ý nghĩa, như tiêu đề bài nghiên cứu đây đã thử gợi lên.

I. CHÚA GIÊSU VÀ TIN MỪNG (cc. 14-15)

Các Tin Mừng Nhất Lãm, cũng như sách Công vụ, đều chứa khá nhiều toát yếu!. Các bảng tóm tắt này, với đặc tính là có những kiểu nói tổng quát và nhiều động từ ở mệnh lệnh cách, đóng hai vai trò. Một đàng, chúng dùng làm chuyển tiếp trong toàn bộ cuốn Tin Mừng, làm mối dây liên kết nhiều nhóm đoạn văn khác nhau, khiến cho ta thấy được cơ cấu của tác phẩm. Đàng khác, các đoạn sáng tác tự do này giúp tác giả nói lên quan niệm thần học của mình, cùng lý do chọn lựa và xếp đặt các đoạn văn.

Như tính cách long trọng và trùng hợp với việc Chúa Giêsu bắt đầu đi vào đời công khai, toát yếu thứ nhất này của Mc mặc một tầm quan trọng đặc biệt. Có hai phần dệt nên nó: câu 14a cho những tọa độ không gian và thời gian, cc. 14b-15 làm thành "toát yếu" đúng nghĩa, mà mỗi chi tiết đều đáng đem tranh luận. Phải hiểu ra sao "Tin mừng của Thiên Chúa" như một thuộc cách khách thể (génitif objectif : có Thiên Chúa là đối tượng) hay như một thuộc cách chủ thể (génitif sub;ectif: đến từ Thiên Chúa)? Chữ "Tin mừng" và "Thời buổi đã mãn" có nghĩa là gì ? làm sao dịch "engiken": gần kề, sắp đến hay đã đến?

1.Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong lược đồ Nếu liên kết cc. 14-15 với những gì đi trước hay những gì đi sau, ta sẽ soi sáng được bản văn bằng hai cách:

a. thường thường người ta xem "bộ ba" Gioan tẩy giả, phép rửa, Cám dỗ là một nhập đề cho cuốn Tin mừng, và bản "tóm lược" là khởi điểm cho phần nói về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Toàn bộ đoạn văn hôm nay, nếu thế, sẽ làm hành trình thuật khai mạc sứ mệnh Chúa Giêsu với khởi điểm và lời rao giảng và việc kêu gọi bốn môn đồ. Thật thế, người ta có thể viện dẫn nhiều đoạn song song (đặc biệt 3,7-12.13; 6,6b.7-12) Trình bày cùng một cặp liên tục: hoạt động của Chúa Giêsu và sứ mệnh các môn đồ. Và lối nhìn này đặt nổi một điểm quan trọng trong Tin mừng Mc.

b. Một lối nhìn thứ hai - kém thông thường và có lẽ kém tự nhiên hơn nhưng có cái lợi là soi sáng được nhiều khía cạnh khác - hệ tại chỗ liên kết bản toát yếu với "bộ ba" nơi trên. Câu 16 bấy giờ trở thành một khởi điểm nơi quy hướng sự chú ý về "biển Galilê" như là nơi Chúa Giêsu hoạt động, như phần thứ nhất của Tin mừng vẫn nhắc lui nhắc tới (1,16. 2, 13; 3,7; 4, 1 ; 4,25; 5,21). Sự lưu ý này của Mc đối với biển Galilê không chỉ có tính cách thuần túy địa dư, nó mặc một ý nghĩa tôn giáo trong nhiều trình thuật: là biên giới giữ thế giới Do thái và lương dân, biển Galilê ngoài ra còn tượng trưng những mãnh lực của ác thần cần phải chiến thắng. Lại nữa, nếu liên kết cc. 14-15 với 1-13, ta sẽ làm nổi bật một toàn bộ rất- mạch lạc được đóng khung bằng chữ Tin mừng (c. 1 và 15), theo phương pháp bao hàm thoáng thấy, là phương pháp trước tiên trình bày Tin mừng một cách tổng quát rồi sau đó một cách "chi tiết" hẳn.

2. Cơ cấu bản văn Mc - So sánh với các Tin Mừng Nhất Lãm. Hai câu 14-15 trình bày khá long trọng những lời đầu tiên Chúa Giêsu thốt lên trong Tin Mừng Mc, và như vậy trở nên quan yếu. Trong Mt và Lc, Chúa Giêsu đã nói trước khi vào đời công khai, lúc đối thoại ba lần với quỹ (Mt 4,3-10; Lc

4,3-12; trình thuật Cám dỗ của Mc không có: 1,12-13); trước đấy, Mt 3, 14-15 đã ghi lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả trong cảnh Phép rửa. Chắc hẳn những lời đầu tiên này cũng có nhiều ý nghĩa trong thần học Mt và Lc. Ta có thể xem chúng như song song với Mc dưới khía cạnh này. Nhưng dĩ nhiên, câu song song đích thực phải là lời nói công khai đầu tiên của Chúa Giêsu theo ba Tin mừng Nhất lãm. Thế mà ở đây có nhiều ngạc nhiên đón chờ chúng ta. Nơi Mt, lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu chẳng có gì độc đáo ít nhất xét bên ngoài.

Trước hết ta hãy so sánh với Mt

Chúa Giêsu bắt đầu công bố:

Tin mừng của Thiên Chúa: Thời buổi đã mãn, và Nước Trời đã gần bên. Hãy hối cải và tin vào Tin mừng.

Kiểu nói Mt đặt trên môi Chúa Giêsu ngắn hơn và lạt lẽo hơn Mc nhiều. Người ta chỉ thấy có hai yếu tố chung nhưng đảo ngược: nước Thiên Chúa và sự hối cải. Cái nhân trung tâm này được Mc đóng khung bằng hai yếu tố bổ sung:

"Thời buổỉ đã mãn" và "Hãy tin vào Tin Mừng".

Tiếp đó chính trên trong Mt, lại còn chiết tính cách đọc đáo : câu ngắn với hai yếu tố đã được loan báo với cùng những hạn từ với Gioan Tẩy giả rồi, khiến một vấn đề được đặt ra (xem A. Dupre7, Le progamme de Jésus se lon Mt trong Assemblées du Seigueur 34, tr.9-18 và W. Trilling, Jean le 13aptiste trong Assemblées du Seigneur 6, tr. 19-25), nhưng nhờ đấy làm cho bản văn Mc, đặc biệt với tiếng "Tin mừng" trên môi Chúa Giêsu, được nổi bật.

Còn Lc, trong các câu song song (4.,14-15) thì nói Chúa Giêsu giảng dạy nhưng không ghi một lời nào của Người. Ngược lại, tiếp liền sau đấy, trong giai thoại hội đường Nadarét (4, 16-30) - một bản văn tuyệt vời của Lc Chúa Giêsu đọc đoạn thời danh Is 61 mà thánh sử cho như là một chương trình hành động và ông dùng động từ "rao giảng Tin Mừng" (chứ không dùng danh từ "Tin Mừng") trong ấy. Vậy là ta có mặt song song lý thú với bản văn Mc. Trong cả hai trường hợp, quang cảnh vĩ dại khai mạc đời công khai là một Tin Mừng.

Hãy trở lại bản văn Mc để nghiên cứu kỹ hơn Ta biết rằng nó được đặc trưng bởi chữ "Tin Mừng" lặp lại hai lần trong hai câu. Mc còn nhấn mạnh tầm quan trọng của bản văn qua cách sắp xếp nó : toàn thể tất yếu được đóng khung bởi hai công thức: "Người công bố Tin mừng của Thiên Chúa" và "hãy tin vào tin mừng". Chúng ta gặp lại ở đây phương thức bao hàm đã thấy ở cc. 1 và 15, nhưng một cách gọn lỏn hơn. Hai lần bao hàm này hẳn muốn nói một điều gì đó. Đúng vậy, hạn từ "Tin mừng", ba lần lặp lại, xuất hiện như tiếng chủ chốt vừa của bài tựa Mc (x. P.Ternant, Le ministère de Jean, commencement de l'evangile, trong Assemblées du Seigneur số 6, tr.41-53) ,vừa của toát yếu mở đầu. Nhưng xin ghi nhận rằng tiếng "Tin mừng của Chúa Giêsu-Kitô" đã trở thành "Tin mừng của Thiên Chúa". Đàng khác hãy lưu ý: nếu chữ "Tin mừng" đóng khung những lời đầu tiên của Chúa Giêsu, điều ấy có nghĩa là, để hiểu chúng, phải bắt đầu từ chữ Tin mừng. Dầu sao, bản văn ngụ ý có nối liên hệ chặt chẽ giữa "Tin mừng", và việc nhập cuộc long trọng của Chúa Giêsu, một việc nhập cuộc có ý nghĩa như là "Tin Mừng". Công bố "Tin mừng", mà Mc đã cho thấy là của Người, chính là vai trò chủ yếu của Chúa Giêsu. Hãy thử phân tích tất cả những điều đó.

3. Tin Mừng là gì ?

Thành thử với bài tựa của Mátcô, chúng ta đã có được ba từ ngữ "Tin mừng của Chúa Giêsu - Kitô", Tin mừng của Thiên Chúa và Tin Mừng, vắn tắt. Nhưng trong khi hai chữ đầu nằm trong chính bản văn thánh sử, thì chữ thứ ba được đặt trên miệng Chúa Giêsu. Thế mà 5 lần khác, và luôn luôn trong một lời của Chúa Giêsu, Mátcô dùng chữ "Tin mừng" một cách trong. Ta có thể xếp 5 lần sử dụng này thành hai loạt: một loạt khi nói về sứ mệnh nơi lương dân (13, 10, 14,9; 16. 15) (Xin lưu ý là người ta cũng gặp chữ Tin mừng dùng trổng trong một bối cảnh truyền giáo phổ quát và trong một kiểu nói giống hệt lạ lùng với Cl 1,23, nơi đoạn kết Mc 16,9-20 không phải của cùng tác giả) và một loạt khi nói về việc bắt bớ và sự từ bỏ của các môn đồ (8,35 và 10,29). Trong hai bản văn sau cùng này, cái làm tăng giá trị cho từ ngữ, chính là được đặt song song với Chúa Ciêsu: "Vì Ta và vì Tin mừng". Đấy như thể một sự đồng hóa. Tin mừng hầu như là một nhân vật.

Thế mà nơi Mt, người ta chỉ gặp từ ngữ ba lần (trong kiểu nói Tin mừng của Vương Quốc) và Lc thì chẳng sử dụng bao giờ cả. Thành thử đấy là một điểm quan trọng trong thần học của Mátcô, người hình như đã du nhập từ ngữ khi dịch Tin Mừng (điều này không động chạm gì đến vấn đề Chúa Giêsu đã sử dụng từ ngữ). Nhưng có thể ông đã nhận ý niệm từ Phaolô là người, trong các bức thư, đã sử dụng từ ngữ 60 lần cả thảy và với nhiều sắc thái khác nhau. Đặc biệt, người ta tìm thấy trong thư Phaolô, như trong bài tựa của Mc, chữ "Tin Mừng của Thiên Chúa", Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô! và nhất là 30 lần chữ Tin Mừng vắn tắt, không hạn định từ nào cả. Vẫn biết, từ ngữ chỉ việc loan báo một sứ điệp hạnh phúc hay chỉ nội dung của sứ điệp, nhưng hơn nữa, còn chỉ hoạt động truyền giáo của Phaolô nơi dân ngoại, chỉ giá trị tối thượng áp đặt cho ông và vượt quá ông (thay vì trích dẫn 20 hoặc 30 câu của Phaolô, thiết tưởng chỉ cần nêu lên những nơi là chữ Tin mừng được sử dụng một cách có ý nghĩa hạn hết 1Tx 2. 1Cr 9 ; Rm 1; 1-5. Pl 1 và 4). Và đặc biệt, đấy luôn luôn chỉ một thực tại sống, năng động, một biến cố đang diễn ra: sự xuất hiện của vinh quang (2Cr 4,4). Sự mặc khải đức công chính của Thiên Chúa đang hoạt động để cứu rỗi con người (Rm 1 , 16). Phaolô đã nói không phân biệt rằng Chúa Giêsu là "Con Thiên Chúa quyền năng do sự phục sinh (Rm 1 ,4) và Tin Mừng là "quyền năng của Thiên Chúa để cứu thoát" (Rm 1,16). Như Mátcô, ông đồng hóa dưới khía cạnh ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu với Tin mừng so sánh Mc 1,14-15 với Rm 1, 1 -5 và 16).

Khi Phaolô sử dụng như vậy, từ ngữ "Tin Mừng" có một ý nghĩa chính xác đối với các độc giả ông: có thể bảo nó là thành phần trong ngôn ngữ chính thức của ý thức hệ tôn thờ hoàng đế, trình bày hoàng đế như một vị thần phát ban ơn sủng. Việc sản sinh, nhất là việc đăng quang hay ngự giá của ông ta trong một thành ("quang lâm") khai mạc một thời đại mới đầy hạnh phúc, bình an, công lý với những ân huệ như đại xá đi kèm, và là nguồn vui tươi cho hết thảy. Tất cả những điều này được gọi là công bố ("kerugma") Tin mừng, do truyền lệnh sứ đảm trách.

Chắc rằng Phaolô biết rõ bối cảnh trên và ảnh hưởng có thể có do cách nói của ông. Nhưng, hơn cả nghi thức tôn thờ hoàng đế, nguồn gốc trực tiếp của tư tưởng ông là một quan niệm đông phương xa xưa mà các yếu tố được lịch sử Saun, Đavít và Salomon cung cấp ( 1Sm 31; 2Sm 1,4; 1V1) ; trong quan niệm này, Tin mừng có nghĩa là chiến thắng, giải phóng, đăng quang.

Chính từ Cựu Ước, và rõ rệt hơn từ sách An ủi Israel (Is 40-55) mà Phaolô mượn ý niệm "Tin mừng" của mình như ông đã cho thấy khi hai lần quy chiếu Is 52,7 (Rm 16. 15; Ep 6,1 5). Thế mà Isaia Đệ nhị dã tóm lại một cách rất mạch lạc tất cả những gì mà tiếng "Tin mừng" gợi lên trong thế giới thời đó (Căn ngữ Hy bá của Tin mừng là bsr. Xem Friedrich, Evangile trong Dictionnaire Théologique du Nouveau Testament, Laabor ét Fides, 1960. Isaia Đệ nhị hai lần dùng chữ Tin mừng ở hai đầu sách; phải nối kết hai đoạn này và dùng chúng mà giải thích cho nhau. Về 40,9-11, xem Couturier, Le héraut qui vient de Dieu, trong Assemblées du Seigneur số 6, tr.28-33.) để áp dụng vào một biến cố rõ rệt: cuộc giải phóng và sự trở về của những kẻ bị lưu đày nhờ chiến thắng của Cyrus trên Babylon và nhờ sắc lệnh cho phép tái xây dựng đền thờ. Sau cuộc lưu đày như cái chết ấy, việc trở về được xem như một cuộc phục sinh của Israel. Khi giải phóng dân Ngài, Giavê cho lương dân thấy quyền năng cứu độ, sự công chính, tình yêu của Ngài.

Chính tất cả những điều này được gợi lên qua bản văn nổi tiếng: "Đẹp thay trên các núi non chân kẻ mang Tin mừng, kẻ loan tráo bình an, kẻ loan báo hạnh phúc, kẻ loan báo ơn cứu độ kẻ nói cùng Sion: Ngài đã làm vua, Thiên Chúa người thờ" (Is 52,7) [Người ta gặp lại công thức "Thiên Chúa làm vua" như cái tin phải loan báo cùng lương dân trong Tv 96. Thánh vịnh này, lệ thuộc các chủ đề và ngữ vựng của Isaia Đệ nhị, làm thành nhóm Thánh vịnh nói về Vương quốc Giavê}. Thiên Chúa thiết lập vương quốc của Ngài khi tích cực can thiệp để cứu dân Ngài và tỏ mình cho họ. Thành thử Tin thắng là lời công bố cho chư dân việc đăng quang đó.

Đối với Phaolô cũng như đối với Mátcô, Tin mừng là một cuộc đăng quang làm vua, một triều đại đang bắt đầu (x. Rm 1,1-4). Nhưng nếu Phaolô đặt biến cố khai mạc vào lúc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, Mc lại đưa về trước, trong cuộc đời công khai của Người. Đối với Mc, Quyền năng của Đấng Phục sinh đã biểu lộ một cách kín đáo trong ngôn hành của Chúa Giêsu tại thế. Cái mà bản toát yếu khai mạc loan báo là: Tin mừng sắp phô bày trong các trình thuật tiếp theo: giáo huấn được ban với uy quyền, cuộc chiến với Satan, các phép lạ lừng lẫy và có lẽ trước hết là việc tuyển chọn các môn đồ. Từ đó, biến cố cứu rỗi khai mạc vương quốc Thiên Chúa Tin mừng của Thiên Chúa: Mc 1,14) chính là con người của Chúa Giêsu Tin mừng Chúa Giêsu-Kitô: Mc 1,1) đang hành động và rao giảng. Người là "hiện thân của Vương quốc" (Origène). Như Phaolô nói và Mátcô đã hiểu : Tin mừng Thiên Chúa chính là con của Ngài. Và Chúa Giêsu có thể bảo: "Nước Thiên Chúa đang ở đấy và chính Người đang ở đấy.

Sự song song giữa hai bản văn Phaolô (Rm 1,1-5; Rm 1,16-17) và Mc 1 , 14-15 nói lên một yếu tố khác nữa. Câu trả lời của con người trước biến cố cứu rỗi chỉ là một thái độ, thái độ tin. Hối cải chính là tin vào Tin mừng, nghĩa là đón nhận và dấn thân phục vụ Tin Mừng. Bản văn tiếp theo sẽ cho ta thấy phải làm sao. Về Tin mừng trong Mc, xin xem Delorme,

Aspects doctrinaux du second Evangile, trong De Jésus aux évanglies. Tradition ét réđaction dans les évangiles synoptiques do lgnace de la potterie và nhiều tác giả.

Gembloux-Paris, 1967, tr. 79-84).

II- CHÚA GIÊSU VÀ CÁC MÔN ĐỒ

Nơi Mc, bản tóm lược trình bày Chúa Giêsu và Tin Mừng đi ngay trước trình thuật kêu gọi bốn môn đồ Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan bên bờ biển Galilê. Mt cũng sắp xếp như vậy và đề ra cho ta một bạn văn gần nhất tương đương, trừ một vài tiểu dị có ý nghĩa. Nơi Lc thì lại khác : chẳng còn trình thuật gọi bốn môn đồ, nhưng là một toàn bộ văn chương rất độc đáo gồm ba yếu tố: Giáo huấn cho đám đông, mẻ cá kỳ diệu và ơn gọi đặc biệt của Phêrô.

Nhưng trước đấy Luca đã chèn giai thoại hội đường Nadarét với một vài cảnh chữa lành mà Mc bỏ lui đàng sau. Như đã nói, trình thuật gọi các môn đồ hẳn có từ nguyên thủy một cách độc lập. Thành thử trước tiên phải tự hỏi về ý nghĩa của nó trong truyền thống sơ khai, rồi về giá trị lịch sử của nó, sau cùng về vai trò Mátcô gán cho nó trong tác phẩm ông khi lấy lại truyền thống và khi đặt nó ở chỗ này.

1. Trình thuật kêu gọi trong truyền thống.

Nếu đọc không chăm chú, ta dễ có cảm tưởng đây là sự kiện lặt vặt mô tả y như thật. Nhưng nhìn kỹ bản văn, sẽ thấy là không giản đơn. Thực tế có hai trình thuật nhỏ, hơi tương tự nhau, có thể đọc tách rời, nhưng được liên kết nhờ có cùng thời gian, không gian và hoàn cảnh, khiến làm nên một toàn bộ rất thuần nhất.

a. Hai trình thuật song song.

Người ta có thể nói là hai trình thuật bởi vì chúng xem ra được xây dựng trên cùng một kiểu và nếu đọc liên tục, sẽ thấy chúng có tính cách lược đồ. Đặt chúng thành bản nhất lãm thì rõ ràng hơn hết; ngoài ra, để làm cho sự việc hiển nhiên hơn, có thể thêm trình thuật về ơn gọi Lêvi (2,14) vốn có cùng những đặc tính. Bản nhất lãm sau đây làm nổi bật những yếu tố thay đổi và những yếu tố bất biến (mặc dầu có thể được phát biểu khác nhau).

Phêrô-Anrê Giacôbê-Gioan Lêvi

1. Đang đi ngang qua dọc theo bờ biển (hơn một chút) Galilê.

2. Người thấy Simon và Anrê em ông. Đi xa hơn, Người thấy Gia-cô-bê và người em là Gioan.

3. Đang vá lưới chài dưới biển.

4. Người nói với họ: Hãy theo Ta và Ta sẽ cho các người làm ngư phủ bắt người.

5. Tức khắc, họ bỏ cha là Dêbêdê đang chài lưới (trên đò cùng những người làm công).

6. Họ đi theo Người Người

Ta dễ dàng nhận ra hai yếu tố không thay đổi: Chúa Giêsu đi ngang qua thấy một kẻ đang hành nghề gì đó; Người gọi ông, ông ta bỏ nghề và theo người. Như vậy, một cách nào đó, ta có một lược đồ bất biến trong ấy chỉ cần thêm tên của kẻ được gọi và lối sống của ông ta" (Van Iersel, La vocation de Lévi, trong De Jésus at-lx évangiles, tr.216-221. Người ta có thể so sánh lược đồ đi một thẻ căn cước hay một giấy chứng minh in tên, họ, nơi sinh, ngày sinh, trú quán, nghề nghiệp, đặc điểm riêng).

Thật ra, sự song dối không sít sao hoàn toàn. Nếu đọc cả ba trình thuật từ trái sang phải, người ta nhận thấy: từ cột này sang cột kia, có một yếu tố biến mất: việc xác định sứ mệnh, rồi chi tiết minh nhiên về sự từ bỏ nghề (người ta không bảo Lêvi bỏ sở thuế). Vì vậy trình thuật thứ ba sau cùng hơi khác với hai trình thuật đầu, và ta có thể tạm thời để nó qua một bên.

b) Một trình thuật thống nhất.

Cho dù chúng tuân theo một lược đồ đồng nhất và có thể được phân ra, ta vẫn phải nói rằng cả hai trình thuật đều được gắn liền với nhau chặt chẽ. Người ta còn có cảm tưởng chúng đã không được viết tách rời nhau. Chúng bổ túc nhau một cách tinh vi tài tình đến nỗi phát giữ cả hai mời được một cái nhìn đầy đủ về sự việc. tiếng "họ là ngư phủ!" chỉ được nói về Simon và Anrê, nhưng độc giả hiểu rằng Giacôbê và Gioan đều cùng làm một nghề đó. Mỗi trình thuật mô tả một phương diện của hoạt động ngư phủ (quăng chài, vá lưới) nhưng cả hai cung cấp một bức tranh đầy đủ về nghề nghiệp. Để biết cái mà bốn người cần bỏ, hầu như phải cộng những gì trình thuật nói: lưới, đò, cha; nói cách khác: nghề nghiệp và gia đình nhưng nhất là cc. 17.20 phải giải thích cho nhau. Lời hứa: "Ta sẽ biến các ngươi thành ngư phủ bắt người" chỉ nói cho Simon và Anrê, nhưng rõ ràng cũng liên hệ tới Giacôbê và Gioan: không cần phải xác định. Trực trần cách "Người gọi họ" (trình thuật hai) tránh lặp lại "Hãy theo Ta" (trình thuật nhất). Câu 20 giải thích lời kêu mời đi theo Chúa Giêsu: đây là một ơn gọi mà câu 17 đã xác định đối tượng rồi (một sứ mệnh). Tất cả đều báu vào nhau. Nói cách khác, các yếu tố xem ra chỉ là một chú thích bổ sung cho trình thuật nhất thật ra chi phối cả toàn bộ. Nhờ vậy, Mc 1,16-20 lộ hẳn tính cách độc đáo. Để thấu hiểu ý nghĩa của nó, cần phải đặt. các yếu tố khác biệt trong tương quan với nhau. Chẳng hạn chi tiết nghề nghiệp có lúc khiến ta trông thấy chỉ là một chi tiết thuộc tiểu sử. Nhưng tính cách cố định của trình thuật ngụ ý rằng đây là một loại văn thể, và mời ta nhìn thấy ở đó một điều khác. Vì đã mặc "hình thức" trong khẩu truyền của Giáo Hội sơ khai, một trình thuật như thế hẳn đã cảm hứng từ một khuôn mẫu mà nhiều người cho rằng là nằm trong trình thuật Kêu gọi Êlisa.

c. Một khuôn mẫu trong Cựu ước: ơn gọi của Êlisa.

"Êlia đi khỏi đó thì gặp Elisa, con của Shaphat, đang cày với 12 cặp bò ... Êlia ngang qua bên ông và vất tấm bào lên mình ông. Ông liền để bò lại, chạy theo Elia mà nói: "Xin cho phép con hôn từ tạ cha mẹ con, rồi con đi theo ngài". Elya mới bảo: "Đi về đi, nào ta đã làm gì ngươi đâu ông bỏ Elya lui về rồi bắt cặp bò tế sát. Ông dùng cày nấu nướng thịt bò đãi dân chúng. Đoạn đứng dậy đi theo Elya và hầu hạ ông" ( 1V 19,19-21).

Bản văn này có nhiều điểm tương đồng rõ rệt với đoạn Mc: truyền thống Tin mừng có thể đã cảm hứng từ đó. Nhưng đồng thời, có nhiều dị biệt tinh tế hơn cho thấy những chỗ tách xa vời trình thuật mẫu.

Ta hãy bắt đầu với những tương đồng. Trước hết, cả hai có cùng cơ cấu, hầu như cùng những từ ngữ : (Elia như Chúa Giêsu) đi ngang qua, gặp một người đang làm việc, mời gọi đi theo; bỏ nghề và cha, môn đồ mới bước theo Thầy. Điểm thứ năm được khai triển hơn trong trường hợp Elisa: việc phá hủy tất cả nhúng gì liên hệ với cuộc sống cũ và lời giã từ cha mẹ làm nổi bật sự dứt bỏ hoàn toàn với quá khứ. Thế mà yếu tố (sắp giúp tô đậm các dị biệt) này được một mình Lc tái sử dụng trong trình thuật về một ơn gọi hỏng (9,61-62) cuối một bộ ba mà Mt chỉ giữ có hai giai thoại đầu (8,18-22): người ta gặp lại lời xin giã từ cha mẹ và câu nói về cái cày" trong trình thuật đó. Thành thử hiển nhiên là trình thuật liên quan đến việc kêu gọi Elisa đã đóng một vai trò quan trọng, với ảnh hưởng trực tiếp nhưng trái ngược, trong việc kết cấu các trình thuật Tin mừng về ơn gọi, và những dị biệt còn quan trọng hơn các tương đồng nữa. Ta có thể nêu lên ba dị biệt chính:

Thứ nhất là lời giã từ cha mẹ. Câu đáp của Elia xem ra mơ hồ, song Do thái giáo đã giải thích như là một sự cho phép. Chúa Giêsu còn đòi hỏi hơn. Trong ba trình thuật về ơn gọi được Lc ghi lại (9,57-62), Người thẳng tay loại bỏ mọi sự chậm trễ, mọi cuộc điều đình. Trong trình thuật kêu gọi các ngư phủ, không đề cập gì đến một lời thỉnh cầu của các ông hay một lời giã từ cha mẹ. Trái lại, tất cả đều nằm trong chiều hướng một sự từ bỏ hoàn toàn. Phêrô và Anrê vất lưới ngay tức khắc"; Giacôbê và Gioan bỏ cha, trong lúc những kẻ làm công ở lại với ông.

Dị biệt thứ hai: Elia "gặp" Elisa hầu như tình cờ và mời Elisa theo với một cử chỉ, còn Chúa Giêsu thấy những kẻ người gọi bằng một cái nhìn nói lên một sự tuyển chọn trước; ngoài ra, Người còn phán một lời đầy uy lực ("Hãy theo Ta") biểu lộ quyền bính có một không hai của Người.

Sau cùng, Elisa theo Elya như một tôi tớ; còn bốn kẻ đầu tiên Chúa Giêsu gọi đi theo thì được Người loan báo là sắp giao cho một sứ mệnh. Các hạn từ sử dụng cho thấy họ chuyển nghề, nhưng thực ra là thay đổi hoàn toàn vì đi theo những con đường mới mẻ.

Được đưa vào trong một lược đồ thay đổi để có thể đón nhận nó, lời hứa làm cho bốn kẻ được gọi thành ngư phủ bắt người như vậy trở nên cái nhân trung tâm quanh đó bản văn được sắp xếp, và như thế bản văn trở thành một trình thuật ơn gọi nhắm đến một sứ mệnh. Việc so sánh với Cựu ước củng cố những kết luận của việc phân tích văn bản này. Và bây giờ chúng ta có đủ điều kiện để thu nhận ý nghĩa truyền thống gán cho bản văn.

d. Kêu gọi, trả lời và sai đi.

Như đã được thành hình trong giáo lý của Giáo hội sơ khai, từ một khuôn mẫu của Cựu tước, trình thuật này muốn làm nổi bật những điểm sau đây:

Sáng kiến của chúa Giêsu biểu lộ uy quyền tối cao và hiệu lực của lời Người. Không phải môn đồ tầm sư học đạo nhưng chính Chúa Giêsu là người khởi xướng. Như Giavê đã thấy Môisen và nhận diện Giêrêmia, Chúa Giêsu cũng thấy, cũng chọn và kêu gọi những kẻ người muốn (3,14).  Tiếp đến là câu trả lời của kẻ được gọi: vâng phục tuyệt đối lời Chúa Giêsu như các ngôn sứ; dứt bỏ hoàn toàn với hoàn cảnh trước đây: gia đình và nghề nghiệp; hiến thân trọn vẹn cho Đấng kêu gọi để sống với Người một cuộc sống mới. Chúa Giêsu kêu gọi để giao một sứ mạng cho kẻ theo Người. Đối với Giáo Hội sơ khai, trình thuật này đặt cơ sở cho quyền bính tông đồ của các môn đồ. Sứ mạng của họ không do họ, nhưng do một lời mời gọi và dựa trên sự kiện họ đã đi theo Chúa Giêsu.

2. Người môn đồ trong cuộc đời Chúa Giêsu.

Thành thử trình thuật này có một ý nghĩa thần học. Nhưng đâu là giá trị lịch sử của nó? Thật vậy, nó không thiếu những điều khó tin. Làm sao có thể đột ngột bỏ nghề nghiệp của mình để đi theo một kẻ xa lạ? Các Giáo phụ mấy thế kỷ đầu đã phải trả lời vấn nạn lương dân cho rằng các sứ đồ nhẹ dạ khinh suất hình như trước họ, các thánh sử sau Mc cũng cảm thấy sự khó khăn. Luca đã không đặt việc kêu gọi Phêrô ngay từ đầu: Chúa Giêsu rao giảng trong các hội đường Nadarét và Capharnaum; Người cũng làm nhiều phép lạ trong đó có việc chữa lành nhạc mẫu Phêrô. Ngoài ra thuyền của ông này sẽ còn được đề cập nhiều lần suốt cuộc đời công khai. Còn Tin mừng thứ tư thì cho ta một cái nhìn hoàn toàn khác sự việc: các môn đồ dừng lại - không chính xác là 4 như Mc 1 - gặp Chúa Giêsu lúc Gioan Tẩy giả còn sống; họ dần dần kêu gọi nhau tìm biết người; chính họ có sáng kiến (Ga 1,35-51). Lối trình bày này chắc hẳn phản ảnh thực tế hẳn. Tuy nhiên không phải vì thế mà tất cả trong Mc đều là dàn cảnh. Sáng tác của cộng đoàn, thiếu giá trị lịch sử. Trái lại, bên kia lối lược đồ hóa có mục đích thần học, trình thuật của ông giả thiết một cơ sở thực tế trong cuộc đời Chúa Giêsu, và soi sáng cho ta thấy tình trạng của môn đồ trong nếp sống công khai của Người .

a.Các môn đồ đã thực sống quanh Chúa Giêsu khi Người còn tại thế. Thành ngữ "theo", "theo sau" là ngôn ngữ diễn tả tương quan giữa một nhóm môn đồ với một giáo sĩ (Rabbi). Chắc hẳn, Chúa Giêsu đã được kẻ đương thời coi như một giáo sĩ có học trò bao quanh; nhiều đoạn Tin mừng cho thấy điều ấy, và chính tước hiệu Rabbi, được gán cho Người lắm lần, cũng xác nhận điều ấy nữa.

b. Tuy nhiên đám đông "đều lấy làm ngạc nhiên vì Người giảng dạy với uy quyền chứ không như các ký lục. Thành thử ở đây có cái gì hơn một giáo sĩ. Khía cạnh đoàn sủng nơi con người Chúa Giêsu, với khả năng lôi cuốn và hấp dẫn, giải thích đttợc sự gần bó vô điều kiện của những kẻ đi theo người vì Vương Quốc Thiên Chúa, hơn là mối liên hệ đơn sơ, vì ước mong phụng sự lề luật, giữa giáo sĩ-môn đồ.

c."Theo Chúa Giêsu, truyền lệnh sứ của Vương Quốc hơn là tiến sĩ của lề luật, không chỉ là thuộc về một nhóm song là "tham gia" vào một cuộc mạo hiểm đòi hỏi dấn thân trọn vẹn, hoàn toàn.

d. Một nét sau cùng của trình thuật giúp cho ta chắc chắn lui tận cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu là câu nói về "ngư phủ bắt người". Trong cách cấu tạo của nó, câu nói rất độc đáo không có song song trong văn chương giáo sĩ hay hy lạp người ta có thể xem như một lời đích thực của Chúa Giêsu Nhưng ý nghĩa nào tiềm ẩn dưới hình ảnh? Nếu là một lời hứa trao sứ mệnh, thì đấy là loại sứ mệnh gì? Vài kẻ thấy một ý nghĩa khá tiêu cực do việc so sánh người ta với cá bắt ra khỏi môi trường sống. {Hình ảnh có một tiền sứ dài. Người ta tìm thấy nó tại Sumel: đệ tam thiên niên kỷ, tại Mari đệ nhị thiên niên kỷ nơi một đoạn văn nói về chiến tranh trong đó lưới là dụng cụ chiến thắng địch thủ và là biểu tượng của việc thực thi công lý thần linh. Trong nhiều bản văn ngôn sứ, đặc biệt là Gr 16, 16; Hb 1,14-15, người ta gặp lại cùng những ý tưởng tương quan với việc Giavê phán xét Israel; trong dụ ngôn lưới cá (Mt 13,47-49), hình ảnh chỉ việc lọc lựa vào ngày thế mạt. Nếu ta bằng lòng với những cách dùng của các ngôn sứ, thì ý nghĩa hình ảnh sẽ là "quy tụ dân để xét xử "; thành thử như vậy phải đặt Lời Chúa Giêsu trong tương quan với việc loan báo vương quốc Thiên Chúa đang đến gần, một điều tương ứng với lời rao giảng đầu hết của Chúa Giêsu là với sứ mệnh tiên khởi của các môn dỗ giữa thế giới Do thái. Nhưng Mc hiểu sứ mệnh này ra sao?

3. Người Kitô hữu theo Mátcô.

Khi Mátcô viết Tin mừng thì các hoàn cảnh đã thay đổi: làm môn đồ của Chúa Giêsu không còn là bước đi theo Người trên các nẻo đường Palestin, nhưng là làm thành viên của cộng đoàn rộng lớn gồm bao tín hữu rải rác khắp thế giới. Thoát ra khỏi thế giới Do thái, Tin mừng đã được công bố khắp cả đế quốc Rôma. Sự khai mở và bành trướng này là kết quả của cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Kinh nghiệm duy nhất của các môn đồ, nền tảng sứ mệnh tông đồ của họ. Có thể soi chiếu hoàn cảnh mới, với điều kiện là lúc chuyển dịch đi: Mátcô đã làm điều này khi ông thu thập trình thuật gọi bốn ngư phủ và lát chú giải nó bằng cách đặt nó vào đầu đời sống công khai cùng cho thấy "theo Chúa Giêsu hôm nay nghĩa là gì.

a. Theo Chúa Giêsu: đi đến với lương dân, với cái chết.

Trình thuật về việc kêu gọi các sứ đồ trở thành lời kêu gọi ngỏ với mọi người hết thảy. Mátcô đã đặt trong bản văn của ông khá nhiều dấu chỉ mà ngay khi đọc lại, cho thấy có sự chuyển dịch nói trên: Trước hết, ông áp dụng cùng một lược đồ ơn gọi cho trình thuật kêu gọi Lêvi là người không thuộc nhóm Mười hai và không nhận sứ mạng đặc biệt nào hết Chúa Giêsu mời gọi Lêvi theo mình, rồi liền sau đấy dùng bữa với những người thu thuế cùng tội lỗi, và Mc xác định "vì họ có nhiều kẻ đi theo người". Chúa Giêsu tuyên bố Người "kêu gọi những kẻ tội lỗi" mà Lêvi kể như là thủ lãnh, trở nên môn đồ Người. Dĩ nhiên Mc nghĩ đến việc mở rộng khác tức là việc đi ra khỏi môi trường Do thái để đến với lương dân vào thời ông. Việc đi sang lương dân này, ông cũng diễn tả qua địa lý: trong mấy chương đầu của Tin mừng, Chúa Giêsu không ngừng kéo nhóm nhỏ của Người đi ra khỏi biên giới, vượt qua bên kia biển Galilê (1,38; 4,35; 5,1; 6,45; 7,32; 8,27) hay đến Tia và Siđon (3,8 và 7,24). Làm môn đồ, theo Chúa Giêsu thành ra từ đây là đi cùng Người đến với lương dân, một điều được thực hiện trong đời sống cộng đoàn sau khi Chúa sống lại.

Khi loại chi tiết từ bỏ của cải và nghề nghiệp trong trình thuật kêu gọi Lêvi, Mc còn muốn gợi cho chúng ta điều khác. Theo Chúa Giêsu từ đấy không bắt buộc phải chọn lối sống đã từng phải có ở Palestin, nhưng là chia sẻ vận mệnh của Người cách này hay cách khác. Nghĩa là gì? Người ta đã nhận thấy Mátcô chỉ sử dụng hai lần cho các sứ đồ động từ "để lại, từ bỏ": "họ bỏ lưới, bỏ cha" trong trình thuật ơn gọi và "bỏ người, họ chạy trốn hết" trong trình thuật vây bắt Chúa Giêsu (13,50). Chắc hẳn phải thấy ở đây một chủ ý. Thật là vô ích khi từ bỏ của cải để rồi cũng bỏ Chúa Giêsu trước cái chết hay chỉ "theo Người xa xa" ( 13,54). Từ cuộc tuyên tín ở Kaisaria và lần loan báo đầu tiên về khổ nạn, Mc dựa vào chủ đề "con đường, (8,27), chỉ đề đánh dấu cuộc trở về Giêrusalem (9,33; 10.32). Nhưng trên con đường này, mặc dầu di sau, các môn đồ vẫn không thích theo Chúa Giêsu tiến về cái chết, vẫn không muốn chấp nhận cuộc Khổ nạn. Trái lại người môn đồ đích thực, tức anh mù Bartimê, thì sau khi được xem thấy, đã theo Chúa Giêsu trên con đường này (10,52) nghĩa là từ đây theo Chúa Giêsu, chính là vác thập giá (8.34). Người ta có thể bảo rằng trình thuật 1,16-20 cô động không những một kinh nghiệm đích thực, nhưng cách nào đó còn là nói lên cuộc sống Kitô hũu: "họ đi theo Người". Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan chỉ theo Chúa Giêsu thật khi họ đã mang Tin mừng đến cho lương dân và đã hiến mạng sống vì Chúa Giêsu và vì Tin mừng" (8,35).

b. Vị trí của trình thuật: Chúa Giêsu không làm gì mà không với môn đồ.

Tại sao Mc đã đặt trình thuật này vào đầu đời sống công khai Chúa Giêsu, dù không đúng thực tế ? Bởi vì ông không muốn trình bày Chúa Giêsu một mình, ngoại từ lúc chịu Khổ nạn. Trong Tin Mừng Mc, tất cả hoạt động đầu tiên của Chúa Giêsu là quy tụ môn đồ ; và từ lúc đó, Mc cho thấy họ tham dự vào tất cả mọi biến cố của đời công khai (1 ,21 .28; 2, 15; 3,7; 5,37; 6,1;8,27...). Chúa Giêsu không thể làm gì mà không có các môn đồ. Điều này có hai ý nghĩa:

1/ Ngay từ lúc xuất hiện, Chúa Giêsu đã tạo lập một cộng đoàn, một gia đình (3,20-35) gồm những môn đồ "ở với Người để Người sai đi", theo kiểu nói tuyệt diệu ở 3,14.

2/ Họ là những kẻ kế tục sự nghiệp của Người, họ phải làm chứng cho các hoạt động của Người.

Qua lối trình bày này, Mc đã thành công trong việc đánh dấu sự liên tục giữa cuộc dời Chúa Giêsu và Giáo Hội, và bây giờ ta hiểu tại sao ông đã nhập đề cho bảng tóm lược lời rao giảng của Chúa Giêsu và việc tuyển chọn 4 môn đồ bằng chi tiết Gioan Tẩy Giả bị nộp" và gia đình Galilê. Chính dưới dấu hiệu của vị tiền hô "bị nộp" cho tử thần như chính người sẽ phải chịu về sau mà Chúa Giêsu khai mạc sứ mệnh Người và là tại Galilê, nơi mà ít lâu nữa Đấng Phục Sinh sẽ triệu tập các ngư phủ bắt người để sai đi khắp thế gian như lúc này người mới tạm sai phái. Thực ra, đây là chính Đấng Phục Sinh hiện ra đột ngột bên bờ biển và kêu gọi con người hợp tác với Tin mừng bằng lời quyền uy. Từ đây Galilê, chính là cả thế giới, và 4 người đầu tiên đã thành cộng đoàn đông đảo

những kẻ đi theo Chúa Giêsu.

Jean Brière, Assemblées du Seigneur 34, tr.32-45.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Nội dung sứ điệp Kitô giáo như được trình bày trong Mc 1, 14-15, là một Tin mừng, một sứ điệp khơi dậy niềm vui bùng vỡ. Vui, vì ta được cứu thoát như Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại cho ta, vui vì trong người tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ hiện cách sáng chói và dứt khoát. Do đó Nước Thiên Chúa đã bắt đầu hình thành trong Người ; qua cái chết và sống lại của Người, thực tại thần linh đó đã bắt đầu xâm nhập thế giới và từ đây ta có khả năng sống cái thực tại dưới quyền chỉ huy của Đấng Phục Sinh.

2. Và thái độ của ta đứng trước Tin mừng cứu rỗi đó là đáp trả bằng sự thống hối và tin yêu. Không thể nghe Tin mừng mà vẫn vô cảm: Lời Chúa là một năng lực, khơi dậy trong ta một quyết định có tính cách tích cực (tin-trở lại) hoặc từ chối (và ta bị luận phạt).

Nhờ tin, con người không chỉ chấp nhận là đúng sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, mà còn phải quyết định sống theo sứ điệp đó. Nhưng đức tin được liên kết với sự thống hối, như Mc 1,14-15 và gương cụ thể của dân thành Ninivê cho thấy. Quả thế, khi chấp nhận tin và làm lại cuộc đời theo con người Chúa Giêsu chết, và sống lại vì tội ta, dĩ nhiên là phải thay đổi cuộc sống cũ đầy tội lỗi.

Kẻ tin và ăn năn thống hối thì dược trở nên môn đồ của Chúa Giêsu, đi theo vết chân người, sống như Người và cùng với Người công bố Tin mừng cho kẻ khác. Do dó người môn đồ với gương sáng và lời nói của mình đã trở thành một chứng nhân cho Chúa Giêsu.

3. Niềm vui thống hối. Tin mừng Nước Thiên Chúa luôn luôn được liên kết với lời mời gọi thống hối. Và là một niềm vui, một tin mừng. Vì sự thống lối ở đây là một sự trở lại, chứ không phải là xét lương tâm, là một cuộc lễ chứ không phải là nỗi buồn vì đã phạm tội, là một lời tha thứ chứ không phải kết án. Thay vì nhắc lại các tội phạm, hãy hướng về Thiên Chúa và khám phá ra rằng ta còn tội lỗi chừng nào vì ta không biết đến tình yêu, niềm vui, ơn tha thứ.

4. "Quyết định theo Chúa của con không phải là một chữ ký, không phải chỉ là một lời tuyên thệ thôi, nhưng là một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống!' (Đường Hy Vọng số 69).

Chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác. Uất ức và chán nản? Chúa gọi con "Hãy theo Ta" hay "Hãy theo việc nọ, người kia" ? Để đó, Chúa sẽ liệu ! (ĐHV 76).

Noel Quession - Chú Giải

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

Mc 1,14-20


"Sau khi ông Gioan bị bắt giam..."

Nếu chỉ đọc phớt qua? ta không nhận ra nét đặc sắc và tầm quan trọng mà câu trên muốn diễn tả, để nắm vững cuộc đời của Đức Giêsu đang diễn tiến trong một "bối cảnh" hết sức bi thiết. Mác-cô không nói cho ta biết vì lý do nào nhà cầm quyền bắt giữ và tống giam Gioan Tẩy giả . Sau này, ông mới đề cập đến ( Mc 6,17-18). Thực ra, bất cứ người nào nhân danh Thiên Chúa mà nói, thường dễ gây phiền hà và bị người đời nghi kỵ . Đức Giêsu tiếp nối bước đường của "con người vừa bị bắt". Người đã có thể nhìn thấy trước những gì đang chờ đợi Người trong vài tháng tới : thái độ nghi kỵ, bách hại... rồi cái chết. Người sẽ cùng chịu một số phận như Gioan Tẩy giả, người anh em bà con của Người.

Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta đôi khi có dám chịu thiệt thòi đôi chút để can đảm giừ lập trường ngược với trào lưu không ? Có sống trọn vẹn theo lương tâm của mình. Có trở thành Kitô hữu tới mức độ sẵn sàng trả giá về tư cách đó. Đức Giêsu đã không sống trong những điều kiện dễ dàng. Phần chúng ta, là những người quyết tâm theo Chúa, chúng ta sẽ có thái độ nào đây ?

"Đức Giêsu đến miền Ga-li-lê..."

Chỉ trong vài dòng mà Máccô đã hai lần nhấn mạnh tới "Ga-li-lê" miền đất mà Đức Giêsu làm việc. Từ này không chỉ mang một ý nghĩa về địa lý. Đối với Máccô, xứ đó còn có một ý nghĩa thần học. Kinh thánh gọi vùng này là "Galilê của dân ngoại". (Is. 8.23, 1Mcb 5,15, Mt. 4,15). Thực vây, những cuộc xâm chiếm của người At-xy-ri và Ken-đê đã tạo nên một thứ dân pha trộn, và nhiều dân ngoại đến sống tự do. Kể từ thời ấy, những người Galilê, được mọi người nhận ra qua giọng nói ngoại lai của họ (Mt 26,73), thường bị những người Do Thái khác coi thường. Theo ý hướng đó, sự kiện Đức Giêsu đến Ga-li-lê là một biểu tượng, Galilê luôn đối nghịch lại Giêrusalem, nơi mà những nhà cầm quyền Do Thái chuyên chính ngày kia sẽ giết Đức Giêsu. Mỗi lần Mác-cô bàn đến Giêrusalem, đều đề cập đến một ý nghĩa thù nghịch với Đức Giêsu. Khi chọn đến rao giảng tại "Galilê của dân ngoại", Đức Giêsu thể hiện một công tác truyền giáo : Người tìm cách tiếp xúc. . .Và Máccô càng đề cao sự tuyển chọn trên, nên chính ông đã viết Tin mừng của mình tại Rôma, dưới tác động ảnh hưởng của Phêrô, dành cho những người ngoại giao trở lại. Ngược lại, thông thường chúng ta không tự đóng khung trong những môi trường Kitô giáo, không nghi ngại vì phải tiếp xúc với thế gian", không ưa sống cách biệt lập sao ? Đức Giêsu đã mạnh dạn bước vào thế gian để loan báo Tin mừng. . . tìm đến những nơi mà Người cồ thể gặp gỡ người ngoại quốc, những người không quen suy nghĩ như ta, những anh em dân ngoại. Xưa kia, đã có những thời kỳ "Văn minh Kitô giáo" huy hoàng, trong đó toàn bộ cơ cấu xã hội đều chịu ảnh hưởng của Giáo hội ( chính trị, giáo dục, công việc từ thiện, đời sống chung) ngày nay thì khác, trong hầu hết mọi quốc gia trên thế giới người Kitô hữu chỉ là "thiểu số", và Giáo hội không còn nắm vai trò lãnh đạo, để tự mình

có thể ghi ấn dấu tích của ý tưởng và lề luật của Tin Mừng vào đời sống trần tục như tước nữa. Những gì xảy ra khi một Kitô hữu phải sống tôn giáo của mình giữa một đa số những người không thuộc Kitô giáo ? Chắc chắn, Đức tin của họ sẽ không ngừng bị đe dọa. Nhưng đức tin đó cũng luôn được khích lệ để trở nên bền vững hơn. Xưa kia, có thể người ta trở thành Kitô hữu cách dễ dàng tự nhiên, không cần phải ước muốn, hiểu biết nhiều, cứ phó mặc theo môi trường…Ngày nay, ý thức được tình trạng sống như "người ngoại giáo" là như thế nào, nên cần phải "chọn lụa theo Đức Giêsu Kitô". Thay vì phiền trách vì tình trạng này, chúng ta nên coi mình được mời gọi sống tại đó. Nhờ thế chúng ta có dịp tiếp gàp để nhận ra "chương trình của Thiên Chúa, Đấng mong muốn cho Tin Mừng được loan báo cho hết mọi người". Dù vẫn có thể xảy ra, những người Kitô hữu không thể coi là "Kitô hữu cho chính mình", mà là Kitô hữu "cho kẻ khác nữa. Vai trò của Giáo hội không đuợc hưởng về chính mình, và Giáo hội được sai gửi đến với thế giới để thi hành sứ vụ. Nhờ Đức Giêsu, Giáo hội đang hiện diện tại "Galilê của dân ngoại". Lạy Chúa, xin lôi cuốn chúng con bước theo Chúa. Galilê là xứ truyền giáo. Việt Nam là xứ thừa sai. Toàn trái đất đều là vùng truyền giáo. Đó là sự tuyển chọn" của Đức Giêsu.

"Rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa".

Đây cũng là một câu nói mà chúng ta dễ đọc lướt qua. Mỗi Chúa nhật, chúng ta có dịp nghe công bố Tin Mừng. Để khám phá lại toàn bộ ý nghĩa của Tin Mừng, để cảm nhận được sự rung động tâm lý đó "bài giảng" của Đức Giêsu sắp lay tỉnh đám đông miền Galilê của dân ngoại, chắc hẳn chúng ta nên dịch là Tin Vui". Đức Giêsu công bố Tin Vui ! Đây cũng là từ có cơ sở nơi Kinh thánh. Nó mang một ý nghĩa vừa tôn giáo vừa nhân bản trong thời gian lưu đày ở Babylon, vào thế kỷ thứ VI : Một ngôn sứ (Is 40,9,52,7 - Tv. 96,2) đã loan báo "Tin vui" giải phóng, kết thúc thời gian tù đày cho những người bị lưu vong đã cam chịu biết bao đau khổ và đã mất tất cả: Đối với Máccô, từ Tin Mừng của Thiên Chúa" cũng ám chỉ sứ điệp Phục sinh. Và chính Galilê là nơi loan báo sứ điệp này. "Sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em" (Mc 14,28 -16,7). Tôn giáo của tôi có là niềm vui cho tôi không ? Đứng trước những người không tin ngày nay, tôi có cảm nhận đức tin của tôi như là một "tin vui" cần phải được loan báo cho họ không ? Đó là tin vui giải thoát, cứu độ phục sinh ! nhân loại bị cầm giữ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

"Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi".

Thiên Chúa hiển trị ! Người đến rồi ! Người đang bắt đầu hành động.

Lại là những từ có rất nhiều âm hưởng trong Kinh thánh. Các ngôn sứ đã loan báo "Vương quyền thực sự của Thiên Chúa trên dân của Người". (Mc 2,13 - Is 6,13, 43,14 - Gr 3,17, 8,19 - Ed 20,3...) Và các Thánh vịnh về "Nước Thiên Chúa" (Tv 47,93,96,99) đã ca ngợi trước sự can thiệp của Thiên Chúa- trên đây mang tính cách quyết hệt và giải phóng.

Ở đây Đức Giêsu loan báo, Người đến hoàn tất điều đó ."Chính nghĩa của Thiên Chúa" sẽ chiến thắng. Người nghèo khó, kẻ đói khát, những người than khóc hay bị chà đạp những kẻ tội lỗi và bệnh tật đều sẽ được giải thoát (Lc 4,16,30). Với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến và đang hành động.

"Thời kỳ đã mãn !". Chương trình hành động của Thiên Chúa bắt đầu. Thiên Chúa đến phủ đầy trên nhân loại sự hiện diện của Người. Bề ngoài, việc Thiên Chúa "gần cận", hay "Nước Thiên Chúa" còn bị che giấu, nhưng đúng ra Người đã hiện diện rồi.

"Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng".

Sự kiện Thiên Chúa sống gần cận, mỗi người trong chúng ta đều có thể tiếp nhận, bất cứ lúc nào. Nhưng tiếp nhận ra sao ? Bằng cách lật ngược trở lại, quay lại toàn bộ, hoán cải thực sự. Anh em hãy sám hối ! Hãy đổi đời ? Đó là một bài giảng vô cùng ngắn gọn : Chỉ gồm hai động từ tác động "sám hối" và "tin tưởng". Nhưng đó không phải là hai tác động khác nhau. Việc sám hối luôn luôn bao gồm "tin vào Tin mừng", "tin vào Đức Giêsu". Hai trình thuật ngắn về ơn gọi tiếp theo sẽ minh họa cách cụ thể cho tư tưởng trên.

"Đức Giêsu đang đi dọc theo Biển hồ Galilê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê đang quăng chài xuồng biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ : "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". Hai ông liền bỏ chài lưới mà đi theo Người".

Mác-cô không chủ tâm cống hiến cho ta một một tiểu sử đích thực. Như Tin Mừng của Thánh Gioan, ta mới biết Đức Giêsu đã gặo hai ông này ở bờ sông Gio-đan.

Nhưng Máccô muốn minh chứng lời kêu gọi "hoán cải" là mật lệnh truyền khẩn thiết biết bao ? Cần phải "bước theo" ngay. Đức Giêsu không phải là một Ráp-bi (ông Thầy) trẻ, như những kinh sư khác, luôn tập hợp các môn sinh để tranh luận, suy tự, đào sâu các ý tưởng, truyền dạy lý thuyết hay. Người không phải là ông Thầy dạy suy tư nhưng là ông Thầy dạy hành động. Người không đòi hỏi các môn đệ phải có đôi tai thính, phải có trí hiểu tốt, những cần có hơi sức để bước theo và cùng đi với Người, công cuộc truyền giảng Tin Mừng, sẽ không có giờ để ngơi nghỉ. Trình thuật của Thánh Mác-cô sẽ đầy đẫy những cuộc "hành trình" : Đức Giêsu là một ông Thầy lưu động. Và dấu chỉ cho thái độ "dấn thân" theo Đức Giêsu, đó là phải từ bỏ một điều nào đó ! Do đó, chính những

người chài lưới lại bị mắc vào lưới của Tin Mừng ! Họ bị chộp bắt. Họ sẽ không rời khỏi được nữa. Như thế, Giáo hội đã chuẩn bị hình thành.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê và người em là ông Gioan... đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi họ. Và họ bỏ cha mình ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người.

Ở đây ta lại gặp một hình ảnh tuyệt diệu và cụ thể, một "hình tượng" đầy những biểu tượng sống động. Trước hết, đức tin không dựa trên lý thuyết, trên những ý tưởng, nhưng trên một người ! Khi Đức Giêsu đòi hỏi "tin vào Tin Mừng" , thì cũng có nghĩa là phải "liên kết ' với Người bước theo Người".

Thật là ngược đời khi nghĩ rằng "Thiên Chua cần tới con người" ? Thế mà bốn con người đầu tiên sắp hợp tác trong công trình cứu chuộc vĩ đại của thiên Chúa, mà Đức Giêsu đang khởi sự : để mở rộng "Nước Thiên Chúa", cần phải có con người. Mỗi Kitô hữu cần nhận ra "'lời mời gọi" cho riêng mình, ơn gọi của lánh mình.

Nghề thuyền chài là một công việc vất vả: truyền giảng Tin mừng cũng là công tác cực nhọc. Làm nghề "đánh lưới người" không dễ dàng chút nào ! Chúng ta đừng có ảo tưởng. Người ta đâu có phải là cá mú ! Con người luôn có tự do. Để chu toàn sứ vụ, cần phải kiên nhẫn biết bao ! "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả (Lc. 5,5) - "Nhưng Thầy đã bảo, thì tôi xin thả lưới".

Vậy Đức Giêsu là ai để ta có thể lao mình vào một cuộc phiêu lưu như thế ?

Đức Giêsu là Đấng cứu độ chúng ta, là sự sống đời đời của ta.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

 

" Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng "


BÀI TIN MỪNG : Mc 1, 14 - 20


I . Ý CHÍNH

Bài Tin Mừng hôm nay có hai ý tưởng chính :

- Tóm tắt các điều Chúa Giêsu giảng dạy .

- Chúa gọi bốn tông đồ đầu tiên .

II . SUY NIỆM :

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu trở lại Galilê, và lần này diễn ra sau khi Gioan Tiền sứ bị bắt, còn lần thứ nhất Người trở về lúc dự tiệc cưới ở Cana .

A / Tóm tắt giáo lý :

1 / Rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa :

* Chúa Giêsu bỏ xứ Giuđêa vì ở đây không tiện cho việc rao giảng nhất là sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilê để rao giảng Tin Mừng vì nơi dây dân chúng dễ dàng chấp nhận Lời Chúa hơn, đàng khác Hêrôđê cũng ít biết đến Người, nên không có gì đáng ngại .

Tin Mừng nước Thiên Chúa : có nghĩa là Tin Mừng từ trời đem xuống là chính Đức Giêsu Kitô để ai tin thì được cứu rỗi, được vào nước Thiên Chúa .

2 / Thời giờ đã mãn :

Thời giờ Thiên Chúa dự liệu đời đời để nước Người trị đến thì nay đã đến . Thời giờ mong chờ Đấng Cứu Thế đã hết, vì Đấng Cứu Thế đã đến rồi .

* Nước Thiên Chúa đã gần đến : có nghĩa là ơn cứu rỗi, ơn thánh ban cho mỗi tâm hồn, tức là nước Chúa lập ở dưới đất là Giáo Hội, nơi mà Chúa ngự thì nay đã gần vì Người sắp bắt đầu rao giảng để dọn lòng cho con người thực hiện những điều kiện để được vào nước đó .

* Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng : đây là hai điều kiện để tham dự vào nước Thiên Chúa .

- Hối cải : là một thái độ cởi bỏ những chứng ngại là tội lỗi, để sẵn sàng đón nhận những chân lý phải tin .

- Tin : là tin vào Tin Mừng, tức là tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu .

Cần lưu ý :

Ăn năn thống hối là một thái độ cỏi bỏ một tâm trạng cũ, là quay về hoàn toàn với Thiên Chúa . Vì thế việc thống hối đây, không phải chỉ bỏ một số tội lỗi, hãy lo buồn vì hành vi quá khứ đáng tiếc nhưng là quay trở về hoàn toàn . Với thái độ quay trở về, thay đổi não trạng cũ xưa, con người mới đón nhận Tin Mừng từ Thiên Chúa ban cho .

B / Chúa gọi bốn tông đồ đầu tiên :

Chúa Giêsu gọi bốn tông đồ đầu tiên vào thời gian trước ngày rao giảng . Ở đây có hai nhóm anh em ruột được Chúa gọi làm tông đồ .

1 / " Người thấy Simon và em là An rê đang thả lưới " :

Sau khi được tiếp xúc với Chúa Giêsu ( Ga 1, 35 - 42 ) ở Giuđêa, các ông trở về Galilê và tiếp tục nghề cũ là đánh cá . Vì thế khi đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu trông thấy hai ông .

2 / " Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ..." :

Nhìn thấy hai ông, đây là cái nhìn thấu suốt hiểu rõ tận thâm sâu con người hai ông, nên Người đã khởi xướng trong việc mời gọi hai ông : " Hãy theo tất cả " .

* " Ta sẽ làm cho các ngươi ... chài lưới người " :

Theo Chúa có nghĩa là rập theo khuôn mẫu của Người . Người đi rao giảng Tin Mừng cứu rỗi muôn dân thì Người cũng muốn cho những người được gọi theo Chúa cũng lãnh sứ mạng rao giảng Tin Mừng như vậy, vì thế, Chúa gọi các ông và báo cho các ông về sứ mạng Chúa trao là đánh cá người trong sứ mạng tông đồ .

* " Lập tức các ông bỏ lưới theo Người " :

Nghe tiếng Chúa các ông đã bỏ tất cả mà theo Người . Lần gặp Chúa khi ở Giuđêa, các ông đã có lòng cảm phục, mến mộ và khát khao Chúa, nên khi được Chúa đích thân gọi, các ông sẵn sàng theo cách vui vẻ, dứt khoát, không do dự .

3 / " Người thấy Giacôbê và em là Gioan, con ông Giêbêđê " :

Giacôbê và Gioan là hai anh em thường cũng hay hợp tác với Simon và An rê ( Lc 15, 10 ) và sống không cách xa nhau là bao . Hai ông này vừa đánh cá song và đang vá lưới trong thuyền .

* Người liền gọi các ông : Chúa Giêsu cũng nhìn thấy Gioan là người trước đây đã gặp, Người đã thấu suốt nên Người liền gọi cả hai anh em đi theo Người như Người đã gọi hai anh em Simon .

4 / " Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ... và đi theo Người " :

Ở đây muốn nói nên ý nghĩa : theo Chúa là một sự hy sinh lớn lao vì phải từ bỏ mọi sự, bỏ của cải vật chất là chài lưới, bỏ cả tình cảm tự nhiên là gia đình, cha mẹ ... muốn theo Chúa thì phải bằng lòng từ bỏ tất cả .

III . ÁP DỤNG :

A . Theo ý nghĩa Tin Mừng :

* Bài Tin Mừng này muốn làm nổi bật về ý nghĩa của ơn gọi như sau :

+ Sáng kiến của Chúa Giêsu biểu lộ uy quyền tối cao và hiệu lực của lời Người, không phải môn đồ tầm sư học đạo, nhưng chính Chúa Giêsu là người khởi xướng, như Giavê đã thấy Môisen và nhận diện Giêrêmia . Chúa Giêsu cũng thấy, cũng chọn và kêu gọi những kẻ Người muốn .

+ Tiếp đến là câu trả lời của kẻ được gọi : vâng phục tuyệt đối Lời Chúa Giêsu như ngôn sứ, dứt bỏ hoàn toàn với hoàn cảnh là gia đình và nghề nghiệp, hiến thân trọn vẹn cho Đấng kêu gọi để sống với Người một đời sống mới .

+ Chúa Giêsu kêu gọi để trao một sứ mạng cho kẻ theo Người . Dựa vào ý nghĩa này chúng suy niệm về ơn kêu gọi của bản thân để xác tín và dấn thân sống theo Chúa .

* Điều kiện để được ơn cứu rỗi là hối cải và tin : chúng ta muốn được cứu rỗi, muốn đón nhận ơn Chúa hàng ngày, chúng phải có lòng sám hối bằng việc cởi bỏ những tội lỗi, thói hư nết xấu, và đồng thời tin tưởng vào Chúa bằng việc thực hiện những điều Chúa răn dạy và khuyên nhủ qua Lời Chúa mỗi ngày .

B . Áp dụng thực hành :

1 / Nhìn vào Chúa Giêsu :

+ Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa . Chúng ta rao giảng Tin Mừng bằng cách :

- Làm chứng về Chúa bằng cách sống theo đúng tinh thần của Chúa đã dạy, tạo nên sự biến đổi nơi tha nhân bằng chính sự biến đổi nơi bản thân mình .

- Gây niềm tin tưởng vào Thiên Chúa nơi tha nhân bằng cách chúng ta tin vào Chúa và sống như điều mình tin .

+ Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ theo Người :

- Muốn mời gọi tha nhân theo mình thì chính mình phải là gương sáng để thu hút tha nhân .

- Muốn sống hoà hợp với tha nhân thì phải biết chấp nhận tha nhân dù tha nhân là người thế nào đi nữa .

- Muốn thực sự ảnh hưởng tốt đến tha nhân thì phải gây niềm tin tưởng nơi tha nhân bằng đời sống gương mẫu .

2 / Nhìn vào các tông đồ theo Chúa :

+ Biết tin tưởng vào Chúa .

+ Biết dứt khoát từ bỏ mọi trở ngại .

+ Biết đón nhận và thi hành sứ mạng Chúa trao .

- Chúng ta muốn đáp theo tiếng Chúa gọi :

+ Phải tin tưởng vào Chúa bằng một tình mến chân thành .

+ Sẵn sàng từ bỏ mọi sự kể cả những gì gắn bó với cuộc sống như gia đình, nghề nghiệp cũng như chính bản thân .

+ Thi hành sứ mạng Chúa trao bằng cách chu toàn bổn phận hàng ngày theo đấng bậc của mình trong tinh thần thánh hoá bản thân để thánh hoá tha nhân và làm sáng danh Chúa .

- Các tông đồ đã lập tức theo Chúa :

+ Muốn theo Chúa phải tỏ ra : dứt khoát không do dự, mau lẹ ngay lập tức, ngay trong hiện tại chứ không chờ tương lai : Dấn thân : bước theo Chúa bằng cách thi hành đúng theo ý Chúa chỉ dạy mỗi ngày : qua tiếng lương tâm chân chính, sự hướng dẫn của chung gian là các Bề trên, các dấu chỉ của Chúa trong vũ trụ, trong các biến cố .



 

Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc - Bài Giảng Lễ

Chúa Nhật 3 thường niên

Đôi tay của Chúa

Gn 3,1-5 ; 1Cr 7,29 ; Mc 1,14


Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và sự tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng minh cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giêsu đã được dựng lên ở quãng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia.

Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được, vì các mảnh vỡ quá vụn nát. Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn của những người dân trong làng, mà còn thu hút nhiều khách du lịch đến vùng này để đọc tận mắt hàng chữ đầy ý nghĩa. Anh chị em có đoán được hàng chữ này không ? Đó là: 
"Chính bạn là đôi tay của Chúa".

Thưa anh chị em,

Thiên Chúa cần con người. Chúa Giêsu cần chúng ta như đôi tay nối dài của Ngài. Chúa Giêsu muốn dùng chúng ta như đôi tay để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Trước khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở vùng Galilê, chắc Ngài đã nghĩ đến việc chiêu mộ các môn đệ để tiếp tay với Ngài. Làm sao để mọi người biết rằng đã đến thời viên mãn, Nước Thiên Chúa đã gần kề ? Làm sao để mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng ? Chúa Giêsu biết rõ giới hạn của mình. Ngài cần những người cộng tác để làm tròn sứ mạng Chúa Cha trao. Ngài cần đến từng người chúng ta, một viên gạch nhỏ nhưng cần thiết cho cả tòa nhà. Chẳng có ai là thừa, chẳng có ai là vô dụng.

"Anh em hãy làm cho muôn dân thành môn đệ Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh. Ngài vẫn cần đến chúng ta ngày nào thế giới này còn một người chưa thành môn đệ của Ngài. Chính vì thế, Chúa Giêsu hôm nay vẫn ngỏ lời với từng người chúng ta. Ngài muốn tôi trở thành sự hiện diện của Ngài cho anh em tôi ở đây, hôm nay.

Ngày xưa, lúc đang đi dọc theo bờ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu đã thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc. Họ có đôi lần tiếp xúc với Ngài và chắc có lần đã được nghe Ngài giảng và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, kể từ sau lần được Gioan Tẩy Giả giới thiệu. Chúa Giêsu thấy họ đang làm việc hoặc đang quăng chài dưới biển để đánh cá hoặc đang ngồi trong thuyền với cha để vá lưới. Chúa Giêsu chắc đã đứng lâu nhìn những cảnh tượng đầy tình người này với cặp mắt yêu thương. Đẹp biết bao hình ảnh con người làm chung với nhau một việc. Họ có tinh thần tập thể và sau này họ sẽ còn làm việc chung với nhau trên chiếc thuyền lớn là Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã thấy Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy chúng ta. Trước khi kêu gọi chúng ta, Ngài đã ngắm nhìn chúng ta rất lâu. Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa, nhưng cũng phải nói thêm, hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy, được lọt vào ánh mắt của Ngài. Chúa Giêsu hôm nay đang thấy chúng ta. Chúng ta thế nào, Ngài thấy chúng ta thế ấy. Cái nhìn của Ngài không làm chúng ta bị tê liệt, vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người chúng ta, cả cái yếu đuối và tội lỗi của chúng ta nữa. Chúng ta không cần phải son phấn, phải ăn mặc đúng mốt thời trang để gợi sự chú ý của Ngài. Chính cái thô thiển mộc mạc của ta đã thu hút Ngài.

Chúa Giêsu hôm nay bắt gặp chúng ta lúc chúng ta đang làm một việc gì đó, đang mãi mê với một dự tính tốt đẹp. Ngài gặp chúng ta không phải chỉ trong lúc đọc kinh, dự lễ, nhưng ngay giữa chợ đời xô bồ, giữa cái lam lũ vất vả của đời thường, giữa cái bon chen vật lộn của cuộc sống. Cuộc gặp gõ thật bất ngờ. Có thể điều chúng ta phải dứt bỏ đầu tiên là công việc ta ưa thích và đang làm, là bầu khí gia đình ấm áp mà ta đang tận hưởng.

Anh chị em thân mến,

Ở đất nước chúng ta, ơn gọi thường được hiểu là ơn sống đời tu sĩ hay linh mục. Thật ra mọi kitô hữu đều là những người có ơn gọi, ơn gọi làm con Chúa. Sống trong bậc hôn nhân gia đình cũng là một ơn gọi. Ơn gọi làm vợ, làm chồng, ơn gọi làm cha, làm mẹ. Ơn gọi ấy thật là cao quí và nhiều khó khăn không kém ơn gọi tu sĩ, linh mục. Tin Mừng hôm nay dành cho mọi kitô hữu, dù sống ở bậc nào đi nữa. Tất cả chúng ta đều được gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu "Các anh hãy theo Tôi". Đây là lời mời gọi. Ơn gọi khởi đi từ một tiếng gọi của Thầy Giêsu. Chúa Giêsu mời gọi kitô hữu đi theo Ngài. Không phải chỉ là đi theo một lý tưởng hay theo một mục đích cao đẹp, mà là đi theo chính con người của Ngài. Ơn gọi kitô hữu là gắn bó với Chúa Giêsu, nhận Ngài là trung tâm và chóp đỉnh của đời mình.

"Tôi sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ luới người như lưới cá". Một cuộc biến đổi thực sự, từ lưới cá đến lưới người, từ ngư phủ thành tông đồ. Chỉ Chúa Giêsu mới làm được cuộc biến đổi đó. Khi được mời gọi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi gắn bó với con người. Bởi, con người là mối bận tâm chủ yếu của Chúa Giêsu. Theo Ngài là cùng chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại và đồng bào, đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ.

Thưa anh chị em,

"Chính bạn là đôi tay của Chúa". Chính chúng ta phải là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu. Sứ mạng cứu độ của Chúa là một sứ mạng thiêng liêng, nhưng sứ mạng ấy cần phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi giao phó sứ mạng đó cho Giáo Hội, qua các Tông Đồ, qua hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ và mỗi kitô hữu chúng ta. Nhờ những hoạt động bằng đôi tay cụ thể của chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền Tin Mừng Nước Trời, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

Là chi thể của Giáo Hội, Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, mỗi kitô hữu cũng là đôi tay rộng mở của Chúa Kitô, nhờ đó, Ngài không ngừng giải tỏa ánh sáng, trao tặng tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người.


Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng - Bài Giảng Lễ

Chúa Giêsu Khởi Đầu Sứ Vụ

Và Kêu gọi Các Mộn Đệ Đầu Tiên


Thiên Chúa yêu thương cứu độ nhân loại qua Người Con là Chúa Giêsu Kitô. Người là Tin Mừng phát xuất từ Chúa Cha, Người đến để mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người. Để đón nhận ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải tin và canh tân cuộc sống của mình theo ánh sáng Tin Mừng. Đồng thời, con người không chỉ được kêu gọi đón nhận Tin Mừng mà còn được tuyển chọn trở nên sứ giả Tin Mừng. Đó chính là sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật III này.

I. Khám Phá Sứ Điệp Tin Mừng
Bản văn Tin Mừng hôm nay có hai đoạn với hai văn thể khác nhau : Một toát yếu về lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu ( cc 14-15) và một trình thuật về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên ( cc16-20). Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu : "Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" có thể nói đây là toàn bộ hoạt động, mục đích cuộc đời Người giữa trần gian.

1. Tin Mừng của Chúa Giêsu : 'Tin mừng' là từ ngữ đặc trưng nhất trong bản văn này, được lập lại hai lần. Nhìn tổng thể bài tựa Tin Mừng của Mc, chúng ta thấy từ ngữ này được ông dùng khá tinh tế : ' Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô' (1,1), 'Tin Mừng của Thiên Chúa' ( 1, 14) và 'Hãy tin vào Tin Mừng'(1,15). Cách dùng của Mc đã giúp soi sáng hiểu ý nghĩa của từ ngữ này. Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa, là chính con người Chúa Giêsu Kitô đang hành động và rao giảng. Người là hiện thân của Thiên Chúa, của Nước Chúa ở giữa trần gian. Như Phaolô nói ( Rm 1, 1-5) và Marcô đã hiểu : Tin Mừng Thiên Chúa chính là Con của Ngài. Chính vì thế, Khi Chúa Giêsu nói : Vì ta và vì Tin Mừng, ( 8, 35; 10,29) như là một sự đồng hóa, Tin Mừng hầu như là một nhân vật, là chính Người. Kởi đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu loan ab1o Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, những qua cuộc đời, cụôc thương khó và phục sinh vinh hiển của Người thì Người chính là đối tượng của tin Mừng. Thái độ của con người trước Tin Mừng là thái độ của niềm tin. Hối cải chính là vì tin vào Tin Mừng, tin vào Chúa Giêsu, Đấng đến để cứu độ.

2. Chúa Giêsu và các Môn Đệ : Trình thuật Tin Mừng về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên này cho thấy những điểm mạc khải quan trọng về ơn gọi Tông đồ. Chính Chúa Giêsu là người kêu gọi các môn đệ. Người kêu gọi và chọn những ai Người muốn. Nhưng người được gọi đáp trả bằng thái độ sằn sàng từ bỏ tất cả để theo Chúa. Hiến thân trọn vẹn cho Chúa để sống một đời sống mới với một trách vụ mới, trở thành những kẻ chài lưới người, nghĩa là đi chinh phục người ta về với Chúa.

II. Chiêm Ngắm Chúa Giêsu : Bản văn Tin Mừng này giới thiệu cho mọi người chân dung Chúa Giêsu, Đấng là Tin Mừng của Thiên Chúa Cha gửi tới cho trần gian. Người là Tin Mừng vì mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Người là Tin Mừng vì mang lại cho nhân loại tình yêu và sự sống. Người là Tin Mừng vì đưa Nước Thiên Chúa đến với trần gian. Nhạn ra Chúa Giêsu là Tin Mừng của Thiên Chúa, mọi Kitô hữu can đảm dấn thân theo Người, đưa Người đến cho anh chị em chung quanh.

III. Gợi ý bài Giảng

1.Sám hối, tin vào Tin Mừng và theo Chúa Giêsu, đường đời của Kitô hữu : Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ của mình bằng lời kêu gọi thống hối và tin vào Tin Mừng. Người đến trần gian theo ý định yêu thương cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha. Người thực hiện công trình này bằng chính cuộc đời, bằng cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của mình. Nhờ Người nhân loại được giải thoát khỏi kiếp nô lệ cho tội tỗi, ma quỉ và sự chết, được đi vào vinh quang Thiên Chúa, được chung hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa. Những ai muốn đón nhận ơn cứu độ của Người cần phải đáp trả lời kêu gọi của Người bằng thái độ thống hối và tin yêu. Không ai có thể vô cảm trước Tin Mừng. Tin Mừng có một mãnh lực, một khả năng khơi dậy một quyết định biến đổi cuộc đời nên tốt hơn. Bên cạnh đó, một khi đã tin thì phải dấn thân theo điều mình tin, nghĩa là khi chấp nhận sứ điệp tin Mừng thì phải thực thi sứ điệp ấy. Do đó, tin thì thống hối, càng thống hối hoán cải cuộc đời càng chứng tỏ niềm tin sâu xa mạnh mẽ. Ai tin và sám hối sẽ trở nên mộn đệ của Chúa, để đến lượt mình lại lên đường loan báo Tin Mừng cho tha nhân. Tin theo Chúa Giêsu, hoán cải cuộc đời nên giống Người và trở nên môn đệ Người rồi cùng với Người lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ, đó là cả một đời Kitô hữu.

2.Thiên Chúa cần đến con người : Tin Mừng thuật lại những ngay ngày đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ đầu tiên và với lời hứa : sẽ làm cho các ông trở thành những ngư phủ chài lưới người, cho thấy, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người. Thiên Chúa hành động nhưng không thể thiếu vắng sự cộng tác của con nguời. Chúa Giêsu đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước ấy không thể nào chỉ có mình Thiên Chúa, cũng không thể nào chỉ dành cho những con người ưu tuyển. Nước Thiên Chúa được dành cho mọi người, Nước ấy được khởi sự hình thành từ nhóm người nhỏ bé là các môn đệ đầu tiên. Trình thuật Tin Mừng kêu gọi những môn đệ đầu tiên trở thành lời mời gọi ngỏ với tất cả mọi nguời. Thiên Chúa cần đến tất cả mọi người, cần đến bàn tay, đôi chân và khối óc cũng như con tim của tất cả để xây dựng Nước Thiên Chúa, để trao ban Tin Mừng cứu độ của Người cho muôn dân.

IV. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến. Thiên Chúa yêu thương cứu độ và mời gọi chúng ta hoán cải, tin vào Tin Mừng, đồng thời, cũng yêu thương tuyển chọn và sai chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng đưa mọi người về với Chúa. Trong niềm tri ân cảm tạ Chúa chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

Chúa Giêsu là Tin Mừng của Thiên Chúa ban cho trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh ngày càng phát triển nhờ đó sứ điệp Tin Mừng được công bố trên khắp hoàn cầu và ngày càng có nhiều người tin theo Chúa.

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho đồng bào trên quê hương đất nước chúng ta được nghe sứ điệp Tin Mừng, biết thực tâm mở lòng đón nhận Tin Mừng và xin cho những gía trị Tin Mừng được mọi người nhìn nhận, yêu mến và thực thi.

"Hãy theo ta. Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người". Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nỗ lực theo Chúa loan báo Tin Mừng cho anh chị em chung quanh bằng đời sống gương sáng của mình để chinh phục được nhiều người về với Chúa.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót. Chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương ban tặng Chúa Giêsu đến cứu dộ chúng con. Xin giúp sức cho mọi người chúng con luôn biết thành kính đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Người, thành thực sám hối canh tân cuộc sống và thành tâm loan truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người chung quanh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Hành Trang Mục Vụ Khóa X.